Thượng Hải: Thần tốc dọn cây sau bão

CẢNH CHÁNH 03/10/2024 08:45 GMT+7

TTCT - Bão đổ bộ buổi sáng, đến trưa đã suy yếu và rời khỏi Thượng Hải nhưng đường sá, cây xanh của thành phố này tổn thất nghiêm trọng. Tuy nhiên thành phố này đã dọn dẹp cây xanh đường phố với tốc độ thần tốc.

Thượng Hải: Thần tốc dọn cây sau bão - Ảnh 1.

Công nhân di dời một cây đổ do bão Bebinca gây ra ở Thượng Hải ngày 16-9-2024. Ảnh: AFP

Thượng Hải trồng hàng cây xanh đầu tiên ở bến Thượng Hải, cách nay đã hơn 150 năm. Hơn 1,3 triệu cây xanh đã trở thành một phần quan trọng của môi trường sinh thái thành phố này. Sáng 16-9, bão Bebinca - cơn bão mạnh nhất 75 năm qua ở Trung Quốc - quét qua Thượng Hải chớp nhoáng nhưng đủ khiến 1 vạn cây thiệt hại.

Bão đổ bộ buổi sáng, đến trưa đã suy yếu và rời khỏi Thượng Hải nhưng đường sá, cây xanh của thành phố này tổn thất nghiêm trọng. Cứ 200m là có cây bị gãy đổ hay bật gốc. Tuy nhiên thành phố này đã dọn dẹp cây xanh đường phố với tốc độ thần tốc.

Ứng cứu trong bão

Ở quận Từ Hối, sau bão có 108 cây gãy đổ, 17 cây bị nghiêng, 90 cây gãy cành, 287 sự cố về điện. Bão gây mất điện 9.570 hộ nhưng đến tối 16-9 đã được cấp điện trở lại. Đến tối 17-9 đã dọn dẹp xong cây xanh.

Quận này nổi tiếng với những cây ngô đồng, điểm check-in của nhiều du khách. Lúc 10h ngày 16-9, cơn bão vẫn đang hoành hành nhưng đội tuần tra phát hiện một cây ngô đồng hơn 80 tuổi có cành bị gãy nguy cơ rơi xuống đường. Họ huy động ngay lực lượng công an, đội thi hành pháp luật hành chính tổng hợp, trung tâm xây dựng đô thị, đội xử lý sự cố.

Sau 15 phút đã xác định được phương pháp, tập hợp đầy đủ thiết bị hỗ trợ để xử lý bao gồm cả xe nâng, và mất một tiếng rưỡi nữa để xử lý. Đến chiều khi bão tan, lực lượng chức năng mới bắt đầu thu dọn và vận chuyển nhánh cây gãy về điểm tập kết. Họ đã trực chiến chống bão liên tục 31 tiếng nhưng vẫn xử lý sự cố, quét dọn đường phố với tốc độ nhanh nhất.

Cán bộ các khu phố trực chiến trong bão, theo sự phân công của quận chia nhỏ khu vực tuần tra, kiểm tra toàn bộ cây gãy đổ, tổ chức đội phản ứng nhanh xử lý sự cố vệ sinh đô thị, chia theo khu vực để thu dọn theo trình tự. 

Quận còn có đội chuyên xử lý sự cố nhà cửa giúp dân. Đối với bảng quảng cáo và bảng hiệu ngoài trời, quận kiểm tra an toàn trước bão, yêu cầu gia cố hay tháo dỡ các quảng cáo, bảng hiệu không an toàn.

Thượng Hải: Thần tốc dọn cây sau bão - Ảnh 2.

Cây gãy trên một con phố ở quận Từ Hối, Thượng Hải, ngày 16-9. ẢNH: JINGYI PAN

Ở quận Phổ Đà, nhân viên bắt tay ngay dọn dẹp sau khi bão tan. Ông Thang Vĩ Tuấn, tổ trưởng nhóm xử lý sự cố cây xanh, cho biết từ đêm 16 đến ngày 17-9 đội chăm sóc cây xanh quận Phổ Đà đã huy động hơn trăm người, xử lý mấy trăm cây bật gốc gãy đổ. Khi xử lý, ngoài việc bảo đảm giao thông thông thoáng, quan trọng nhất là bảo đảm những cây quý có thể sống, giảm thiểu tổn thất kinh tế.

Một số cây được trồng dựng lại nhưng một số nhánh cây nhỏ gãy đổ cản trở giao thông sẽ cho vào máy nghiền gỗ vụn, thân gỗ lớn được cưa nhỏ đem về điểm tập kết. Máy nghiền gỗ vụn được huy động đến hiện trường xử lý, lá và cành cây gãy sau khi nghiền, gỗ vun trực tiếp phun vào xe rác, tiện lợi cho việc vận chuyển. Gỗ vụn sẽ được vận chuyển về trạm, dùng làm phân bón, làm ván ép hay nguyên liệu trồng nấm. Chỉ trong vòng 3 tiếng xe rác đã chất đầy 3 tấn gỗ vụn.

Trong vòng một ngày, quận Phổ Đà huy động 157 đội phản ứng nhanh với 754 người tuần tra, gia cố 1.251 cây xanh, thu gom được 60 tấn lá và cành cây gãy đổ. Đó là tốc độ xử lý của một quận, còn cả thành phố thì sao?

Huy động nhiều lực lượng

Theo tờ Thanh Niên Trung Quốc, ngay khi cơn bão suy yếu rời khỏi Thượng Hải trưa 16-9, thành phố này đã huy động 2.300 đội phản ứng nhanh phòng chống ngập úng xử lý cây xanh, huy động lực lượng thanh niên tình nguyện hỗ trợ trong việc thu dọn vệ sinh. 

Đến 20h cùng ngày đã xử lý được 7.800 cây gãy đổ, 5.000 cây gãy cành. Đến trưa 17-9 cơ bản đã thu dọn xong cây gãy đổ trên đường.

Thượng Hải: Thần tốc dọn cây sau bão - Ảnh 3.

Thượng Hải trồng dựng lại cây sau bão. Ảnh: Tân Hoa xã

Thành phố huy động 359 đội vệ sinh môi trường, 200.000 lượt người trực xử lý sự cố, thu dọn hơn 4.200 tấn rác. Ngay khi bão tan đã sử dụng máy móc hỗ trợ thu dọn cây gãy đổ, máy quét đường, máy vệ sinh đường. Nhân viên quét dọn thành đống, xe rác phía sau sẽ vận chuyển lên xe.

Hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật của Thượng Hải được tắt khi bão đổ bộ, huy động đội thanh niên xung kích trực 24/24, sau bão họ tiến hành kiểm tra xử lý sự cố chiếu sáng. Đến ngày 17-9, đêm Trung thu bến Thượng Hải vẫn đẹp lung linh như mọi năm.

Ngoài ra, báo Khí Tượng Trung Quốc có bài hướng dẫn xử lý cây gãy đổ sau bão. Chẳng hạn đối với cây bật gốc phải cắt tỉa cành, chỉ giữ lại lá trên thân cây chính (5-20%). Cây không có thân chính thì giảm độ cao xuống 1/4-1/3. 

Lý do là sau bão thời tiết nắng nóng sẽ khiến cây mất nước, cây bật gốc có bộ rễ bị tổn thương hay lộ ra ngoài sẽ dễ bị chết khô. Cây quý thì làm giàn che; cây nghiêng thì loại bớt lá để giảm tỉ lệ mất nước; cây bị ngập thì bơm hút nước cho đất khô, dựng lại cây.

Giải cứu cây đa 100 tuổi

Khi hay tin bão Yagi khiến hàng cây cổ thụ ở huyện Đồn Xương (Hải Nam) gãy đổ, đội cứu hộ đã cho xe cẩu đến ứng cứu. Nhưng vì đường quá hẹp xe cẩu không thể đi vào trong thôn cứu cây đa hơn 100 tuổi, nếu xe đi qua sẽ làm hư hại cây trầu bà của dân.

Người dân trồng trầu bà nghe tin liền nói cứ nhổ gốc trầu bà, xe cứu hộ xong chúng tôi trồng lại, giờ cứu cây cổ thụ mới quan trọng. Nhờ vậy xe cẩu mới tiếp cận được hiện trường, đội cứu hộ phun thuốc sát trùng ở các vết gãy của cây, bôi thuốc kích rễ, sau đó dùng xe cẩu dựng lại cây, lấp đất mới, cuối cùng là làm khung gia cố cho cây tránh gãy đổ. Sau 3 tiếng giải cứu, cây đa trăm tuổi đã được trồng lại ở đầu làng.

Người dân thôn làng rất cảm động và vui mừng, vì theo họ chỉ cần nhìn thấy cây đa, người dân về làng mới có cảm giác về nhà. 10 cây cổ thụ chỉ trồng lại được 3 cây, thôn đang lên kế hoạch chăm sóc tốt cho cây, xử lý các cây không thể trồng lại, theo hinews.cn.

Kinh nghiệm của Đài Bắc

Do vị trí địa lý đặc thù, Đài Loan là nơi thường xuyên hứng chịu những cơn bão hoành hành. Kế hoạch phối hợp cứu trợ thiệt hại cây xanh do bão của Cục Công vụ Đài Bắc ban hành năm 2015 quy định khá cụ thể quy trình xử lý cây xanh sau bão.

Ban quản lý công viên chiếu sáng căn cứ số lượng cây bị thiệt hại để đánh giá cấp độ thiên tai, cứu trợ theo cấp độ thiên tai. Trong đó, dưới 1.000 cây bị thiệt hại là cấp độ 1 do Ban quản lý công viên chịu trách nhiệm thu dọn. 1.000-2.000 cây là cấp độ 2 do các đơn vị của Cục Công vụ xử lý. Trên 2.000 cây là cấp độ 3 do các đơn vị Cục Công vụ xử lý, ngoài ra xin chi viện từ lực lượng quân đội, phòng cháy chữa cháy, cảnh sát.

Các đơn vị phụ trách phải hoàn thành thu dọn đường sá, hẻm và công viên trong khu vực phân công. Có danh sách phân công chi tiết đến từng tuyến phố, công viên. Các đơn vị xử lý theo trình tự quy định, hoàn thành giai đoạn nào phải đánh dấu báo cáo Trung tâm xử lý phòng chống bão của Ban quản lý công viên chiếu sáng để cập nhật trên hệ thống. Cây gãy đổ xử lý xong chú ý lấp lại các hố cây để bảo đảm an toàn. Những sự cố cần nhà nước bồi thường do văn phòng ban giải quyết. Nếu gặp những cây thuộc danh mục bảo vệ phải báo về trung tâm để ban xử lý.

Nguyên tắc xử lý cây gãy đổ, bật gốc sau bão là trồng dựng lại, nếu tỉ lệ sống thấp và ảnh hưởng nghiêm trọng an toàn thì di dời và cưa bỏ. Cụ thể trồng dựng lại các cây nghiêng ít và làm khung gia cố. Cây nghiêng nhiều hay gãy đổ, nếu bộ rễ tốt chưa tổn thương rễ chính sẽ trồng dựng, làm khung cố định cây. Những cây nghiêng nhiều hay gãy đổ có rễ chính bị gãy, bộ rễ bị tổn thương nhiều khó sống thì phải cưa bỏ, tránh trồng dựng lại xong lại bị bật gốc gây mất an toàn

Nếu cây gãy đổ là cây gỗ có giá trị tái sử dụng cao như long não, sồi, cẩm lai, lim… sẽ di dời lên ốc đảo hay sát bên đường chờ ban quản lý vận chuyển về tái sử dụng. Đối với rác thải lá và cành cây, Đài Loan xếp chúng vào loại rác thải nhà bếp và được dùng để ủ phân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận