TTCT - Đã 4 tháng kể từ khi WHO tuyên bố bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là đại dịch toàn cầu, cuộc đua tìm thuốc điều trị vẫn đang khẩn trương diễn ra. Dù cùng nhắm đến mục tiêu chung là đánh bại virus corona, mỗi loại thuốc đang được thử nghiệm theo hướng áp dụng tùy theo tình trạng nặng nhẹ của bệnh. Thuốc chống viêm và dị ứng Dexamethasone cho kết quả làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong của các bệnh nhân mắc COVID-19 nghiêm trọng. Ảnh: Reuters Thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine và tổ hợp thuốc trị HIV lopinavir/ritonavir đã rớt đài trên sân khấu thuốc điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do không có hoặc có rất ít hiệu quả giảm thiểu số ca tử vong ở bệnh nhân. Các loại thuốc đang được nghiên cứu, thử nghiệm còn lại cho ngành y tế toàn cầu niềm tin đẩy lùi dịch bệnh. Thuốc trị COVID-19 thể nhẹ và trung bình Nga vừa cấp phép cho một loại thuốc chống virus mới có tên Coronavir, để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Công ty dược R-Pharm ngày 8-7 cho biết thử nghiệm lâm sàng với các trường hợp bệnh nhẹ hoặc trung bình cho thấy loại thuốc này có hiệu quả cao trong việc ức chế sự nhân lên của virus SARS-CoV-2, tác nhân gây COVID-19. Coronavir là một trong những loại thuốc đầu tiên ở Nga và trên thế giới không nhằm chữa biến chứng do virus gây ra mà chiến đấu chống lại chính virus này. R-Pharm cho biết kết quả một nghiên cứu lâm sàng cho thấy 55% các bệnh nhân ngoại trú trong ngày điều trị thứ bảy với Coronavir có dấu hiệu cải thiện, so với chỉ 20% những người điều trị bằng liệu pháp etiotropic tiêu chuẩn - liệu pháp nhằm vào nguyên nhân gây bệnh hơn là triệu chứng. Theo hãng dược này, sau 14 ngày, sự khác biệt là đáng kể. Hơn nữa, vào ngày thứ năm của liệu trình, virus corona chủng mới biến mất ở 75% bệnh nhân sử dụng thuốc Coronavir. Tatyana Ryzhentsova, chủ nghiệm nghiên cứu lâm sàng tại Viện Nghiên cứu dịch tễ học trung ương Nga, cho biết thử nghiệm được bắt đầu vào cuối tháng 5, đến nay đã có hơn 110 bệnh nhân ngoại trú tham gia. “Kết quả khám lâm sàng trên toàn cầu và nghiên cứu lâm sàng do chúng tôi thực hiện xác nhận thuốc Coronavir ngăn chặn sự lây nhiễm nhanh hơn nhiều nhờ cản trở tốt sự nhân lên của virus” - Mikhail Samsonov, giám đốc y tế của R-Pharm, cho biết. Coronavir là loại thuốc điều trị virus corona chủng mới thứ ba được cấp phép tại Nga. Thuốc đầu tiên có tên Avifavir được cấp phép sử dụng trên bệnh nhân từ ngày 11-6-2020. Bộ Y tế Nga đặc cách chấp thuận cho sử dụng Avifavir trong điều trị tại nhà cho các bệnh nhân COVID-19 trong khi những thử nghiệm lâm sàng vẫn đang được tiến hành do diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở quốc gia này. Các thử nghiệm này được đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thử nghiệm và giảm số người tham gia so với ở nhiều quốc gia khác. Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai và giai đoạn ba, cũng như dữ liệu trong tháng đầu tiên thuốc được sử dụng tại bệnh viện, cho thấy kết quả khả quan khi Avifavir được sử dụng ở giai đoạn đầu và giữa của bệnh COVID-19. Khắc tinh COVID-19 thể nặng Nhờ những nghiên cứu về hai đợt bùng phát của họ virus corona, từng gây ra hội chứng suy hô hấp cấp nặng (SARS) và hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS) trước đây, các nhà nghiên cứu đã nhanh chóng xác định những phương pháp điều trị tiềm năng giúp giảm mức độ nghiêm trọng của COVID-19. Remdesivir là một trong những loại thuốc kháng virus phổ rộng đã được thử nghiệm trước đây ở người bị bệnh do virus Ebola và cho thấy tiềm năng hứa hẹn trong các mô hình trên động vật để điều trị MERS và SARS. Ngày 1-5, Remdesivir đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận thuốc là một phương pháp điều trị cho những bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng, cần dùng máy thở. Loại thuốc truyền tĩnh mạch này có tác dụng rút ngắn thời gian nằm viện và cải thiện tỉ lệ tử vong. Hàn Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu cũng chính thức cho phép sử dụng thuốc này trong điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nặng. Trong thử nghiệm lâm sàng, Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Hoa Kỳ (NIAID) phát hiện Remdesivir đẩy nhanh thời gian hồi phục của bệnh nhân, giúp họ đạt trạng thái ổn định đủ để xuất viện nhờ làm giảm lượng virus trong cơ thể. Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc điều hành NIAID, nhận xét Remdesivir có “tác động rõ ràng, quan trọng, tích cực trong việc rút ngắn thời gian phục hồi”. Trong nghiên cứu của NIAID, 1.063 tình nguyện viên tại các bệnh viện trên khắp thế giới đã tham gia thử nghiệm. Một số sử dụng Remdesivir và số khác sử dụng giả dược. Thời gian hồi phục của bệnh nhân sử dụng Remdesivir là 11 ngày trong khi thời gian hồi phục của bệnh nhân sử dụng giả dược là 15 ngày. Ngay sau khi xác nhận hiệu quả Remdesivir trong điều trị COVID-19, Mỹ đã sử dụng quyền lực của mình để đạt một thỏa thuận độc quyền vét gần như sạch sẽ lượng thuốc Remdesivir trên toàn cầu cho đến tháng 9-2020. Gilead, công ty Mỹ nơi sản xuất loại thuốc này, gần như không còn hàng để bán cho châu Âu hay cho các thị trường khác. Gilead cho biết hãng dược này đang liên kết với các nhà sản xuất thuốc ở Ấn Độ và Pakistan để cung cấp Remdesivir cho 127 quốc gia đang phát triển. Thuốc Remdesivir. Ảnh: Reuters Thuốc “đề xa” Theo nghiên cứu của Trường ĐH Oxford (Anh) công bố vào ngày 16-6, loại thuốc có tên Dexamethasone (thường được người Việt Nam gọi là thuốc “đề xa”), một loại thuốc chống viêm và dị ứng đã có từ lâu, cho kết quả làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong của các bệnh nhân mắc COVID-19 nghiêm trọng. Thuốc được thử nghiệm trong điều trị cho 2.000 bệnh nhân COVID-19 nặng để đối chứng với một nhóm gồm 4.000 bệnh nhân không được điều trị bằng phương pháp này. Kết quả: với những người phải dùng máy thở, Dexamethasone giúp giảm nguy cơ tử vong từ 40% xuống 28%. Với những người chỉ cần thở oxy, Dexamethasone giúp giảm tỉ lệ tử vong từ 25% xuống 20%. Nhóm nghiên cứu cho biết sử dụng đúng liều Dexamethasone hằng ngày có thể ngăn ngừa tử vong ở một trong tám bệnh nhân phải thở máy và một trong số 25 bệnh nhân cần thở oxy. Dexamethasone vốn thường được dùng để điều trị các bệnh dị ứng, viêm khớp dạng thấp, hen suyễn và một số bệnh về da. Hiệu quả của thuốc đặc biệt đáng chú ý trong bối cảnh 40% các bệnh nhân COVID-19 phải thở máy tử vong (theo Dịch vụ Y tế quốc gia Anh), với nguyên nhân thường là do phản ứng viêm không kiểm soát được của cơ thể với virus. Peter Horby, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm mới nổi của Trường y Nuffield, ĐH Oxford, nhận xét: “Thuốc Dexamethasone là loại thuốc đầu tiên được chứng minh là có thể cải thiện khả năng sống sót của bệnh nhân COVID-19. Đây là một kết quả rất đáng hoan nghênh”. Ngày 16-6, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ra thông báo cập nhật Dexamethasone vào danh mục các thuốc điều trị COVID-19 và khẳng định: “Đây là phương pháp chữa trị đầu tiên giúp giảm tỉ lệ tử vong trong các trường hợp COVID-19 bắt buộc thở oxy hoặc máy trợ thở”. Dexamethasone có thể mua mà không cần toa và có sẵn trên toàn cầu. Ở Mỹ, một số người sau khi nghe loáng thoáng về hiệu quả của thuốc đã vội vàng tự đi mua về để chữa bệnh cho mình và người thân. Cần nhớ rằng với các trường hợp bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhập viện bình thường, không cần can thiệp hô hấp, nghiên cứu của Oxford cho thấy Dexamethasone không có lợi ích gì. Các bác sĩ khuyến cáo không nên tự ý mua thuốc Dexamethasone về dùng vì nó có thể gây nhiều tác dụng phụ.■ Chuyện chi phí Remdesivir được bán ra tại các nước phát triển với giá 390 USD một lọ. Trung bình, để khỏi bệnh, một bệnh nhân cần dùng sáu liều, nghĩa là gần 2.400 USD. Mức giá này được cho là trên trời, nhất là khi Gilead đã được 70,5 triệu USD trợ cấp của chính phủ để bào chế Remdesivir. Trong khi đó, giá của Dexamethasone rất rẻ, không ngất ngưởng như Remdesivir. Ở Anh, việc điều trị chỉ tốn khoảng 5 bảng (khoảng 150.000 đồng) cho mỗi bệnh nhân một ngày. Chính phủ Anh đã dự trữ Dexamethasone từ tháng 3 sau khi một số thử nghiệm sơ bộ cho thấy thuốc này có hiệu quả ban đầu. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết Anh sẽ ứng dụng thuốc này để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 ngay lập tức. Kháng thể với virus corona Các nhà nghiên cứu Trung Quốc, Mỹ và Anh trong nhiều nghiên cứu khác nhau đã cùng khẳng định những người đã nhiễm COVID-19 có thể mất đi kháng thể chống lại virus này trong vài tháng. Cụ thể, lượng kháng thể chống virus corona đạt đỉnh vào 3 tuần sau khi có triệu chứng và giảm mạnh trong cơ thể sau 3 tháng nhiễm bệnh. Trong nghiên cứu mới nhất về phản ứng miễn dịch của hơn 90 tình nguyện viên nhiễm COVID-19 ở Anh, kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ 17% còn giữ nguyên phản ứng kháng thể có hiệu lực sau 3 tháng. Với đa số các trường hợp, lượng kháng thể giảm đến 23 lần và trong một số trường hợp, các nhà khoa học không ghi nhận còn kháng thể chống virus corona ở bệnh nhân. Phát hiện này là thách thức với các nhà nghiên cứu vaccine và những người tin vào miễn dịch cộng đồng. Nếu virus thực sự không thể tạo ra phản ứng kháng thể lâu dài, loại vaccine sử dụng virus giảm độc lực có thể không có tác dụng. Ngoài ra, nếu kháng thể mất đi trong vòng 3 tháng, ý tưởng miễn dịch cộng đồng sẽ đương nhiên phá sản vì có khả năng họ sẽ không còn kháng thể nào chỉ trong 3 tháng. Tags: WHOCOVID-19Virus coronaThuốc điều trị
Xót xa nhìn biển nước mênh mông muốn chạm mặt những cây cầu qua sông Hồng, sông Đuống HỒNG QUANG 10/09/2024 Nước lũ sông Hồng, sông Đuống lên rất cao, nhấn chìm nhiều bãi bồi ven sông Hồng. Nhiều đoạn nước sông ngày càng tiến dần tới mép cầu.
Tạm đình chỉ chức vụ giám đốc điện lực TP Hạ Long, yêu cầu có mặt khắc phục lưới điện NGỌC AN 10/09/2024 Công ty Điện lực Quảng Ninh vừa có quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với Giám đốc Điện lực TP Hạ Long ông Nguyễn Đại Cương.
Đề nghị Trung Quốc phối hợp, không xả lũ thủy điện thượng nguồn sông Hồng DUY LINH 10/09/2024 Việt Nam gửi công hàm đề nghị Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ lượng nước trên thượng nguồn sông Hồng đổ xuống hạ lưu.
Lũ lụt chưa từng có ở miền Bắc: Triển khai ngay các biện pháp bảo vệ hồ thủy điện Thác Bà CHÍ TUỆ 10/09/2024 Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa ký công điện gửi 3 tỉnh Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn đập thủy điện Thác Bà.