Tiền xu và thuốc an thần

KIỀU BÍCH HƯƠNG 05/04/2017 01:04 GMT+7

TTCT - Vừa lái lùi khỏi bãi đậu, xe của tôi chạm nhẹ một chiếc khác đang tiến vào. Người đàn ông mũi gồ, da và mái tóc sẫm màu căng thẳng xoa xoa vết xước nhỏ trên xe rồi đập cửa: “Cô ra ngay giải quyết”. Tôi ngồi im vài giây, sợ hãi bao trùm.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

 

Nhìn tôi lập cập bước ra, anh ta dịu lại: “Tôi không phải người xấu, đừng sợ. Chỉ là vết xước nhỏ. Với tôi không vấn đề, nhưng đây là xe của vợ tôi nên cô phải điền đầy đủ giấy tờ bảo hiểm. Ngày mai tôi mang xe đến gara, họ bảo không cần sửa thì chúng ta coi như chưa hề có chuyện xảy ra”.

Vừa nói anh ta vừa làm bộ xé tờ giấy làm hai, tung lên trời. Nhìn giấy bảo hiểm đứng tên chồng tôi, mặt anh ta giãn ra: “Chồng cô người Bỉ hả? Vợ tôi cũng dân bản xứ. Cô và tôi cùng nhập cư, dễ nói chuyện với nhau rồi. Yên tâm, tôi không phải người xấu”.

“Tôi trung lập”, “Không bình luận”..., có người trả lời như vậy khi phóng viên truyền hình VTM đứng ở sân bay Zaventem (Bỉ) phỏng vấn nhân sự kiện Tổng thống Donald Trump ra sắc lệnh cấm nhập cảnh mới (cấm tạm thời người của 6 nước Hồi giáo tới Mỹ).

Tôi cũng muốn dùng thứ vitamin trung lập này để vui vẻ lên phố gặp bạn bè. Chẳng “an thần” chút nào. Giữa trung tâm mua sắm, cạnh bến xe, trong ga tàu, trên quảng trường..., những phụ nữ trùm khăn liên tục giơ cốc nhựa (loại cốc đựng cà phê trong quầy bán hàng tự động) lên xin tiền.

Một thằng bé chừng 8 tuổi đẩy chiếc cốc vào sâu ống tay áo khoác, cố giữ khoảng cách với mẹ. Thỉnh thoảng, người mẹ quay ra gắt gỏng, tôi đoán bà giục con phải chìa tay ra người ta mới cho tiền chứ. Mình mẹ xin xỏ chẳng bõ bèn.

Thằng bé lờ đi, nép vào khung cửa kính trưng bày hàng hiệu. Có thể nó đang giận dỗi: “Vào được thiên đường mà vẫn phải đi ăn mày?!”.

Ai đó vừa chạm nhẹ tay tôi. Giữa Grand Place được Victor Hugo ví quảng trường lãng mạn nhất châu Âu, và cũng chỉ vài mét cách ngôi nhà số 26 ông từng ở Brussels năm 1852, một phụ nữ tay bế con chừng hơn 1 tuổi đang ngủ thiếp, tay kia chìa về phía tôi.

Chị bạn đi cùng tôi dứt khoát: “Xin lỗi. Tôi cũng không có việc làm, lấy đâu tiền cho cô”. Chiếc giày nhỏ xíu trong chân thằng bé rơi ra, tôi cúi xuống nhặt, ngẩng lên, sát mặt người mẹ thiểu não: “Cô xỏ lại giày cho cháu với”.

Đi găng tay còn thấy lạnh cóng, giày và tất mỏng kia sao giữ ấm nổi cho đứa trẻ theo mẹ đứng đường cả ngày? Tôi đành lục lọi túi áo khoác.

Vô tình, tôi làm bạn đi cùng chạnh lòng. Bao năm rồi bạn chật vật vừa nuôi con vừa tranh thủ học tiếng, học nghề để tìm việc nơi này. Tôi cũng chẳng khá hơn. Chẳng qua trong túi còn sẵn vài chục cent thôi. Để xoa dịu không khí này, mẹ của bạn vừa sang Bỉ thăm con thốt lên: “Không ngờ châu Âu bây giờ cũng lắm ăn mày như Hà Nội, TP.HCM hồi đầu năm 2000 ấy nhỉ”.

Chúng tôi dừng trước một cửa hàng tự chọn. Cốc cà phê trong tay hai phụ nữ choàng khăn huơ lên. Vội tránh, vì chẳng còn tiền lẻ. Nhưng họ không nhằm vào chúng tôi mà tiến về quầy hàng.

Hai cô cùng chìa bàn tay, lấp lánh những đồng tiền lẻ. À, họ muốn mua cà phê uống cho ấm người chứ không xin tiền. Người bán hàng vẫn lắc đầu, khoát tay về phía sau. Rồi cũng hiểu ra, phải xếp hàng.

Tôi hỏi một bạn đang làm việc tại trung tâm hỗ trợ người mới nhập cư vào Pháp rằng tại sao những người ăn xin trông rất khỏe mạnh này không tích cực đi xin việc, bạn kể: “Sau những vụ khủng bố xảy ra ở Paris, Brussels, Berlin, ngay cả London cũng vừa hoảng loạn lên đấy, không ít dân bản xứ bắt đầu tránh họ, ngại họ. Xin một vài euro còn dễ cho, chứ xin việc làm cực khó”.

Người đàn ông ở bãi đậu xe kia cứ nhắc câu “Tôi không phải người xấu” cũng vì đang phải sống trong bầu không khí này chăng?

Hơn ba tháng nay chưa thấy anh ta gọi điện về chuyện xe. Nhưng gia đình mẹ đỡ đầu của chồng tôi đột ngột gọi. Mẹ vừa ra đi ở tuổi 95. Chấm dứt đớn đau, lo âu, buồn phiền đời thường.

Tang lễ diễn ra trong nhà thờ. Giai điệu thánh ca vút lên vòm mái nhà thờ rồi rót xuống, gột rửa chúng tôi bằng dòng nước mát lành của cảm xúc thuần nhất - yêu thương và chia sẻ.

Hai người đàn ông mặc lễ phục cầm giỏ mây tiến xuống các hàng ghế. Không ai phúng viếng tiền cho gia quyến, nhưng trước mắt tôi cả gia quyến lẫn khách dự tang lễ lần lượt bỏ những đồng tiền nhỏ vào giỏ mây. Tôi hồi hộp lục túi áo khoác, trống không.

Chồng tôi kịp truyền cho vài đồng nóng hổi vào lòng bàn tay: “Tiền này để linh mục tặng người nghèo khó”. Dường như vừa có liều thuốc an thần êm dịu thấm vào người tôi. Trong di ảnh, mẹ đỡ đầu đang nở nụ cười viên mãn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận