Thương chiến Trung - Mỹ: Nguy cơ đã phát lộ?

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH 09/09/2019 21:09 GMT+7

TTCT - Trái với nhiều dự đoán trước đây cho rằng Việt Nam được hưởng lợi từ thương chiến Trung - Mỹ, nền kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều tác động trái chiều mạnh mẽ. Do vậy, trong bối cảnh thương chiến bước vào giai đoạn khốc liệt chưa từng có và không ai dám chắc kịch bản hạ màn sẽ như thế nào, vấn đề bức xúc hiện nay là làm sao để tránh bị “vạ lây”.

Ảnh: Project Syndicate
Ảnh: Project Syndicate

 

“Cả làng” cùng thiệt

Cho đến thời điểm này, dù chưa có đủ căn cứ để lượng hóa những tác động của thương chiến Trung - Mỹ, với các số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), đã có thể khẳng định rằng không chỉ hai bên đối đầu nhau đang gánh chịu những hậu quả không nhỏ, mà cuộc chiến này đang phủ bóng đen lên thương mại toàn cầu.

Trước hết, theo ITC, hiện mới có số liệu thống kê của 31 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay đạt 5.287 tỉ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ 2018.

Trong đó, Trung Quốc vẫn dẫn đầu nhưng hầu như “giậm chân tại chỗ”, với nhịp tăng gần như bằng 0 và Hoa Kỳ vẫn đứng thứ hai nhưng với nhịp tăng âm 0,75%, còn nhịp tăng của các “đại gia” khác trong tốp mười nước đứng đầu, cùng đa số các quốc gia xuất khẩu lớn khác còn tệ hơn nhiều.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hoa Kỳ 6 tháng đầu năm nay đạt gần 824 tỉ USD, giảm nhẹ 6,3 tỉ USD so với cùng kỳ. Riêng với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu của Hoa Kỳ giảm mạnh từ 64 tỉ USD xuống chỉ còn 52 tỉ USD, tương ứng tỉ lệ giảm tới 18,8%.

Trong đó, chỉ tính riêng nhóm hàng lương thực, thực phẩm (gồm 24 mã hàng đầu tiên trong danh mục 97 mã hàng 2 chữ số của ITC), các con số tương ứng là 6,3 tỉ USD; 5,1 tỉ USD và 19,1%. Không những vậy, xuất khẩu nhóm hàng này của Hoa Kỳ ra thị trường thế giới trong cùng kỳ cũng giảm mạnh từ gần 73 tỉ USD xuống gần 69 tỉ USD, tương ứng với tỉ lệ giảm 5,1%.

Thực tế này cho thấy đòn thuế đánh vào hàng nông sản là đòn hiểm của Trung Quốc, đã thực sự gây khó khăn cho Hoa Kỳ, vốn là cường quốc xuất khẩu nông sản số 1 thế giới. Các số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chứng thực điều này.

Theo đó, giá hàng nông sản nói chung trên thị trường thế giới trong 7 tháng đầu năm nay đã giảm 6,5%, riêng nhóm hàng lương thực, thực phẩm giảm 7,24%.

Ở phía đối diện, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay của Trung Quốc tuy vẫn đạt 1.171 tỉ USD nhưng riêng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh từ gần 218 tỉ USD xuống gần 200 tỉ USD, tức 18 tỉ USD và 8,3%.

Như vậy, có thể nói đòn thuế đánh vào 250 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đã gây không ít khó khăn cho cường quốc xuất khẩu số 1 thế giới bởi xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng kinh tế rất quan trọng của quốc gia 1,4 tỉ dân này.

Tuy nhiên, với việc Trung Quốc vẫn duy trì được xuất khẩu như cùng kỳ, còn Hoa Kỳ đã tăng trưởng âm, có thể nói Trung Quốc đã thành công hơn Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm các thị trường xuất khẩu thay thế.

Rõ ràng, trong điều kiện cả hai cường quốc xuất khẩu số 1 và số 2 thế giới đều đối mặt với khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa ở thị trường của nhau và đều tìm cách đẩy sang các thị trường khác như vậy, còn kinh tế thế giới nói chung đã tăng trưởng chậm lại, nhu cầu tiêu thụ yếu, dẫn đến giá hàng hóa trên thị trường thế giới giảm sâu, các nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam sẽ phải có phản ứng thích hợp.

Bên cạnh giá nông sản giảm như đã nói ở trên, các số liệu khác của WB còn cho thấy giá năng lượng trong cùng kỳ giảm kỷ lục 10,16%, giá hàng phi năng lượng nói chung giảm 6,31%.

Trong điều kiện cuộc thương chiến gần như chắc chắn sẽ còn khốc liệt hơn nhiều trong những tháng tới, thị trường thế giới sẽ còn ảm đạm hơn, khiến nhịp tăng trưởng âm của xuất khẩu cả năm trên toàn cầu nhiều khả năng sẽ vượt mốc âm 3,2% của năm 2016.

Cũng trong điều kiện như vậy, giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới có nguy cơ còn tiếp tục bị kéo xuống và việc hầu như tất cả các quốc gia xuất khẩu đều bị thiệt là hệ quả tất yếu.

 

 


Những ngụ ý với Việt Nam

Trong bối cảnh “cả làng” cùng thiệt như vậy, nếu chỉ căn cứ vào các số liệu thống kê, tới thời điểm này Việt Nam đã có thành tích xuất khẩu khá ấn tượng.

Thứ nhất, trong bối cảnh xuất khẩu của hầu hết quốc gia đều tụt dốc, tổng kim ngạch xuất khẩu ước tính của Việt Nam 8 tháng đầu năm nay đạt gần 170 tỉ USD, tăng 7,3%, một tỉ lệ mà không nước nào trong nhóm 30 quốc gia xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất thế giới đạt được. Con số đó càng ấn tượng bởi nếu quy ra giá hàng hóa cùng kỳ năm ngoái, vốn cao hơn giá hiện tại, thì tỉ lệ đó sẽ lên tới 9,9%.

Thứ hai, để đạt được thành tựu đó, Việt Nam đã tăng mạnh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ - gần 7,1 tỉ USD, chiếm 67,5% trong tổng mức tăng xuất khẩu 8 tháng qua. Điều này có nghĩa là gần như chắc chắn Việt Nam quả thực đã chiếm lĩnh được một phần quan trọng trong khoảng trống mà hàng hóa “Made in China” để lại ở Mỹ vì thương chiến.

Thứ ba, tuy bị thua thiệt không nhỏ về giá trong xuất khẩu như đã nói ở trên, khoản lợi về giá trong nhập khẩu của Việt Nam lại lớn.

Các kết quả tính toán cho thấy với nhóm hàng nhập khẩu có số liệu thống kê về cả lượng và giá trị, thay vì bỏ ra 38,5 tỉ USD để nhập khẩu như thực tế, nếu quy về giá cùng kỳ thì con số này sẽ là 41,7 tỉ USD, tức Việt Nam đã được mua hàng hóa rẻ hơn 3,22 tỉ USD so với cùng kỳ.

Mổ xẻ kỹ hơn các con số, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm ngay cả với mức tăng xuất khẩu ấn tượng và chi phí nhập khẩu giảm bớt.

Thứ nhất, trong khi xuất siêu của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 8 tháng qua đạt gần 22 tỉ USD, tăng hơn 2,3 tỉ USD so với cùng kỳ, thì nhập siêu của nhóm doanh nghiệp trong nước lại đạt 18,4 tỉ USD, tăng gần 3,8 tỉ USD. Do vậy, nhiều khả năng lợi nhuận do gia tăng xuất khẩu hiện nay chủ yếu rơi vào túi các chủ sở hữu nước ngoài.

Thứ hai, trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến sang thị trường Hoa Kỳ tăng được hơn 6,25 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu cũng nhóm hàng này từ Trung Quốc đã tăng tới 6,18 tỉ USD. Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu hàng hóa “Made in China” đã mượn danh “Made in Vietnam” để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ?

Thứ ba, việc có tới hơn 2/3 tổng mức tăng xuất khẩu tập trung vào thị trường Hoa Kỳ, trong khi nhập khẩu từ thị trường này vẫn rất “hẻo”, đương nhiên khiến xuất siêu của Việt Nam với Hoa Kỳ tăng rất mạnh.

Các số liệu của ITC cho thấy với 26,6 tỉ USD nhập siêu vào Mỹ, Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong tổng số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Hoa Kỳ nhập siêu, còn về tỉ lệ nhập siêu thì cao chót vót tới 520,9%, đứng thứ 2 trong nhóm 20 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập siêu lớn nhất vào Mỹ.

Nói tóm lại, trong bối cảnh thương chiến Trung - Mỹ nhiều khả năng sẽ còn khốc liệt hơn và kịch bản tàn cuộc vẫn còn là ẩn số, với một nền kinh tế có độ mở lớn cả ở đầu ra xuất khẩu lẫn đầu vào nhập khẩu như Việt Nam, khả năng tăng tốc nhập khẩu và nhập siêu từ Trung Quốc, đồng thời tăng tốc xuất khẩu và xuất siêu sang Hoa Kỳ là rất rõ ràng.

Một phản ứng có thể là Việt Nam cần tăng thêm nhập khẩu từ thị trường Hoa Kỳ để hạ bớt mức xuất siêu, nếu không muốn có nguy cơ rơi vào “tầm ngắm” của các nhà quản lý Hoa Kỳ.■

Đối diện suy thoái Mỹ mới đổi ý?

Sự đảo ngược tỉ lệ lãi suất ở Mỹ mới đây, khi lãi suất cho trái phiếu chính phủ Mỹ thời hạn 10 năm lại thấp hơn các trái phiếu ngắn hạn, đã gây ra lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế diễn ra ở Mỹ vào năm 2020. Nhưng điều đó lại có thể khiến chính quyền của Tổng thống Donald Trump tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Lịch sử từng cho thấy điều đó. Chẳng hạn như trong cuộc suy thoái lớn với kinh tế Mỹ giai đoạn 2008-2010, Trung Quốc là nền kinh tế duy nhất đủ sức và sẵn sàng thúc đẩy tổng cầu trên toàn thế giới. Vì điều này mà quan hệ Trung - Mỹ cải thiện và Mỹ thậm chí mở ra khả năng để Trung Quốc có tiếng nói lớn hơn ở các tổ chức quốc tế quan trọng như Quỹ Tiền tệ quốc tế và nhóm G20.

Tương tự, quan hệ Trung - Mỹ hiện giờ cũng đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2001 (khi đó xảy ra vụ va chạm giữa một máy bay do thám của Mỹ và máy bay chiến đấu của Trung Quốc trên vùng trời Biển Đông, làm phi công của Trung Quốc thiệt mạng và phi công Mỹ bị Trung Quốc bắt). Nhưng sau vụ 11-9-2001, những cuộc tấn công khủng bố đã khiến triển vọng kinh tế của Mỹ trở nên u ám, và quan hệ Trung - Mỹ được cải thiện.

Cũng cần nhắc rằng ông Trump khởi phát cuộc thương chiến hiện giờ khi nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phát triển nóng, một phần bởi những khoản cắt giảm thuế rất mạnh tay ông đã thông qua ở Quốc hội vào cuối năm 2017.

Các khoản cắt giảm này sẽ khiến nợ công của Mỹ tăng lên, đi kèm là thâm hụt thương mại với Trung Quốc càng tăng, và việc ông Trump áp thuế lên hàng Trung Quốc coi như một động thái nhất cử lưỡng tiện.

Tất cả những điều đó chỉ ra trong khi nền kinh tế Mỹ suy thoái sẽ là tin xấu cho kinh tế toàn cầu, nó lại có thể là tin rất tốt với Trung Quốc.

H.M.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận