Tiền xu: thân phận và tương lai

NGUYỄN THỊ HOAN 06/03/2013 03:03 GMT+7

TTCT - Nền kinh tế có nhiều loại hàng hóa có giá trị thấp nhưng lại thiếu tiền lẻ sẽ gây khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa. Đồng tiền xu có khuynh hướng đang bị rẻ rúng trong khi vẫn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống.

Phóng to
Phát triển các loại máy bán hàng tự động là một cách giúp người dân tăng sử dụng tiền xu - Ảnh: Thanh Đạm

Vì “chuyện nhỏ”, nên bực

Ông Joern, một người Thụy Sĩ sống tại TP.HCM, một lần cùng tôi đi ăn trưa, hóa đơn thanh toán ghi trên máy hết 106.400 đồng. Lúc trả tiền ông đưa 110.000 đồng, được trả lại 3.000 đồng. Ông đề nghị tôi dịch giúp: “Boa cho cô hay không là việc của khách hàng, còn việc cô phải thối lại đủ là lẽ đương nhiên. Tôi muốn được trả lại 600 đồng nữa”.

Cô bồi bàn đỏ mặt xin lỗi và nêu lý do không có 600 đồng lẻ nên tính tròn hóa đơn 107.000 đồng, vì thế mới trả lại 3.000 đồng. Mặc dù được giải thích rõ như vậy nhưng ông khách Tây không thỏa mãn. Ông tính toán nếu mỗi khách hàng như ông, nhà hàng lấy đi dù chỉ 600 đồng, mười người sẽ có 6.000 và trăm người sẽ có 60.000 đồng. Sự việc tương tự đang diễn ra hằng ngày và nhà hàng được hưởng lợi một cách đương nhiên vô lý từ khách hàng.

Tình trạng khan hiếm tiền lẻ ở các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng ngày càng trầm trọng. Nếu hóa đơn có các số lẻ như 200, 300, 400 đồng sẽ được siêu thị làm tròn và khách phải trả 500 đồng. Còn nếu số lẻ như 600, 700, 800, 900 đồng thì khách hàng sẽ bị siêu thị làm tròn là 1.000 đồng.

Do khan hiếm tiền lẻ tại các siêu thị nên thay vì phải trả lại 500, 600 đồng, khách hàng sẽ được một hoặc hai cái kẹo. Đúng là “ép người quá đáng!”, nhiều người tiêu dùng bực bội nhưng vô tác dụng vì đối với siêu thị, vài trăm đồng quả là “quá nhỏ” để chủ siêu thị phải bận tâm giải quyết.

“Nhỏ nhưng... có võ”

Thực tế cho thấy rất ít quốc gia lưu hành song song cả tiền giấy và tiền kim loại cùng mệnh giá và nếu có thì chỉ áp dụng đối với mệnh giá cao nhất trong bộ tiền kim loại, trong khi tại VN các loại tiền mệnh giá nhỏ (200, 500, 1.000, 2.000, 5.000 đồng) đang được lưu thông song song cả tiền giấy và tiền xu.

Hệ thống tiền tệ ở hầu hết các nước trên thế giới đều bao gồm tiền giấy và tiền kim loại. Cơ cấu mệnh giá của hai loại tiền này ở mỗi nước tuy khác nhau, nhưng có điểm chung là trong bộ tiền của các nước đều có ranh giới rõ ràng giữa tiền giấy và tiền kim loại, trong đó tiền kim loại là những đồng tiền có mệnh giá nhỏ.

Vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu vẫn là vì thiếu tiện ích khi sử dụng, đồng tiền xu mặc dù đang có giá trị lưu hành nhưng lại bị loại khỏi các giao dịch mua bán hằng ngày. Hơn nữa nếu không dùng tiền xu thì đã có tiền giấy thay thế. Vì thế nên khi việc in tiền giấy ít đi mà đồng xu lại không được trọng dụng, nên việc thiếu tiền lẻ trong lưu thông hàng hóa là dễ hiểu.

Trong khi ngoài xã hội như vậy thì chính các ngân hàng đã và đang đóng góp một vai trò lớn trong việc cản trở hạn chế đồng tiền xu nói riêng và tiền có mệnh giá nhỏ nói chung lưu thông bởi vì hầu hết các ngân hàng đều tính phí khi nộp tiền lẻ, tiền xu vào tài khoản. Nhiều ngân hàng giải thích việc thu phí kiểm đếm tiền mệnh giá nhỏ, từ 5.000 đồng trở xuống được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Ở các nước phát triển những đồng một xu vẫn được trọng dụng dù thu nhập bình quân đầu người so với VN là một khoảng cách. Nếu tiêu không hết, người dân sẽ gom những đồng xu ra ngân hàng đổi lấy tiền có mệnh giá lớn hơn. Do các ngân hàng đều có máy đếm tiền giấy và tiền xu, nên việc đếm tiền sẽ đơn giản, không tốn thời gian cho nhân viên ngân hàng. Và người dân hoàn toàn không bị tính một xu phí nào khi nộp tiền vào tài khoản. Các đồng tiền xu có mệnh giá nhỏ sau đó được siêu thị, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ tới ngân hàng đổi để sau đó trả lại.

Ở VN từ một vài năm nay, nhiều tuyến xe buýt tại TP.HCM áp dụng hình thức bán vé tự động. Hành khách khi đi xe tự bỏ tiền vào máy, tài xế sẽ thối tiền cho hành khách bằng cách nhấn nút tại các ngăn có các đồng xu mệnh giá 1.000, 2.000, 5.000... Hành khách nhận lại tiền xu và đương nhiên đều chấp nhận. Số tiền xu đó hành khách có thể dùng mua vé xe buýt cho lần sau, cho nên hầu hết hành khách đều hài lòng với đồng tiền xu họ được thối lại, không thấy ai từ chối.

Rõ ràng không phải là đồng xu không có “tương lai”. Nếu như đồng thời với việc lưu thông tiền xu, Ngân hàng Nhà nước không phát hành tiền giấy cùng mệnh giá, người dân buộc phải dùng tiền xu để mua hàng giá trị nhỏ. Việc phát triển mô hình bán hàng tự động qua máy sẽ giúp đồng tiền xu được coi trọng.

Việc duy trì và phát triển tiền xu trong lưu thông hàng hóa thể hiện ở một nền kinh tế thị trường hiện đại, đa dạng và văn minh. Trong vòng 5-10 năm nữa, khi hệ thống tàu điện ngầm đi vào hoạt động, nếu không có tiền lẻ, tiền xu chẳng biết điều gì sẽ xảy ra?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận