Thương chiến Mỹ - Trung: Sau “đình chiến” là gì?

GIANG LANG 08/07/2019 21:07 GMT+7

TTCT - Những lạc quan nhất thời không thể thay thế lo ngại cho tương lai. Giới phân tích cho rằng việc Mỹ - Trung chấp nhận nối lại đàm phán cũng không giúp tình hình khá hơn.

Chứng khoán thế giới đầu tuần trước chứng kiến một ngày đầy ắp tin vui. Chỉ số S&P 500 đóng hôm 1-7 với kỷ lục mới khi tăng 22 điểm, lên 2.963,83 điểm, trong khi chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 111 điểm, lên mốc 26.711, còn chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 82,95 điểm lên 8.089,19.

Đây được cho là hệ quả tích chủ yếu từ sự kiện cuối tuần ở Osaka, Nhật Bản: Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Thượng đỉnh G20 đã nhất trí không áp thêm thuế nhập khẩu lên hàng hóa hai nước.

Ông Trump ngoài ra cũng quyết định nới lỏng lệnh cấm công ty Mỹ bán sản phẩm cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei, tâm điểm của tranh chấp thương mại Mỹ - Trung vừa qua.

Triển vọng “ngừng bắn” trong chiến tranh thương mại Mỹ  - Trung vẫn không lấy gì làm sáng sủa. Ảnh: New Indian Express
Triển vọng “ngừng bắn” trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn không lấy gì làm sáng sủa. Ảnh: New Indian Express

Mỹ sẽ không nhượng bộ

Ngay trước khi G20 khởi động tại Nhật Bản, đã có những thông tin trái chiều về nội dung đàm phán giữa ông Trump và ông Tập về tranh chấp thương mại.

Phía Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh chấp nhận nối lại đàm phán nếu Mỹ chấm dứt một số yêu cầu lâu nay như gỡ bỏ lệnh cấm với Huawei hay không yêu cầu Trung Quốc mua thêm hàng Mỹ.

Ngược lại, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngay hôm 27-6 bác bỏ việc Mỹ chấp thuận bất kỳ điều kiện bắt buộc nào từ phía Trung Quốc.

Động thái này phản ánh quan điểm của chính quyền ông Trump trong cách tiếp cận với Trung Quốc lâu nay. Vì vậy, dù những người ủng hộ Huawei và Trung Quốc hả hê với kết quả chính thức, giới phân tích lại cho rằng cùng lắm ông Trump chỉ đưa hai bên trở lại bàn đàm phán với tư thế... y chang trước đây.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, cố vấn cấp cao của Công ty tư vấn chiến lược quốc tế McLarty Associates, Steven Okun nhận xét: “Mỹ hiện có lập trường tương tự với Trung Quốc trước sự kiện ở Osaka. Để Mỹ giữ chữ tín trong việc bỏ loạt thuế quan hiện tại, Trung Quốc về cơ bản phải chấm dứt các yêu sách về chuyển giao công nghệ, tăng cường bảo vệ sản phẩm trí tuệ, gỡ bỏ hàng rào phi thuế quan và ngăn hành vi trộm cắp - tấn công mạng...”.

Theo ông Okun, điểm mấu chốt để tin rằng Mỹ không chấp nhận nhượng bộ nằm ở chỗ loạt thuế quan của ông Trump với hàng Trung Quốc đang dựa trên cuộc điều tra nhắm vào các hoạt động vi phạm sở hữu trí tuệ của Bắc Kinh.

Trên thực tế, trong một phát biểu hôm 1-7, Tổng thống Trump tái khẳng định đàm phán thương mại Mỹ - Trung và bất kỳ thỏa thuận nào xung quanh nó đều “cần có gì đó nghiêng về hướng có lợi cho Mỹ”.

"Với Donald Trump ngồi đó, tôi không nghĩ việc “đình chiến thương mại” này có tạo ra bất kỳ khác biệt nào"

(Zhu Ning, giáo sư Trường tài chính PBOC ở Đại học Thân Hoa, Trung Quốc)

Tiếp tục đấu trí

Nhận xét bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Đại Liên, Trung Quốc ngày 1-7, giáo sư Zhu Ning (Chu Ninh) tại Trường tài chính PBOC ở Đại học Thân Hoa cũng bi quan về triển vọng tháo gỡ căng thẳng trong ngắn hạn.

Ông Chu cho rằng xét tất cả những phát biểu từ hai phía trong 6 tháng trở lại đây, không có dấu hiệu chứng tỏ họ tiến gần hơn tới một thỏa thuận, bất chấp lần này hai bên có vẻ lạc quan và hợp tác hơn so với lần “đình chiến” tương tự tại Argentina năm ngoái.

Mấu chốt để tin rằng đường đi tới thỏa thuận ngưng hẳn chiến tranh thương mại còn xa nằm ở chỗ các yêu cầu của hai bên đều khó thực hiện lập tức, và hơn nữa cả hai vị lãnh đạo đều cần giữ vị thế trên chính trường.

Theo ông Okun, những yêu cầu cải cách của Mỹ đối với nền kinh tế Trung Quốc hầu hết đòi hỏi Bắc Kinh phải điều chỉnh luật, ví dụ như cho phép các công ty công nghệ nước ngoài được hoạt động với quyền sở hữu toàn bộ doanh nghiệp ở Trung Quốc. Forbes bình luận rằng Mỹ đang cố biến Trung Quốc thành một “Nhật Bản mới”.

Tiếp cận bằng lịch sử, tác giả Panos Mourdoukoutas khẳng định Mỹ từng dùng áp lực thương mại để Nhật Bản thay đổi, và việc Quốc hội Mỹ ban hành Đạo luật cạnh tranh và thương mại Omnibus năm 1988 “thực chất nhằm đặt thương mại Mỹ - Nhật dưới sự kiểm soát của Washington”.

Cái khó ở đây là Trung Quốc không phải Nhật Bản, đặc biệt trước áp lực từ bên ngoài. Bill Adams, nhà kinh tế tại PNC Financial Services Group, lý giải điều này thông qua bản tin có vẻ chung chung nhưng chứa thông điệp của truyền thông trung ương Trung Quốc, dẫn lời Chủ tịch Tập sau G20 nói “các cuộc đàm phán phải dựa trên yếu tố bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”.

Chính vì vậy trong thời gian sắp tới, điều mà giới quan sát sắp chứng kiến nhiều khả năng không phải một thỏa thuận, thay vào đó là xem cách ông Trump và ông Tập xử lý tình huống khi phải cân bằng giữa lợi ích thương mại và yếu tố chính trị trong nước ra sao.

“Đa số yêu cầu cải cách của Mỹ đều nằm trong bài phát biểu của Chủ tịch Tập khi ông trình bày về sáng kiến Vành đai - con đường năm 2019. Tuy nhiên, Trung Quốc không thể để bị xem sẽ thực hiện thay đổi chỉ vì sức ép từ Mỹ. Đây là tư thế mà Trung Quốc đang phải đối diện. Sẽ có một thỏa thuận được chốt nếu Tổng thống Trump nhìn nhận nhu cầu chính trị của Chủ tịch Tập. Hoặc sẽ có thỏa thuận nếu Tổng thống Trump xác định lợi ích của riêng mình là đạt được một thỏa thuận, trong đó không yêu cầu Trung Quốc phải giải quyết tất cả những điểm không công bằng trong thương mại mà Mỹ đang nhắm tới” - ông Okun nói.■

Việt Nam cần tranh thủ lợi thế

Cho đến nay, trên lý thuyết, Việt Nam được cho là hưởng lợi từ những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu liên quan tới căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Tuy nhiên trên thực tế và về lâu dài, câu chuyện sẽ đi theo hướng nào?

Nhà phân tích Okun cho rằng Việt Nam đang ở vị thế tốt để thu hút sản xuất từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong ngắn hạn, Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung. Còn về dài hạn, Việt Nam cần tranh thủ lợi thế từ việc gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

“Lợi ích từ việc gia nhập CPTPP xuất hiện khi các cải cách cần thiết được Việt Nam triển khai theo yêu cầu của một thành viên, trong đó CPTPP sẽ gia tăng đầu tư và mở cửa các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Nhật Bản. Khi CPTPP mở rộng để đón thêm các nước khác, những thời cơ như trên cho Việt Nam sẽ tăng lên”.

EU sẽ dẫn dắt thương mại toàn cầu?

Hiệp định thương mại EU - Việt Nam được ký kết chỉ vài ngày sau khi EU ký với khối thị trường chung Nam Mỹ Mercosur (gồm các nước Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay) một thỏa thuận tương tự dự kiến kết nối 800 triệu người và trở thành một trong những FTA khu vực lớn nhất thế giới.

Bản thân EU đang phải tìm kiếm thêm các đối tác thương mại mới sau khi Mỹ đã ngưng việc thỏa thuận một FTA với khối này dưới thời Tổng thống Donald Trump. EU cũng mô tả FTA với Việt Nam là “thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất từng đạt được với một nước đang phát triển”.

EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ, với các mặt hàng chủ lực là dệt may và giày dép. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 42,5 tỉ USD sang EU, trong khi giá trị nhập khẩu là 13,8 tỉ USD, cả hai đều được chờ đợi sẽ tăng mạnh sau EVFTA, ở mức dự kiến lần lượt là hơn 15% và 20% tới năm 2020.

Ở châu Á, EU hiện có FTA với các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore, và đang thương lượng với các nước Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Chính EU, chứ không phải Mỹ, mới là khối thương mại lớn nhất thế giới với hơn 500 triệu người tiêu dùng thu nhập cao. Các thỏa thuận thương mại tự do mà EU mới ký bao phủ lượng hàng hóa và dịch vụ giá trị gần 600 tỉ USD mỗi năm, khoảng một nửa giá trị thương mại hiện giờ giữa EU và Mỹ.

“Thỏa thuận này là một thông điệp thực sự ủng hộ cho thương mại mở, công bằng, bền vững và dựa trên luật lệ” - Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker nói sau lễ ký kết FTA với khối Mercosur. Tiếp theo, khối này có thể ký tiếp một hiệp định với Liên minh Thái Bình Dương, một khối thương mại lớn ở Mỹ Latin khác bao gồm Mexico, Peru, Colombia và Chile.

Ngoài ra, EU cũng đang ở vị trí rất thuận lợi để thay thế Hoa Kỳ trong CPTPP, đã được ký vào tháng 12-2018, nhưng vẫn còn thiếu một tay chơi lớn đích thực tầm cỡ thế giới trong thương mại (mà hiện là Mỹ, Trung Quốc hoặc EU). Với việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang làm suy yếu lẫn nhau qua một cuộc chiến thương mại, EU thực sự có cơ hội nắm lấy ngọn cờ đầu trong lĩnh vực này.

HẢI MINH

 

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận