Tìm lại giá trị bằng cao đẳng của Việt Nam 

NGỌC HÀ THỰC HIỆN 22/04/2017 02:04 GMT+7

TTCT - Cơ quan quản lý nhà nước mới của hệ thống các trường CĐ sẽ hoạch định sứ mệnh mới nào và chiến lược phát triển bậc đào tạo cao nhất trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) này ra sao?

 

 

TTCT trao đổi với PGS.TS Cao Văn Sâm, phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Bộ LĐ-TB&XH.

Ông Sâm nói: các trường CĐ có sứ mệnh và vai trò đặc biệt quan trọng: là nơi cung cấp cho người học các chương trình đào tạo bậc CĐ tiên tiến có tính thực tiễn cao trong ứng dụng, đảm bảo cho họ khi tốt nghiệp có đủ phẩm chất, năng lực để trở thành cán bộ kỹ thuật giỏi, cạnh tranh được trên thị trường lao động và đủ khả năng thích ứng với nền kinh tế tri thức hội nhập toàn cầu.

So với nhu cầu đào tạo nhân lực trình độ CĐ, ông nghĩ số lượng trường CĐ hiện nay nhiều hay ít? Liệu có phải sự phát triển “nóng” các trường CĐ trước đây đã khiến hệ thống này suy yếu đi nhiều vì số lượng không tương xứng chất lượng?

- Bộ LĐ-TB&XH đang quản lý 386 trường CĐ. Dự kiến từ năm 2017-2020 tuyển mới 12 triệu học sinh, sinh viên, trong đó 3,2 triệu ở trình độ CĐ, trung cấp. Mục tiêu đến năm 2025, hệ thống GDNN Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Mạng lưới các trường CĐ dù được phát triển rộng khắp nhưng chưa phân bố hợp lý giữa các vùng miền, chưa quy hoạch tới từng ngành, nghề, cấp trình độ đào tạo.

Quy mô đào tạo của nhiều trường còn nhỏ, chưa hình thành được những trường chất lượng cao, đạt đẳng cấp quốc tế, nội dung chương trình chưa đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp...

Để đạt được mục tiêu dài hơi, sẽ có hai nhiệm vụ chính đặt lên hệ thống CĐ: nâng cao năng lực của các trường, rà soát, quy hoạch lại mạng lưới.

Chủ trương chung là đẩy mạnh xã hội hóa GDNN, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân thành lập trường CĐ tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài. Còn khối trường công lập sẽ phải giám sát chặt chẽ theo tinh thần chỉ thành lập mới trường tự chủ 100%.

Không phải địa phương nào cũng phải có trường bằng được. Các trường phải cam kết và có lộ trình hoạt động hoàn toàn theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhiều chuyên gia lo ngại khi sáp nhập CĐ và CĐ nghề thì bộ sẽ quản lý hệ thống CĐ mới theo kinh nghiệm quản lý trường CĐ nghề trước đây, làm cơ cấu nhân lực méo mó, giá trị văn bằng CĐ của Việt Nam thấp hơn quốc tế?

- Khung trình độ quốc gia Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 10-2016, được xây dựng trên cơ sở tham chiếu khung trình độ của các quốc gia trong khu vực ASEAN và thế giới, đảm bảo sự tương thích và hướng tới việc công nhận lẫn nhau về bằng cấp.

Do vậy, việc cho rằng giá trị văn bằng CĐ của Việt Nam thấp hơn so với quốc tế là không có cơ sở.

Quản lý và tổ chức đào tạo trình độ CĐ dù theo kinh nghiệm nào thì cũng phải tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu về chuẩn đầu ra đã được quy định trong khung trình độ quốc gia.

Luật GDNN quy định người học hết chương trình đào tạo trình độ CĐ thì được cấp bằng tốt nghiệp CĐ và được công nhận danh hiệu kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành.

Đây chính là lực lượng lao động vừa có trình độ chuyên môn kỹ thuật, vừa có kỹ năng thực hành nghề nghiệp để đảm đương được các vị trí việc làm trực tiếp, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Như vậy, việc lo lắng làm biến mất vị trí kỹ thuật viên trong cơ cấu sản xuất là không đúng với thực tế. Ngược lại, những kỹ thuật viên này ngoài việc giải quyết các vấn đề chuyên môn kỹ thuật còn có kỹ năng thực hành tốt do được đào tạo trong môi trường có yêu cầu cao về điều kiện thực hành, thực tập sản xuất, kinh doanh.

Giờ học cơ điện tử của trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội. Nam Trần

 

Nhiều sinh viên vẫn mang nặng tâm lý coi CĐ là bậc trung gian để sau này có thể liên thông lên ĐH. Ông có nghĩ tâm lý này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sứ mệnh và sự phát triển của các trường CĐ?

- Mong muốn được học ĐH là tâm lý chung của nhiều thanh niên. Điều này thường gặp ở nhiều quốc gia đang phát triển, đặc biệt ở Việt Nam, vì tâm lý chuộng bằng cấp vẫn còn nặng nề.

Tuy nhiên những năm gần đây, khi có khoảng 200.000 cử nhân ĐH, thạc sĩ không tìm được việc làm thì xã hội đã có sự chuyển biến về nhận thức.

Nhiều học sinh tốt nghiệp THPT đủ điểm vào học ĐH đã lựa chọn học nghề (CĐ, trung cấp) để tiết kiệm thời gian, chi phí và sớm có việc làm ổn định.

Theo báo cáo của 63 sở LĐ-TB&XH, tính trung bình, năm 2016, khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp CĐ nghề đã tìm được việc làm theo đúng nghề đã học trong 6 tháng sau tốt nghiệp, có những ngành tỉ lệ này đạt hơn 90%.

Làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn ngành nghề đào tạo và thu hút vào học GDNN đã rất cấp thiết. Giải pháp trọng tâm là nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với thị trường lao động và đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, truyền thông.

Phải để người học tự nguyện lựa chọn ngành nghề và trình độ phù hợp với năng lực cá nhân, tiết kiệm chi phí và thời gian học tập.

Bộ GD-ĐT từng dự định bỏ điểm sàn ĐH năm 2017 khiến nhiều trường CĐ buộc phải kêu cứu và chính Tổng cục Dạy nghề cũng đã phải lên tiếng ngăn. Ông có đề nghị gì với Bộ GD-ĐT trong việc ban hành các chính sách liên quan hay có thể ảnh hưởng đến hệ thống GDNN?

- Hiện có sự mất cân đối về cơ cấu lao động qua đào tạo giữa GDNN và giáo dục ĐH ở nước ta. Ở Việt Nam, cứ 1 vạn dân thì có 181 sinh viên ĐH, trong khi thế giới là 100, Trung Quốc là 140. Hiện nay cả nước có 412 trường ĐH, CĐ; khoảng 2,2 triệu sinh viên trong tổng dân số 95 triệu dân, cao hơn cả các quốc gia phát triển.

Bỏ điểm sàn ĐH nghĩa là mở rộng cho các trường ĐH tuyển sinh, sẽ dẫn đến tình trạng không đảm bảo chất lượng đào tạo. Hệ lụy là số sinh viên không tìm được việc làm ngày càng gia tăng.

Tình trạng người có trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp gia tăng chính là hệ quả của việc học sinh được tuyển mở rộng vào các trường ĐH, nhưng trình độ và kỹ năng không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của xã hội.

Việc bỏ điểm sàn ĐH chỉ phù hợp khi nước ta có một môi trường ĐH đồng đẳng, các trường đã được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nhất định. Việc ban hành các chính sách về giáo dục ĐH cần tính đến sự hợp lý trong cơ cấu đào tạo nhân lực, phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia và thực tiễn “cung, cầu” lao động hiện nay.■

Chỉ 7% học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề

“Nút thắt” phân luồng đã gây nhiều khó khăn cho hệ thống GDNN. Hiện nay, CĐ nói riêng, GDNN nói chung lại bị cắt khúc khỏi giáo dục phổ thông bởi hai cơ quan quản lý khác nhau, một bên là Bộ GD-ĐT, một bên là Bộ LĐ-TB&XH, nút thắt này liệu có trầm trọng hơn? Làm sao để gỡ?

- Năm 2011, chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị (khóa XI) đặt ra mục tiêu là đến năm 2020 “phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề” và yêu cầu “Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS theo hướng tăng nhanh tỉ lệ học sinh vào học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề”.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện cả nước chưa đạt mục tiêu phân luồng học sinh sau THCS. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề chỉ đạt khoảng 7% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS mỗi năm.

Không cách nào khác là phải có chủ trương nhất quán, sự chỉ đạo kiên quyết, có lộ trình từ trung ương đến các cấp ở địa phương.

Chúng ta nên tổ chức các hội thảo, thảo luận với cha mẹ học sinh về việc học của con em mình, gặp gỡ các gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi được đào tạo từ các cơ sở GDNN để toàn xã hội giải tỏa được tâm lý khoa bảng, bằng cấp.

Quan trọng nhất là nâng cao chất lượng giáo dục tư vấn hướng nghiệp trong các trường THCS và chất lượng GDNN, chú trọng phát triển đào tạo nhân lực có tay nghề cao, gắn đào tạo với nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận