TTCT - Để được yêu mến như hôm nay, "bà lão" màu hồng ấy đã trải qua cả một lộ trình. Chỉ còn một tháng nữa là vào năm học mới. Phụ huynh có con nhỏ bậc tiểu học lại sắp bước vào đợt mua sắm các thứ học cụ đáng yêu, nào thước, nào hộp bút, nào cặp và giấy bọc vở, bình đựng nước… Con trai màu xanh, con gái màu hồng, như đã thành quy tắc. Ta bị cuốn đi theo cái quy tắc ấy, và trẻ con cũng hướng theo quy tắc ấy, tưởng chừng rất giản dị, như là bẩm sinh đã thế… Nhưng theo nhiều tác giả, mọi việc không phải tự nhiên mà thế, nhất là với màu hồng.Màu hồng được tìm thấy trong trầm tích đá phiến dưới sa mạc SaharaMàu cổ xưa nhất?Cái màu trông như non nớt ngây thơ ấy hóa ra lại là "bà lão già nhất" của bảng màu sinh học trên Trái đất. Theo The Guardian, vào năm 2018, một nhóm khoa học gia Nhật và Mỹ đã đào lớp trầm tích đá phiến bên dưới sa mạc Sahara (vốn là đại dương), lấy lên những viên đá 1,1 tỉ năm tuổi, là hóa thạch của hàng tỉ tỉ "con" cyanobacteria (tảo lam) từng thống trị các đại dương cổ nay đã biến mất.Tuổi của Trái đất chúng ta đã 4,6 tỉ năm. Hơn 1 tỉ năm đầu không hề có sinh vật. Thế rồi cách đây khoảng 3,4 tỉ năm, sinh vật quang hợp đầu tiên xuất hiện là cyanobacteria. Loài khuẩn đó sống trong nước, tràn lan, tuy làm thức ăn được nhưng lại bé tí ti, thật "chả bõ dính răng"; rất có thể Trái đất đã trông vào nguồn thức ăn đó mà không vội sinh ra động vật nào. Phải đợi gần 500 triệu năm sau, khi cyanobacteria nhường chỗ cho rong biển to gấp ngàn lần nổi lên thống trị, nguồn thức ăn mới dồi dào đủ để động vật yên tâm xuất hiện.Quay lại với các nhà khoa học năm 2018. Họ nghiền chỗ hóa thạch cyanobacteri thành bột, đem chiết tách rồi phân tích các phân tử hữu cơ thu được, và trong kính hiển vi hiện ra những phân tử diệp lục màu hồng rực rỡ - sản phẩm quang hợp của lũ cyanobacteria - những sinh vật li ti đầu tiên trên Trái đất.Vậy màu hồng chính là màu sinh học cổ nhất, của sinh vật cổ nhất. Khi phát hiện điều này, nhà khoa học Nur Gueneli đã hét ầm lên trong phòng thí nghiệm, hệt như một em bé gái được mẹ mua cho một cái váy… hồng.Trong một bài viết trên National Geographic, tác giả Byerin Blakemore nhận xét một cách thơ mộng rằng màu hồng không chỉ nhuộm thế giới tự nhiên bằng các sắc độ khác nhau - hoặc ẩn sâu trong những tầng đá cổ, hoặc rực rỡ trong bộ lông của bầy hồng hạc chén tép hồng, hay trải thắm những bờ biển cát hồng vùng Bermuda - màu hồng còn phải mang vác một hành lý văn hóa "nhân tạo". Từ bảng màu của tự nhiên bước sang làm nhiệm vụ tô điểm cho con người, màu hồng choàng thêm lên mình một lô ý nghĩa mới: chủ nghĩa thực dân, quyền lực, cái đẹp và đại diện giới."Bà lão" hồng ấy để có được hôm nay là "cả một lộ trình". Theo bài viết của Byerin Blakemore, chúng ta sẽ lần theo những cột mốc của lộ trình ấy.Màu hồng độc đáo của chim sẻ hồng Robin, vùng đông nam Úc (Ảnh: birdlife.org.au)Từ cổ đại đã say hồngHồi 2018, nhà khảo cổ học Randall Haas cùng đồng đội khảo sát một ngôi mộ nằm trong rặng Andes, Peru, có từ khoảng 9.000 năm trước. Cùng với bộ xương của một người trưởng thành, họ tìm thấy một bộ dụng cụ đi săn bằng đá thật ấn tượng. Rõ ràng đây là một người cẩn thận: đồ lề đầy đủ, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi thứ, từ chỗ ẩn náu tới đoạn đi săn, và tận lúc hạ gục con mồi. Ngạc nhiên nhất, họ nhận ra đây là một phụ nữ. Cô ấy lại còn mặc đồ may bằng da nhuộm màu hồng bằng đất sét thổ chu.Vì sao cô ấy đi săn? Thời đó phụ nữ vẫn hay đi săn. Vì sao thời đó phụ nữ lại đi săn?... Những câu hỏi "lẩn thẩn" ấy ta dành khi khác, giờ hãy nghĩ xem, cô ấy đã "chọn" sắc hồng giữa bao nhiêu màu trong tự nhiên để nhuộm cho mình tấm da thú may áo. Các phụ nữ bạn cô khi ấy có chọn màu giống cô không? Vì sao trước cô gần 45.000 năm, người Neanderthal cũng chọn sắc tố ấy để vẽ tranh hang động? Rồi phụ nữ Ai Cập cổ đại về sau còn dùng màu thổ chu để tô nhẹ lên son và má.Khi thoa lên da người, sắc đỏ thổ chu cho màu hồng khiến người ta nghĩ tới cái đẹp, tình yêu và tình dục. Thế là nhân loại đua nhau pha chế, ở đâu không có đất sét đỏ thì nghiền dâu tây hoặc rau dền đỏ ra dùng. Ta có thể nói mà không sợ sai, rằng phụ nữ làm mọi cách để có được sắc hồng trên mặt, còn đàn ông làm mọi cách để "bán" được sắc hồng ấy cho phụ nữ.Đến thế kỷ thứ 18, nhu cầu sắc hồng cho nhuộm vải, cho làm đẹp đã lên cao ngất, tự nghiền dâu tây hay mài đất sét là không đủ dùng và không đủ đẹp, người châu Âu đã phải lặn lội đến những vùng đất khác xa xôi để lấy cho được sắc đỏ tự nhiên.Ở xứ sở nay là nước Brazil khi ấy có cây O Pau Brasil gỗ đỏ như son. Để lấy được sắc hồng từ vỏ và nhựa của loài cây ấy, các thương nhân Âu châu đã buộc dân nô lệ đốn cho thật nhiều, suýt nữa thì loài này tuyệt chủng, may nhờ có thuốc nhuộm nhân tạo kịp ra đời mà cây O Pau Brasil còn đến ngày nay. Màu hồng của cây O Pau BrasilCôn trùng nào có màu đỏ hồng cũng không thoát. Như chuồn chuồn ớt trong rừng Amazon vào thế kỷ thứ 18 cũng bị người châu Âu bắt để lấy chút sắc hồng tự nhiên gọi là đỏ carmine.Cũng vào thời ấy, đế quốc Anh dùng màu hồng để tô những phần lãnh thổ thuộc về mình. Đội ngũ thuộc địa của đế quốc Anh đông đảo đến nỗi màu hồng loang lổ khắp bản đồ thế giới! Tác giả Byerin Blakemore viết: màu hồng vào thế kỷ 18 là màu của thuộc địa hóa theo đúng nghĩa đen.Một con chuồn chuồn hồng được chụp tại Trung tâm Cứu hộ Amazon ở Peru. Vào thế kỷ 18, thực dân châu Âu bị màu hồng của loài côn trùng mà họ tìm thấy ở châu Mỹ thu hút và bắt đầu chế thuốc nhuộm tự nhiên từ chuồn chuồn, được gọi là carmine. Ảnh: NATGEOHồng giai cấpKhi sắc đỏ đã trở nên rẻ hơn và dễ kiếm với mọi người, các nhà quý tộc châu Âu lại phải loay hoay tìm cách để mình không bị lẫn lộn với tầng lớp trung lưu vốn ưa những màu mạnh mẽ, rực rỡ, chắc nịch. Họ bèn chuyển sang say mê những màu pastel, nhu nhu, nhạt nhạt, cùng những sắc mới được pha ra tân tiến nhất từ những nguyên liệu tự nhiên.Madame de Pompadour, "đệ nhất tình nhân" của vua Louis XV vào những năm 1740 và 1750, đã dùng màu hồng phấn như một nét đặc trưng. Tranh vẽ bà kiểu gì cũng phải có sắc hồng, vật dụng quanh bà cũng thế, họa sĩ hay nhà thiết kế đều phải biết ý mà đưa vào. Người ta nói, khi Madame de Pompadour vẫn còn là cô Jeanne Antoinette, trong cuộc đi săn, để nhà vua chú ý đến mình, cô đã cho cỗ xe ngựa của mình đi vào lối của nhà vua, trực diện; lần đầu cô mặc váy xanh, cưỡi cỗ xe hồng, lần sau thì cô mặc váy hồng và cưỡi cỗ xe xanh. Về sau, khi đã thành tình nhân chính thức của nhà vua và có ảnh hưởng lớn cả về chính trị lẫn nghệ thuật lúc đó, chính Madame de Pompadour đã có công giúp cho sắc hồng được ưa chuộng trên khắp châu Âu.Chân dung Madame de Pompadour, tranh sơn dầu của họa sĩ Francois Boucher vẽ năm 1759.Hồng nổi loạnNăm 1856, William Henry Perkin khi ấy 18 tuổi, sinh viên Cao đẳng Hoàng gia về hóa học, vô tình làm ra màu tím nhân tạo trong lúc loay hoay chế thuốc sốt rét. Màu tím ấy của Perkin trở thành màu nhuộm nhân tạo được sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới, mở đường cho các màu nhuộm nhân tạo khác đi theo, trong đó có hồng.Màu hồng bỗng thành ra dễ kiếm hơn bao giờ hết, chẳng còn đặc quyền của riêng ai. Nhưng cho tới 1930, hồng vẫn là ngọt ngào, hiền hòa, lãng mạn.Thế rồi một ngày kia vào năm 1931, nhà thiết kế thời trang người Ý Elsa Schiaparelli, khi trộn màu đỏ magenta với chút trắng, đã làm hiện ra một màu sáng bừng ngay trước mắt. Bà tả về nó: "Rực rỡ, quá quắt, xấc xược, như là nguồn sống, như là tất cả ánh sáng và chim và cá trên đời góp lại, một màu của Trung Hoa và Peru chứ không phải của phương Tây - một màu gây sốc, thuần khiết, không nao núng ngập ngừng".Bộ sưu tập màu hồng "sốc" của nhà thiế kế thời trang người Ý Elsa Schiaparenlli năm 1931.Màu hồng rực, "hồng sốc" ấy của Schiaparelli làm mọi người như tỉnh cả người. Nó trở thành biểu tượng của mạnh mẽ, táo bạo, dám làm điều mình muốn, khiến phụ nữ lại càng đẹp và hấp dẫn. "Hồng sốc" tạo nên cơn sốt điên cuồng trong giới thời trang, đến nỗi vào năm 1935, ngay cả báo chí cũng tuyên bố chắc nịch "hồng là màu ưa chuộng".Vị trí của màu hồng ngày càng vững chắc. Tới năm 1939, tờ Daily Telegraph nhận xét rằng màu hồng đã quá phổ biến, gần như đâu đâu cũng có, cô dâu nào cũng mặc, cô gái trẻ nào lần đầu đi tiệc giao du xã hội cũng mặc… "Hồng phổ biến tới mức thành 'điên hồng', và một số phụ nữ đang bắt đầu chống lại hồng", tờ báo viết.Cũng vào khoảng thời gian ấy, hồng bắt đầu nổi lên ở một lĩnh vực khác: thời trang nhi đồng. Trước đó, nhi đồng gái trai ăn mặc lẫn lộn không phân biệt. Đến khoảng Thế chiến I, các mục thời trang trên báo, các sách hướng dẫn thanh lịch khuyên phụ huynh nên mặc cho con mình theo màu của giới: trai mặc màu của trai và gái mặc màu của gái.Nhưng trai (nên) màu gì và gái (nên) màu gì? Năm 1927, tờ Time đăng một cuộc thăm dò các nhà bán lẻ về màu cho quần áo nhi đồng. Có hai phe rõ rệt: hai ông lớn Filene's và Marshall Field's đề xuất trai mặc hồng, nhưng hai chị đại Macy's, Bullock's cùng các nhà bán lẻ khác bảo rằng hồng là đúng nhất cho bé gái. Thế giới có vẻ ngả theo hướng này, đến những năm 1960, các bà mẹ bắt đầu mua quần áo hồng cho các bé gái, còn màu xanh biển nhạt cho các bé trai.Tác giả bài báo dẫn lời nhà sử học Jo B. Paoleti, cho rằng sự chuyển đổi từ ăn mặc gái trai lẫn lộn sang "gái hồng trai xanh" thế này hoàn toàn không phải do chuyên gia chăm sóc trẻ nào bảo phải thế hay ngành này tuyên bố thế. Chỉ đơn giản là sau Thế chiến II, vai trò truyền thống của hai giới càng được chú trọng trong các gia đình Mỹ.rong một nghiên cứu về giới, Jennifer Lorenzetti nói sau Thế chiến II tàn khốc, người ta muốn sống một đời sống gia đình trọn vẹn. "Giấc mơ Mỹ" là một căn nhà ngoại ô, một gia đình riêng, một chiếc xe hơi, một vợ một chồng với ba tới bốn đứa con đủ trai đủ gái. Người chồng ra ngoài đi làm kiếm tiền nuôi gia đình, về đúng giờ. Người vợ chỉn chu vừa chăm đàn con sạch như đồng xu, vừa có bữa sáng bữa tối sẵn sàng nóng sốt.Vai trò của giới khi đó rõ ràng, màu sắc của giới có vai trò như "đánh dấu" không lẫn lộn. Các nhà bán lẻ nhận ra đây là cơ hội để càng kiếm được nhiều tiền. Paoletti nhận xét: khi ta may/mua riêng quần áo cho một đứa trẻ (và mua theo giới là cách đơn giản nhất, dễ thấy nhất để phân biệt đứa này với đứa kia), thì quần áo đó càng khó "chuyển giao" cho đứa kế tiếp, và thế là gia đình càng nở ra thì lại càng mua thêm quần áo mới. Đi kèm với quần áo là đồ chơi, là đủ thứ cũng mang màu của giới. Mỏ vàng của các nhà bán lẻ cứ thế đào mãi không hết.Đánh nhau quanh một màu hồngKhi hồng đã mang quá nhiều ý nghĩa, dĩ nhiên sẽ phải có người yêu kẻ ghét. Có người coi màu hồng là tượng trưng cho yếu đuối. Trong các trại tập trung và lò thiêu của phát xít Đức chẳng hạn, màu hồng được dùng để đánh dấu người đồng tính nam: họ phải mặc áo có đính tam giác hồng xoay ngược và bị đối xử như hạng thấp nhất trong thứ bậc ở trại.Có người lại coi màu hồng là gắn với nữ tính và tình dục. Nhiều thành viên của phong trào giải phóng phụ nữ vẫn cố tránh cho xa cái màu này. Đáp lại, những người chống nữ quyền lại yêu mến sắc hồng. Vào những năm 1960 và 1970, tác giả Helen B. Andelin đã lập ra Fascinating Womanhood Movement (Phong trào Phận nữ Kỳ thú), ca ngợi và cổ xúy phụ nữ làm tròn vai trò truyền thống: hết mực yêu chồng thương con, giữ cho gia đình bền vững, bếp núc chu toàn… Để kêu gọi các chị các cô hãy từ bỏ nữ quyền mà yêu lấy cuộc đời làm vợ làm mẹ, bà thường đi nói chuyện trong váy áo toàn một màu hồng.Hồng tuy hồng đấy nhưng không bao giờ yên ả. Khoảng hơn chục năm đổ lại đây, ở nhóm từng bị gán với màu hồng như một sự sỉ nhục đã có những động thái "lật ngược".Chẳng hạn trong cộng đồng LGBTQ, những người trước buộc phải đính tam giác hồng lên áo như những kẻ bị ruồng bỏ, nay lại coi màu này như một biểu tượng cho phong trào đòi lại công bằng. Một bài viết trên Time nhắc lại, hồi những năm 1980, cộng đồng đồng tính gặp phải khủng hoảng HIV/AIDS. Khi ấy, có phái cực đoan đề xuất người nhiễm HIV nên xăm một ký hiệu để cảnh báo bạn tình, hoặc nên nhốt hết những người đồng tính vào trại cho bệnh khỏi lan ra. "Tức khí", một nhóm 6 người bạn dân New York đã lập ra dự án SILENCE=DEATH (Im lặng = Chết). Để làm poster tuyên truyền, họ dùng chính cái tam giác hồng trong trại những năm 1930 và 1940, nhưng cho xoay đúng lại thẳng thớm, rắn rỏi, nổi bật trên nền đen, như không chịu câm lặng. Tam giác hồng ấy đã trở thành hình ảnh biểu trưng của những nhà hoạt động về HIV/AIDS sau khi được Tổ chức ACT UP chống AIDS thâu nạp.Không chỉ người đồng tính, các nhà nữ quyền cũng giành lại màu hồng, dùng các sắc thái của màu hồng trong những hoạt động chống định kiến về giới của họ, dưới những hình thức dĩ nhiên là rất đúng kiểu nữ quyền. (Khi làm thế, trông họ thật đáng yêu: vẫn còn giành nhau một màu hồng thì dù có gai góc nữ quyền đến mấy, về sâu xa vẫn là phụ nữ ngọt ngào). ■(*) tổng hợp và lược dịch. Tags: Màu sắcMàu hồngTiểu sử màu hồngLịch sử màu sắc
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
'Sức hấp dẫn của du lịch Đà Lạt là không thể nghi ngờ, khách quốc tế cũng trở lại lần 2, lần 3' MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.