Tiếng của rừng

VĨNH QUYỀN 18/10/2019 22:10 GMT+7

Voọc ở Sơn Trà. Ảnh: Veronica Pini
Voọc ở Sơn Trà. Ảnh: Veronica Pini

TTCT - Những ngày này lên Sơn Trà, tôi thường gặp một thiếu nữ nước ngoài tuổi chừng hai lăm ngược xuôi xe máy trên những cung đường vắng tìm lũ voọc vá chân nâu chợt hiện chợt ẩn giữa bát ngát xanh cây. Chúng tôi khẽ cúi chào, như thói quen người đi rừng khi lướt qua nhau trên lối hẹp mà không nhất thiết quen biết trước đó.

Cũng trên cung đường ấy, tôi gặp lại cô gái ấy vào một buổi sáng. Cô không một mình như thường lệ, mà với hai nhà nhiếp ảnh động vật hoang dã người nước ngoài. Điều không bình thường xảy ra khi hai vị khách chụp ảnh đàn voọc với sự hỗ trợ của đèn flash chuyên dụng.

Tôi dừng lại, nhắc họ rằng điều đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe đàn voọc, nhất là voọc sơ sinh. Một người đáp họ vẫn thường dùng flash chụp ảnh chim muông mà không thấy xảy ra vấn đề gì đáng tiếc với chúng.

Câu trả lời quen quen. Bởi tôi đã thấy trên Internet hàng trăm quảng cáo các khóa dạy cũng như nhiều bài viết hướng dẫn sử dụng hiệu quả flash trong chụp ảnh động vật hoang dã (hầu hết ở các nước Âu - Mỹ).

Xem lướt qua, tôi nhận ra mẫu số chung: Thứ nhất, các “bậc thầy” đều khẳng định chưa có ghi nhận flash gây hại sức khỏe của đối tượng được chụp ảnh. Thứ hai, phần kết luận đều thận trọng lưu ý hãy dừng ngay việc dùng flash nếu thấy xảy ra tác động xấu.

Thực ra cái gọi là “tác động xấu” của flash không xảy ra ngay, ngoại trừ hiện tượng “mù tạm thời”. Theo Dennis Olivero - tiến sĩ nhãn khoa thú y (veterinary ophthalmology) và cũng là nhà nhiếp ảnh động vật hoang dã nổi tiếng tại Mỹ, đối tượng bị flash bắn vào mắt lúc ban đêm có thể bị giảm thị giác tạm thời (temporary reduction in vision) 5 - 20 phút. Và sau khi chụp ảnh, các tay máy rời khỏi hiện trường, không biết gì về hậu quả họ đã gây ra.

Dòng liên tưởng của tôi bị gián đoạn bởi những tràng flash của hai vị khách tiếp tục bắn lên đàn voọc đang ăn bữa sáng, lần này chỉ cách chừng bảy mét. Chúng dừng lại rồi hốt hoảng bồng bế con nhỏ lao vào rừng rậm. Âm thanh chuyền cành rào rào xa dần và mất hút, để lại khoảng lặng khó chấp nhận.

Một bầy voọc ở Sơn Trà. Ảnh: Veronica Pini
Một bầy voọc ở Sơn Trà. Ảnh: Veronica Pini

Chuyện trước mắt nhắc chuyện năm ngoái. Cũng độ vào thu thế này, tôi đưa Suburoto, giáo sư lịch sử kiêm nhiếp ảnh gia người Nhật, thăm Sơn Trà lần đầu. Trong nắng vàng mật xiên khoai cuối ngày, chúng tôi may mắn gặp một tiểu gia đình voọc quây quần trên đỉnh thàn-mát cổ thụ, đang thưởng thức những trái non xanh nõn trông giống trái phượng vĩ. 

Tôi ngạc nhiên thấy Suburoto không tỏ vẻ gì sẵn sàng cho việc chụp ảnh. Hiểu ý, ông thì thầm: “Hãy chờ một lát, tôi không muốn quấy rầy bữa ăn của chúng”…

Từ đó, tôi thường nghĩ về tác động chủ ý hay vô tình của con người áp đặt lên môi trường tự nhiên. Dẫu biết trong giới nhiếp ảnh và nghiên cứu hiện có ý kiến trái chiều về dùng hay không dùng flash khi chụp ảnh động vật hoang dã; dẫu biết còn nhiều yếu tố cụ thể để đánh giá mức tác động đối với sức khỏe các loài chim thú như dùng flash trong ánh sáng ngày hay đêm, với khoảng cách nào; và dẫu biết đến nay chỉ mới có lời cảnh báo của các nhà khoa học chứ chưa có kết quả nghiên cứu đầy đủ về vấn đề này được chính thức công bố, tôi vẫn mong muốn mọi người không sử dụng flash khi chụp ảnh động vật hoang dã bởi ít nhất đã “quấy rầy”, nói như Suburoto, hay “chỉ biết quan tâm đến chất lượng bức ảnh của bản thân”, nói như tiến sĩ Lois K. Lippold, chủ tịch Tổ chức Bảo tồn voọc vá (Douc Langur Foundation).

Thất vọng trước hai tay máy “quốc tế”, tôi tìm đến hướng dẫn viên đang ở cách đấy một quãng và bắt gặp vẻ bức xúc của anh. Hóa ra chuyện này đã tiếp diễn trong ba ngày qua, bất chấp yêu cầu không dùng flash của người hướng dẫn với câu hỏi đáng suy nghĩ “luật nào”? Anh cũng cho biết trước tôi đã có một số người phản ứng, còn ngay lúc này anh sẽ làm việc với công ty du lịch qua điện thoại, quyết định từ chối phục vụ hai vị khách.

Như muốn tách khỏi bầu không khí căng thẳng cố kìm nén của cánh đàn ông, cô gái đứng riêng một mình khá xa. Đôi mắt buồn và bất an của cô là hình ảnh tôi ghi nhận trước khi tiếp tục hành trình của mình.

Những ngày sau đấy, trên trang nhà của những người yêu voọc vá chân nâu bùng nổ thông tin “vụ flash”, đôi khi bằng tiếng Anh. Vài người không chứng kiến, chỉ đọc tin xem ảnh cũng tham gia bình luận gay gắt “nhóm ba người nước ngoài”. Họ đã gom cô gái vào chuyện.

Veronica Pini
Veronica Pini

Rồi bất ngờ, bức thư tiếng Anh của cô xuất hiện trên trang này với tiêu đề “Chào mọi người”. Thư cho biết cô đến Sơn Trà để nghiên cứu khoa học, ở đó cô tình cờ và lần đầu gặp hai nhà nhiếp ảnh nói trên. Những ngày qua, cô vào rừng cùng họ vì một trong hai người đến từ Ý, đồng hương với cô. Và cô muốn giúp họ vì cô đã làm quen với Sơn Trà hơn hai tháng nay. 

Cô không ủng hộ việc họ dùng flash chụp ảnh voọc, nhưng cũng không chịu được cách phản ứng của một số người vô cớ nhằm cả vào cô. Vì vậy, rồi đây mọi người sẽ không còn thấy cô ở Sơn Trà nữa. Ký tên Veronica Pini.

Lời “tuyên bố” pha chất giọng trẻ con của cô khiến nhiều người xúc động. Tới tấp những lời giải thích, động viên cô tiếp tục dự án nghiên cứu. Gặp lại nhau sau “sự cố” này, chúng tôi không chỉ khẽ chào như thói quen người đi rừng, mà dành thời gian trò chuyện. Veronica cho biết cô sinh năm 1993 ở Parma, thành phố phía bắc nước Ý, đang theo học ngành sự tiến hóa hành vi của động vật và người (Evolution of Animal and Human Behaviour) tại Đại học Turin.

Khóa học thạc sĩ đòi hỏi sinh viên nghiên cứu thực địa 4 tháng, cháu muốn đến một nơi thật xa, hoàn toàn khác lạ với quê nhà, dẫu biết sẽ trải qua nhiều khó khăn phức tạp và phải là nơi cháu sẽ nhớ trọn đời. Một năm làm việc tại quán rượu, cháu mới dành dụm đủ tiền cho chuyến đi…”.

Con đường nào đã dẫn Veronica đến với đàn voọc ngũ sắc Sơn Trà?” - tôi hỏi. “Xứ sở bí ẩn Đông Dương từ lâu cuốn hút cháu. Một lần tình cờ được xem tấm ảnh voọc vá chân nâu, sinh vật đẹp và quyến rũ đến mức cháu không ngừng ao ước được ngắm tận mắt và nghiên cứu. Vậy là cháu quyết định điểm thực địa: Khu bảo tồn Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam. Sau gần một năm rưỡi chuẩn bị, chờ đợi, cuối cùng cháu cũng được đặt chân đến đây vào ngày đầu tháng bảy và sẽ trở về Ý sau tháng mười. Hi vọng mùa mưa nhiệt đới không cản đường cháu vào rừng…”.

Ngày nào cũng quay phim và ghi âm lũ voọc, có phải Veronica nghiên cứu tiếng nói của chúng?”. “Thật ra cháu nghiên cứu về hành vi xã hội và các tương tác nội bộ của voọc, trong đó có nghiên cứu về phát âm, là phương tiện giao tiếp quan trọng. Nếu hiểu cách các loài linh trưởng giao tiếp qua giọng nói, chúng ta có thể biết thêm điều gì đó về nguồn gốc ngôn ngữ loài người. Đồng thời, một khi có hiểu biết nhiều hơn về ngôn ngữ, hành vi của voọc, chúng ta sẽ làm tốt hơn việc bảo tồn chúng, một trong những loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng”.

Cô kể về mỗi ngày của mình ở đây: “Cháu thức dậy trước mặt trời, vào rừng sớm nhất có thể, ghi âm và quay phim tất cả các hành động của voọc trước khi chúng ngủ trưa. Buổi chiều lại tiếp tục đến hoàng hôn. Về nhà trọ, cháu sắp xếp dữ liệu từ những gì đã ghi được trong ngày. Việc phân tích sẽ thực hiện khi trở về Ý.

Thời gian quan sát loài voọc thật hạnh phúc. Ban đầu cháu bị quyến rũ bởi màu sắc và đôi mắt biểu cảm của chúng, để rồi ngày càng thấy yêu thương. Sau hai tháng theo dõi, có thể nói rằng điều cháu thích hơn cả ở loài động vật tuyệt vời này là thái độ an nhiên. Cách sinh hoạt và di chuyển của chúng luôn để lại trong cháu cảm giác bình yên…

Trải nghiệm này là một trong những điều đẹp đẽ nhất trong cuộc đời cháu. Ngay từ bây giờ, cháu biết mình sẽ rất nhớ nơi này, nhớ những con người tốt bụng luôn chia sẻ với cháu tình yêu đàn voọc và cùng chung sức bảo vệ chúng theo cách của mỗi người. Thời gian thực tập chưa kết thúc mà cháu đã nghĩ đến ngày quay lại…”.

Lời của cô gái Ý như tiếng suối thì thầm giữa ngàn xanh Việt một chiều trở gió.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận