Du lịch kết hợp team building: Một giấc mơ khó khăn

TRƯỜNG HUY 31/07/2019 02:07 GMT+7

TTCT - Một chuyến du lịch nghỉ mát hằng năm tổ chức cho người lao động và hoạt động team building gặp nhau ở một điểm quan trọng: xây dựng tinh thần đoàn kết và củng cố niềm tin trong một tập thể. Ngày càng có nhiều tour du lịch nghỉ mát kết hợp team building, vấn đề là không phải ai cũng làm đúng tinh thần của hoạt động team building. Ông Đỗ Tuấn Anh - giám đốc Công ty VietMark, một trong những người tham gia tổ chức team building đầu tiên ở Việt Nam - cho rằng thị trường này đang ngày càng biến tướng.

Trò chơi “Hành trình quả trứng”. Ảnh: Nguyễn Thanh Tùng
Trò chơi “Hành trình quả trứng”. Ảnh: Nguyễn Thanh Tùng

Team building không phải... vui là chính

Hiện nay có không ít công ty du lịch chào mời đến các khách hàng là khi đăng ký đi tour tập thể sẽ được khuyến mãi hoạt động team building. Quan sát những hoạt động team building khuyến mãi, hình như nó không phải là team building thật sự?

- Ông Đỗ Tuấn Anh: Nếu dịch sát nghĩa của team building, đó là xây dựng đội nhóm. Nói sát sườn hơn, team building là hoạt động thuộc lĩnh vực tổ chức, đào tạo nhân sự cho các đơn vị.

Trên các trang web liên quan đến team building, người ta đưa ra 4 mục tiêu của nó như sau: 1-Nhằm biết cách sử dụng sức mạnh tập thể để đưa ra sáng kiến hoặc các giải pháp để giải quyết vấn đề. 2-Hiểu hơn về tính cách của từng thành viên, nhằm từ đó hỗ trợ cho nhau tốt hơn. 3-Tăng cường sức mạnh đoàn kết. 4-Giải tỏa áp lực, tạo sự thoải mái.

Còn tôi thì đúc kết ý nghĩa của team building với 4 mục tiêu: Thể lực (là hoạt động ngoài trời nên đương nhiên có vận động, giúp rèn luyện thể lực) - Trí lực (các trò chơi của team building phải có ý nghĩa, mục tiêu rèn luyện kỹ năng xử lý các tình huống, vấn đề) - Tình cảm (tăng tình đoàn kết) - Kỷ luật (mọi trò chơi đều phá sản nếu không có tính kỷ luật).

Năm 2005, thị trường dịch vụ tổ chức team building bắt đầu hình thành ở Việt Nam với sự góp mặt của bốn công ty AQL, Lửa Việt, XPC (ông Tuấn Anh làm cho đơn vị này) ở phía Nam và Vietsea ở phía Bắc.

Sự ra đời này phải nói là nhờ quan sát, học tập từ các tập đoàn, công ty nước ngoài vào Việt Nam, họ cực kỳ xem trọng hoạt động team building với quan điểm đây chính là thao trường, và chúng ta ai cũng biết đổ mồ hôi nhiều trên thao trường thì sẽ bớt thiệt hại trên chiến trường!

Trong những năm đầu tiên phát triển team building, phải nói rằng thị trường này cực kỳ sôi động. Chúng tôi đã có những hợp đồng trị giá triệu đô, tổ chức cho cả chục ngàn nhân viên.

Cũng do nó quá sôi động nên sau đó hằng hà sa số các đơn vị nhảy vào tham gia, cạnh tranh khốc liệt, đưa ra những mức giá không thể rẻ hơn, thậm chí bây giờ là khuyến mãi tổ chức team building nếu đăng ký tour tập thể. Và trên thực tế, những món team building khuyến mãi này đã trở thành những trò chơi vui là chính chứ không còn là đào tạo nữa.

 

Ông có thể nói rõ hơn về sự khác biệt giữa các trò chơi team building với trò chơi vui là chính?

- Hiện nay, đa phần các công ty tổ chức các trò chơi như kéo co, bịt mắt bắt dê... và gọi đó là team building, nhưng thật ra đó chỉ là trò chơi dã ngoại. Hay có một trò chơi rất nổi tiếng là “Hành trình quả trứng” được rất nhiều nơi tổ chức, nhưng đa phần là chỉ để gây cười.

Trong khi đó, “Hành trình quả trứng” được các chuyên gia tổ chức team building Hong Kong mang sang Việt Nam để huấn luyện cho đội ngũ nhân viên của một ngân hàng quốc tế và sau đó chúng tôi “học lóm” để áp dụng. Trong trò chơi này, quả trứng được ví như là khách hàng, phải được nâng niu, giữ gìn.

Từng nhóm 8 hay 10 người sẽ cùng nhau đưa những quả trứng vượt qua nhiều chướng ngại vật để về đích. Kết thúc một lượt chơi là thay đổi thủ lĩnh, tìm cách rút ngắn thời gian... Tất cả những thử thách, yêu cầu của trò chơi đều là những bài tập sát sườn trong công việc.

Ngoài ra, cũng một trò chơi ấy, nhưng nếu là tổ chức cho đại trà nhân viên thì yêu cầu khác, tổ chức cho quản lý cấp thấp phải khác với quản lý cấp cao. Tóm lại, với một nhà tổ chức team building chuyên nghiệp, không thể có chuyện rao khuyến mãi khi chưa biết khách hàng mình là ai, nhu cầu thế nào.

Ảnh:
 

Nếu chọn một kỷ niệm ấn tượng nhất của mình trong nghề tổ chức team building, ông sẽ kể chuyện gì?

- Năm 2014, một ngân hàng nước ngoài rất nổi tiếng tại Việt Nam đã có một loạt thay đổi về nhân sự và gặp phải một số khó khăn. Tân tổng giám đốc đã gặp tôi và đặt hàng tổ chức team building cho 80 nhân sự cấp cao, bám theo slogan “Chấp nhận thay đổi để dẫn đầu”.

Chuyến ấy thật ấn tượng với tôi khi sau buổi ăn trưa, chúng tôi đưa đoàn vào một khu rừng rồi thông báo tất cả xuống xe để vào rừng dựng lều, và đây sẽ là một chuyến sinh hoạt trong rừng theo kiểu hướng đạo. Nên nhớ, đây toàn là những nhân vật có chức sắc trong ngân hàng, nên có người thì phản ứng không chịu xuống, người thì bảo là đùa.

Nhưng khi thấy tổng giám đốc xuống xe, xắn tay áo hì hục dựng lều thì tất cả đều phải làm theo. Hì hục dựng lều đến 5h chiều thì tôi lại thông báo nhổ trại, di chuyển về Vũng Tàu. Khỏi phải nói chuyện mọi người mắng tôi như thế nào.

Về đến Vũng Tàu, đêm ấy tổng giám đốc mới triệu tập và cho biết tất cả đều nằm trong kịch bản team building và bài học cho mọi người là phải chấp nhận mọi khó khăn nếu muốn vượt lên dẫn đầu. Sau đó, các hoạt động tiếp theo đều nhận được sự hợp tác tích cực của mọi người.

Ảnh:
 

Một thị trường cần minh bạch

Ông nghĩ gì khi mỗi năm đến hè là các trường, cơ quan hay nói cụ thể hơn là các đơn vị nhà nước lại tổ chức các tour du lịch cho người lao động theo kiểu đến hẹn lại lên? Người lao động thường cho rằng đó là những chuyến đi mà bỏ thì tiếc nên cố mà đi. Liệu có nên khuyến khích phát triển mô hình tour du lịch kết hợp team building - dĩ nhiên là team building đúng nghĩa?

- Theo tôi, kết hợp du lịch với team building là chuyện đương nhiên phải khuyến khích. Và mô hình này cũng chả phải mới mẻ gì đối với nước ngoài, chỉ có điều khi ở Việt Nam thì cứ hay bị lệch lạc. Nếu ở trên tôi đã nói về sự lệch lạc, biến tướng của team building thì giờ sẽ nói thêm chuyện lệch lạc về nhận thức trong việc đi du lịch của nhiều người Việt.

Mục tiêu của chuyện đi du lịch là gì? Trả lời câu hỏi này có lẽ ai cũng nói được, đó là trải nghiệm cái mới. Đi vào chi tiết hơn thì đó là trải nghiệm về cảnh quan thiên nhiên - ẩm thực - con người. Tuy nhiên, trong mấy chục năm làm du lịch, tôi thấy không phải người Việt nào cũng đi du lịch trong tâm thế trải nghiệm ấy.

Tôi từng dẫn khách đến một vùng xa xôi ở vùng núi phía Bắc, ai cũng trầm trồ cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ nhưng rồi rất nhiều người luôn miệng ta thán, ta thán đến độ làm nặng nề cả một chuyến đi, về điều kiện khách sạn.

Ở vùng sâu vùng xa thì làm sao tiện nghi như ở nhà hay ở khách sạn 4-5 sao. Hay chuyện ẩm thực cũng vậy, mỗi vùng miền có cách thức nêm nếm khác nhau, nếu là người hiểu sâu sắc về sự trải nghiệm thì sẽ thật thích thú khi nghe giải thích vì sao cũng một món ăn tương tự nhưng nơi này lại khác nơi kia; song khách du lịch người Việt thường hay chê bai, kêu ca làm hỏng cả một chuyến đi.

Có một chuyện tế nhị: người ta thường bảo rằng các tour du lịch hè của các cơ quan nhà nước thường kém vì nạn hoa hồng. Điều đó làm chất lượng các chuyến đi bị giảm so với thực tế, đồng thời là “một liều thuốc độc” khiến các chuyến đi mất vui. Ông nghĩ sao?

- (Cười) Nói làm sao bây giờ nhỉ? Bảo có thì người ta nói bằng chứng đâu? Bảo không thì cũng dở... Riêng công ty của mình, tôi không bao giờ chấp nhận điều đó, và có lẽ vì thế nên khách không nhiều và thu nhập cũng chỉ đủ để gọi là sống qua ngày thôi.

Nếu cần nói thật ngắn gọn một điều kiện để du lịch kết hợp team building phát triển như mơ ước, ông sẽ nói gì?

- Minh bạch! Minh bạch để người làm nghề chân chính có đất sống. Minh bạch để người đi du lịch có niềm tin.

Cảm ơn ông.■

Ông Đỗ Tuấn Anh. Ảnh: Nguyễn Thanh Tùng
Ông Đỗ Tuấn Anh. Ảnh: Nguyễn Thanh Tùng

Về nguồn trò chơi phục vụ cho team building hiện nay, chủ yếu do chúng tôi sưu tầm trên các trang web chuyên về team building của nước ngoài và học tập từ các tập đoàn quốc tế hoạt động ở Việt Nam, họ cực kỳ xem trọng team building nên thường thuê hẳn các đội chuyên gia từ nước ngoài sang tổ chức…”.

Ông Đỗ Tuấn Anh

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận