Thoái vốn đầu tư ngoài ngành: được phép bán cắt lỗ

LÊ THANH 16/12/2013 23:12 GMT+7

TTCT - Lộ trình các doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2012. Theo đó, đến năm 2015 các tập đoàn, tổng công ty phải hoàn tất việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Nhưng ngay Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận đa số tập đoàn, tổng công ty thực hiện thiếu quyết liệt và chậm trễ.

Ngành điện lực vẫn kêu lỗ nhưng đã đầu tư ngoài ngành khá lớn và đến nay vẫn chưa thoái hết vốn tại ngân hàng...- Ảnh: N.C.T

Lý do chính là sợ trách nhiệm, bởi thoái vốn thì thua lỗ gần như chắc chắn khi đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán...

Đầu tư 21.800 tỉ đồng, mới thoái gần 20%

Cho đến đầu tháng 12, thông tin về số vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước mới được hé lộ. Theo ông Lê Hoàng Hải - phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), tính đến thời điểm cuối tháng 9 tổng số vốn đầu tư ngoài ngành gần 21.800 tỉ đồng, nhưng số vốn đã được thoái trong hai năm qua chưa đạt 20%, tương ứng với 4.164 tỉ đồng.

Ông Phạm Đình Hòa (Kiểm toán Nhà nước) nói: “Để giúp Quốc hội giám sát quá trình tái cơ cấu của các doanh nghiệp nhà nước, từ năm 2014-2017 Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung kiểm toán thực trạng tài chính của các tập đoàn, tổng công ty, nhất là quá trình thoái vốn... Kết quả của quá trình kiểm toán sẽ được Kiểm toán Nhà nước báo cáo trước Quốc hội”.

Trong số vốn gọi là thoái được đó có 3.894 tỉ đồng chuyển đổi sở hữu từ công ty mẹ sang công ty con và doanh nghiệp khác.

Trong một hội thảo gần đây, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận việc thoái vốn ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước nói chung và các doanh nghiệp ngành công thương vẫn diễn ra chậm chạp. Bên cạnh nguyên nhân kinh tế chưa thật sự thuận lợi là tâm lý lo ngại, chần chừ, sợ trách nhiệm làm thất thoát vốn nhà nước đang đè nặng lên các lãnh đạo doanh nghiệp.

Kết quả điều tra tại 200 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất VN vừa được Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố cho thấy nhiều công ty trong số này đã đầu tư ngoài ngành và thiếu tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Đơn cử như Tập đoàn Điện lực VN đã đầu tư cả viễn thông, ngân hàng… trong khi nhiệm vụ kinh doanh chính là điện thì thua lỗ cả chục ngàn tỉ đồng.

PGS-TS Nguyễn Đình Hòa, phó giám đốc Trung tâm Khoa học và bồi dưỡng cán bộ kiểm toán nhà nước, cho rằng đáng lo ngại là số tiền này đã được đầu tư vào các lĩnh vực có độ rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm... Chỉ riêng chuyện thị trường bất động sản và chứng khoán tụt dốc vài năm gần đây, không khó để nhận ra hàng nghìn tỉ đồng từ các khoản đầu tư này đã bốc hơi như thế nào.

Cho cắt lỗ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành khó có thể thực hiện đúng theo lộ trình mà Chính phủ đã phê duyệt. Yêu cầu của cơ quan nhà nước đặt ra là thoái mà không mất vốn cho thấy rất mâu thuẫn với thực tế thị trường. Vì nhìn trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của ngành ngân hàng vài năm trước được xếp vào hàng các cổ phiếu vua nhưng giờ đây đã bị mất vị thế này.

Hay ba năm trước doanh nghiệp nào cũng ào ào đầu tư vào nhà đất, nhưng hai năm trở lại đây thị trường bất động sản đóng băng, việc bán lỗ cầm chắc trong tay.

Ông Nguyễn Đình Hòa đồng tình nếu đặt mục tiêu đảm bảo an toàn nguồn vốn nhà nước lúc này sẽ rất khó giải bài toán đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước. Chính vì vậy, trong nghị định 71 ban hành tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã trao quyền cho chủ sở hữu là các bộ ngành chủ quản quyết định có thoái vốn hay không trong trường hợp thua lỗ.

“Thực chất Chính phủ chấp nhận cắt lỗ với các khoản đầu tư ngoài ngành của một số doanh nghiệp nhà nước. Nhưng vấn đề đặt ra là các bộ ngành chủ quản sẽ căn cứ vào đâu để quyết định có thoái vốn hay không, cắt lỗ hay không cắt lỗ? Tuy nhiên, biết chấp nhận lời, lỗ đúng lúc cũng là một cách hành xử thông minh của người kinh doanh. Bởi thoái vốn đầu tư ngoài ngành càng để lâu càng khó xử lý” - ông này đặt vấn đề.

Để đẩy mạnh tiến trình thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước, ông Ðặng Quyết Tiến, phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, cho biết Bộ Tài chính đang đề nghị Chính phủ ban hành nghị quyết về một số giải pháp đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh công tác cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Trong đó đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy việc thoái vốn. Cụ thể, căn cứ phương án sắp xếp, cổ phần hóa và đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015 đã được phê duyệt, các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tiến độ thoái vốn trình cơ quan chủ sở hữu trực tiếp phê duyệt.

“Trường hợp không thực hiện được tiến độ thoái vốn theo kế hoạch đã được chủ sở hữu phê duyệt thì hội đồng thành viên các tập đoàn, tổng công ty; hội đồng thành viên/chủ tịch hội đồng quản trị các doanh nghiệp nhà nước và ban lãnh đạo doanh nghiệp được xác định là không hoàn thành nhiệm vụ. Khi đó họ sẽ bị chủ sở hữu xem xét, xử lý theo quy định” - ông Tiến nhấn mạnh.

Ngoài các giải pháp chuyển nhượng vốn đầu tư, ông Tiến cũng cho biết các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước còn được thực hiện các giải pháp như thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính dưới mệnh giá, sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư tài chính theo quy định trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, chấp thuận.

Đây được xem là giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các tập đoàn, tổng công ty. Ðồng thời, việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tại các công ty cổ phần chưa niêm yết có giá trị (tính theo mệnh giá) từ 10 tỉ đồng trở lên không nhất thiết phải thực hiện đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán. Doanh nghiệp được phép lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian bán đấu giá, hoặc tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp.

Mặt khác, Bộ Tài chính cũng đề xuất Chính phủ giao cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) xem xét, mua lại các khoản đầu tư vào các lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước, sau khi các đơn vị này đã thực hiện các biện pháp nêu trên mà thoái vốn không thành công.

Năm 2015 phải chấm dứt đầu tư ngoài ngành

Chấm dứt tình trạng đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính trước năm 2015. Đối với các lĩnh vực: ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện theo các hướng sau:

* Bán phần vốn của công ty mẹ - tập đoàn/tổng công ty nhà nước cho tổ chức, cá nhân ngoài tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, không bán hoặc chuyển giao lại cho các đơn vị thành viên trong nội bộ.

* Chuyển vốn về những tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính phù hợp, thông qua các hình thức chuyển giao vốn hoặc chuyển nhượng vốn.

* Chuyển toàn bộ doanh nghiệp do tập đoàn, tổng công ty giữ 100% vốn sang tập đoàn, tổng công ty có ngành nghề kinh doanh cùng với ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp chuyển giao. Thực hiện dưới hình thức chuyển nhượng doanh nghiệp hoặc chuyển giao nguyên trạng.

* Kiên quyết sắp xếp, cơ cấu lại hoặc giải thể, phá sản những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán nợ đến hạn theo quy định.

(Trích quyết định phê duyệt đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015” được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17-7-2012)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận