Thực đơn Mây trắng

HOÀNG TỐ MAI 04/02/2017 17:02 GMT+7

TTCT - Đó là những ngày không phải quá xa, khi đó tôi vẫn chưa thật sự bước vào đời sống tu hành. Ban ngày tôi sống trong chùa với các thầy, tối khuya mới về nhà. Tôi ăn chay trường, niệm Phật, bận áo nâu nhưng vẫn chưa phải là xuất gia.

Minh họa: Kiều Hải
Minh họa: Kiều Hải

Thầy trụ trì cũng chẳng thúc ép, chỉ bảo cứ thong thả, trước sau cũng sẽ là người một nhà. Từ nhỏ tôi đã hay vào chùa chơi, lắm khi còn ngủ quên trong Tam bảo, bố mẹ phải sang tận nơi tìm, lay mãi mới chịu dậy. Hình như các thầy cũng sớm đoán được nghiệp tu của tôi.

Khi tôi chừng sáu - bảy tuổi, thầy trụ trì hỏi: “Con yêu ông Phật nào nhất?”. Tôi chạy đến gian thờ tổ chỉ bức tượng gỗ mít đen bóng bảo: “Ông này”. Các thầy quay ra nhìn nhau cười tủm tỉm. Sau này tôi mới biết đó là tượng Đức A Di Đà, bức tượng cổ nhất ở đây, được một bà hoàng hậu hiến tặng từ nhiều thế kỷ trước.

Mỗi lần thấy tôi ngước nhìn bức tượng đó, thầy trụ trì lại bẹo má: “Đừng có bắt chước con Béo leo lên đó nằm ngủ nhớ, đổ hết đồ lễ của thày”. Béo là một con mèo vàng sống trong chùa đã lâu. Nó thường ưa nghỉ trưa ở gian thờ Tổ, khoanh tròn ngay dưới chân tượng A Di Đà.

Các bà vãi đầu tiên cũng định hẩy nó ra, nhưng nhìn nó ngủ say sưa quá nên cũng kệ. Hồi tôi học lớp năm, có lần tôi buột miệng hỏi thầy trụ trì: “Có phải Béo là Di Lặc miêu không?”, thầy chỉ cười rồi bảo: “Thật ra con nghĩ thế cũng không sao, nhưng đừng có nói linh tinh bên ngoài, họ bảo là nhảm đó”.

Càng ngày tôi càng cảm thấy nơi đây có một trường năng lượng kỳ lạ nào đó khiến trong lòng luôn thư thái, nhẹ nhàng như một cánh hoa, đặc biệt ở gian thờ Tổ.

Tôi cứ quanh quẩn ở đó, ra ra vào vào, nhiều khi chỉ là ngồi im lặng ngắm những chú mèo con vờn đuổi những giọt nắng. Con Béo cứ đủng đỉnh đi lại với cái bụng căng tròn, tới chừng buồn ngủ là nhảy tót lên ban Phật ngủ một giấc trưa dài miên man.

Tuy có khuôn viên đẹp và nhiều tượng cổ nhưng chùa khá vắng vẻ, thầy trụ trì bảo những ai muốn cầu an thì tới đây, còn tiền bạc công danh phải vào chốn khác. Tuy vậy, chùa này lại nức tiếng trong giới tu vì tài nghệ nấu cỗ chay của mấy bà vãi già.

Mâm cỗ họ bày biện lên thật đẹp và tao nhã. Vào những ngày Phật đản hay giỗ Tổ, sư sãi khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng rồi chụp ảnh, thường là nấn ná mãi mới đụng đũa vì “đẹp quá chẳng nỡ chạm vào”.

Vào những ngày trọng đại đó, tôi cũng xuống bếp phụ giúp các vãi ngâm gạo, chẻ củi hoặc nhặt rau. Đây cũng là dịp tôi được giao tiếp với các đệ tử thân thiết với chùa lâu năm. Họ đều là những người đứng tuổi, khá rảnh rỗi và rất nhiệt tình.

Dù tôi chưa xuất gia, nhưng họ vẫn gọi tôi là thầy thật cung kính, có lẽ vì tôi đọc kinh sâu lắng và truyền cảm so với tuổi của mình. Trò chuyện với mấy phật tử lớn tuổi đó cũng vui, họ dạy tôi nấu được một số món đơn giản như đồ xôi, làm dưa góp hoặc xào nấm hương. Thỉnh thoảng họ cũng khen tôi nấu ngon miệng, lời động viên của họ khiến tôi cũng dần thích thú với việc bếp núc.

Con đường chinh phục ẩm thực của tôi chắc cũng sẽ khá yên ả nếu không có một đầu bếp mới xuất hiện. Cô ta khá trẻ, mảnh mai, trắng xanh, tóc xõa ngang vai và được cặp vén hai bên. Cô bận một bộ lụa thâm giản dị, mắt không rời mâm thờ Tổ đang dọn dần lên.

Cũng có lần cô quay sang tôi nói bằng một giọng thật trong trẻo: “Thầy mang đĩa xôi vò lên đi và nhớ đặt chính giữa nhé”. Đó là món duy nhất có màu vàng trong bàn cỗ hôm nay. Cô ta không phải người vùng này, nhìn là biết.

Cô ta bày cỗ rất đẹp, các bà vãi cũng phải công nhận. Họ gọi cô ta là Yên Vân đầy ngưỡng mộ, chính tôi cũng phải ồ lên khi chỉ vài phút cô ta đã biến mấy củ đậu lem luốc thành những bông sen nở xòe trắng muốt. Thế nhưng tuyệt nhiên chẳng ai hé lộ cô ta từ đâu tới, tại sao lại thạo cỗ bàn đến thế. Tôi cũng có chút tò mò nhưng ngại, chẳng muốn hỏi.

Cuối buổi, tôi tới cảm ơn Vân và khen ngợi đôi tay khéo léo của cô. Vân vui vẻ gật đầu, sau đó hỏi lại: “Thầy chính là người tụng kinh A Di Đà sáng nay phải không?”. “Vâng, đúng là tôi”. “Giọng thầy đẹp lắm, lời kinh vang và ấm, hơi nhanh so với mấy thầy kia nhưng không sao, thầy còn trẻ mà”.

Thấy tôi có vẻ mến mộ tay nghề bếp núc của mình, Vân nghĩ ngợi một lát rồi ghi địa chỉ vào một tờ lịch xé: “Nếu rảnh rỗi thì rằm tháng này qua chỗ tôi đi, sẽ có dạ tiệc đỏ. Chừng 7 giờ thầy qua là vừa”.

Thường thì tôi không ra ngoài ăn tối với một người lạ, nhưng ba từ “dạ tiệc đỏ” khiến tôi không khỏi tò mò. Tôi không ngu ngốc đến mức bụng bảo dạ sẽ sắm một bộ quần áo đỏ để tham dự. Đó hẳn là màu của bàn tiệc, nhưng không hiểu sẽ được bài trí thế nào.

Đúng hôm rằm, tôi xin phép trụ trì ra ngoài. Thầy bảo: “Cứ bận thường phục ấy, ngoài dây phơi có cái áo đen cổ trắng con mặc về nhà bữa trước, khô cong rồi đấy”.

Địa chỉ Vân cho cũng không xa chùa lắm. Đây là một khu nhà thờ đổ nát đang đợi trùng tu. Đang ngẩn ngơ trong bóng tối vắng vẻ hoang tàn, tôi chợt nghe tiếng Vân gọi.

Ngước mắt lên, tôi thấy Vân đang vẫy tay từ tòa tháp chuông cao vút. Nó được xây theo kiểu lầu bát giác, hình như đã bị bỏ hoang khá lâu, rêu phong phủ gần kín. Dò dẫm trong bóng tối một lúc rồi tôi cũng lên được tầng cao nhất, Vân tươi cười đón tôi ở cửa.

Trái với cảnh tối tăm hoang tàn khi nãy, căn phòng bát giác này đèn nến sáng rực. Trên trần nhà, một quả chuông khổng lồ treo lơ lửng. Giữa phòng là một cái bàn bầu dục lớn bày biện vô vàn sắc đỏ.

Một đĩa xôi gấc đỏ cam, một bát tiết canh nhỏ có điểm vài lát ớt đỏ tươi, một đĩa cua luộc đỏ gạch, một đĩa ngỗng quay đỏ sậm, một bát xúp củ cải đỏ nấu lẫn sườn non vẫn còn bốc hơi, một đĩa cà rốt tỉa hoa ngâm giấm, một đĩa đậu xốt cà, một quả dưa hấu tỉa thành bông thược dược, một đĩa hồng đỏ chín mọng, hai ly rượu ngâm trái dâu tằm đỏ thẫm, ba trái lựu đỏ ối đã tách đôi vỏ.

Yên Vân mặc áo lụa đen, khuyết cổ áo găm một bông hoa hình dáng khá lạ, nhìn kỹ hóa ra nó được tỉa từ một quả ớt chín đỏ. Vân ngồi đầu bàn nhìn đắm đuối vào bàn tiệc đỏ, cô dừng ánh mắt vài giây nơi áo sơmi đen cổ trắng tôi đang mặc, nó khiến tôi và Vân giống như những thực khách hoàn hảo của dạ tiệc.

Các đĩa thức ăn mang màu đỏ đậm nhạt khác nhau, khăn trải bàn đen thẫm thêu điểm xuyết những cánh phượng rực rỡ. Cô nâng ly mời tôi dùng rượu khai vị. Tôi chỉ ăn một chút xôi gấc và cà rốt, sau đó nhấm nháp mấy hạt lựu đỏ như rubi, hương vị thật tuyệt vời. Vân không dùng gì, cô nhìn chăm chú vào bàn tiệc với vô vàn sắc thái đỏ rồi mỉm cười mãn nguyện. Những đĩa đồ ăn được xếp theo sắc độ đậm dần.

Màu đỏ nhạt nhất là chỗ Vân ngồi, còn đậm nhất là tại chỗ của tôi. Sắc đỏ chạy như sóng đổ tràn vào lòng tôi. Chúng tôi cùng im lặng ngắm nhìn bàn tiệc rực rỡ và xa lạ. Nó dường như không phải dành cho tôi và Vân, mà là một thực khách vô hình đang lởn vởn trong căn phòng này. Vừa nghĩ tới đó, lời Vân tiếp nối:

“Dậy sắc và uy nghiêm, cứ như là tiệc dành cho Tử thần đỏ, nhất là tôi lại để bát tiết canh ở gần chính giữa”. Tôi mỉm cười ra chiều đồng thuận. Tôi đâu có thích món này, nhưng màu đỏ huyết dụ láng ướt của nó khiến tôi không thể thờ ơ. Bàn tiệc này dậy được sắc đỏ là nhờ màu đỏ thẫm đặc biệt của nó. “Đây là tiết rắn hổ mang chúa, nó được hãm với vài biệt dược trân quý” - Vân nói, đưa tay mời tôi dùng thử, nhưng tôi xin phép từ chối vì ăn chay đã lâu rồi.

Ngồi chừng một giờ, tôi xin phép ra về, Vân không giữ mà chỉ hẹn tháng sau lại mời tôi dùng cơm tối. Tôi đồng ý với một chút tò mò và hồi hộp. Trước khi rời căn phòng, chúng tôi cùng đứng bên cửa sổ ngắm đất trời. Tháp chuông cao vút, bầu trời không trăng, chỉ có sao, sương giăng mờ ảo. Vân quay sang tôi thầm bảo: “Ở chỗ này thấy cũng bớt nhớ nhà. Tôi lớn lên ở vùng sơn cước, cứ mở cửa là mây trắng bay qua”.

Rằm tháng sau, y hẹn, tôi lại xin phép trụ trì ra ngoài. Thầy bảo tôi mang con Béo theo cho nó được đổi gió. Béo được đặt vào tay nải, cái đầu thò ra, mắt tròn xoe. Dường như nó đã quen được đi hóng gió kiểu này, mặt nó ngó nghiêng nom như trẻ con được mẹ cho đi bát phố. Đi được một chập, nó lim dim ngoẹo đầu ngủ.

Tới phòng bát giác nó tỉnh giấc. Hôm nay, gần cửa ra vào có thêm một chiếc đàn organ cũ kỹ ba tầng, chắc nhà thờ trùng tu nên họ để trên này cho khỏi vướng. Béo trườn ra khỏi tay nải rồi rảo bước tới cây đàn organ. Ngẩn ra một lát, nó nhảy phóc lên những phím đàn mòn vẹt theo thời gian. Một giai điệu ngân nga cất lên khiến tôi và Vân cùng ngỡ ngàng.

Tiếng đàn khiến không gian hoang vắng nơi đây bỗng như hồi lại quá vãng, khi đó ngôi nhà thờ cổ này còn tấp nập giáo dân qua lại. Béo khoái chí lượn đi lượn lại mấy vòng rồi nhảy tót lên giữa bàn tiệc với những đĩa đồ ăn màu vàng.

Tôi thấy hoa mướp xào lòng gà, xúp bí đỏ non, gà luộc, xôi vò. Gần đĩa gà là món chả cá ướp riềng nghệ. Bánh gio chấm mật ong, ngô luộc, chè kho. Một liễn hoa quả gồm dứa, xoài, mít được xếp đầy ắp tỏa hương ngào ngạt. Con Béo ngồi nhìn đĩa chả cá đang bốc khói với đôi mắt lim dim tận hưởng. Bộ lông vàng rực của nó nổi bật trên bàn tiệc tràn ngập sắc vàng. Khăn trải bàn là vải gấm nâu có vân hoa cúc chìm tao nhã.

Vân bận một bộ đồ lụa nâu, trên tóc cài một bông hoa mướp vàng rực rỡ. Cô liếc nhìn bộ quần áo nâu sồng tôi vẫn bận lúc ở chùa tỏ ý hài lòng, sau đó san một chút cá ra bát nhỏ cho con Béo rồi mời tôi dùng bữa. Cô rót cho tôi một ly nước dứa có pha chút rượu nhẹ thơm ngon lạ thường. Trừ gà luộc và chả cá, tôi nếm hết đồ ăn trên bàn.

Vân nấu rất ngon, đặc biệt là chè kho. Nó được nấu bằng đỗ xanh hảo hạng cùng đường phèn và nước hoa bưởi tinh khiết. Tôi thấy ngon đến mức có ý định trước khi ra về sẽ xin phần chè còn lại để trụ trì nếm thử. Vân dùng trái cây, cô luôn miệng khen ngợi hoa quả ở vùng này có vị ngọt thơm rất quyến rũ:

“Ở quê tôi không trồng được những thứ này đâu”. “Thế nơi Vân ở có gì khác lạ?”. “Xem nào, bữa sáng của chúng tôi thường là bạch thực. Một ly sữa hươu tuyết, một đĩa bánh bao hấp, vài miếng lê tươi. Đôi khi có thêm tào phớ với nước đường nấu cùng gừng, xứ lạnh mà”. “Tôi cũng muốn dùng một bữa sáng như thế đấy!”.

“Vâng, hương vị dễ chịu lắm. Tôi cũng định nấu một thực đơn trắng thật đặc biệt, nhưng có lẽ vùng này không có đủ nguyên liệu, khả năng tôi sẽ phải đi xa hơn về phía bắc để tìm kiếm một vài sản vật đặc biệt”.

Vân còn nói khá nhiều về quê nhà, nơi ấy mây trắng phủ quanh năm, hoa mận hoa lê nở khắp triền núi mỗi đợt xuân về. Những con mèo ở đó lông thường trắng tinh, mắt xanh lơ hoặc hồng ngọc, khôn như linh miêu, có thể báo trước được thiên tai, hiểm họa.

Nơi đó giấc ngủ thường chìm trong mây, đôi lần Vân ngủ quên gác tay lên cửa sổ, sáng dậy thấy trên ống tay áo lụa một đóa ưu đàm hé nở, mong manh như tơ và thanh khiết như sương. Tôi cứ mải nghĩ ngợi miên man về vùng đất xa xôi ấy mà quên việc hỏi xem rằm tháng sau Vân có làm dạ tiệc trắng nữa không.

Một tháng trôi qua khá nhanh, trăng đã tròn đầy mà Vân chẳng thấy đâu. Trụ trì thấy tôi ngồi tư lự thì ôn tồn nhỏ nhẹ: “Thật ra Yên Vân không phải là người duy nhất. Nơi cô ta ở ai cũng tên là Vân thì phải, hoặc họ đều là thành viên của một dòng tộc nào đó”.

“Họ có trở lại không thầy?”. “Không, nhưng cứ dăm bảy năm lại xuất hiện một cô Vân như thế, họ rất thích chùa nhà mình, thường đứng rất lâu trước những tượng Phật cổ, không chắp tay như các phật tử mà chỉ nhắm mắt dang hai tay như đón nhận linh khí tỏa ra từ những pho tượng đó”.

“Ai dạy họ nấu ăn hả thầy?”. “Thầy cũng không biết. Họ thường gặp các bà vãi để xin làm bếp cùng. Nấu và bài trí bàn tiệc đơn sắc là niềm đam mê của họ”. “Kỹ năng của họ thật kỳ lạ, có phải chính họ truyền cho mấy bà vãi chùa mình những chiêu thức riêng để làm nên những mâm cỗ chay danh bất hư truyền?”.

“Đúng đó, hồi thầy bằng tuổi con cũng có một cô Hương Vân ghé qua. Cô ấy đã làm tất cả khách khứa gần xa lặng người vì một mâm cỗ chay toàn sắc tím. Rồi cô ấy cũng tự dưng biến mất, chẳng để lại lời từ biệt nào”.

Tôi định hỏi thầy những cô Vân đó dung mạo có khác nhau không, song thấy cũng chẳng để làm gì. Vài tháng nữa là làm lễ xuống tóc, sẽ ở hẳn trong chùa, tôi tranh thủ về nhà giúp bố mẹ lăn sơn tường và lát lại sân. Trước hôm quyết định dọn hẳn vào chùa cùng các thầy, tôi nằm mơ.

Một con mèo trắng nhón chân đi trên một dải lụa bạch bay lơ lửng, rồi chẳng rõ từ lúc nào con mèo tiến sát bên tai tôi thì thầm về một thực đơn có tên là Mây trắng. Kẹo bông, kem tươi trái vải, thạch rau câu cốt dừa ướp trong hoa nhài, bánh khảo, hoa ban đồ, nộm ngó sen, bánh trôi chay... Rồi như có một đám mây ngang qua, mọi thứ mờ dần đi.

Đến lúc sương tan thì hiện ra một bàn tiệc trắng được đặt trong vườn lê. Không có khăn trải bàn, chỉ có những bông hoa lê rụng xuống mỗi lúc một nhiều, phủ gần kín mặt bàn. Rồi một đám mây ùa tới. Khi nó bay đi, tôi nhìn thấy trên ống tay áo mình nở một đóa ưu đàm nhỏ xíu, đúng như Yên Vân đã tả, mong manh như tơ và thanh khiết như sương.

Rồi lại có một dải lụa trắng mềm mượt bay qua bay lại quết vào mặt tôi mỗi lúc một nhiều khiến tôi tỉnh giấc, hóa ra đuôi của Béo đập nhẹ vào mặt tôi. “Các thầy sai mày sang gọi tao chứ gì!”. Con Béo lim dim liếc mắt, ý như là phải đấy.

Tôi vội vàng ôm nó rồi khoác balô chạy sang chùa, chỉ còn vài phút nữa là sang giờ Dần, hẳn các thầy đã ngồi chờ tôi để dạy những bước sơ thiền đầu tiên. Cổng chùa đã hiện trong sương giăng, lâu lắm rồi trời mới mù sương thế này. Tôi bước chân chậm lại mà cứ ngỡ mình trôi đi trong mây trắng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận