Thương nhớ thanh bình

LÊ MINH HÀ 13/03/2018 22:03 GMT+7

TTCT - Chẳng phải vì tuổi héo mà sợ rét. Mùa đông này rét thật. Đêm nhiệt độ xuống âm 13, trăng nửa vành lạnh buốt, sáng rợn, chòng chọc nhòm người, làm người đâm nhớ. Quê nhà tháng giêng rồi đây, xuân.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

 Cữ này, nông dân, giá còn đất và giá thời tiết chiều người, trồng trọt thì lúa cấy sát tết, nhiều khi hai chín tháng chạp mới cắm xong dảnh mạ cuối cùng, nay cũng ấm chân rồi. Trẻ con như mình khi đó ở làng là vì phải theo bà đi sơ tán. 

Mà nếu chưa về làng, ở Hà Nội, ăn hết mấy cái bánh chưng, mấy hộp mứt lỏng chỏng mảnh gừng, dừa, cà rốt và dăm viên lạc bọc bột với đường là phong vị tết nhất coi như hết, còn chăng nằm trong âu mỡ dành lúc ra giêng.

Tuổi mình là tuổi lớn lên từ hầm trú ẩn, như cỏ cây trồi dậy từ lòng đất, vất vả lãng mạn đến tận cuối mùa chỉ vì những tháng ngày này.

Ngày đó có mấy ai biết những ăn chơi. Hội lễ dân gian nhờ chiến tranh và cách mạng đã thành những mảnh hoài nhớ như tàn tro bám víu lòng người.

Nhưng hơi xuân thì không hẹn người vẫn năm từng năm trở lại, trong gió đầy hơi ẩm, trong cỏ triền đê, trên bờ hông căng mẩy dần của mấy con trâu con bò mùa đông ốm đói, trên vòm cây giao nhau ngoài phố, trên lưng áo len trần dịu hẳn vẻ phô phang nhờ mảnh khăn voan như có như không của mấy cô con gái hàng phố nay cũng thành lão bà bà hết cả rồi.

Hơi xuân một thuở khó quên nhất với mình là mùi khói bếp ban trưa và hương hoa bưởi nhà quê. Hơi xuân là hương xuân.

Mình đang thấy rất nhiều hoa bưởi của bao nhiêu là thiếu phụ thiếu nữ nhắc gọi tháng giêng, và đọc được bao nhiêu là hò hẹn ăn chơi tháng giêng, trên Facebook. Cứ thế mà suy thì sự ăn chơi bây giờ khéo đâm vất vả.

Vừa xong tết âm lịch, tết nước đầu, lại sắp rằm rồi, rằm tháng giêng, tết nguyên tiêu, tết nước hai, đã thấy bao nhiêu là lịch trình, hò hẹn, nghi thức, cái nào cũng to cũng nặng. Làm gì mà tiễn ông Công ông Táo đã phóng sinh, tết nguyên tiêu cũng lại phóng sinh? Phóng sinh kiểu bắt cá chim từ lồng này tống vào lồng khác, xông xênh lòng người, xong đời chim cá. Làm gì mà lại cỗ bàn cúng bái rộn ràng? Nhớ cho hết những nghi thức, làm cho đủ lệ bộ để không khác người, thôi xong mùa xuân.

Có một mùa xuân xa lắc, bà dắt mình đi trên đê. Dưới kia sông Đáy thao thiết chảy. Bà khép vạt áo bông chần dừng chân nhìn sông xuôi, nhắc sắp tới ngày ngày xưa làng thi bơi trải, bà ở ngoài tỉnh về.

Có một mùa xuân xa lắc, bà theo chị em bạn gái đi hội làng bên đất Bắc Giang, đánh đu lên tận lưng trời mà có cái trò “ôn vật” thì đùn đẩy không dám, bà vừa kể vừa cười rào cả nước mắt. Còn mình mắt tròn mắt dẹt lắng nghe: trai gái gánh nước đổ vào chum, rồi thả vào đó dăm ba con chạch, rồi vòng tay qua lưng nhau, cùng chúi vào nhau mà mò mà bắt, thành trò ta với mình tay nắm tay.

Có một mùa xuân xa lắc, cô gái mười sáu tuổi từ Hà Nội về làng theo chị em bạn gái đi chùa Hương bằng đò dọc. Đi cả tháng trời, ai cũng chỉ một đãy quần áo nhỏ nhưng cắp theo cả thúng bánh giầy. Suối Yến. Thuyền nan một lá.

Bà mình một đời đi qua bao mùa chinh chiến ít khi ngồi kể cặn kẽ những thống khổ trong đời, nhưng lại hay nhắc đôi ba mùa thanh bình. Những tháng giêng tuổi mười sáu mười bảy xa xưa từ Hà Nội về thăm họ mạc, đi các hội làng, đi chùa đi phủ dường như là chỉ dấu sâu đậm nhất về hạnh phúc của bà trước khi bà gặp ông, để rồi ngoài ba mươi nghiến răng làm vợ Việt gian mãi mới được sửa oan là liệt sĩ.

Có một mùa xuân xa lắc, mình đi qua tháng giêng tuổi bé bỏng của mình bằng bước chân của một người gái mười sáu tuổi, vành khăn vấn lẳn trong có nhành hoa bưởi và khăn đen mỏ quạ, yếm trắng, áo cánh lụa vân nâu, quần lĩnh đen và áo tứ thân màu gụ thắt vạt quả găng, bao lưng đũi màu hoa lý và xà tích bạc, thúng bánh giầy cắp bên hông, cùng chị em xuống bến xuôi đò. Bà kể nói chuyện mệt rồi ngủ một giấc non non là thuyền xuôi tới Bến Đục, từng bước từng bước hoa bưởi rụt rè thơm theo...

Bây giờ í a? Hoa bưởi bày sàng cắm lọ. Hoa bưởi bay từ Bắc vào Nam và những đâu đâu nữa. Nhưng chỉ trong hương đất hoa bưởi mới dậy được hết hương xuân nao nức nồng nàn. Thế thì phải tới với đất thưa người. Khó nhỉ? Có rất nhiều nơi chốn bây giờ người ta tự lôi mình tới, chẳng hiểu sao lại phải đúng những ngày này: miền Bắc là Yên Tử, chùa Hương, đền Hùng và ở miền Trung, miền Nam thì còn những nơi nào khác? Đi chơi mà chẳng khác gì đánh trận kiểu nướng quân, cứ ào ào “chém” rồi “cướp”, cướp hoa rồi cướp phết hội làng, đã đành, lại còn cướp ấn phát để dùng toàn dân, ai có xe dùng xe, ai có chân dùng chân, kết quả rõ nẫu là “thất thủ”. Thất thủ giữa ngày tháng hòa bình.

Thế mà có những mùa chiến chinh người ta thương nhớ thanh bình, một thanh bình rất khác. Như thanh bình của bà mình, sâu lắng, êm hòa, với tháng giêng, với rằm tháng giêng, rằm xuân.

Mình thích nhớ tháng giêng của bà, và không thích nhưng không quên có một mùa xuân sau chiến tranh, tháng giêng phờ phạc phố, vòm cơm nguội xanh, như là chờ đợi như là đương hoa, mình tần ngần mười sáu tuổi, không biết liệu có những mùa chinh chiến mới và đất nước lại phải lên đường.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận