Ai uốn nắn thủ tướng?

PHẠM VŨ LỬA HẠ 06/07/2018 21:07 GMT+7

Tuần rồi, báo chí Canada đưa tin Thủ tướng Justin Trudeau phải đóng phạt 100 CAD (khoảng 75 USD) vì không kê khai món quà do thủ hiến Wade MacLauchlan của bang Prince Edward Island tặng năm ngoái.

Ông Trudeau đã gặp bao nhiêu là rắc rối chỉ vì mấy cặp kiếng mát. Ảnh: Blink Optical
Ông Trudeau đã gặp bao nhiêu là rắc rối chỉ vì mấy cặp kiếng mát. Ảnh: Blink Optical

Thủ tướng Trudeau bị ủy viên phụ trách xung đột lợi ích và đạo đức (UVĐĐ) khiển trách vì vi phạm quy định mọi quà tặng trị giá trên 200 CAD phải được kê khai trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận. Món quà cho ông Trudeau là hai cặp kiếng mát sản xuất tại P.E.I., mỗi cặp trị giá 300 CAD. Thư ký báo chí của ông nói rằng do sơ suất hành chính nên không kịp điền biểu mẫu kê khai món quà theo hạn.

Đây là lần thứ hai ông Trudeau bị Văn phòng UVĐĐ khiển trách. Hồi tháng 12-2017, ủy viên lúc đó là Mary Dawson phán quyết thủ tướng vi phạm các quy tắc đạo đức của Canada trong hai chuyến đi nghỉ của gia đình ông năm 2016, được bao trọn gói một hòn đảo tư nhân ở Bahamas thuộc sở hữu của Aga Khan. Khan là nhân vật rất có thế lực chính trị và tài chính trong khối Thịnh vượng chung, nên nguy cơ xung đột lợi ích rất cao. Vì vụ này, ông Trudeau đã xin lỗi nhưng vẫn bị hai đảng đối lập hành rất dữ trong các phiên chất vấn tại Hạ viện.

Câu chuyện của ông Trudeau không lạ ở nhiều quốc gia phương Tây dân chủ, nhưng điều cần nói kỹ ở đây là chức vụ “đô sát viện” của các Văn phòng UVĐĐ. Chức vụ này được lập ra theo Luật trách nhiệm giải trình liên bang. UVĐĐ là viên chức thuộc Hạ viện với trách nhiệm và quyền hạn được quy định trong Luật nghị viện Canada. Toàn quyền Canada (đại diện nữ hoàng Anh) bổ nhiệm UVĐĐ sau khi tham vấn thủ lĩnh tất cả các đảng được công nhận tại Hạ viện và phê chuẩn sự bổ nhiệm bằng nghị quyết của Hạ viện.

UVĐĐ chịu trách nhiệm thi hành Luật xung đột lợi ích với những người nắm giữ các chức vụ công quyền, và Bộ quy tắc xung đột lợi ích với các dân biểu Hạ viện, nhằm mục đích ngăn ngừa xung đột giữa lợi ích cá nhân và bổn phận công vụ của các viên chức được bổ nhiệm và do dân cử. Ngoài ra, UVĐĐ còn tư vấn mật cho thủ tướng về các vấn đề mâu thuẫn lợi ích và đạo đức.

UVĐĐ hoàn toàn độc lập với chính phủ đương nhiệm và báo cáo trực tiếp cho nghị viện, thông qua chủ tịch Hạ viện. Văn phòng UVĐĐ, cùng với Thượng viện (cơ quan bổ nhiệm), Văn phòng viên chức đạo đức Thượng viện, Hạ viện (cơ quan dân cử) và Thư viện nghị viện là một phần của hệ thống nghị viện Canada. UVĐĐ được hưởng các đặc quyền và quyền miễn trừ của Hạ viện và dân biểu khi thực hiện các bổn phận và chức năng chính thức. UVĐĐ đầu tiên của Canada được bổ nhiệm vào tháng 7-2007.

Luật xung đột lợi ích của Canada có đối tượng điều chỉnh cực hẹp, nhưng cực quan trọng: toàn bộ khoảng 2.200 người nắm giữ các chức vụ công quyền. Tất cả những viên chức này phải chấp hành các quy tắc cốt lõi của luật cả khi đương chức lẫn khi đã rời nhiệm sở. Ví dụ, họ không được tham gia vào các quyết định hay cuộc bỏ phiếu liên quan tới chức vụ công quyền của họ mà trong đó có thể nảy sinh xung đột lợi ích. Họ cũng bị cấm dùng thông tin nội bộ để hỗ trợ cho các lợi ích cá nhân, bị cấm nhận quà cáp hay các lợi lộc khác tương đương có thể ảnh hưởng lên quyết định của họ.

Trong 2.200 người kể trên, khoảng 1.100 người nắm giữ các chức vụ công quyền, chủ yếu toàn thời gian, được xem là các quan chức có nghĩa vụ phải báo cáo. Họ gồm các bộ trưởng, thứ trưởng, thư ký nghị viện, người đứng đầu các tổ chức/công ty nhà nước, và ủy viên các hội đồng quản lý liên bang. Những người này không chỉ phải tuân thủ quy tắc chung của luật, mà còn phải báo cáo và công khai thông tin, bị cấm tham gia các hoạt động bên ngoài và nắm giữ các tài sản bị kiểm soát.

Bộ quy tắc xung đột lợi ích được áp dụng cho tất cả 338 dân biểu Hạ viện. Bộ quy tắc cấm dân biểu dùng chức vụ công quyền để hỗ trợ cho các lợi ích cá nhân hoặc gia đình họ, hoặc hỗ trợ sai trái cho lợi ích cá nhân của người hoặc tổ chức khác. Quy tắc chung này được bổ sung bằng các quy tắc về tránh xung đột lợi ích, bao gồm các hạn chế quà tặng mà dân biểu có thể nhận, các quy trình tiết lộ bảo mật với UVĐĐ về các lợi ích cá nhân, các thủ tục công khai thông tin tóm tắt của dân biểu và vai trò tư vấn của UVĐĐ. Dân biểu cũng phải kê khai với UVĐĐ bất cứ hoạt động đi lại nào được tài trợ, cho bản thân họ và khách của họ, có chi phí hơn 200 CAD. Hằng năm, UVĐĐ lập danh sách các hoạt động được tài trợ của dân biểu, danh sách này được công khai cho toàn dân.

Trở lại chuyện Thủ tướng Trudeau bị phạt vì món quà “nhỏ như con thỏ”. Món quà do thủ hiến một bang tặng tưởng chừng vô hại, hoặc thậm chí có lợi cho việc quảng bá địa phương. Tuy nhiên, do bản chất của hệ thống liên bang Canada, giữa các bang có một sự cạnh tranh công khai và lành mạnh về nguồn lực và ảnh hưởng chính trị liên bang, nên tặng hai cặp kiếng mát cũng có thể là chuyện lớn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận