TTCT - Gần đây, kênh truyền hình Discovery công chiếu một tập phim tài liệu ngắn (trong loạt Curiosity) với nhan đề cực kỳ cuốn hút và... đáng sợ: How devil are you? (tạm dịch: Chúng ta tàn ác cỡ nào?). Phóng to Trong How devil are you?, dưới tác động của những câu “mệnh lệnh” đơn giản và nhẹ nhàng của một người đóng vai “bác sĩ chỉ đạo”, gần như tất cả những người tham gia thí nghiệm đều khá thoải mái nhấn nút “sốc điện”, mặc cho đối tượng trong phòng kín kêu la xin dừng lại. Liệu bạn là người tốt hay người xấu? Bạn có nghĩ rằng mình tàn ác? Sẽ ra sao nếu thực tế chứng tỏ rằng bạn tàn ác hơn mình từng tưởng tượng... Xem phim, bạn không khỏi tự nhìn lại và băn khoăn mình sẽ hành xử ra sao trong những tình huống bất ngờ, dưới những sức ép như thế. Rồi không khỏi tự hỏi rằng những tín điều, những nguyên tắc trong cuộc sống bình thường của mình đúng đắn tới đâu... Đó cũng chính là câu hỏi mà cuốn sách Phải trái đúng sai (*) của tác giả Michael Sandel theo đuổi. Hành trình phản tỉnh Như trong một hành trình phản tỉnh, người đọc được dẫn dắt liên tục qua những câu hỏi riết róng và xác đáng, thách thức mọi niềm tin giản đơn và nhận thức thông thường (mà chúng ta ngỡ rằng chẳng bao giờ còn phải đặt câu hỏi “tại sao?”). Như cuộc tranh luận về giá cả cắt cổ sau siêu bão Charley ở Mỹ năm 2004, khi nhiều người căm giận những “kẻ trục lợi trên khó khăn của người khác” bằng mức giá gấp 5, gấp 10 cho những mặt hàng và dịch vụ thiết yếu. Thế nhưng bạn sẽ nói sao trước lập luận của nhà kinh tế theo trường phái tự do Thomas Sowell, rằng “mức giá mà bạn quen trả không phải là thứ bất di bất dịch về mặt đạo đức”, và rằng “việc tăng giá nước đá, nước đóng chai, chi phí sửa chữa mái nhà... đem lại lợi ích hơn là hạn chế người tiêu dùng, tăng động cơ để các nhà cung cấp từ nơi xa xôi cung ứng hàng hóa và dịch vụ cần thiết sau bão”?, hay theo Jeff Jacob: “Không phải giá cắt cổ là mức giá thị trường phải gánh chịu. Chẳng có sự tham lạm hay trắng trợn gì cả. Đó là cách phân bố hàng hóa và dịch vụ trong xã hội tự do, bởi chính mức giá trên mới đẩy nhanh tốc độ phục hồi sau bão". Tương tự, người đọc được đặt trước những thách thức khác: đẻ thuê có phải là bán con hay không? Hay cấm trợ tử có bất công không, nếu cuộc sống của tôi thuộc về chính mình (nên) tôi phải được tự do để kết liễu nó?... Nền chính trị dấn thân về đạo đức Phải trái đúng sai là một cuộc hành trình cam go qua hàng loạt ví dụ, mà trước mắt những con người bình thường, là quá mức hiển nhiên về đạo đức (nói cách khác là công lý). Nhưng khi xâu chuỗi từng bước đi có vẻ rõ ràng ấy, tất cả trở thành một cuộc hành trình “xây xẩm mặt mày” trên chuyến đu quay lộn vòng. Khéo léo đưa người đọc đến với những trường phái khác nhau, tác giả kiên nhẫn phân tích, đưa ra những lý lẽ của phái vị lợi, với đặc trưng “đặt lên bàn cân mọi lợi ích”, lượng hóa tất cả mọi thứ và ủng hộ những chính sách “có lợi xét về đa số”, rồi ông tiếp tục đến với “chủ nghĩa bình quân” với nỗ lực san đều mọi lợi thế. Đến với bất cứ trường phái nào, Sandel cũng đưa ra những lập luận sắc sảo để lý giải, biện minh, nhưng rồi ngay lập tức ông chỉ ra những thiếu sót, bất toàn khiến tư tưởng ấy không thể đứng vững hay được con người lựa chọn làm kim chỉ nam đạo đức duy nhất. Có thể cũng như người viết, bạn sẽ đọc hết cuốn sách này chỉ để hiểu ra một điều giản dị: bất cứ một triết gia, một nhà tư tưởng đạo đức, dù lỗi lạc và minh triết đến đâu, cũng vẫn không thể vượt ra khỏi những giằng xé liên miên của các tín điều, của những “phải trái đúng sai” phát sinh liên tục theo thời gian và trải dài cả theo không gian. Riêng Sandel thể hiện lòng ưu ái đặc biệt của mình với một mô hình lý tưởng, ấy là một nền chính trị dấn thân về mặt đạo đức, với đời sống lành mạnh và hăng hái, gợi nhớ đến những tư tưởng của Aristotle (nhưng dĩ nhiên tiến bộ hơn triết gia cổ đại, khi không còn dấu vết của kỳ thị nô lệ và phủ nhận vai trò của phụ nữ). ”Thị trường hóa các tập quán xã hội sẽ làm băng hoại hoặc làm hạ thấp các chuẩn mực xác định chúng, chúng ta cần phải đặt câu hỏi những chuẩn mực phi thị trường nào chúng ta muốn bảo vệ không cho thị trường can thiệp... Thị trường là công cụ hữu ích cho việc tổ chức các hoạt động sản xuất. Nhưng trừ khi chúng ta muốn thị trường viết lại các chuẩn mực chi phối các thể chế xã hội, chúng ta cần một cuộc tranh luận công khai về giới hạn đạo đức của thị trường”. __________ (*) Phải trái đúng sai (nguyên tác: Justice: What's the right thing to do?). Tác giả: Michael Sandel. Người dịch: Hồ Đắc Phương. NXB Trẻ ấn hành, năm 2011. Tags: Đọc sách cùng bạnĐu quayChân lý
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) 02/07/2025 1943 từ
"Ba người vượt ngục Guyane": Để tin yêu - dù cuộc đời có những éo le lịch sử NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 01/07/2025 2011 từ
Người dân phản ánh nộp tiền sử dụng đất cao, Cục Quản lý đất đai nói gì? QUANG THẾ 03/07/2025 Lãnh đạo Cục Quản lý đất đai cho biết việc thu tiền chuyển quyền sử dụng đất đang áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ có trao đổi với Bộ Tài chính về giá đất.
Ông Phumtham Wechayachai trở thành quyền thủ tướng Thái Lan THANH BÌNH 03/07/2025 Ông Phumtham Wechayachai tuyên thệ là quyền thủ tướng sau khi bà Paetongtarn bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan đình chỉ chức vụ.
Từ 1-7: Đi khám chữa bệnh theo yêu cầu vẫn được hưởng bảo hiểm y tế DƯƠNG LIỄU 03/07/2025 Từ ngày 1-7, người dân đi khám chữa bệnh theo yêu cầu vẫn được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí thuộc phạm vi quyền lợi được hưởng.
Thứ trưởng Bộ Công an: Không được yêu cầu người dân nộp giấy tờ đã có dữ liệu NGUYỄN HOÀNG 03/07/2025 Kiểm tra công tác đảm bảo dịch vụ công tại Khánh Hòa, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long lưu ý các đơn vị liên quan không được yêu cầu người dân nộp giấy tờ đã có dữ liệu.