Khủng hoảng trung niên: Tôi đi tìm sự hài hòa

MỸ NGÂN 17/05/2019 04:05 GMT+7

Có điều gì của tuổi thanh xuân mình đã bỏ sót mà giờ đây chẳng còn bao nhiêu thời gian và cơ hội để hoàn thành?”.

 

Tôi đang bước dần vào giai đoạn trung niên, cái tuổi biết chuyển sự chú tâm vào bên ngoài thành sự tập trung vào bản thân nhiều hơn. Càng tập trung vào bản thân, tôi càng thông suốt thêm nhiều điều. Nhưng tôi cũng đạt đến đồng thời hai điều trái ngược: một tâm thế hiểu mình, hiểu đời, đồng thời lại thêm nhiều dằn vặt, ưu tư.

An nhiên vì đã đủ bình tĩnh để đối phó những điều không mong muốn. Tôi không muốn giải thích bản thân mình với bất cứ ai, có thể mỉm cười trước những lời chỉ trích và chỉ tập trung vào những gì mình thật sự quan tâm. Những mối lo âu vặt vãnh trước kia không còn làm khó tôi. Tôi quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần và thể chất của mình, ăn uống lành mạnh, chủ động giải quyết các vấn đề thay vì ngồi lo lắng vu vơ.

Nhưng khi ý thức mình đang bước vào giai đoạn trung niên, tôi không khỏi kinh hãi. Dùng từ “kinh hãi” là chính xác vì không thể tin là thời gian đã trôi qua nhanh như vậy, và trong khi thời gian mải miết trôi, tôi tự hỏi mình đã làm được những gì, sẽ làm được những gì? Tuổi trung niên có lẽ “khó chịu” hơn tuổi già, vì khi già mình đã đủ an yên, bao dung và cả bất lực để chấp nhận những giới hạn của bản thân. Nhưng tuổi trung niên thì không. Ý thức được quãng thời gian để khẳng định bản thân không còn nhiều, tôi và nhiều bạn bè cùng tuổi day dứt với câu hỏi: “Phải chăng mình có thể làm tốt hơn hiện tại?”.

 

Ở tuổi trung niên, nhiều người đã đạt được sự ổn định về mặt sự nghiệp, gia đình, nhưng đây cũng là lúc những khao khát thời tuổi trẻ dâng lên mãnh liệt nhất, tựa như núi lửa phun trào trước khi tắt. Bạn đặt câu hỏi “Cái tôi hiện tại có phải chính là con người mình muốn trở thành? Đâu là giới hạn cho năng lực của mình? Có điều gì của tuổi thanh xuân mình đã bỏ sót mà giờ đây chẳng còn bao nhiêu thời gian và cơ hội để hoàn thành?”.

Tôi cũng đặt cho mình những câu hỏi đó. Đôi khi, tôi nghĩ mình vẫn còn kịp “làm một cái gì đó”, nhưng rồi lại chùng lòng vì một nếp sống quen, lại muốn tiếp tục chui vào cái vỏ kén yên ổn mà sống đến hết đời. Mâu thuẫn ấy lặp đi lặp lại, tạo ra những ngày khủng hoảng. Tuổi trung niên ai không phải gánh lấy vài trách nhiệm nặng nề cho những thời khắc quyết định? Đôi khi cái tôi lựa chọn không phải là cái tôi mong muốn, nhưng nó là cái duy nhất tốt cho tất cả mọi người. Vậy nên, tuổi trung niên có quyền ra quyết định nhưng không phải lúc nào cũng có thể hài lòng.

Tôi vẫn đọc rất nhiều lời khuyên thông thái vì hiểu trải nghiệm của bản thân còn nông cạn, hạn hẹp, nhưng không sùng bái một ai hay “theo ai” như một phương châm sống. Bởi đến tuổi trung niên, bạn có muốn bị ai dẫn dắt không?

Vì vậy, tôi vẫn nghĩ cho bản thân nhiều hơn, nhưng không phải là cái bản thân ích kỷ của tuổi trẻ, mà là bản thân đặt hài hòa trong các mối quan hệ. Tôi hiểu những mối liên hệ trong cuộc sống mà mình là một mắt xích trong đó, mắt xích chứ không phải trung tâm. Không có cách đối phó nào tốt hơn với khủng hoảng trung niên bằng cách chấp nhận nó, tận dụng nó.

Nhiều người nói rằng họ thích bản thân ở tuổi trung niên hơn cả tuổi trẻ, vì lúc này họ đã đủ chín chắn, trầm tĩnh để chọn một lối sống phù hợp. Họ tự tin thể hiện bản thân, đào sâu vào tâm trí của mình, và đôi khi khám phá ra những tiềm lực không ngờ, để rồi vụt tỏa sáng rực rỡ hơn cả giai đoạn trước đó. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận