TTCT - Thiết kế lại âm thanh bệnh viện, sao cho vừa cảnh báo đúng vừa mang lại sự dễ chịu cho người nghe, đang là hướng đi tích cực của các nhà nghiên cứu. Ảnh: Getty ImagesBíp, bíp, bíp… tín hiệu cảnh báo khẩn cấp từ các thiết bị y tế là âm thanh thường gặp tại bệnh viện. Tuy nhiên cảnh báo sai liên tục, không chỉ gây ồn ào mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh và nhân viên y tế. Thiết kế lại âm thanh vừa cảnh báo đúng vừa mang lại sự dễ chịu cho người nghe đang là hướng đi tích cực của các nhà nghiên cứu.Trong đợt điều trị dịch COVID-19, tiếng bíp đã ám ảnh bác sĩ chúng tôi và người bệnh. Mỗi phòng bệnh như một "ma trận" âm thanh. Máy monitor, máy thở, bơm tiêm điện… bao quanh người bệnh. Nhịp tim nhanh hơn hoặc chậm hơn. Tiếng kêu bíp bíp. Máy thở bị trục trặc, bơm tiêm điện gần hết, tiếng kêu nhiều và kéo dài hơn. Ngoài hành lang, tiếng xe tiêm đẩy lạch cạch, đan xen với một loạt âm thanh to nhỏ, tiếng ho, nôn mửa… của người bệnh. Tất cả cộng hưởng thành một tạp âm khủng khiếp.Có lúc các tiếng bíp dường như phát ra từ mọi phía khiến chúng tôi như "mò kim đáy bể" khi muốn xác định nguồn âm thanh từ đâu, do thiết bị nào và đó có phải là tình trạng cấp cứu thực sự. Sự lặp lại liên tục khiến chúng tôi mệt mỏi, thậm chí không nghe thấy âm thanh trong vài giây, vài phút. Rời tua trực, tiếng bíp vẫn vang vọng bên tai và đột ngột len lỏi trong giấc ngủ khiến tôi giật mình. Với người bệnh, khi gặp lại bác sĩ và nói về quãng thời gian đó, họ chia sẻ "tiếng cảnh báo khiến tôi ám ảnh đến giờ và mỗi lần nghe thấy khiến tim hồi hộp và cảm giác khó thở hơn".Vấn đề của tiếng bípTiếng bíp, tuân theo bộ tiêu chuẩn IEC 60601-1-8 do Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế đưa ra năm 2003, được mã hóa theo nhịp điệu. Ví dụ, 1 nhịp hoặc 2 nhịp, chậm, đều cho cảnh báo ưu tiên thấp; 3 nhịp cho cảnh báo ưu tiên trung bình; 5 nhịp đến 10 nhịp, nhanh, liên tục cho báo động khẩn cấp, nghiêm trọng. Tùy theo nhà sản xuất mà âm thanh có âm sắc, dải tần số và thời lượng khác nhau.Tiếng bíp nhằm cảnh báo nhân viên y tế về những sai lệch so với trạng thái bình thường đã được cài đặt, có thể do tình trạng bệnh nhân xấu đi hoặc thiết bị y tế không hoạt động bình thường.Hệ thống cảnh báo hữu ích khi độ nhạy và độ đặc hiệu cao - tức là phát hiện tình trạng nguy hiểm và cảnh báo đúng. Tuy nhiên, thực tế cảnh báo sai rất phổ biến.Ảnh: DepositphotosMột phân tích tại Bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy trong số 59.000 cảnh báo trong 12 ngày khảo sát - tương đương 350 cảnh báo/bệnh nhân/ngày - tỉ lệ cảnh báo sai dao động từ 72-99%, theo kết quả đăng trên tập san AACN Advanced Critical Care.Con số 99% áp dụng cho các khoa thông thường nhưng ngay cả khoa ICU, phần lớn các cảnh báo không có nghĩa là bệnh nhân đang gặp tình trạng nguy hiểm thực sự, phải cấp cứu ngay. Lấy ví dụ, bệnh nhân là một cụ già đang thay đổi tư thế do phải nằm lâu. Tuy nhiên, miếng dán điện cực trên người bị lỏng hoặc bị tì đè, gây hiện tượng giả nhịp tim nhanh. Monitor sẽ phát tín hiệu cảnh báo nhưng thực tế bệnh nhân vẫn ổn.Việc tiếp xúc số lượng lớn tín hiệu cảnh báo sai trong ca làm việc khiến nhân viên y tế "choáng ngợp" dẫn đến điếc không chủ ý và "mệt mỏi khi có báo động" (alarm fatigue) - tình trạng quá tải cảm giác, dẫn đến mất nhạy cảm và bỏ lỡ các báo động quan trọng. Nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia (Mỹ) cho thấy y tá sẽ phản ứng chậm hơn gấp nhiều lần nếu đã phải tiếp xúc với 80 cảnh báo trở lên trong hai giờ trước đó.Mặt khác, các tín hiệu cảnh báo với một vài âm thanh lớn, "phẳng" - âm thanh có dải tần số cố định, đơn điệu, thiếu các thành phần tần số cao thường gây khó chịu, dễ nhầm lẫn và kém thu hút sự chú ý, đặc biệt với các bác sĩ lâm sàng bận rộn.Lợi bất cập hạiAlarm fatigue đã được công nhận là một vấn đề an toàn trong thực hành lâm sàng hiện nay, bởi chúng gây ra nhiều hệ lụy. Số lượng cảnh báo sai lớn khiến y tá phải giảm âm lượng tín hiệu, điều chỉnh cài đặt cảnh báo ngoài giới hạn an toàn, bỏ qua các tín hiệu, thậm chí là tắt cảnh báo. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong do không được phát hiện tình trạng nguy hiểm kịp thời. Dữ liệu từ FDA Hoa Kỳ cho thấy tình trạng mệt mỏi khi báo động và các vấn đề khác liên quan đến 566 trường hợp tử vong trong 5 năm rưỡi.Mặt khác, tiếng bíp vang lên vào bất kỳ thời điểm nào còn gây ra sự gián đoạn - nguyên nhân dẫn đến sai sót y tế. "Khi tôi đang tính toán liều thuốc, lấy thuốc hoặc phải ghi nhớ những y lệnh của bác sĩ đưa ra nhưng tiếng bíp vang lên bất chợt liên tục khiến tôi phải dừng công việc và đi kiểm tra bệnh nhân. Sau đó, tôi phải bắt đầu tính toán lại và vô tình có thể quên hoặc thiếu sót y lệnh nào đó" - một đồng nghiệp chia sẻ với tôi.Với bệnh nhân, âm thanh cảnh báo liên tục cả ngày lẫn đêm khiến họ mất ngủ, tâm trạng lo lắng, căng thẳng… gây suy giảm trí nhớ, gia tăng các biến cố tim mạch và gây ra bệnh tật.Nhiều quan sát cho thấy bệnh nhân khi được chuyển từ phòng ICU sang phòng bệnh yên tĩnh hơn thì thời gian hồi phục nhanh hơn cũng như giảm số lần sử dụng thuốc giảm đau.Thiết kế lại âm thanhKhông ai muốn rời khỏi phòng bệnh với tiếng bíp vang vọng bên tai, đó là mong muốn chính đáng của nhân viên y tế cũng như bệnh nhân. Do vậy, việc thiết kế lại âm thanh cảnh báo là cần thiết, đòi hỏi có sự cân bằng tinh tế: thu hút sự chú ý nhưng không gây sửng sốt, dễ phân biệt nhưng đủ đơn giản để học.Xuất phát từ một trải nghiệm "đáng nhớ" khi nằm điều trị tại bệnh viện, Yoko Sen - một nhạc sĩ điện tử - đã thành lập công ty khởi nghiệp Sen Sound (Mỹ) và hợp tác với nhiều chuyên gia y tế nhằm thiết kế lại âm thanh cảnh báo ở bệnh viện.Sen và Judy Edworthy, giáo sư tâm lý học ứng dụng tại Đại học Plymouth (Anh), theo đuổi ý tưởng thay đổi âm thanh cảnh báo theo hướng: các vấn đề về hô hấp được báo hiệu bằng tiếng rít, vấn đề về thuốc báo hiệu bằng tiếng lạch cạch của viên thuốc, vấn đề tim mạch báo hiệu bằng tiếng kêu của tim. Chúng dễ học, không quá khó chịu và đủ hài hòa để thu hút sự chú ý. Khi kết hợp với nhịp điệu tiếng bíp để biểu thị mức độ khẩn cấp thì chúng đáp ứng tất cả các tiêu chí.Tiến sĩ Frank Block Jr, người trực tiếp soạn nhạc cho bộ tiêu chuẩn IEC 60601-1-8, lạc quan tin rằng những âm thanh này sẽ trở thành tiêu chuẩn quốc tế tiếp theo về báo động. Thực tế là chúng vẫn đang trong quá trình phát triển, còn những rào cản pháp lý cần phải vượt qua và dự báo sẽ tốn kém khi phải thiết kế lại toàn bộ tín hiệu trên các thiết bị y tế, theo Statnews. Ngoài ra, những thay đổi này buộc các nhân viên y tế phải học lại cách liên hệ tiêu chuẩn cảnh báo.Ảnh: iStockNhóm tác giả tại Đại học MC Master (Canada) và Đại học Vanderbill (Mỹ) chọn lối tiếp cận khác: làm cho âm thanh ít gây gián đoạn hơn thay vì thiết kế lại các quy trình và cách thức quản lý cảnh báo trên toàn ngành. "Hãy nghĩ về nó giống như chơi cùng một bài hát trên các nhạc cụ khác nhau mà bạn vẫn nhận ra giai điệu" - Michael Schutz, giáo sư về nhận thức âm nhạc tại MC Master, nói với tạp chí Newswise.Schutz là đồng tác giả nghiên cứu làm cơ sở cho thử nghiệm thay đổi âm báo ở bệnh viện. Nghiên cứu thực hiện trên 44 tình nguyện viên, so sánh khả năng nhận diện giữa âm thanh cảnh báo bằng âm sắc dựa trên mộc cầm (xylophone) và âm thanh cảnh báo tiêu chuẩn.Theo kết quả công bố trên tập san Perioperative Care and Operating Room Management tháng 9-2023, tín hiệu cảnh báo bằng nhạc cụ gõ có độ chính xác tương đương và ít gây cảm giác khó chịu hơn đáng kể so với tín hiệu cảnh báo hiện nay.Thử nghiệm "là bước đầu tiên đầy hứa hẹn để cải thiện việc chăm sóc bệnh nhân thông qua thiết kế cảnh báo bằng âm nhạc", theo nhóm nghiên cứu.Thiết kế lại âm thanh, có sự kết hợp với âm nhạc và các nhạc cụ khác nhau, sẽ giúp cho tín hiệu cảnh báo phát huy tác dụng: giúp các nhân viên y tế liên lạc với nhau tốt hơn và cải thiện chất lượng chăm sóc bệnh nhân, thậm chí là cứu sống người bệnh. Với bác sĩ và bệnh nhân, còn điều gì mong mỏi hơn thế. Tiếng bíp quá ồnTổ chức Y tế thế giới khuyến nghị tiếng ồn trong bệnh viện không quá 35dB vào ban ngày và 30dB vào ban đêm. Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy trong phòng phẫu thuật, nơi chứa nhiều thiết bị y tế, âm thanh dao động từ 62-66dB, ngưỡng trên 100dB chiếm hơn 40% tổng thời gian.Bộ tiêu chí IEC 60601-1-8 bộc lộ nhiều thiếu sót khi không đề cập chính xác mức âm lượng mà chỉ yêu cầu cơ bản, âm thanh cảnh báo tình trạng khẩn cấp phải to hơn tình trạng bình thường nhưng không quá lớn khiến những người ở gần khó chịu hoặc mất tập trung.Do vậy, âm lượng phụ thuộc vào kinh nghiệm của nhà sản xuất bởi "âm thanh là yếu tố được cân nhắc kỹ lưỡng trong thiết kế và họ lo lắng về việc bị kiện nếu máy không kêu được" - giáo sư Judy Edworthy tại Đại học Plymounth (Anh) nói với The New York Times. Sự thiếu đồng nhất trong thiết kế âm thanh khiến các tín hiệu cảnh báo trở nên ồn ào và hỗn loạn. Tags: Y họcY tếBệnh việnTiếng ồnSức khỏe
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.