Tiếc những lời ru

NHẠC SĨ LƯƠNG NGUYÊN 15/09/2011 06:09 GMT+7

TTCT - Bắt đầu từ năm 1970, khi đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sĩ Lương Nguyên (tên thật là Đặng Tuấn Nhuệ, sinh năm 1950) được cử đi sưu tầm dân ca toàn quốc cho đài phát thanh. Với chiếc xe đạp và máy ghi âm, ông lang thang từ Bắc vào Nam. Cho đến nay, khi đã nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục công việc yêu thích ấy.

Phóng to
Nhạc sĩ Lương Nguyên - Ảnh: Hoàng Điệp

Nhạc sĩ Lương Nguyên kể ngày nhỏ, làng ông ở ven sông Đáy, vào những đêm trăng sáng, trai gái bên này sông hay hát hò đối đáp với trai gái bên kia sông. “Tôi còn nhớ những người hát đối đáp giỏi là những người thuộc được nhiều câu hò, thuộc nhiều thơ và còn có khả năng ứng khẩu thành thơ nữa”.

Từ những pho dân ca

Mỗi nam nữ thanh niên ấy gần như là một pho dân ca. Pho dân ca không ngừng được bổ sung các nội dung về hoạt động sản xuất lẫn thời sự của mỗi làng. Đặc biệt trong những cuộc thi đối đáp, người ta không cho thắp đèn vì sợ mọi người dùng đèn soi hát theo sách.

Tốt nghiệp bộ môn sáo Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Việt Nam), ông trở thành biên tập viên âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1970, nhạc sĩ Lương Nguyên chính thức đề xuất với đài làm công việc sưu tầm dân ca trong toàn quốc.

“Chuyến đi đầu tiên của tôi là vào Thanh Hóa, đúng những năm giặc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc. Một chiếc xe đạp, một máy ghi âm, ít tem phiếu và chút tiền lẻ, tôi lên tàu và xuống ga ở Thanh Hóa vào lúc nửa đêm. Đi chẳng biết đường nào. Ở cũng chẳng biết là đâu. Gặp một người dân hỏi thăm đường về Ty Văn hóa Thanh Hóa đang sơ tán thì người ta bảo còn “khươn” (còn lâu) và khuyên: Tốt hết là ngủ lại đây! Ngủ lại đây có nghĩa là nằm xuống nền đất, gối balô lên đầu, chiếc xe đạp buộc vào chân. Đánh một giấc đến sáng thì mới biết nơi mình nằm vốn là nơi họp chợ” - ông nhớ lại.

Chuyến đi đầu tiên ấy, không chỉ có dân ca Đông Sơn mà hò Sông Mã, dân ca Thanh Hóa đều được nhạc sĩ Lương Nguyên ghi âm và tìm hiểu. Thế nhưng chuyến đi khiến người nhạc sĩ ấn tượng nhất là lần vào Tây nguyên khi vừa giải phóng để thu âm cồng chiêng.

“7g sáng được đưa đến một xã cách trung tâm tỉnh lỵ Pleiku khoảng 40km. Cả xã chỉ mỗi ông chủ tịch biết tiếng Kinh. Người ta bảo: Chờ tí. Thế mà 2g chiều mới mang được dàn cồng chiêng ra. Đói mờ mắt khi nhìn thấy người ta bưng một rổ “vàng chóe”, mãi sau mới biết là mít luộc, ăn với mắm cá. Đấy là món nhớ đời nhất mà tôi được ăn” - ông nhớ lại.

Mất mát không ngờ

Khi đã sưu tầm được một số vốn kha khá về âm nhạc dân tộc phát trên đài phát thanh, trực tiếp thu âm lời hát của hàng trăm nghệ nhân thì cũng là lúc ông nhận thấy: tivi và đài phát thanh là phương tiện giải trí duy nhất ở nông thôn nhưng lại nhiều chương trình văn hóa văn nghệ cho người đô thị!

Từ năm 1998, nhạc sĩ Lương Nguyên đề xuất thực hiện chương trình Làng vui chơi, làng ca hát trên đài phát thanh mà về sau Đài truyền hình Việt Nam cũng đưa hình. Ở đó, người nông dân thật sự biểu diễn, thi đối đáp cho chính mình xem.

“20 năm sau giải phóng, tôi trở lại những nơi mình đã đến: Thanh Hóa, Nghệ An, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Thái Nguyên, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, An Giang… những nơi trước đây tôi đã đến thu những làn điệu dân ca. Ngạc nhiên vô cùng khi nhiều nơi đám trẻ không còn biết đến dân ca của dân tộc mình, những làn điệu mà 20 năm trước bà chúng còn hát”.

Để thực hiện được những chương trình ấy, lại phải tìm những người dân còn nhớ, còn biết, nhắc cho họ nhớ về “đặc sản” quê mình mà học lại, dạy lại. “Có lúc phải mang cả băng đĩa theo để mở lại cho họ nghe”, nhạc sĩ Lương Nguyên nói.

Có hàng ngàn bản ghi thu âm cũng như hàng ngàn bài dân ca khắp các miền, Lương Nguyên hiện là nhạc sĩ “sở hữu” khối tài sản âm nhạc dân gian khổng lồ có dung lượng lên tới hàng ngàn GB. Thế nhưng, như ông nói, điều tiếc nhất không phải là sự mai một hay biến tướng của văn hóa, mà là sự biến mất của những câu hát ru.

Người ta nói nhiều về việc những bà mẹ trẻ không còn biết hát ru, và tiếng ru cũng không còn à ơi ở nông thôn, nói chi thành phố. Tiếng hát ru thân thiết và gần gũi với tuổi thơ của mọi người Việt. Đó là tiếng bà, tiếng mẹ, là những câu chuyện về văn hóa, tiếng vọng của những vùng miền khác nhau được hình thành qua hàng ngàn năm. Cứ tưởng sẽ rất khó mai một, nhưng sự thật nó đang biến mất.

Ông rất đau lòng khi thấy một phụ nữ trẻ người Nùng không biết hát ru con. Không chỉ người Kinh mất đi những làn điệu hát ru mà người dân tộc thiểu số cũng dần quên đi tiếng hát đã từng như một điểm tựa tinh thần trong đời sống mỗi người, là cái sơ khởi trong bước đi chập chững đầu tiên.

Bây giờ, tuy sức khỏe đã giảm sút nhưng mỗi khi đoàn nghệ thuật dân tộc nào cần dàn dựng chương trình và kêu gọi, ông lại vội vã lên đường. Nói đến nét văn hóa đặc sắc của dân tộc nào, nhạc sĩ Lương Nguyên cũng có thể cất giọng hát ngay một đoạn dân ca của dân tộc ấy mà chẳng cần nghĩ ngợi nhiều. Không những thế, ông còn phân tích rất tỉ mỉ bài dân ca này được hát trong dịp nào, buổi lễ gì và sự khác biệt của những giọng hát vẫn của dân tộc ấy nhưng tùy từng địa bàn, nguồn nước và thổ nhưỡng khác nhau.

Nên hỗ trợ nghệ nhân

“Hiện nay, việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân đã được thực hiện kịp thời, tuy nhiên đó mới chỉ là việc phong tặng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam mà chưa kèm theo đãi ngộ gì. Hàng trăm nghệ nhân trên toàn quốc vẫn phải tự bươn chải kiếm sống, thậm chí có những người vô cùng nghèo khổ, nhưng yêu văn hóa dân gian với một tình yêu khó lòng diễn tả.

Ví như một bà lão ở Phú Thọ, mê hát xoan đến nỗi chồng con góp ý không được, đuổi ra khỏi nhà. Thế nhưng bà thà ra khỏi nhà chứ không bỏ xoan. Phải biết ơn những người như vậy. Không có họ, chúng ta sẽ mất nhiều thứ, ví dụ, hát đúm ở ven sông Đáy quê tôi, không xa Hà Nội nhưng đã mất hẳn rồi.

Vài mươi năm nữa cái gì còn, cái gì mất không ai biết. Thế nên theo tôi, cách thiết thực nhất là có quỹ hỗ trợ nghệ nhân để bảo tồn phần nào văn hóa dân gian”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận