Thượng đỉnh G7 của thời chiến

DU LONG 04/07/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Chưa từng thấy thượng đỉnh G7 nào “hầm hè” chiến tranh như lần này tại Schloss Elmau, Đức. Phải chăng tất cả đã đánh giá lầm về ông Vladimir Putin để rồi giờ từ bạn biến thành thù?

“Như chúng tôi đã tái khẳng định, tất cả chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong việc phòng vệ chống lại Nga”, Chủ tịch luân phiên G7 năm nay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh hôm 27-6. 

Theo ông, cuộc chiến Nga - Ukraine “đánh dấu bước ngoặt căn bản trong quan hệ quốc tế” do lẽ “tất cả các quy tắc, tất cả các thỏa thuận với nhau về cách mà các quốc gia nên hợp tác đã bị phá vỡ, đặc biệt là nhận thức rằng không thể thay đổi biên giới bằng vũ lực”. 

 
 Tính đại diện của G7 cho những quyết định toàn cầu đang bị thách thức. Ảnh: Reuters

Thay đổi 180 độ

Ông Scholz của cuối tháng 6-2022 hoàn toàn đối nghịch với ông Scholz chỉ trước đó 4 tháng, càng khác với ông Scholz từng được nhìn nhận là hữu hảo với Nga. 

Còn nhớ ông từng phát biểu về Nga đậm tình cảm và đầy tin tưởng tại Đối thoại Nga - Đức lần thứ 15 ở St. Petersburg hôm 14-7-2016: “Hòa bình ổn định và an ninh lâu dài ở châu Âu chỉ có thể có được “cùng với” Nga, chứ không phải chống lại Nga. Nga là nước láng giềng lớn nhất và quan trọng nhất của Đức. Mối quan hệ láng giềng tốt đẹp là vì lợi ích rõ ràng của người dân hai nước chúng ta”. 

Lúc đó, ông Scholz đang là Đệ nhất Thị trưởng Hamburg, còn cuộc đối thoại là diễn đàn ra đời từ năm 2001 bởi Thủ tướng Đức lúc đó là Gerhard Schröder và Tổng thống Nga Putin.

Sự đồng cảm Nga - Đức vẫn còn mạnh mẽ nơi ông Scholz cho tới rất gần đây. Ngay cả 6 ngày trước khi ông Putin lên tivi “tuyên chiến” với Ukraine, và 8 ngày trước khi ông xua quân vào nước láng giềng, ông Scholz vẫn còn tin tưởng và bám víu vào Đối thoại Nga - Đức. 

Ông nói trong cuộc họp báo sau khi đàm đạo với ông Putin tại Matxcơva hôm 16-2: “Cuộc đối thoại giữa các xã hội chúng ta đã đóng góp to lớn vào sự hiểu biết lẫn nhau và hòa giải giữa các quốc gia chúng ta sau Thế chiến II... Đây là lý do tại sao chúng tôi đã bàn về Đối thoại St. Petersburg. Đối thoại này từng là biểu tượng của sự hiểu biết lẫn nhau Đức - Nga suốt nhiều năm và nay càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”. 

Hôm 16-2 đó, báo chí đưa tin ông Scholz sang Nga can gián ông Putin, và vẫn còn “hy vọng sẽ tìm được giải pháp trong các cuộc đàm phán cấp cao tiếp theo”.

Vậy mà chỉ hơn 4 tháng sau, hôm chủ nhật 26-6 vừa qua, khai mạc Thượng đỉnh G7, ông Scholz đã thay mặt các lãnh đạo khác của khối bày tỏ một thái độ dứt khoát với nước Nga hậu Ukraine: “Chúng tôi chia sẻ quan điểm chung về thế giới. Chúng tôi đoàn kết với nhau bằng niềm tin vào dân chủ và pháp trị ”. 

Sự thay đổi thái độ này có tính biểu tượng nhất là việc ông Scholz cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ý Mario Draghi hôm 16-6 thân chinh tới thăm thủ đô Kiev của Ukraine và gặp Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky.

Dịp đó, ông Scholz phát biểu: “Chúng tôi hiện đang huấn luyện cho quân đội Ukraine các loại vũ khí tối tân, lựu pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 và xe tăng phòng không Gepard. Ngoài ra, tôi đã đồng ý cung cấp hệ thống phòng không Iris-T hiện đại và rađa đặc biệt, có thể bảo vệ toàn bộ thành phố trước các cuộc tấn công đường không” (CNN 17-6). 

Ông cũng xác nhận dứt khoát vị thế của Ukraine: “Các đồng nghiệp của tôi và tôi đến Kiev hôm nay với một thông điệp rõ ràng: Ukraine thuộc về gia đình châu Âu”.

Từ năm 2004 tới nay, chiến tranh nổ ra tại Ukraine một phần là vì cái vị thế mong muốn đó của Ukraine: thuộc về châu Âu. Ông Sholz coi như đã “ném găng” thách thức ông Putin. 

Một tuần sau, tối 23-6, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thông báo: “Hội đồng châu Âu gồm các nhà lãnh đạo EU vừa ra quyết định cấp quy chế ứng cử viên gia nhập EU cho Ukraine và Moldova. Một thời khắc lịch sử. Ngày hôm nay đánh dấu bước tiến quan trọng trên lộ trình hướng tới EU của các bạn”.

Diễn biến ngoài chương trình

Theo chương trình do nước chủ tịch G7 năm nay là Đức dàn ra, ngày họp thứ nhì 27-6 là tham vấn về cuộc chiến ở Ukraine. Chương trình này được đăng trước trên trang web của G7 2022, nên mọi người quan tâm đều biết, ông Putin càng biết rõ. 

Có thể đoán định lịch trình đó giải thích cho màn dạo đầu loạt tên lửa nhắm vào Kiev ngay hôm khai mạc. Đây là lần đầu tiên Kiev trúng tên lửa Nga sau ba tuần không bị pháo kích, khiến 1 người chết và ít nhất 6 người bị thương, gửi đi thông điệp rõ ràng là Nga sẽ không nhượng bộ.

Chưa hết, tên lửa còn trúng một trung tâm thương mại ở Kremenchuk khiến ít nhất 16 người thiệt mạng và 59 người bị thương khi đang mua sắm (Reuters 28-6). 

Các lãnh đạo G7 đang họp ở Schloss Elmau ngay trong ngày 27-6 ra tuyên bố lên án vụ này: “Chúng tôi, các nhà lãnh đạo G7, gay gắt lên án vụ tấn công ghê tởm vào một trung tâm mua sắm ở Kremenchuk. Chúng tôi đoàn kết với Ukraine thương tiếc những nạn nhân vô tội...”.

G7 không chỉ lên án vụ tấn công, mà cả cuộc chiến: “Hôm nay chúng tôi nhấn mạnh sự ủng hộ không suy suyển với Ukraine khi họ đối mặt với cuộc tấn công của Nga, một cuộc chiến cố ý, không lý lẽ gì bào chữa được, đã hoành hành suốt 124 ngày”. 

Tuyên bố kết thúc bằng những cam kết với Ukraine: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính, nhân đạo cũng như quân sự cho Ukraine”, và một nhắn nhủ chót với Nga: “Chúng tôi sẽ không ngơi nghỉ cho đến khi Nga kết thúc cuộc chiến tàn khốc và vô nghĩa với Ukraine”.

Tất nhiên, phía Nga bác bỏ tin cho rằng họ đã tấn công bằng tên lửa vào trung tâm thương mại, bản tin của Sputnik hôm 28-6 nêu rõ. 

Cũng trong bản tin này, Sputnik trích Bộ Quốc phòng Nga phản bác: “Hôm 27-6 tại thành phố Kremenchuk, vùng Poltava, Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga đã tấn công bằng vũ khí phòng không chính xác cao vào các nhà chứa vũ khí và đạn dược nhận được từ Hoa Kỳ và các nước châu Âu trong khu vực của nhà máy Kremenchuk”, tức Nga không tấn công trung tâm thương mại mà là một mục tiêu có thể được xem là quân sự.

Spunik viết tiếp: “Kết quả của cuộc tấn công chính xác cao là vũ khí và đạn dược do phương Tây sản xuất và tập trung ở khu vực nhà kho để sau này phân phát cho quân Ukraine ở Donbass đã bị trúng đạn. Vụ nổ do vũ khí của phương Tây được cất giữ trong khuôn viên một nhà máy ở Kremenchuk gây ra đã kéo theo hỏa hoạn tại một trung tâm mua sắm không hoạt động nằm gần đó”.

Hai phe, hai bản tin, hai luận cứ, và hai cách tuyên truyền khác nhau. Độc giả đành phải tự phán đoán thôi. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận