Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện hô hào “những nông dân yêu nước vĩ đại”, thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đe dọa “những hậu quả thảm khốc”. Xem ra, cuộc thương chiến Mỹ - Trung sẽ không chỉ dừng lại ở cán cân thương mại. Mỹ vừa chọc giận con rồng đang trỗi dậy Trung Quốc? Ảnh: scmp.com Trên trang Twitter của tổng thống Mỹ @POTUS hôm 20-5, nổi bật mẩu tin nhắn: “Bắt đầu từ thứ hai (20-5), những người nông dân vĩ đại của chúng ta đã lại có thể kinh doanh với Mexico và Canada. Cả hai nước này đã gỡ những trừng phạt thuế đánh lên nông sản tuyệt vời của các bạn. Hãy tin chắc rằng các bạn đang được đối xử công bằng. Mọi khiếu nại xin gửi ngay lập tức cho @Bộ trưởng Sonny Perdue”. Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Perdue trước đó ba ngày, hôm 17-5, loan tin “Hôm nay là một chiến thắng lớn cho ngành nông nghiệp Mỹ và nền kinh tế nói chung. Tôi cảm ơn Tổng thống Trump vì đã đàm phán một thỏa thuận tuyệt vời để loại bỏ các khoản thuế này. Canada và Mexico là hai trong ba đối tác thương mại hàng đầu của chúng ta, và tôi kỳ vọng họ sẽ ngay lập tức rút lại các khoản thuế trả đũa nhắm vào nông sản của chúng ta”. Nông dân ở tuyến đầu Cũng hôm 17-5, văn phòng của Hiệp hội Nông trang Hoa Kỳ (AFBF) bình luận trên tin nông nghiệp của bang California, agnetwest.com: “Thuế trả đũa là một lực cản đối với nông dân và chủ trang trại Mỹ tại thời điểm họ đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế hơn nhiều người nhớ được. Việc xóa bỏ các mức thuế này sẽ giúp mở đường cho Quốc hội phê chuẩn Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA, được kỳ vọng sẽ thay thế Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA)… Sau khi đạt được cột mốc này, chúng tôi kêu gọi các nhà đàm phán tiếp tục công việc với việc mở lại thị trường với Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Nhật Bản. Văn phòng AFBF tin vào thương mại công bằng. Tiếp tục loại bỏ các sắc thuế và rào cản thương mại khác là rất quan trọng để đạt mục tiêu đó”. Mẩu bình luận trên của AFBF rất đáng lưu ý, ở câu trách móc “hơn là nhiều người nhớ được”. Có thể hiểu đó là lời nhắc nhở với những ai đã quên mất lợi ích của những người nông dân - chủ trang trại này, để lao vào vô vàn cuộc chiến tranh thương mại khiến họ “tứ bề thọ địch”, từ Canada và Mexico ở Tây bán cầu đến EU, Trung Quốc và Nhật Bản! Thành ra, sau khi vấn đề với Canada và Mexico đã được tháo gỡ, người nông dân Mỹ vẫn cần thêm việc “mở lại thị trường với EU, Trung Quốc và Nhật Bản” từ chính quyền. Trên bình diện dân số, việc “nhiều người không nhớ” những khó khăn của nông dân Mỹ cũng dễ hiểu: lực lượng lao động nông nghiệp ở Mỹ nay chỉ hơn 2 triệu người và đang trên đà suy giảm từ năm 2007 tới giờ, theo statista.com. 2 triệu nông dân trên tổng dân số gần 329 triệu dân Mỹ quả là một con số lẻ “dễ quên”! Càng dễ quên khi nông dân Mỹ, tính theo cách xếp loại thành sáu nhóm sản xuất - kinh doanh theo quy mô doanh số bán, thì phần lớn không phải là khá giả: 51% có doanh số bán ra từ 1.000-9.999 USD; 30,5% có doanh số từ 10.000-99.999 USD (2018). Số có doanh số từ 100.000-249.000 USD chỉ 6,7%; cao nhất từ 1 triệu USD trở lên thì chỉ 3,9%. Đằng sau nông sản “Canada là thị trường lớn thứ hai về xuất khẩu nông sản ở California, với hơn 3,3 tỉ USD trong năm 2016, theo Bộ Nông nghiệp và thực phẩm California. Mexico là thị trường nước ngoài số 5 cho các sản phẩm nông nghiệp ở California, với hơn 1 tỉ USD trong năm 2016” - chủ tịch AFBF Zippy Duvall lên tiếng sau khi Canada và Mexico tháo gỡ các sắc thuế trừng phạt, cũng theo agnetwest.com. Tại sao ông Duvall lại nói tới bang California mà không nhắc bang Texas, vốn là bang nông nghiệp lớn nhất nước Mỹ? Theo trang AGHires chuyên về sản xuất nông nghiệp ở Mỹ thì “California là nhà cung cấp thực phẩm, sợi bông và các mặt hàng nông sản lớn thứ 5 thế giới” và “ở Hoa Kỳ, California là nhà sản xuất thực phẩm lớn nhất, mặc dù chỉ có chưa đến 4% số trang trại ở nước này”. Nếu tra lại kết quả cuộc bầu cử tổng thống ngày 8-11-2016, sẽ thấy California - nơi có 55 phiếu đại cử tri - chính là bang mà ứng cử viên Donald Trump đã bị ứng cử viên Hillary Clinton đánh bại hoàn toàn với tỉ lệ phiếu phổ thông 61,7%-31,6%. Trong khi đó ở Texas, với 38 phiếu đại cử tri, bà Clinton đã thua với tỉ lệ 43,2%-52,2%. Khả năng ông Trump biến được bang California, vốn trước giờ vẫn có màu xanh - bỏ phiếu cho phe Dân chủ - thành màu đỏ, tức phe Cộng hòa, ở cuộc bầu cử tổng thống 2020 là không cao. Dẫu vậy, việc lấy lại thị trường cho nông dân Mỹ cũng sẽ giúp ông ghi điểm với một lực lượng cử tri tuy nhỏ nhưng quan trọng. Cũng cần đặt bối cảnh ông Trump và chính quyền của ông đã cố gắng tranh thủ các thị trường Bắc Mỹ ngay trước khi công bố những sắc thuế mới đánh vào hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu. Tổng thống Mỹ hẳn đã tính trước việc Trung Quốc sẽ trả đũa, mà trước tiên là nhắm vào nông sản xuất khẩu của Mỹ, và ông cần một động thái lấy lòng các cử tri nông dân trước khi làm phật lòng họ vì “đại sự” lớn hơn. Tức là, sau đổ vỡ đàm phán với “lô độc đắc” Trung Quốc, nông dân Mỹ giờ đành nhận “lô an ủi” Canada và Mexico! Chiến tranh tâm lý dọn đường… Khi sử dụng cụm từ “những người nông dân yêu nước vĩ đại” (mà trong nguyên văn, ông Trump viết hoa cả “những người nông dân” lẫn “yêu nước” - “Patriotic Farmers”), tổng thống Mỹ có thể đang muốn vuốt ve các cử tri của ông trong cuộc thương chiến sẽ còn nhiều tên bay đạn lạc trước mắt. Ở bên kia chiến tuyến, ông Tập có thể không phải chịu sức ép trực tiếp từ các lá phiếu như thế, nhưng áp lực cũng không hề nhỏ. Giống như hai đầu máy xe lửa khổng lồ lao vào nhau, cuộc thương chiến hứa hẹn sẽ thật sự biến thành cảnh tượng “nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Mấy ngày qua, tinh thần dân tộc đã lên cao vút ở Trung Quốc thể hiện cả trong những phát biểu của các lãnh đạo và truyền thông đại chúng. Truyền hình trung ương thì chiếu lại những bộ phim “đánh bại đế quốc Mỹ” thời chiến tranh Triều Tiên. Bằng ngôn ngữ như thể đây là một cuộc chiến vũ trang thực sự, Nhân Dân Nhật Báo ngày 14-5 đã có bài xã luận gọi đó là “một cuộc chiến tranh nhân dân”. Báo chí phương Tây, hay tờ Bưu Điện Hoa Nam ở Hong Kong, có nói tới sự chia rẽ trong nội bộ Trung Quốc vì thương chiến, nhưng màu sắc chung vẫn là đồng lòng nhất trí. Một bài đăng trên mạng xã hội khuyến khích người tiêu dùng Trung Quốc mua thêm cá rô phi để giảm ảnh hưởng cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tấm áp phích bên phải ghi "tất cả các cuộc chiến thương mại là con hổ giấy". (Ảnh AP / Mark Schiefelbein) Ở Mỹ, tâm trạng không được đoàn kết như thế. Chính phủ Mỹ không thể phát động các chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn trên báo đài là một lẽ. Tệ hơn, ông Trump còn bị các hãng tin, các chính trị gia đối lập, và cả giới chuyên gia kinh tế chê bai, giễu cợt, thậm chí là mạt sát vì cuộc thương chiến mà ông đã khơi mào. Những nhận xét nói ông Trump chẳng hiểu gì về kinh tế học, rằng chiến tranh thương mại sẽ dẫn tới “lưỡng bại câu thương”, rằng chỉ có người tiêu dùng và nhà sản xuất Mỹ chịu thiệt, rằng ông Trump mù quáng… ôi thôi, có lẽ cũng nhiều như những bài tuyên truyền đòi “chiến tranh nhân dân” phía bên kia Đại Tây Dương vậy! Nhưng trong dòng thác thông tin đó, vẫn có những tiếng nói hơi khác, như bài của Jim Zarroli đăng trên trang mạng của đài phát thanh công cộng NPR tựa đề “Trong cuộc chiến thương mại của Trump, người Mỹ sẽ được yêu cầu chứng tỏ lòng yêu nước về mặt kinh tế”. Bài báo viết: “Trump sẽ phải kêu gọi niềm tự hào dân tộc và lòng yêu nước của người Mỹ để thành công trong việc san bằng sân chơi với Trung Quốc, bởi hầu như mọi người Mỹ nhiều khả năng sẽ bị tác động nếu các khoản thuế của ông Trump được đánh vào gần như mọi thứ nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông sẽ phải thuyết phục người Mỹ rằng những được mất trong cuộc chiến này lớn hơn lợi ích của chính họ. Người Mỹ có thể không thích trả giá cao hơn cho sản phẩm nhập khẩu, nhưng họ nhiều khả năng chấp nhận điều đó nếu nhận thấy các giá trị của Mỹ đang bị đe dọa”. Đến đây thì vấn đề không chỉ là được mất trong buôn bán nữa. Henry Olsen, nghiên cứu viên cao cấp ở Trung tâm Đạo đức và chính sách công Mỹ, nói trong bài báo trên: “Tôi nghĩ rằng có yếu tố của lòng yêu nước ở đây. Người Mỹ thấy rằng Chính phủ Trung Quốc không tự do và dân chủ, và ngày càng trở thành mối đe dọa đối với chúng ta và các nước khác tin vào những giá trị này”. Chiến tranh kinh tế, vì thế, có thể chỉ là bề mặt của chiến tranh ý thức hệ. Mới đây thôi, ở Hội nghị về các nền văn minh châu Á diễn ra ngày 15-5 tại Bắc Kinh, do Bộ Giáo dục Trung Quốc tổ chức, ông Tập Cận Bình đã tới dự và phát biểu: “Không có nền văn minh nào vượt trội hơn. Ý nghĩ rằng chủng tộc và nền văn minh của dân tộc này vượt trội và có thể thay thế các nền văn minh khác là ngu ngốc…, mà hậu quả sẽ là thảm khốc!”. Ở cả hai bên, những từ ngữ cùng khái niệm đao to búa lớn như “niềm tự hào dân tộc”, “giá trị Mỹ đang bị đe dọa”, “tự do, dân chủ”, “chiến tranh nhân dân”, “kỳ thị văn minh”… là những từ khóa quen thuộc của một chiến dịch tâm lý chiến và chiến tranh ý thức hệ. Xung đột nay không còn đóng khung trong kinh tế, thuế quan nữa, mà đã bắt đầu lên một tầm cao mới.■ Những gì đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay sẽ khiến nhiều sử gia nhớ tới tình hình quan hệ Nhật Bản - Mỹ cuối những năm 1930, đầu 1940, khi Nhật Bản cạn kiệt nguyên liệu, nhất là dầu hỏa, phải thương thuyết vô vọng với Mỹ. Nhà nghiên cứu Anthony V. Navarro, tác giả Một so sánh phê bình giữa tuyên truyền của Nhật Bản và của Mỹ trong Thế chiến II, đã viết: “Phần lớn các cuộc chiến truyền thông xã hội giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản liên quan đến việc làm cho thấm nhuần trong nhân dân mỗi nước cả niềm tự hào dân tộc mạnh mẽ về đất nước mình lẫn sự căm ghét đối phương. Phần lớn các tài liệu mang tính phân biệt chủng tộc và phục vụ cho những ý tưởng như chủng tộc hạ đẳng/chủng tộc thượng đẳng. Đất nước của người này luôn là văn minh trong khi đất nước của kẻ thù luôn được mô tả là man rợ, thậm chí không phải là con người, và trong một số trường hợp là ác quỷ”. Tags: Tập Cận BìnhDonald TrumpXuất khẩu nông sảnTrả đũa thương mạiNông dân Trung QuốcChiến tranh thương mại Mỹ-TrungXung đột ý thức hệ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.