Một hành trình về cõi thiện

THU AN 19/03/2019 06:03 GMT+7

TTCT - Đây không phải là bài viết về chân dung một thầy thuốc giỏi với nhiều bằng khen, nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị và nhiều ca mổ thành công ngoạn mục. Cũng không phải về hành trình cận tử của chính người thầy thuốc này với những toa thuốc và những cơn đau. Đây là câu chuyện về cách làm nghề, cách chọn lựa để đi đến cõi vĩnh hằng của một lương y, với nhiều thông điệp cho những người đang sống.

TS.BS Nguyễn Đình Phú với các công trình nghiên cứu của mình. Ảnh: Bệnh viện 115 
cung cấp
TS.BS Nguyễn Đình Phú với các công trình nghiên cứu của mình. Ảnh: Bệnh viện 115 cung cấp

Cơn bạo bệnh của thời đại - một thời đại quá nhiều bất trắc, hiểm họa và luôn khao khát yêu thương đã mang anh đi. Cơn bạo bệnh đó đang ngày càng gõ cửa nhiều nhà, mang đi nhiều người. Tên của nó là: ung thư. Cái tên đó bây giờ không còn xa lạ, nhưng nỗi sợ, nỗi đau và những mất mát mà nó cuồng nộ mang đến thì vẫn chưa ai quen được.

Anh là bác sĩ- cũng là bệnh nhân

Anh là thầy thuốc. Một tiến sĩ, bác sĩ ngoại khoa giỏi, tâm huyết. Anh đồng thời là một bệnh nhân. Anh biết mình bị ung thư cách đây 4 năm. Và đó là 4 năm của một cuộc chiến đấu kiên cường, trong tâm thế một bác sĩ, biết bệnh phải chữa như thế nào, có chữa được không, bao giờ thì buông tay chấp nhận.

Anh còn chống chọi với cơn bạo bệnh trong thân phận một bệnh nhân, chịu đựng nỗi đau, trải nghiệm niềm hi vọng mong manh mà mãnh liệt như bất kỳ ai phải chống chọi với căn bệnh ung thư. Anh là TS.BS Nguyễn Đình Phú, phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM.

Khi biết mình bị ung thư, anh trải qua một cơn sốc nhẹ. Anh chưa tin. Những cuộc kiểm tra, xét nghiệm sau đó vẫn cứ cho kết quả: ung thư gan. Ai mà không sốc với những thông tin như vậy. Nhưng anh nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh, tự tin, kiên cường vốn có. Tôi lo lắng hỏi thăm. Anh cười: “Chỉ là vài cái nốt nhỏ trong gan ấy mà”.

Tôi bắt đầu hình dung một hành trình điều trị căng thẳng từ trải nghiệm bản thân, sau những tháng ngày nhìn ba tôi vật lộn với căn bệnh ung thư phổi. “Anh sẽ làm gì?”. Anh lại cười: “Làm việc, và chiến đấu với nó”.

Anh làm đúng như vậy. Với thân hình gầy gò, không biết anh lấy đâu ra sức lực để vẫn tiếp tục gánh vác công việc tất bật của một phó giám đốc bệnh viện, tiếp tục đứng mổ những ca khó. Vẫn tỉ mỉ truyền nghề cho đàn em, hướng dẫn các đề tài cho học trò, giảng dạy cho sinh viên ĐH y. Khám bệnh cho bệnh nhân. Chăm sóc mẹ ốm, chu toàn hậu sự khi mẹ mất. Lo toan cho con cái, gia đình.

Một lần ghé thăm, thấy anh ngồi lả đi trên ghế, tay lạnh ngắt, gương mặt tái xanh. Tôi hoảng hốt, anh lại cười. “Có gì đâu, anh mới mổ xong một ca khó, đứng lâu, có hơi mệt”. Tôi khuyên - một lời khuyên không hiểu gì về nghề của anh và không hiểu cả anh: “Anh nên giữ sức khỏe, đừng mổ nữa”.

Anh lặng lẽ: “Không làm việc thì anh làm gì? Chỉ có làm việc anh mới khỏe, mới đủ sức chiến đấu với bệnh tật, mới thấy an tâm, mới có niềm vui... Nhiều ca khó, nhiều bệnh nhân lớn tuổi đang chờ anh, nhiều đồng nghiệp, học trò đang cần anh. Thời gian không còn nhiều thì càng phải cố làm nhiều việc có ích”. Anh nổi tiếng với những ca mổ khớp gối, khớp háng khó, phức tạp cho người lớn tuổi, nhiều cụ trên 80 tuổi, có vài cụ trên 100 tuổi đã được anh mổ thành công, đi lại được và vẫn đang sống tốt.

Sau đợt điều trị thứ hai, anh bị sốt, người rất mệt. Tôi ghé thăm, lại thấy anh đang hướng dẫn đề tài cho một học trò. Lần này, tôi tĩnh tâm nhìn anh làm công việc cần làm. Tôi hiểu, anh cần làm việc. Anh cần lấy công việc và niềm đam mê công việc để chiến đấu với bệnh tật.

Trong khi miệt mài làm việc, anh vẫn tuân thủ đầy đủ các phác đồ điều trị. Anh tìm kiếm thông tin, nghiên cứu các chế độ ăn uống, tập luyện cho người ung thư và nghiêm túc thực hiện. Anh còn cung cấp thông tin, hướng dẫn chúng tôi cách phòng ngừa, chăm sóc người thân chẳng may bị bệnh. Bạn bè hỏi thăm, lúc nào cũng thấy anh tươi cười “Anh khỏe re!”.

Nhìn anh mạnh mẽ, yêu đời, làm việc miệt mài, chúng tôi cũng vui lây và thấy mình có thêm động lực. Có lúc tôi còn nghĩ anh đã hết bệnh, hoàn toàn khỏe mạnh và sẽ còn sống có ích cho cuộc đời này lâu lắm.

Tôi rút ra điều này: Là một người làm nghề, ta phải nỗ lực làm việc vì chính những lợi ích mà công việc đó mang lại cho người khác. Là một bệnh nhân, ta phải chiến đấu vì chính mình, cũng chính là vì người thân của mình.

TS.BS Nguyễn Đình Phú tham gia hoạt động xã hội, chăm sóc bệnh nghèo. Ảnh: Bệnh viện 115 cung cấp
TS.BS Nguyễn Đình Phú tham gia hoạt động xã hội, chăm sóc bệnh nghèo. Ảnh: Bệnh viện 115 cung cấp

Bài toán lời-lỗ trong cuộc đời

Anh kể, lẽ ra anh đã chết cách đây vài chục năm, hồi anh còn trẻ, trong một lần đi công tác. Một tai nạn giao thông kinh hoàng đã cướp đi gần hết hành khách trên chiếc xe có anh. Tỉnh dậy, anh mới biết hai người ngồi hai bên anh cũng tử nạn, không biết phép mầu nào giúp anh sống với nhiều vết thương và một phần cơ quan nội tạng giập nát.

Với một phần gan bị cắt từ vụ tai nạn đó, anh vẫn sống khỏe mạnh qua bao nhiêu năm tháng, cho đến ngày lá gan đó “trở chứng”. Nhưng anh lại cười khi tính toán: “Vậy là quá lời rồi. Những ngày tháng sau này là những ngày tháng anh được ban tặng thêm, lời là vậy, nên phải luôn cố gắng sống sao cho tốt để trả ơn đời, trả ơn người”.

Với bài toán lời - lỗ đó của cuộc đời, anh đã luôn sống tận tụy, không ngừng làm việc, học tập, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn để cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu có giá trị cao, ứng dụng thiết thực cho người bệnh. Cứ miệt mài như vậy, anh lần lượt lấy thêm bằng thạc sĩ rồi tiến sĩ. Nhưng đó chỉ là những cột mốc anh đặt ra trên đường đi để vượt qua.

Cái đích cuộc đời thực sự của anh, như anh nói trong lời cảm ơn gửi người ở lại trước lúc ra đi về cõi vĩnh hằng: “Cả cuộc đời làm nghề, điều tôi đạt được, điều còn đọng lại trong tôi đến giờ không phải là chức vị, không phải là tiền bạc, mà là một vị trí bình dị, tin cậy trong lòng đồng nghiệp, trong lòng người bệnh...”.

Chức vị, tiền bạc - thứ mà nhiều người phải đánh đổi bằng nhiều thứ khác để có được - lại không phải là thứ mang lại hạnh phúc, sự mãn nguyện, sự thanh thản với cái nhìn của anh, một người sắp từ giã cõi đời này.

Những tháng ngày chống chọi với bệnh tật, anh luôn chạy đua với thời gian để làm việc. “30 năm làm việc chưa là gì - anh nói - Nếu mắt mình còn sáng, đầu mình còn suy nghĩ được, nếu tim mình còn đập, nhiệt huyết còn lưu thông thì không có lý do gì mình không còn làm việc”.

Nỗi lo lắng duy nhất của anh có lẽ là ở việc anh hiểu quỹ thời gian của mình không còn nhiều, trong khi những nghiên cứu của anh vẫn còn dang dở, nhiều điều trong nghề cần phải truyền lại cho học trò, cho đàn em. “Anh là BS chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, anh muốn truyền linh hồn cho khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện 115 nhiều hơn nữa” - anh day dứt.

Một ngày đầu tháng 6-2018, anh phải nằm viện vì bệnh trở nặng. Bạn bè, đồng nghiệp vào thăm, anh hỏi từng người, nắm tay từng người. Thấy mấy chị rưng rưng nước mắt, anh nói: “Đừng khóc, hãy cười!”. Sau ca phẫu thuật nội soi đặt stent để thông mật bị tắc, anh khỏe lại một cách khó tin. Thấy chúng tôi, anh lại cười: “Anh chiến đấu tới cùng, nhất định không chịu thua. Nó (bệnh) vật anh, anh sẽ vật lại nó”.

Khi cuộc chiến ấy trở nên khốc liệt hơn, anh phải trải qua thêm hai lần phẫu thuật đặt stent và chống đỡ với những cơn sốt vật vã, yếu đi rất nhanh. Nằm trên giường, thở mệt nhọc, người xanh mướt, anh mới nói: “Sinh - lão - bệnh - tử là chuyện thường tình. Cát bụi sẽ trở về cát bụi”.

Người bác sĩ ấy đã biết thời khắc của mình đang đến gần và điềm tĩnh đối diện nó trong sự hiểu biết. Tôi nhắc: “Phải chiến đấu tiếp chứ”. Anh gật đầu: “Chiến đấu chứ, anh đang bắn nó bằng đại bác”. Vẫn nụ cười vững vàng ấy, anh trấn an tất cả. Anh cười và muốn mọi người cười để cho nhau nghị lực, cho nhau sự bình an.

Khi ta hiểu lẽ đời, khi ta gắng sống tử tế một kiếp người, thì ta sẽ thanh thản khi đối diện với chuyện thường tình sinh - tử. Vậy hà cớ gì không cho nhau nụ cười khi còn nhau, không tặng nhau nụ cười khi tiễn biệt. Tôi hiểu nụ cười mang chất thiền của anh. Nụ cười giúp người ta vững vàng chống chọi bệnh tật, bình an trước ngưỡng cửa sống chết mà đời người không ai cưỡng lại được.

Lời cảm ơn và hành trang cho một chuyến đi

Anh có một tâm nguyện: được tự mình nói lời cảm ơn người, cảm ơn đời trong ngày mọi người tiễn biệt anh. Nằm trên giường bệnh, anh chu đáo xem lại clip ghi lời cảm ơn của mình xem còn thiếu sót gì không. Lời đầu tiên anh dành cảm ơn ba mẹ (anh sớm mồ côi cha, người mẹ nghèo xứ Huế với gánh cơm hến tảo tần đã nuôi dạy 5 anh em anh ăn học thành tài) và giờ đây anh sắp về với họ. Anh cảm ơn thân bằng quyến thuộc đã luôn chia sẻ cùng anh.

Anh cảm ơn những người thầy, bạn bè, đồng nghiệp đã luôn giúp đỡ, hỗ trợ anh có được nhiều niềm vui và thành công. Anh cảm ơn bệnh nhân, cũng là những người thầy của anh trong công việc cứu người. Lời cuối anh dành cho người vợ và những đứa con thương yêu, là niềm hạnh phúc, là chỗ dựa giúp anh vượt qua bất kỳ khó khăn, trở ngại nào trên đường đời đã qua.

Anh nói rất thích lời này của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Khi sinh ra, ta khóc mọi người cười. Khi mất đi ta cười mọi người chung quanh ta lại khóc”, nhưng anh mong mọi người tiễn biệt anh bằng một nụ cười. Ngày 7-3-2019, khi đôi tay vàng phẫu thuật ấy xuôi xuống trước lẽ thường hằng sinh - tử, tôi biết anh đang đi về cõi thiện. Hành trang mang theo là tất cả yêu thương và một nụ cười.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận