Khủng hoảng tuổi trung niên: 'Duy thể thao' có phải là giải pháp?

PHÚC LAI 12/05/2019 17:05 GMT+7

Tôi đọc bài viết Khủng hoảng tuổi trung niên: Những người đeo đuổi “Chủ nghĩa duy thể thao cực đoan” của tác giả Đào Trung Thành trên TTCT với sự đồng cảm thú vị vì đã ngẫm nghĩ về nó từ lâu.

Minh họa
Minh họa

Một trải nghiệm cá nhân

Có hay không một giai đoạn được gọi là “khủng hoảng tuổi trung niên”?

Trải nghiệm hơi khác thường của bản thân khiến tôi cho rằng nó “chưa kịp có”. Gần 40 tuổi, các bác sĩ chẩn đoán tôi có một khối u, tỉ lệ lành dữ là 50/50. Tôi xác định mình có thể chết và đã bình tĩnh chuẩn bị tinh thần cho chuyện đó. Khoảng thời gian đó khiến tôi bắt đầu hiểu rõ sự hữu hạn của cuộc sống và muốn sống thực sự có ý nghĩa. Trải nghiệm kiểu này của tôi đạt ý nghĩa cao nhất sau khi phẫu thuật nửa năm, tôi bị thêm một tai nạn và thực sự đã có lúc biết được cái chết lướt qua như thế nào. Nhờ những trải nghiệm đó, tôi không thấy chuyện mình già đi, hay chắc chắn sẽ chết là điều gì đó quá nghiêm trọng.

Từ cuối những năm 1980, cuốn sách gối đầu giường của tôi về lối sống là cuốn Chúng ta là đàn ông của Stiv Senkman. Cuốn sách mở đầu bằng một chương rất hay về “tuổi vàng ngọc” - tức tuổi trung niên, với nhận định: những người đàn ông bước vào tuổi 40 là bước vào thời kỳ tuyệt vời nhất của cuộc đời, sự nghiệp đã có những kết quả nhất định, điều kiện kinh tế vững vàng, con cái đã lớn và sức khỏe còn sung mãn.

Tác giả cho rằng đây chính là lúc người đàn ông được hưởng thụ. Nhận định đó không chỉ đúng cho đàn ông mà còn chung cho cả nữ giới. Và ở thời đại của thế kỷ 21, “tuổi vàng ngọc” còn kéo dài đến tận 60 tuổi, thậm chí còn hơn.

Khi đọc cuốn sách, tôi mới chỉ là học sinh và tưởng tượng một phần tư thế kỷ sau, “tuổi vàng ngọc” của mình sẽ như thế nào. Nhưng rốt cuộc, nó đến lúc nào tôi không hay biết. Nhờ có Stiv Senkman, việc chờ đợi và gặp gỡ của tôi với “tuổi vàng ngọc” trở nên thú vị và chủ động, do đó không có sự “khủng hoảng” nào cả.

Nhưng rồi khi quan sát các bạn bè và cả những người lớn tuổi hơn ở xung quanh, tôi nhận thấy dường như họ có những khủng hoảng nào đó. Trong thời của mạng xã hội, điều đó lại càng dễ quan sát. Rất, rất nhiều than vãn về bệnh tật, đau chỗ nọ thoái hóa chỗ kia, những nỗi lo sợ mơ hồ cũng có, thẳng thắn cũng có trước tuổi già đang xồng xộc đến. Những tấm hình xinh đẹp kèm theo tiêu đề “còn trẻ xinh thì phải khoe nhiệt tình, mai kia già rồi lấy gì mà khoe” đã trở thành một phần cuộc sống mạng của nhiều người.

Đối lập thái độ đó là dạng thái độ có thể nói là tích cực hơn nhiều: những người thực sự bước vào hành trình duy trì, níu kéo tuổi trẻ bằng luyện tập. Cũng nhờ mạng xã hội mà ta quan sát được rất nhiều sắc thái, từ khoe khả năng uốn dẻo của các chị yoga hay chạy, bơi được bao nhiêu kilômet mỗi ngày. Tôi cũng không chịu đứng ngoài cuộc chơi, thỉnh thoảng vẫn lên khoe mình đạp xe được cả trăm cây số, tất nhiên trong số những lần khoe khoang đó không tránh được sắc thái tự hào về mình và hơi khinh khi, coi nhẹ những người đang duy trì lối sống thiếu lành mạnh.

Đến đây, câu chuyện thể thao cho trung niên trở lại. Có thể nói, tôi là người theo “chủ nghĩa thể thao” đúng nghĩa: chơi từ lúc tuổi trẻ với câu tổng kết thú vị của thời sinh viên: “sáng chạy, chiều bơi, trưa xà, tối tạ”. Thậm chí có những thời điểm tôi sa vào “chủ nghĩa duy thể thao cực đoan”.

Và sự cực đoan ở đây được định nghĩa là thái độ coi thể thao là tất cả, là phương thuốc số một giải quyết tất cả các vấn đề của cuộc sống. Đầu tiên, thể thao đem lại nền tảng sức khỏe, sau đó đem lại sự tự tin và khi chơi thể thao gian khổ bền bỉ, nó rèn ý chí, nhờ ý chí đó ta sẵn sàng đương đầu mọi khó khăn của cuộc sống. Lý thuyết này không sai, nhưng nó cũng đẩy những thanh niên như chúng tôi hồi ấy sa vào hết cuộc đua này đến cuộc đua khác, từ chạy, bơi đến những môn thể thao sức mạnh như thể dục thể hình.

Nhưng trong thời gian đó, tôi gặp được một số huấn luyện viên rất tỉnh táo. Họ hỏi: “Các em chạy theo thành tích để làm gì khi cố đẩy những mức tạ đến 130kg, hay một ngày phải chạy mười mấy cây số?”. Quả thật, đến giờ khi ở ngưỡng lứa tuổi 50, tôi mới nhận ra hậu quả của thời chơi “duy thể thao cực đoan” của mình với những thoái hóa và tổn thương không thể phục hồi.

Vì vậy, khi quan sát những bạn cùng lứa tuổi nhưng đang theo “chủ nghĩa duy thể thao”, tôi không thể không lo ngại. Mạng xã hội càng khiến cuộc “chạy theo thành tích” bùng nổ: “Hôm nay đã vượt qua 21km…”, “Ôi, em ngưỡng mộ chị quá, người chị vừa xinh đẹp lại vừa thể thao của em”, “Người đẹp thể thao không tuổi”, “Người đàn ông thép của công ty đây rồi!”... Những hình ảnh đi kèm như nhà lầu, xe hơi, học bổng nước ngoài của mấy đứa con… đã hoàn thiện tấm gương trung niên đáng ngưỡng mộ. Tất cả làm cho cuộc đua dường như không thể ngừng lại.

Thể thao nào cho trung niên?

Bất luận những biến thể, thái quá nói trên, tôi biết mình vẫn không từ bỏ “chủ nghĩa thể thao”. Ngay trong quá trình xây dựng lối sống cho các con mình và khi nghiên cứu những vấn đề giáo dục, tôi vẫn cho rằng giáo dục thể chất là cực kỳ quan trọng, nó cần được đặt ngang hàng với dạy chữ. Nhờ nhận ra rằng “chúng ta sinh ra để già đi và chết”, tôi luôn tin rằng xây dựng lối sống tích cực, yêu thể thao cho tất cả mọi người là cần thiết, nhưng hiểu giới hạn của cơ thể, chọn cho mình môn tập phù hợp và luôn luôn lắng nghe được những giới hạn của cơ thể mình cũng quan trọng không kém.

Cuối cùng, thể thao có phải là giải pháp cho khủng hoảng tuổi trung niên hay không? Tôi vẫn tin rằng có, và rất nên có, ít nhất nó tốt hơn nhiều so với “thể thao bàn phím”, một ngày tuôn ra đến 4, 5 hay cả chục “dòng trạng thái” tiêu cực về tất cả mọi lĩnh vực trên mạng xã hội.

Để duy trì một cuộc sống cân bằng, không thể không bắt đầu xây dựng một lối sống đạt tới “thân thì phải động, tâm thì phải tĩnh”. Cơ thể không vận động thì thoái hóa rất nhanh, nhưng vận động không đúng cách, quá đà, không hiểu biết sẽ khiến nó bị tàn phá nhanh chẳng kém. Tệ hơn là sự tham gia theo phong trào, tĩnh tâm đâu chưa thấy đã lao vào cãi cọ phương pháp của ai ưu việt, ngấm ngầm chạy đua thành tích, phô diễn năng lực ngay cả khi tập luyện các môn có tính dưỡng sinh và thiền như yoga…

Luyện tập thân thể chỉ là một phần của quá trình rèn luyện, mà không thể thiếu luyện tâm, lắng nghe mỗi rung động của từng tế bào trong cơ thể, tìm cho mình phương pháp và mức độ luyện tập thuận tự nhiên nhất. H. Murakami đã đúc kết: “Hầu hết những người chạy bộ chạy không phải vì họ muốn sống lâu hơn mà vì họ muốn sống trọn vẹn…”.

Sự trọn vẹn đó cần phải được hiểu là đạt được sự vui vẻ, hạnh phúc trong từng phút giây của cuộc sống, mà sự luyện tập cực đoan không cân bằng đã là một bước làm hỏng quá trình luyện tâm đó mất rồi.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận