Thú săn lùng "một mảnh lịch sử" của những công ty tan vỡ

XUÂN TÙNG 16/04/2023 03:38 GMT+7

TTCT - Ngay sau khi một ngân hàng lớn sụp đổ, một công ty danh tiếng phá sản, một thương hiệu rực rỡ lụi tắt, đồng phục, vật dụng, hay bất cứ thứ gì liên quan đến những tên tuổi đã thành quá khứ đó lại trở thành món hàng được săn lùng.

Bộ bình nước SVB phát cho nhân viên năm 2021, có giá 280 USD trên eBay.

Bộ bình nước SVB phát cho nhân viên năm 2021, có giá 280 USD trên eBay.

"Bạn có thể sở hữu một mảnh của lịch sử ngành ngân hàng" - một người bán trên eBay ghi kèm tin đấu giá bình giữ nhiệt có logo Sillicon Valley Bank (SVB). Đây là một lý do phổ biến, nhưng không phải là duy nhất, để tìm mua các món lưu niệm có in nhận diện công ty tiếng tăm vừa sụp đổ.

Có logo là có tiền

Cũng như cách mà khách hàng đổ xô đi rút tiền khỏi SVB dẫn đến vụ sụp đổ ngân hàng nghiêm trọng thứ hai trong lịch sử Mỹ hồi tháng 3, cuộc săn lùng mũ, áo, văn phòng phẩm có logo SVB cũng sôi động không kém. "Mốt" bây giờ là diện hoặc xài đồ có chữ SVB.

Những người đang sở hữu mũ, áo, văn phòng phẩm có logo SVB - phần lớn được nhận miễn phí từ các sự kiện hội thảo - đang mang những món hàng này đấu giá trên mạng với mức giá từ vài chục đến hàng trăm đô la. Trên eBay, một người đăng bán chiếc hộp carton có logo SVB mà anh này nhận được khi bắt đầu vào làm ở SVB, kèm lời rao thống thiết: "Cần trả tiền nhà tháng này, làm ơn".

Trên Poshmark, một chiếc áo len có logo SVB đang được đăng bán với mức 35 đô la. Các mặt hàng "cao cấp" hơn bao gồm bộ thớt gỗ bày phô mai trong tiệc rượu vang giá 249 đô, áo khoác Patagonia in logo SVB giá 340 đô, và chăn hiệu SVB giá 1.000 đô. Hầu hết các món hàng này đã có người vào ngã giá chỉ trong vài giờ sau khi đăng tin.

SVB từng thừa nhận mình không có nhân viên quản lý rủi ro nào trong suốt năm 2022, thế là có người cho in ngay loạt áo với dòng chữ châm biếm "Sillicon Valley Bank - Phòng Quản lý rủi ro" rồi đem lên eBay bán. 

"Sụp đổ kinh tế thì không buồn cười gì, nhưng chuyện quản lý rủi ro thì có tí chút hài hước. Họ đã ở đâu trong suốt sự vụ này?" - David Coley, một nhà giao dịch quyền chọn 40 tuổi ở North Carolina (Mỹ), nói tới tờ Wall Street Journal sau khi mua một chiếc. 

Một số vật phẩm châm biếm khác lại giả vờ như áo của một giải chạy marathon, in dòng chữ "Bank Run 2023" - cũng có nghĩa là "Đổ xô rút tiền ngân hàng 2023".

Mới cuối năm ngoái, thị trường săn "một mảnh lịch sử" của các công ty bị "vỡ bong bóng" cũng đã chộn rộn một phen với quà lưu niệm FTX, khi công ty tiền mã hóa tai tiếng này sụp đổ vào tháng 11. 

Quà của Melvin Capital, công ty buôn chứng khoán đã bị cộng đồng Reddit "kéo sập" năm vừa qua, cũng được săn đón. Sự vụ Lehman Brothers phá sản năm 2008 cũng đã tạo ra một hệ sinh thái quà-lưu-niệm-ăn-theo, vẫn còn ăn nên làm ra đến tận ngày nay.

Áo chế "bank run", châm biếm vụ đổ xô rút tiền khiến SVB sụp đổ. Ảnh chụp từ eBay

Áo chế "bank run", châm biếm vụ đổ xô rút tiền khiến SVB sụp đổ. Ảnh chụp từ eBay

Nhà sưu tập đồ "đổ nợ"

Đã được săn đón thì hẳn sẽ có người sưu tầm. Christina Warren, một kỹ sư phần mềm và cựu nhà báo, đã sưu tầm vật phẩm từ các công ty phá sản hơn 10 năm qua. Bắt đầu bằng những phần quà miễn phí gom được từ các hội thảo công nghệ, đến nay, bộ sưu tập của cô đã chạm mốc 40 món - trong đó có một bức tượng linh vật của đội bóng rổ Golden State Warriors kèm logo FTX, hai chiếc áo từ lễ hội hãi hùng Fyre Festival, một tấm danh thiếp từ Lehman Brothers, cùng một chiếc cốc từ công ty tài chính tai tiếng Enron.

Theo Warren, thị trường vật phẩm SVB đang hết sức nóng ở thời điểm hiện tại; bản thân cô cũng chưa đủ tiền để kiếm được một món hàng SVB chính hãng. "Tôi mua hàng rất chi li. Dù là nhà sưu tập, tôi cũng không muốn phá sản vì chạy theo vật phẩm của một ngân hàng đã phá sản" - cô nói với trang Modern Retail. Warren thừa kinh nghiệm để hiểu rằng thị trường và giá đồ "đổ nợ" thường sẽ giảm sau vài tháng.

Nón lưỡi trai Ngân hàng Lehman Brothers, "vừa thật vừa hiếm", có giá 125 USD trên eBay.

Nón lưỡi trai Ngân hàng Lehman Brothers, "vừa thật vừa hiếm", có giá 125 USD trên eBay.

Warren đặc biệt quan tâm đến các công ty được thổi phồng là "ông lớn tiếp theo trong ngành". "Thương hiệu cần đạt được tầm ảnh hưởng đến văn hóa đại chúng [trước khi sụp đổ] thì tôi mới săn lùng" - cô nói thêm. Một số cái tên gần đây được Warren nhắc tới là Quibi - "kỳ lân" mảng streaming đã thất bại thảm hại trước TikTok gần đây, hay Theranos với dịch vụ thử máu lừa đảo của Elizabeth Holmes.

Đằng sau sự sụp đổ của một công ty có thể là nhiều người lao động lâm vào khốn khó. Warren từng nói rõ trên Twitter rằng thú sưu tập của mình không nhằm coi nhẹ hay vô cảm trước những điều đó. Việc cô làm chủ yếu mang ý nghĩa châm biếm, cũng là một lời nhắc nhở cảnh giác trước những lời ca tụng về "ông lớn tiềm năng" tiếp theo.

Đây cũng là lý do thôi thúc Warren tiếp tục mở rộng bộ sưu tập đồ "đổ nợ" của mình. "Điều thú vị nhất về việc sưu tập này là việc chúng khuyến khích tôi suy tư: Tại sao một số thứ lại giành được nhiều sự chú ý đến vậy? Và điều gì khiến chúng bị thất sủng?" - Warren nói với Đài NPR.

Nhà sưu tập đồ "đổ nợ" Christina Warren mặc áo thun của dịch vụ thuê bao xem phim rạp MoviePass (phá sản 2020 và mới trở lại năm 2022)..

Nhà sưu tập đồ "đổ nợ" Christina Warren mặc áo thun của dịch vụ thuê bao xem phim rạp MoviePass (phá sản 2020 và mới trở lại năm 2022)..

Bảo tàng thất bại

Muốn học từ thất bại trong kinh doanh? Bạn có thể đến ngay Museum of Failure (Bảo tàng Thất bại), một triển lãm lưu động bắt đầu từ Thụy Điển năm 2017 và đã đi qua nhiều nơi trên khắp thế giới.

Ảnh: The Museum of Failure

Ảnh: The Museum of Failure

Với 150 ý tưởng sản phẩm đã không đến được với đại trà công chúng vì nhiều lý do khác nhau, triển lãm "hy vọng kích thích các cuộc thảo luận về việc chấp nhận và học hỏi từ thất bại", theo phần giới thiệu trên Instagram của dự án.

Một số cái tên nổi bật: New Coke (Coca-cola "công thức mới" làm thay đổi hương vị truyền thống vào thập niên 1980), Bic for Her (bút bi BIC dành riêng cho phái nữ), OREO vị nước chanh, kem đánh răng Colgate vị mì Ý, và Crystal Pepsi (Pepsi trong suốt).

Viết Bic dành cho phái nữ. Ảnh: The Museum of Failure

Viết Bic dành cho phái nữ. Ảnh: The Museum of Failure

Giám tuyển của triển lãm, Samuel West, một bác sĩ tâm lý chuyên về khoa học tổ chức, hy vọng có thể giúp "giải thiêng" khái niệm thất bại - thứ mà ông cho là một cơ hội học hỏi quý giá. "Nghiên cứu của tôi tập trung vào việc giúp các tổ chức trở nên sáng tạo hơn, và một trong các rào cản lớn nhất ngăn cản sáng tạo là nỗi sợ thất bại. Tôi bắt đầu đặt câu hỏi: Làm sao để đưa các phát hiện trong nghiên cứu của mình đến công chúng, về tầm quan trọng của việc chấp nhận thất bại?" - West nói với tạp chí Smithsonian.

Rõ ràng, phần lớn các doanh nghiệp trong Bảo tàng Thất bại thật ra không hề "thất bại": Oreo vẫn ra mắt vị mới đều đặn, trong khi Coca-Cola và PepsiCo vẫn là những ông lớn đầu ngành. "Người ta thấy được giải phóng khi nhìn các thương hiệu lớn, với nguồn lực tiền bạc và kỹ năng khổng lồ, thất bại khi thử ý tưởng mới. Kiểu như 'ông lớn còn thất bại được, sao ta không thể?'" - West cho biết.

Dù vậy, không phải ông lớn nào cũng thích thú với ý tưởng này. Khi bắt đầu dựng bảo tàng, West hầu hết phải dựa vào các trang đồ cũ và đấu giá, bởi không doanh nghiệp nào muốn tài trợ sản phẩm lỗi của họ ra công chúng. West nói thêm: "Bạn có thể thất bạn nhưng sẽ nhận được bài học, bắt đầu từ đó, tạo phiên bản mới, chỉnh sửa và làm ra thứ gì đó tốt hơn. Đó cũng là bản chất của đổi mới sáng tạo: Con người làm ra thứ gì đó mới, chấp nhận rủi ro đi kèm và học hỏi khi thứ đó thất bại - vì khả năng cao là chúng sẽ thất bại thật".

Ảnh: The Museum of Failure

Ảnh: The Museum of Failure

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận