TTCT - Người dân khu vực đồng euro đang lo âu nhìn vào “tiền lệ Cyprus”, khi dưới sức ép của bộ ba Ngân hàng Trung ương châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế, Nicosia bị buộc phải đánh thuế tiền của người dân nằm trong ngân hàng để đổi lấy gói cứu trợ. Ghi nhận của CTV TTCT từ Pháp và Bỉ. Phóng to Công ty nhỏ của chị Đinh Thị Hoa (giữa), chuyên làm dịch vụ hỗ trợ xuất nhập cảnh, vẫn bận rộn nhờ các công ty Pháp đang tìm cách vươn ra nước ngoài để tránh suy thoái trong nước - Ảnh: T.H. Trước Cyprus thì thuế cũng là đề tài thời sự ở Pháp. Không chỉ nam tài tử gạo cội Gerard Depardieu đã nhập tịch Nga để tránh bị đánh 75% thuế vào thu nhập trên 1 triệu euro/năm, tỉ phú Pháp Bernard Arnault được cho là đang tìm cách nhập tịch Bỉ cũng nhằm tránh thuế. Theo con số thống kê chính thức, vào cuối tháng 2-2013, nước Pháp có 3.169.300 người thất nghiệp, chạm tới tỉ lệ 10,2% tổng nhân lực Pháp. Đây là con số cao nhất tính trong 13 năm trở lại đây và gần sát với tình trạng của cuộc đại khủng hoảng tiền tệ tài chính thế giới năm 1997, 1998. Điều đáng chú ý nữa là hiện nay tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên dưới 25 tuổi là cao nhất. Cứ bốn người lại có một người không tìm được việc làm. Theo một số chuyên gia, xu hướng này sẽ còn tiếp tục gia tăng, và tình hình chỉ được ổn định vào năm 2014. Thuế đánh vào đâu hiệu quả nhất? Người ta có thể cảm nhận hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế Pháp dưới nhiều cấp độ. Hiển hiện nhất là sự xuất hiện ngày một nhiều những “công dân đường phố”. Dù mưa, dù tuyết, họ vẫn phải ngâm mình trong giá rét trước cửa các siêu thị để xin ăn. Lại có một khu trong Paris phát sinh ra “chợ của những người nghèo”. Người bán kẻ mua đều trong cảnh khó khăn. Hàng bán ở đây đủ trăm thứ, toàn đồ cũ, đặc biệt trong đó có cả thực phẩm quá hạn sử dụng. Lại có nơi người ta nảy ra sáng kiến bán bánh mì ế từ ngày hôm trước, giá cả chỉ còn 1/2 hay 1/3 giá bánh mì tươi. Ra tranh cử trong bối cảnh nước Pháp đang sa lầy trong khủng hoảng, ông François Hollande đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm tăng nguồn thu ngân sách. Một trong những cam kết đó là đánh thuế nặng lên những người có thu nhập rất cao. Ông đưa ra con số 75% thuế đối với những thu nhập trên 1 triệu euro một năm. Chúng ta cần phải hiểu là 75% này không đánh trên toàn bộ thu nhập, mà chỉ đánh vào phần trội lên trên con số 1 triệu mà thôi. Tuyên bố này gây xôn xao dư luận và được lòng tầng lớp bình dân. Tuy nhiên, chủ trương này của chính phủ đã bị Hội đồng Bảo hiến Pháp bác bỏ ngày 29-12-2012. Theo chủ trương đó, mức thuế đặc biệt sẽ được áp dụng trên từng cá nhân. Hội đồng Bảo hiến cho rằng cách đánh thuế này không tôn trọng bình đẳng về nghĩa vụ đóng góp. Ví dụ một gia đình hai vợ chồng mỗi người thu nhập 900.000 euro/năm sẽ không chịu mức thuế này, mặc dù tổng thu nhập của gia đình là 1.800.000 euro. Còn trong một gia đình khác chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất nhưng vượt quá 1 triệu euro thì lại phải chịu mức thuế mới. Chính phủ cánh tả tuyên bố sẽ đưa ra một đề nghị mới về khoản thuế đặc biệt này. “Cho đến nay chưa ai biết được nội dung của chủ trương mới sẽ ra sao. Nhưng thay vì áp đặt một khoản thuế lớn như vậy với một số rất nhỏ đối tượng có liên quan, tại sao không giảm mức thuế đó xuống nhưng áp dụng ở mức thu nhập thấp hơn?” - Luc Peillon, phóng viên phụ trách các vấn đề kinh tế của tờ Libération, bình luận. Quả thật, hiện nay ở Pháp áp dụng năm mức thuế cho thu nhập từ 0 đến 150.000 euro/năm. Theo đó, thu nhập từ 150.000 euro trở lên bị đánh 45% thuế. Quãng thu nhập từ 150.000 đến 1 triệu hiện không có sự khác biệt về mức thuế. Cả nước Pháp chỉ có khoảng 1.500 người có thu nhập trên 1 triệu euro/năm. Khoản thu thêm theo luật thuế này không đóng góp nhiều cho ngân sách. Nhưng theo nhận định chung, Tổng thống François Hollande muốn tạo dấu ấn cho đường lối của mình bằng một con số mang tính tượng trưng. “Thu ba phần của thiểu số rất nhỏ những người cực giàu không thể bằng thu một phần của đại bộ phận dân phổ thông. Cho nên dù khủng hoảng thì cuối cùng người đóng góp chủ yếu cho ngân sách nhà nước cũng vẫn là đại bộ phận dân chúng hiện nay có mức thu nhập trung bình mà thôi” - nhà báo Laurent Passicousset nhận định. Phóng to Sức mua giảm sút đối với mọi tầng lớp Chị Lê Hải Yến có công việc ổn định trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, với chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ mới, thu nhập của chị cũng giảm sút đáng kể. “Trước đây những giờ làm thêm không bị đánh thuế như bây giờ. Thành ra mỗi tháng thu nhập của tôi bị sụt mất khoảng 7%. Vì mục đích tạo thêm công việc cho người khác thì đó là biện pháp cần thiết, nhưng tự nhiên thu nhập của mình kém đi đương nhiên tôi cũng không vui” - chị Yến nói. Chị Nguyễn Thu Trang là nhân viên biên chế nên nguy cơ mất việc là gần như không có. Tuy nhiên vài ba năm trở lại đây cuộc sống của chị cũng chật vật hơn nhiều. Vì nếu như mức lương không thay đổi, thuế thu nhập cá nhân không tăng đối với mức lương trung bình như của chị thì các khoản đóng góp cho bảo hiểm xã hội, các loại thuế đều tăng. Điều đó dẫn đến việc sức mua của toàn dân đều bị giảm. “Trước kia quần áo cho con tôi chỉ mua đồ mới, đồ dùng gia đình cũng vậy, bây giờ tôi thường phải lên mạng tìm mua đồ cũ để có thể tiết kiệm được chút ít” - chị Trang tâm sự. Ông Pascal Dupont có tổng thu nhập trên 150.000 euro/năm. Hiện nay ông thuộc đối tượng bị thu nhiều thuế thu nhập nhất. Tuy nhiên, đối với ông việc đóng thêm ít tiền thuế không phải là vấn đề. “Không phải tăng thuế thu nhập là có thể xóa bỏ được khủng hoảng mà còn phụ thuộc chính phủ sử dụng tiền đó như thế nào. Nếu là để vực dậy nền kinh tế, tạo ra sự năng động cho nền kinh tế đất nước thì rất tốt. Nhưng nếu họ dùng tiền này chỉ để bít vài lỗ thủng ngân sách thì rồi lại chẳng đi đến đâu. Nước Pháp đang ở trong tình trạng rất đáng lo ngại, là người dân không còn niềm tin vào chính giới dù đó là đảng cánh tả hay cánh hữu nữa” - ông Pascal Dupont tuyên bố. Trong khi nhà nước loay hoay tìm kế sách, nền kinh tế Pháp tiếp tục ảm đạm. Rất nhiều công ty đứng chênh vênh trên bờ vực phá sản thì số phận của người lao động thật lênh đênh, trong đó dĩ nhiên có cả người gốc Việt. Anh Tùng làm việc trong lĩnh vực tin học, nhưng cách đây hai năm công ty đã phải đóng cửa. Tuổi cũng đã cao nên anh đành nghỉ ăn lương hưu sớm. Chị Nguyệt, vợ anh, cũng gần đến tuổi nghỉ hưu, làm thư ký cho ban giám đốc, vài năm gần đây cũng liên tục phải đi tìm công việc mới sau mỗi lần bị sa thải vì công ty hoặc phá sản hoặc thu giảm hoạt động. “Giờ nhiều người cần việc nên các công ty họ rất ép về tiền lương. Thế nhưng lương ít vẫn còn hơn là thất nghiệp. Người Việt Nam cần cù, lại dễ tính trong chuyện lương lậu nên vẫn có cơ hội tìm được việc” - chị Nguyệt tâm sự. Tuy nhiên bức tranh không chỉ toàn gam màu xám. Có những lĩnh vực vẫn phát triển. Chị Đinh Thị Hoa sống ở Pháp từ năm 1995. Năm 2005 chị mở công ty riêng, chuyên làm dịch vụ hỗ trợ cho các công ty thương mại. Đây là loại doanh nghiệp nhỏ, chỉ sử dụng sáu nhân công. Nguồn thu chủ yếu của công ty là làm dịch vụ xuất nhập cảnh cho các công ty tại Pháp muốn mở thị trường ở nước ngoài. Trong khi vô số doanh nghiệp đóng cửa thì doanh nghiệp của chị Hoa vẫn hoạt động rất tốt. “Chúng tôi mất những khách hàng làm trong lĩnh vực quảng cáo hay phim ảnh. Ngược lại, số khách hàng làm trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là dầu khí, thì lại đang tăng. Có lẽ chính vì ở Pháp công việc không chạy, họ phải tìm đường ra nước ngoài nên dịch vụ của chúng tôi được sử dụng nhiều hơn”. Với tình trạng khủng hoảng leo thang như hiện nay, người dân Pháp rất lo ngại các khoản thuế sẽ ngày càng nhiều và nặng hơn. Liệu có khả năng tiền gửi ngân hàng ở Pháp cũng sẽ bị đánh thuế như Chính phủ Cyprus hiện đang điều đình với người dân không? Chắc chắn một số người e ngại điều này, mặc dù các nhà lãnh đạo cộng đồng châu Âu khẳng định giải pháp này chỉ là ngoại lệ với đảo Cyprus. “Tôi chẳng có xu nào gửi ngân hàng nên không cảm thấy lo cho mình. Thế nhưng cái cách họ làm ở đó (Cyprus) quá thô bạo và đáng lo ngại. Nó làm người ta có cảm giác bất kể chuyện gì cũng có thể xảy ra... - Marion Peignet, một phụ nữ trẻ làm việc trong lĩnh vực quảng cáo, nhận xét - Tuy nhiên tôi không nghĩ là ở Pháp sẽ áp dụng loại hình thuế này, ít nhất là trong tương lai gần. Nhưng cũng có thể là tôi nhầm”. “Ở Pháp, cục thuế làm tốt công việc của họ. Tiền gửi vào ngân hàng được kiểm soát rất chặt chẽ, và một số kiểu gửi tiền ở ngân hàng cũng đã bị đánh thuế rồi. Ngân hàng Pháp không tham gia vào việc rửa tiền như ngân hàng ở Cyprus. Hòn đảo này là thiên đường cho những kẻ trốn thuế - Marc Capelle, cựu giám đốc đào tạo Trường đại học báo chí Lille, tuyên bố - Nhưng giải pháp do nhóm chủ nợ đưa ra ở đây là phản dân chủ, là áp đặt...”. Tin mới nhất từ Cyprus cho biết Nicosia đã đạt thỏa thuận ban đầu với EU, theo đó những khoản gửi dưới 100.000 euro sẽ không bị đánh thuế. Những khoản trên 100.000 euro và không có bảo hiểm tiền gửi sẽ bị đánh thuế có thể lên tới 40%. Như mọi người dân EU, dân Pháp đang rất nóng lòng muốn biết hồi kết của chính sách thuế đặc biệt đánh trên thu nhập của người giàu. ____________ Kỳ 2: Bỉ - Những chuyện nhỏ về cuộc khủng hoảng lớn Tags: Phóng sựThuếĐồng euroCyprusNgười EUTHI HƯƠNG
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.