Thuyết tiến hóa và tâm lý vị thành niên

TTCT - Mỗi ngày, hàng triệu bậc phụ huynh trên toàn thế giới bật ra câu hỏi này với đứa con vị thành niên của mình: “Con có suy nghĩ không mà làm chuyện... đó?”.

Ở vị trí dấu ba chấm kia có thể là “liều mạng”, “điên rồ”, “mất kiểm soát” và hàng chục tính từ khác nhằm chỉ các hành vi được phụ huynh xem là không chín chắn của con mình. Với các nhà khoa học nghiên cứu tâm lý giới trẻ, câu hỏi nói trên chỉ chứng tỏ người lớn không hiểu gì về một giai đoạn phát triển con người mang tên vị thành niên.


Giới trẻ trong độ tuổi 15-25 có tỉ lệ tham gia các môn thể thao mạo hiểm cao nhất trong các lứa tuổi tại Mỹ và Anh - Ảnh: wallpapers.com


David Dobbs, tác giả các chuyên đề khoa học của tạp chí National Geographic, kể lại cuộc đối thoại với con trai vào một ngày khi cậu được 17 tuổi. Cậu bị cảnh sát bắt khi đang lái xe với vận tốc gần 182km/giờ trên đường cao tốc. Dobbs nói con trai ông chấp nhận bị phạt tiền vì biết mình đã phạm luật. Nhưng cậu rất hậm hực vì trên giấy phạt ghi rõ hành vi của cậu là “lái xe ẩu”.

Cậu giải thích: “Ghi thế là không đúng, bố ạ. Ẩu có nghĩa là con không để tâm vào việc lái xe. Nhưng đâu phải thế, con cố tình tăng tốc trên một đoạn đường trống vào ban ngày, nơi không có đèn giao thông. Con đâu có đạp ga ẩu, con rất tập trung trong lúc lái xe”.

Não trạng của giai đoạn vị thành niên


Thuyết tiến hóa của Charles Darwin nhấn mạnh sự thay đổi hay biến hóa các đặc điểm hay đặc tính của sinh vật qua thời gian, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong một quá trình chọn lọc và điều chỉnh tự nhiên - những yếu tố thuận lợi cho sự sinh tồn và phát triển sẽ tiếp tục được gìn giữ trong khi những yếu tố bất lợi sẽ bị đào thải. Được đề xuất từ năm 1858, thuyết tiến hóa đã trở thành nền tảng của ngành sinh học và có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều nhánh nghiên cứu trong các ngành nông học, nhân chủng học, tâm lý học và triết học.


Hành vi và cách giải thích nói trên, theo giới nghiên cứu tâm lý, là điển hình cho não trạng của giai đoạn vị thành niên. Tuy nghe có vẻ như ngụy biện, nhưng lời giải thích của con trai tác giả Dobbs hoàn toàn hợp lý và có cơ sở khoa học. Nguyên nhân hành vi mạo hiểm trong độ tuổi vị thành niên bắt nguồn từ sự phát triển chưa hoàn chỉnh của não bộ.

Về mặt kích thước, não con người đạt được 90% kích thước hoàn chỉnh từ khi chỉ mới 6 tuổi, nhưng vào giai đoạn từ 12-25 tuổi, con người lại trải qua một quá trình “tái cấu trúc” các hệ thần kinh để thích ứng với môi trường và những trải nghiệm sống. 

Nghiên cứu hoàn chỉnh nhất của Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ cho thấy đến thời điểm các hệ thần kinh phát triển đầy đủ, người ở giai đoạn vị thành niên vẫn chưa có khả năng phối hợp nhuần nhuyễn các vùng thần kinh với nhau - vốn là điều kiện cần để con người đưa ra một quyết định sáng suốt. 

Những công trình nghiên cứu lớn trong thập niên đầu của thế kỷ 21 tại Mỹ thiên về hướng xác định cơ chế hoạt động “chưa trưởng thành” của não bộ vị thành niên là lời giải đúng đắn nhất cho những hành vi mạo hiểm, thất thường, thiếu suy nghĩ thấu đáo... 

Nói cách khác, não trạng vị thành niên đơn thuần là một phần của các giai đoạn phát triển não. Tuy nhiên khoảng năm năm gần đây, một nhánh nghiên cứu đã mở rộng hướng giải thích trên nền tảng thuyết tiến hóa, xác định nguyên nhân những hành vi nói trên là cơ chế “đang điều chỉnh” của não bộ.

Điểm khác biệt căn bản của cách giải thích này so với khuynh hướng của thập niên trước là cho rằng tâm lý vị thành niên không chỉ là vấn đề não chưa trưởng thành mà còn là kết quả tổng hợp của quá trình sàng lọc tự nhiên qua thời gian, tức lưu giữ những đặc tính khiến con người tồn tại và phát triển được trong tương lai.

Theo tác giả David Dobbs, hướng nghiên cứu thứ hai nhiều khả năng sẽ trở nên thống lĩnh trong tương lai vì quá trình biến đổi gen theo thuyết tiến hóa đã giải thích được nhiều hiện tượng cá nhân và xã hội trong lịch sử con người. 

Còn theo nhà thần kinh học E.J.Kasey thuộc Đại học Y dược Weill Cornell, cách giải thích mới khiến con người không còn nhìn giai đoạn vị thành niên như một mối lo, mà như một quá trình thích ứng và đào thải tất yếu của tự nhiên.

Ảnh: wallpapers.com

Hiểm nguy và tưởng thưởng

Một trong những phạm vi nghiên cứu sử dụng nền tảng thuyết tiến hóa là nghiên cứu về hành vi mạo hiểm của vị thành niên. Mạo hiểm là một trong những đặc tính nổi trội của giới trẻ, không phân biệt ranh giới văn hóa. 

Theo giáo sư tâm lý Laurence Steinberg thuộc Đại học Temple, các thí nghiệm của ông cho thấy giới trẻ có đầy đủ khả năng đánh giá mức độ nguy hiểm của các hành vi mạo hiểm như một người trưởng thành ngoài 25 tuổi. 

Điểm khác biệt giữa vị thành niên và người trưởng thành nằm ở cách đánh giá “yếu tố tưởng thưởng”: trong khi người trưởng thành thường đặt sự an toàn lên trên hết, người trẻ tập trung quan tâm đến phần thưởng (về vật chất hay tâm lý) mình có thể đạt được hơn là sự nguy hiểm có thể phải trải qua để đạt được phần thưởng đó.

Trong một thí nghiệm, giáo sư Steinberg cho nhóm vị thành niên và nhóm người trưởng thành tham gia lái xe trong trường đua từ điểm A đến điểm B. Trên đường đua có nhiều đèn giao thông, lái xe khi nhìn thấy đèn sắp đỏ được quyền quyết định hoặc vượt qua hoặc dừng lại, nếu vượt qua trước khi đèn đỏ sẽ được thưởng 5 điểm, nhưng nếu vượt qua khi đèn đã đỏ thì bị trừ 10 điểm. Hai nhóm tham gia có kết quả gần như nhau khi lái xe trong lúc không có người quan sát.

Tuy nhiên khi có bạn bè quan sát, nhóm vị thành niên thay đổi các quyết định của mình theo hướng tăng quyết định vượt đèn sắp đỏ (đồng nghĩa với tăng mạo hiểm) trong khi nhóm trưởng thành vẫn giữ nguyên quyết định như trước khi có bạn bè quan sát. 

Theo giáo sư Steinberg, đây là một trong những ví dụ chứng minh ảnh hưởng của yếu tố tưởng thưởng (cụ thể là được bạn bè thán phục) đối với người vị thành niên.

Theo nhà thần kinh học Casey, trong quá trình tiến hóa của con người, lịch sử cho thấy việc sẵn sàng thực hiện những hành vi mạo hiểm trong giai đoạn tuổi trẻ khiến con người thích ứng cao hơn với môi trường xung quanh, có ưu thế sinh tồn hơn so với người đồng tuổi. Qua thời gian, những hành vi này dần trở thành một đặc tính cố hữu trong độ tuổi vị thành niên.

Con người không phải là động vật duy nhất có khuynh hướng này: hầu hết loài động vật hoang dã ở độ tuổi tương đương với tuổi vị thành niên của con người đều bắt đầu các hành vi mạo hiểm - từ việc tách mẹ, tách đàn đến việc săn mồi trong môi trường mở rộng hơn. Loài chuột chẳng hạn, vào khoảng bảy tuần sau khi sinh bắt đầu có khuynh hướng tò mò tìm hiểu môi trường xung quanh và thích thử nghiệm địa hình mới.

Ảnh: wallpapers.com

Áp lực đồng tuổi

Sử dụng nền tảng thuyết tiến hóa, các nhà tâm lý học giải thích một hành vi đặc trưng khác của lứa tuổi vị thành niên: chịu áp lực của bạn bè cùng lứa tuổi. Các bậc phụ huynh thường hay phàn nàn về việc con cái khi đến tuổi vị thành niên thường trở nên xa rời cha mẹ, chịu tác động chủ yếu của bạn bè, thậm chí biến đổi cá tính theo môi trường xung quanh.

Theo giới khoa học, nguy cơ bị tẩy chay trong não trạng vị thành niên tương đương nguy cơ mất khả năng sinh tồn: các kết quả đo sóng não ở người trong độ tuổi vị thành niên cho thấy phản ứng của não trong tình trạng bị tẩy chay trong cộng đồng cùng tuổi tương tự phản ứng trong tình trạng nguy hiểm vật chất (như tai nạn hay mất nguồn cung cấp lương thực).

Dưới góc nhìn của các nhà khoa học áp dụng nền tảng thuyết tiến hóa, lý do cơ bản hành vi chịu áp lực của bạn bè bắt nguồn từ thực tế dựa vào nhóm người cùng tuổi là một “vũ khí” sinh tồn từ nhiều ngàn năm nay. Đầu tư thời gian vào bạn bè do đó là một cách đầu tư cho tương lai thay vì cho quá khứ. Hiểu biết và phát triển quan hệ với nhóm đồng tuổi là điều kiện tiên quyết cho thành công xã hội trong tương lai của độ tuổi vị thành niên.

Tương tự hành vi mạo hiểm, việc đầu tư vào nhóm đồng tuổi không phải là khuynh hướng độc quyền của con người.

Các nghiên cứu “xã hội động vật” cho thấy ở loài chuột hay loài khỉ, những con càng có nhiều mối quan hệ trong bầy đàn càng có được vị trí làm tổ, thức ăn và nước uống, đồng minh và bạn tình... tốt hơn so với đồng loại. Khi hiểu được điều này, các bậc phụ huynh (hi vọng) sẽ không còn ngao ngán khi thấy con gái 13 tuổi của mình khóc hết nước mắt chỉ vì không được mời đi dự sinh nhật của cậu bạn cùng lớp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận