Thung lũng Silicon còn lại gì nếu không còn người nhập cư?

HOA KIM 23/11/2022 05:57 GMT+7

TTCT - Một đối tượng đặc biệt dễ tổn thương của đợt sóng sa thải đang diễn ra trong giới công nghệ ở Thung lũng Silicon là người đang có mặt ở Mỹ nhờ thị thực lao động.

Thung lũng Silicon còn lại gì nếu không còn người nhập cư? - Ảnh 1.

Minh họa: John Holcroft/Harvard Magazine

Đối với nhiều người trong số họ, mất việc vào lúc này gần như đồng nghĩa rời khỏi nước Mỹ và trở về quê nhà - nơi thứ chào đón họ là tương lai bất định. Làn sóng sa thải hàng loạt của các công ty công nghệ bắt đầu từ giữa năm 2022, sau một thời gian tăng trưởng nhân sự thiếu kiểm soát do lạc quan thái quá về triển vọng phát triển hậu đại dịch.

Mất việc = rời Mỹ

Sau giai đoạn tuyển dụng như lên đồng dẫn đến số lượng nhân viên Meta đạt mức kỷ lục xấp xỉ 89.000 người vào tháng 9-2022, mới đây công ty sở hữu mạng xã hội Facebook tuyên bố sẽ phải cắt giảm 13% nhân sự để tinh giản bộ máy.

Trong thông điệp gửi đến toàn thể nhân viên Meta ngày 9-11, Zuckerberg cho biết ông đã quyết định sa thải hơn 11.000 nhân viên và tiếp tục tạm dừng mọi hoạt động tuyển dụng đến hết quý 1-2023 trong nỗ lực giúp Meta "trở thành một công ty tinh gọn và hiệu quả hơn". Zuckerberg gọi đây là "một trong những thay đổi khó khăn nhất trong lịch sử Meta" và nhận trách nhiệm về những quyết định chiến lược sai lầm đã đẩy công ty vào tình thế như hiện nay.

Thông điệp của ông chủ Meta đặc biệt có đoạn hướng đến những nhân viên là người lao động nhập cư thuộc diện bị cho thôi việc. "Tôi biết điều này đặc biệt khó khăn nếu bạn đến Mỹ bằng thị thực lao động. Việc chấm dứt hợp đồng sẽ được báo trước bên cạnh chính sách ân hạn thị thực, đồng nghĩa mọi người sẽ có thời gian để lập kế hoạch cho tình trạng nhập cư của mình. Công ty có các chuyên gia về vấn đề nhập cư sẽ giúp đưa ra hướng dẫn dựa trên nhu cầu của bạn và gia đình" - Zuckerberg viết.

Ashkhen Kazaryan (quốc tịch Nga), một cựu quản lý Facebook vừa bị sa thải, viết trên Twitter rằng cô chỉ còn lựa chọn duy nhất là tìm kiếm một công việc mới ngay lập tức nếu không muốn trở về quê nhà Nga, nơi Meta bị liệt vào danh sách "các tổ chức khủng bố và cực đoan".

Kazaryan không phải là lao động nhập cư duy nhất ở Meta hay rộng hơn là Thung lũng Silicon lâm vào tình cảnh đáng lo ngại trên. California là bang có dân số nhập cư lớn nhất nước Mỹ và môi trường công nghệ sôi động tại đây đặc biệt thu hút rất nhiều nhân tài khắp địa cầu đến lập nghiệp. Zuckerberg nổi tiếng là người ủng hộ cải cách nhập cư và thực tế đã tuyển dụng hàng nghìn nhân viên sinh ra bên ngoài nước Mỹ, theo tạp chí Slate. 

Cuộc điều tra dân số Hoa Kỳ năm 2018 cho thấy người nhập cư bằng thị thực H-1B (dành cho người nước ngoài đến làm việc và sinh sống tạm thời ở Mỹ trong các lĩnh vực chuyên môn) chiếm khoảng 71% nhân lực công nghệ ở Thung lũng Silicon. Tính đến đầu năm 2022, gần một nửa nhân viên Meta là người gốc Á.

Người nắm giữ thị thực H-1B mất việc có một khoảng thời gian ân hạn 60 ngày để tìm công việc mới. Dù vậy, tìm một công việc mới trong vòng hai tháng trong bối cảnh các công ty đều thắt chặt tuyển dụng là điều gần như bất khả thi.

Theo luật sư di trú Fariba Faiz, những sinh viên quốc tế mới ra trường đang làm việc tại Big Tech bằng thị thực đào tạo thực hành tùy chọn (OPT) cũng đối mặt áp lực tìm việc làm thay thế ngay nếu muốn tiếp tục ở lại Mỹ. "Không thì họ chỉ còn cách quay trở lại trường và tiếp tục học" - Faiz giải thích.

Thung lũng Silicon còn lại gì nếu không còn người nhập cư? - Ảnh 2.

Số nhân viên công ty công nghệ Mỹ bị sa thải tính từ tháng 5-2022 đến tháng 11-2022. Số của Amazon là dự kiến. Nguồn: CNBC, thông cáo báo chí

Chiếc nôi hút nhân tài

Một lý do Thung lũng Silicon phát triển mạnh mẽ đến ngày nay là nó chào đón tất cả nhân tài bất kể bạn đến từ đâu trên thế giới, theo John Collison - một người nhập cư đến từ Ireland và là nhà đồng sáng lập start-up thanh toán điện tử Stripe có trụ sở tại San Francisco. Công ty này cũng vừa cắt giảm 1.100 lao động.

"Tôi đi khắp nơi trên thế giới và mọi người đều hỏi ‘Làm thế nào để chúng tôi tái tạo mô hình Thung lũng Silicon ở đây - ở London, ở Paris, ở Singapore hay ở Úc?’" - anh nói với báo The New York Times. Lý do mà những nơi đó cho đến nay vẫn chưa thành công trong việc tạo ra những trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới của riêng họ là vì mọi người tài ở đó đều muốn đến Thung lũng Silicon.

 "Hãy nhìn vào danh sách các công ty công nghệ hàng đầu thế giới và bạn sẽ thấy các công ty từ Mỹ chiếm số lượng vượt trội… Đó là bởi vì chúng ta đã tạo ra một guồng máy để thu hút những người tốt nhất và sáng giá nhất từ khắp nơi trên thế giới đến với Thung lũng Silicon" - Collison giải thích.

Một báo cáo công bố tháng 7-2022 của Quỹ quốc gia về chính sách Hoa Kỳ (NFAP) dựa trên kết quả khảo sát 582 công ty khởi nghiệp kỳ lân (định giá từ 1 tỉ USD tính đến tháng 5-2022) chưa niêm yết ở Mỹ cho thấy hơn một nửa (55%) trong số này có ít nhất một người đồng sáng lập là người nhập cư. 

Nếu tính cả thế hệ F2 (sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng có cha hoặc mẹ sinh ra ở nước ngoài), tỉ lệ này tăng lên đến 64%. Gần 80% các công ty được khảo sát có người nhập cư nắm giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt như CEO, chủ tịch, phó chủ tịch... Tổng giá trị của 319 công ty kỳ lân do người nhập cư đồng sáng lập là 1,2 triệu tỉ USD và trung bình mỗi công ty tạo ra 859 việc làm.

Một báo cáo khác của Tổ chức Hội đồng nhập cư Hoa Kỳ (AIC) cho thấy 43,8% các công ty Fortune 500 - danh sách 500 doanh nghiệp Mỹ có doanh thu lớn nhất năm 2022 do tạp chí Fortune tổng hợp - do người nhập cư hoặc con của người nhập cư sáng lập.

Những con số này không có gì đáng ngạc nhiên nếu ta nhìn vào hồ sơ của những công ty công nghệ mang tính biểu tượng nhất Thung lũng Silicon trong vài thập niên qua. Một trong những người sáng lập Google là người nhập cư từ Nga và CEO hiện tại là một người nhập cư Ấn Độ. CEO của Microsoft cũng đến từ Ấn Độ. eBay, Yahoo, Instagram và WhatsApp đều được sáng lập bởi những người nhập cư. Nhà đồng sáng lập Apple Steve Jobs có bố là người tị nạn Syria và mẹ là một người Mỹ gốc Đức.

Thung lũng Silicon còn lại gì nếu không còn người nhập cư? - Ảnh 3.

Những CEO công nghệ người Ấn Độ ở Thung lũng Silicon. Cột đầu tiên: Parag Agrawal (Twitter), Arvind Krishna (IBM). Cột giữa: Shantanu Narayen (Adobe), Nikesh Arora (Palo Alto Networks), Rangarajan Raghuram (VMware). Cột thứ ba: Sundar Pichai (Google), Satya Nadella (Microsoft).

Những người "xây" thung lũng

Có nhiều giả thuyết để lý giải vì sao người nhập cư lại thành công đến vậy trong lĩnh vực công nghệ. Những người chỉ trích chính sách thân thiện với người nhập cư của giới Big Tech cho rằng các số lượng sinh viên Mỹ tốt nghiệp ngành công nghệ hằng năm đủ sức thỏa mãn nhu cầu tuyển dụng, nhưng người nhập cư được ưu ái đơn giản vì các công ty có thể trả lương cho họ thấp hơn so với người Mỹ. 

"Dù nhận xét này có đúng đối với một bộ phận giới công nghệ Mỹ, nó đã bỏ lỡ bức tranh của các công ty hàng đầu Thung lũng Silicon" - nhà báo Farhad Manjoo viết cho The New York Times.

Theo Manjoo, một nhận thức sai lầm phổ biến về Thung lũng Silicon là nó hoạt động giống như một nhà máy: các công ty công nghệ có thể thuê bất kỳ ai từ bất kỳ đâu trên thế giới cho một vị trí công việc cụ thể. 

Nhưng các công ty công nghệ không phải là nhà máy. Thứ họ cần không phải công nhân băng chuyền mà là những người giống như Usain Bolt hay Michael Phelps của thể thao - những người tinh hoa nhất trong lĩnh vực chuyên môn của họ với bộ óc đủ khác biệt để tạo ra những thứ mà thế giới chưa từng biết, thậm chí định nghĩa lại những khái niệm mà thế giới tưởng như đã biết. 

"Vấn đề không phải là tuyển hàng chục, hàng trăm nghìn người vào các nhà máy sản xuất. Thứ các công ty tìm kiếm là một vài ý tưởng có thể thay đổi mọi thứ" - The New York Times dẫn lời Aaron Levie, người đồng sáng lập kiêm CEO công ty lưu trữ đám mây Box.

Tại sao giới chủ công nghệ tin rằng người nhập cư giỏi hơn trong việc đưa ra ý tưởng cho những phát minh tầm cỡ như thế? Theo nhà đầu tư mạo hiểm Paul Graham, vấn đề nằm ở con số thống kê: người Mỹ chỉ chiếm 5% dân số toàn cầu, nên lẽ hiển nhiên phần lớn ý tưởng tốt nhất của thế giới đang nằm đâu đó trong những bộ óc không được sinh ra ở Mỹ. 

Lấy ví dụ từ thực tế: toàn bộ hoạt động kinh doanh quảng cáo của Google là sản phẩm của ba kỹ sư nhập cư: Salar Kamangar và Omid Kordestani đến từ Iran và Eric Veach đến từ Canada.

Một lý do khác khiến người nhập cư thể hiện rất tốt trong lĩnh vực công nghệ là họ thường mang đến những quan điểm và góc nhìn mới mẻ. Mike Krieger, một người nhập cư từ Brazil và là người đồng sáng lập Instagram, tiết lộ một lý do khiến mạng xã hội này thành công trên phạm vi quốc tế là do anh đã cố tình lược bỏ hầu hết phần chữ nghĩa không cần thiết khỏi giao diện chính của ứng dụng. Nhờ vào tuổi thơ lớn lên ở Brazil, anh hiểu rõ một điều rằng giao diện nhiều chữ tiếng Anh là một yếu tố gây cản trở với người dùng ở hầu hết các nơi trên thế giới.

Làm việc bên cạnh những người giỏi nhất và sáng giá nhất đến từ các quốc gia cũng là nguồn cảm hứng cho chính những nhân viên bản xứ bộc lộ hết khả năng và thúc đẩy bản thân vượt ra khỏi vùng an toàn. "Nó thôi thúc bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình" - Henrique Dubugras, nhà đồng sáng lập start-up dịch vụ tài chính Brex viết cho trang TechCrunch.

Thung lũng Silicon còn lại gì nếu không còn người nhập cư? - Ảnh 4.

Những tên tuổi nhập cư ở Thung lũng Silicon. Ảnh: Celebrateimmigrants.Us

"Thánh địa" dân nhập cư

Người nhập cư hợp pháp ngày nay mang đến Thung lũng Silicon những ý tưởng phá vỡ định chuẩn, nhưng ít ai biết ngay từ những ngày đầu thì nền móng của cái nôi công nghệ thế giới đã được đắp nên bởi bàn tay những người lao động nhập cư không giấy tờ.

Năm 1984, Apple khoe với thế giới về "cơ sở sản xuất máy tính Macintosh tự động hóa cao" với những "cỗ máy tạo ra cỗ máy". Nhưng sự thật là ngành điện tử ở Mỹ chỉ có thể bành trướng vào thập niên 1970 và 1980 nhờ vào lực lượng lao động giá rẻ được thuê thông qua một bên thứ ba và phần lớn là người nhập cư không giấy tờ, theo báo Washington Post. 

"Đó là những phụ nữ da màu, chủ yếu là người nhập cư, cặm cụi với kính lúp trên tay để lắp ráp các linh kiện trong một dây chuyền nhà máy hoặc đôi khi là trong chính căn bếp của mình" - tờ báo này viết.

Số liệu điều tra từ nhà chức trách cho thấy khoảng 10-30% các công ty điện tử ở Mỹ giai đoạn này sử dụng "lao động tại gia" thông qua nhà thầu phụ theo hình thức này. Giống như công nhân may mặc đem đồ về nhà gia công trong những năm 1880, công nhân điện tử trong những năm 1980 cũng làm việc từ nhà bếp của họ để đổi lấy tiền công đâu đó khoảng 7 cent trên mỗi sản phẩm.

Cơ quan Di trú và nhập tịch Mỹ (INS) ước tính khoảng 25% nhân lực Thung lũng Silicon lúc này là người nhập cư không giấy tờ. Nhóm lao động này có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp bản địa đến nỗi vào năm 1985 chính quyền thành phố San Francisco đã tuyên bố nơi đây là "thánh địa" dành cho người nhập cư và ra lệnh cho cảnh sát cũng như quan chức địa phương không hỗ trợ INS trong việc lùng bắt những người nhập cư không giấy tờ.

John Senko, người có 18 năm kinh nghiệm trong các vấn đề di trú và được INS giao nhiệm vụ dọn sạch người nhập cư bất hợp pháp ở Thung lũng Silicon khi ấy, nhớ lại khoảng thời gian đó là "ba năm tồi tệ nhất cuộc đời".

Trả lời phỏng vấn Washington Post, Senko tin rằng nếu lúc ấy ông thật sự thành công trong nhiệm vụ được giao thì có lẽ "một cuộc cách mạng đã nổ ra".

Tóm lại, ngành công nghệ sẽ ra sao nếu không có người nhập cư? "Câu trả lời đơn giản là chúng ta sẽ không có những tiến bộ công nghệ mà chúng ta đã đạt được trong vài thập niên qua, và nước Mỹ sẽ không dẫn đầu trong ngành công nghệ" - trang Mashable dẫn lời người phát ngôn Starry Inc., một công ty dịch vụ Internet có trụ sở tại Boston và được điều hành bởi Chet Kanojia, một người nhập cư Ấn Độ.

Còn ở thì hiện tại, khi đã lâu Thung lũng Silicon chưa tạo được một sản phẩm gì thực sự mới mẻ và đột phá vì mọi thứ dường như đã bão hòa, việc hàng vạn tài năng công nghệ sẽ phải rời Thung lũng Silicon, thậm chí rời khỏi Mỹ, phải chăng sẽ khiến ngày sau còn u ám hơn?■

Đoạn kết một kỷ nguyên?

Những vụ sa thải hàng loạt đang diễn ra ở Thung lũng Silicon trong năm 2022 càng củng cố những dự đoán của giới quan sát rằng kỷ nguyên huy hoàng kéo dài hơn một thập niên của Big Tech đang đến hồi kết.

"Mọi thứ cảm giác giống như năm 2000. Các công ty mải mê tuyển dụng, tuyển dụng và tuyển dụng, rồi đột nhiên bị giội một gáo nước lạnh vào mặt" - nhà phân tích và đầu tư công nghệ Lise Buyer nói với Washington Post.

Giới lãnh đạo công ty đổ lỗi cho nhiều yếu tố có liên quan đến nhau: tuyển dụng quá mức trong thời kỳ đại dịch, hoạt động thương mại điện tử chậm lại và mọi người dành ít thời gian trực tuyến hơn khi các sự kiện trực tiếp hoạt động bình thường trở lại.

Khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang mạnh tay tăng lãi suất để chống lạm phát, những nhà đầu tư mạo hiểm phải khắt khe hơn với các khoản đầu tư của mình và buộc ban điều hành công ty tập trung vào lợi nhuận thay vì tăng trưởng. Sa thải để tinh giản bộ máy diễn ra như một hệ quả tất yếu.

Làn sóng sa thải ập đến chỉ một năm sau khi tăng trưởng ở Thung lũng Silicon đạt đỉnh, định giá các công ty Big Tech lần lượt chạm mốc triệu tỉ USD, mức lương cho nhân sự công nghệ vọt lên cao nhất mọi thời đại, và trào lưu tiền mã hóa giúp một bộ phận nhà đầu tư bỏ túi món hời khủng. "Còn bây giờ thì hàng chục nghìn lao động đang xoay xở kiếm cho mình một bến đỗ mới" - Washington Post viết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận