Thù riêng, 250 triệu đô, và việc nước

TUẤN SƠN 07/04/2021 02:10 GMT+7

Chiến dịch xét nghiệm COVID-19 thần tốc của Mỹ suýt nữa đã không thể thành công như dự kiến vì nguồn cung que lấy mẫu lại phụ thuộc vào hai anh em họ có mối thù không đội trời chung, dù đang cùng sở hữu một doanh nghiệp lớn.

 
 Một lần xuất hiện chung hiếm hoi của Cartwright (trái) và Templet vào tháng 10-2020, khi công bố kế hoạch tăng sản lượng của hãng. Ảnh: Getty Images

Đó là một bữa tối thứ bảy khi Timothy Templet, đồng sở hữu Công ty dụng cụ y khoa Puritan Medical Products Co ở bang Maine, thấy một số điện thoại lạ mang đầu số thủ đô Washington DC hiện lên trên điện thoại ông. Cả Templet và người đợi ông nhấc máy ở đầu dây bên kia đều không hình dung được cuộc trò chuyện giữa họ sẽ đặt nền móng cho chiến dịch xét nghiệm COVID-19 khổng lồ của nước Mỹ trong nhiều tháng tiếp theo, Bloomberg viết trong bài phóng sự xuất bản hôm 18-3.

Cách đây đúng một năm, Mỹ bắt đầu tính chuyện tăng năng lực xét nghiệm COVID-19, và một trong các thách thức lớn nhất là có được nguồn cung que lấy mẫu đủ lớn. Thoạt nhìn cứ nghĩ đây chỉ là một dụng cụ y khoa đơn giản, nhưng dụng cụ dài hơn 15cm này phải được thiết kế với phần thân đủ mềm mại để thọc sâu vào mũi chạm đến nơi virus sinh sôi, còn phần “bông” ở đầu (thực chất làm bằng mút hoặc polyester) đạt quy chuẩn khắt khe để không làm ô nhiễm mẫu xét nghiệm.

Ở thời điểm tháng 3-2020, Mỹ chỉ còn đủ que lấy mẫu cho khoảng 8.000 xét nghiệm/ngày, như muối bỏ bể so với mục tiêu nâng năng lực xét nghiệm lên hàng triệu lượt/ngày, và chỉ có 2 công ty trên thế giới sản xuất que lấy mẫu đạt chuẩn mà Mỹ mong muốn: Copan Diagnostics Inc. ở miền bắc nước Ý, khi đó cũng đang bị tàn phá bởi COVID-19, và Puritan.

Đô đốc Brett Giroir, thứ trưởng phụ trách y tế của Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh khi đó, gửi ngay vài chiếc máy bay “ngựa thồ” C-17 đến Ý bốc đơn hàng nửa triệu que lấy mẫu do Copan sản xuất trước khi Ý đóng cửa biên giới. Rồi ông nhấc điện thoại cho Timothy Templet, đặt vấn đề cung ứng que lấy mẫu số lượng lớn cho chính phủ.

Sau một đêm suy nghĩ, Templet cho Giroir câu trả lời mà vị thứ trưởng muốn nghe nhất: Puritan đủ năng lực cung ứng lượng hàng khổng lồ mà nước Mỹ cần. Chỉ có một trở ngại lớn nhất, ngoài tiền: người đồng sở hữu còn lại của công ty là gã anh họ không đội trời chung của ông, John Cartwright.

Puritan tiền thân là một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm từ gỗ như tăm xỉa răng, que kem, xiên que…, do Lloyd Cartwright sáng lập năm 1919. Đến năm 1950, hai con trai ông là Joe và Edgar Cartwright cùng với người con rể Don Templet tiếp quản công việc kinh doanh và bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực sản xuất dụng cụ y khoa dùng một lần từ những năm 1960.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, Puritan ngày nay tự nhận là “chuyên gia tăm bông” với hơn 65 sản phẩm dùng cho nhiều mục đích khác nhau như vệ sinh thiết bị điện tử, thu thập mẫu máu trong khám nghiệm hiện trường, và lấy mẫu xét nghiệm y khoa.

Lục đục bắt đầu nảy sinh khi thế hệ lãnh đạo thứ 3 - Timothy Templet và John Cartwright - lên nắm quyền điều hành công ty từ năm 2005. Nhân viên không còn cảm nhận được không khí một đại gia đình, và 2 ông chủ mới gần như không bao giờ xuất hiện cùng nhau.

Templet tỏ ra đặc biệt hứng thú với các sản phẩm y khoa, còn Cartwright trung thành với dòng sản phẩm gỗ truyền thống của gia đình. Templet được mô tả là người xởi lởi, dễ gần, trong khi Cartwright mang phong cách nhà lãnh đạo tôn thờ nguyên tắc. Họ hàng thường so sánh Cartwright và Templet như rùa và thỏ: người tiến chậm mà chắc, người chạy nhanh nhưng nhiều khi quên mất mình muốn đi đâu.

Kịch tính ở chỗ, chỉ 3 tuần trước cuộc gọi của Giroir, Templet đã đệ đơn kiện lên tòa án địa phương đòi hủy bỏ quyền đồng sở hữu Puritan vì “những bất đồng lớn, lâu dài và không thể hòa giải” giữa 2 người.

Khi Giroir nghe về vụ kiện, ông biết nếu Cartwright và Templet không dẹp qua một bên hiềm khích giữa họ, Chính phủ Mỹ sẽ buộc phải mua lại Puritan dù với giá cao để đảm bảo không có bất ổn trong hoạt động sản xuất mang tính sống còn đối với nước Mỹ.

Cuối cùng, Washington chọn cách rót 250 triệu USD vào Puritan để tăng sản lượng lên gấp 10 lần với hi vọng giúp công ty hoạt động ổn định, ít nhất là đến khi đại dịch đi qua. Một thành viên gia đình tiết lộ với Bloomberg Templet và Cartwright từ đó đến nay đã phải “cắn răng chịu đựng” nhau vì không muốn lãng phí món đầu tư béo bở, và đã chịu ngồi lại nói chuyện với nhau khi không còn lựa chọn nào khác.

Với khoản đầu tư khổng lồ, Puritan đã cung ứng đến 90% trong số 195 triệu que lấy mẫu mà chính quyền Trump mua tính đến tháng 1-2021, theo Giroir.

Việc nước đã xong, nhưng thù riêng vẫn còn. Suốt trong một năm qua, Cartwright và Templet vẫn tiếp tục hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại, và vụ kiện thì hãy còn dang dở. “Hai bên đã có thể dẹp bỏ những khác biệt, ít nhất là tạm thời, để đạt sự đồng thuận về một thỏa thuận đặc biệt và có lẽ là hấp dẫn” - một thẩm phán thụ lý vụ kiện cho biết.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận