Thưa thầy

VÕ NHẬT THỦ 28/07/2011 07:07 GMT+7

TTCT - Khi viết những dòng này em không mong thầy đọc được, bởi em viết về thầy bằng những kỷ niệm buồn, thật buồn. Mà nếu có đọc thì chắc gì thầy còn nhớ về một kỷ niệm như vô tình đi qua trong đời làm thầy của mình.

Nhưng với em, cứ mỗi lần đọc lại trang học bạ đã ố vàng năm xưa, hình ảnh, câu nói và ánh mắt của thầy lại cứ đớn đau hiện về...

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Đó là tiết đầu tiên, buổi chiều ngày đầu tuần của những ngày đầu học kỳ II năm cuối cấp. Thầy vào lớp, em lấy sách vở chuẩn bị cho môn học của thầy. Khi tìm cây viết thì mới nhớ rằng em đã để quên trên quê. Trưa đó em về nhà muộn vì tranh thủ giúp cha cày xong thửa ruộng, có lẽ do tất bật chuẩn bị gạo củi để mang vào nhà trọ (cách quê em gần 20 cây số) và cũng vì lo trễ học nữa nên em đã để quên cây viết.

Em chẳng biết mượn ai vì bạn bè trong lớp cũng chỉ mỗi người một cây viết. Chỉ có một người có thể cho em mượn nhưng em không dám, đó là thầy.

Em ngồi nghe thầy giảng, định chiều về mượn vở bạn chép lại.

Vào năm lớp 12, môn toán của thầy em học với niềm say mê và thích thú. Kết quả học kỳ I với em mới mỹ mãn làm sao! Điểm trung bình môn của thầy em đạt 8,2 - điểm toán của cậu học trò nhà quê như em khối bạn bè mơ ước!

Thấy em chỉ ngồi nghe giảng, thầy hỏi: “Tại sao em không chép bài?”.

Em đứng dậy thưa với niềm hi vọng: “Thưa thầy em để quên cây viết trên quê ạ!”.

Thầy đi về phía bàn em rồi hỏi tiếp: “Sáng nay em làm gì?”.

Em thành thật: “Thưa thầy em đi cày ạ!”.

Quê em những năm 1970-1980 phải chống chọi với cảnh đói nghèo trong cơn bão hợp tác hóa nông nghiệp. Cái ăn của những ngày giáp hạt phải chạy từng bữa thì đâu dễ dàng gì lo cơm, áo sách vở cho con cái đi học. Vì vậy những học sinh nông thôn như em, lớp 8 đã biết cầm cày, lớp 11, 12 vừa đi học vừa có thể giúp gia đình làm tất cả những công việc ruộng đồng.

Em tưởng thầy sẽ thông cảm cho em nhưng đáp lại là cái cười khẩy: Đi cày mà nếu để quên cày thì có cày được không? Không đợi em trả lời, thầy tiếp: còn đi học mà không đem viết thì sao mà học được!

Vừa nói, tiện tay thầy cầm luôn quyển vở toán của em lên để trên bàn giáo viên rồi tiếp tục giảng bài.

Tâm trạng em lúc đó thế nào nhỉ! Nó hụt hẫng, chơi vơi... sao ấy!

Xong tiết học thầy bỏ quyển vở em vào cặp rồi ra khỏi lớp.

Tiết học hôm sau của thầy em lên xin lại quyển vở. Thầy hỏi: “Em đã biết lỗi của mình chưa?”.

Em đáp lại: “Dạ, em biết rồi ạ!”.

Thầy không cho em lại vở mà bảo: “Ừ, biết rồi thì về chỗ đi!”.

Em về lại chỗ ngồi mà chẳng biết em nói biết lỗi nhưng là lỗi gì?

Chiều tối ấy em đánh liều đến nhà thầy để xin lại quyển vở (em trọ học gần nhà thầy mà). Em vào đúng lúc gia đình thầy đang dùng cơm tối. Thầy cũng đã nhận ra em và vội bỏ chén đũa lên phòng khách mở cặp lấy quyển vở của em. Em chưa kịp chào thì thầy ném toạc quyển vở của em ra ngoài sân kèm với tiếng quát cụt ngủn:

- Về đi!

Em tủi hổ đi ra nhặt quyển vở mà trước mắt em đất trời như tối sầm lại.

Những tiết toán của thầy sau đó với em mới nặng nề làm sao! Từ chỗ say mê học toán giờ em lại sợ đến giờ thầy, sợ phải nhìn ánh mắt thầy với nỗi ám ảnh của cú ném vở và tiếng đuổi xéo hôm nào. Thầy giảng bài em vẫn chép nhưng lời giảng giữ lại trong đầu em có được là bao! Kết quả học kỳ II môn của thầy, mà mãi đến giờ khi nhìn lại học bạ của mình em vẫn buồn chi lạ: Từ 8,2 học kỳ I em tụt dài xuống còn 5,5 học kỳ II.

Thầy ơi! Khi ném toạc quyển vở đêm ấy thầy đâu biết rằng suýt nữa thầy đã ném cả tương lai của một cậu học trò vào đêm tối mịt mờ!

Thi xong học kỳ II em bình tâm trở lại. Không cớ gì vì mặc cảm với thầy mà em phũ phàng với chính em, phũ phàng với kỳ vọng của mẹ cha, anh chị gửi gắm vào việc học của em. Trước mắt em còn kỳ thi tốt nghiệp và còn tương lai nữa! Không, không thể vì chuyện quên viết ấy mà em đánh mất chính mình.

Em chạy đua với thời gian trong những ngày ngắn ngủi còn lại của năm cuối cấp. Em lao vào học lại những kiến thức bị bỏ quên bằng sự cần mẫn của chính mình và sự giúp đỡ của bạn bè. Kết quả của sự cố gắng ấy đã mỉm cười với em: môn toán thi tốt nghiệp em được điểm 8.

Chính điểm 8 ấy đã thắp cho em niềm tin và nghị lực. Hơn bốn năm sau, khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Campuchia, em đã tìm được niềm hạnh phúc của cha mẹ em trong dòng nước mắt nhọc nhằn: em đỗ vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Thầy ơi, em mong thầy tha thứ, người ta viết về người thầy bằng những kỷ niệm vui nhưng sao em lại viết về thầy bằng kỷ niệm thật buồn?

Mấy ngày này em đọc trên báo những bài viết về kỷ niệm đáng trân trọng về những người thầy. Em thật sự xúc động về những bài học nhân thế của những thầy cô ấy dành cho học trò của mình. Em lại nghĩ về thầy. Em ước ngày xưa... khi biết em quên cây viết, thầy đến mở cặp lấy cây viết của thầy trao cho em và nói một câu, chỉ cần một câu thôi:

- Em viết bài đi, lần sau nhớ đừng quên viết nữa nghe em!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận