Tai nghe và cuộc chiến giành chỗ trong tai người dùng

TRƯỜNG SƠN 04/11/2019 18:11 GMT+7

TTCT - Khi dường như khó có thể tạo ra đổi mới vượt trội nào nữa trong cuộc chiến smartphone, các gã khổng lồ công nghệ đang chuyển sang mặt trận mới, đấu nhau để “chui” vào tai người dùng theo đúng nghĩa đen.

Cách đây tròn 40 năm, Sony ra mắt máy nghe băng cassette Walkman, lần đầu tiên cho phép con người có thể nghe nhạc “di động”. Walkman và cặp tai nghe với lớp mút màu cam trứ danh cho phép người dùng “lánh xa thế giới”, đắm chìm vào âm nhạc ngay cả khi đang giữa chốn đông người.

 

Bốn thập kỷ trôi qua, tai nghe đã trở thành thiết bị thông minh nhỏ xíu, chẳng còn dây nhợ vướng víu.

Hàng triệu cặp tai nghe không dây hoàn toàn (truly wireless earbuds) đang được bán ra trên toàn cầu mỗi tháng và thiết bị nhét tai thông minh (hearables) này đang là mặt trận mới của các gã khổng lồ công nghệ, vốn không phải là nhà sản xuất thiết bị âm thanh như Apple, Microsoft, Amazon và Google, bên cạnh các tay chơi khác như Samsung, Sony, LG, trong bối cảnh smartphone đã gần như bão hòa, doanh số chững lại hoặc giảm sút vì không có thêm cải tiến nào đột phá.

Cuộc chơi sôi động

Phát súng gần nhất đến từ Apple với Airpods Pro, phiên bản cao cấp của dòng tai nghe không dây Airpods, vừa bắt đầu được bán ra ở Mỹ và Anh từ ngày 30-10. Nếu Airpods ngay từ khi ra mắt đã bị giễu là “thiết kế như cái bàn chải” thì phiên bản “pro” (chuyên nghiệp) chỉ khác ở chỗ có thêm nút nhét tai bằng silicon, cùng với các tính năng mới như chống ồn (noise cancellation) và cam kết “chất lượng âm thanh tốt hơn”.

Airpod pro

Hãng công nghệ Mỹ cần một con bài mới để khẳng định vị thế trước sức ép cạnh tranh từ các đối thủ, mà chỉ trong vòng một tháng qua cũng đã lần lượt công bố sản phẩm tai nghe mới của riêng mình.

Cụ thể, Amazon chọn ngày 30-10 mở bán Echo Buds, trong khi Surface Earbuds của Microsoft, dù được công bố hồi đầu tháng 10, dự kiến tung ra vào cuối năm nay, còn Pixel Buds của Google phải sang mùa xuân năm sau mới bắt đầu lên kệ.

Báo cáo của Hãng Counterpoint Research công bố hồi tháng 4 cho biết khoảng 12,5 triệu cặp tai nghe không dây đã được bán ra trên toàn thế giới trong quý 4-2018, trong đó Apple chiếm 60% thị phần.

Còn theo số liệu của Hãng IDC, thị phần tai nghe của Apple - vốn là nhà sản xuất máy tính, điện thoại thông minh - trên toàn thế giới tính đến tháng 9-2019 là 50,2%.

Mặt trận mới đã có, các đấu thủ chính cũng đã rõ. Vậy những tay chơi này sẽ đấu nhau bằng gì? Không kể những yếu tố nhất định phải có như chất lượng âm thanh, tính ổn định của kết nối bluetooth giữa tai nghe và smartphone, thời lượng pin và khả năng kháng nước, những gã khổng lồ đang tận dụng các thế mạnh riêng của mình để tạo ưu thế so với đối thủ.

Echo Buds của Amazon giống như thu nhỏ chiếc loa thông minh Echo và đưa vào tai người dùng, cho phép họ giao tiếp với trợ lý ảo Alexa mọi lúc mọi nơi, trong khi Microsoft tận dụng thế mạnh của bộ phần mềm Office 365 để trang bị cho Surface Earbuds tính năng “đọc chép chính tả” và phiên dịch thời gian thực. Google dĩ nhiên cũng tận dụng thế mạnh của Google Translate để biến Pixel Buds thành “thầy thông ngôn” ngồi sẵn trong tai người dùng.

Thị phần tai nghe không dây tính đến tháng 9-2019. Số liệu: IDC. Đồ họa: The Street
Thị phần tai nghe không dây tính đến tháng 9-2019. Số liệu: IDC. Đồ họa: The Street

Át chủ bài trợ lý ảo

Các gã khổng lồ đang so kè nhau từng tính năng một cho con cưng tai nghe không dây của mình, song theo trang The Street, thành công sẽ được quyết định bởi việc các thiết bị đeo thông minh này có thể giao tiếp với trợ lý ảo tốt đến đâu.

Nhận định này hoàn toàn có cơ sở vì cả 4 tay chơi đều có trợ lý ảo của riêng mình: Apple có Siri, Amazon sở hữu Alexa, Microsoft có Cortana và Google có Google Assistant.

Nếu có gì khác giữa việc một người nghe nhạc từ máy Walkman cách đây 40 năm và một người sành điệu với tai nghe không dây ngày nay, đó là thiết bị nằm trong tai họ hoạt động như một kênh hai chiều, không chỉ truyền âm thanh từ thiết bị mà còn cho phép người dùng giao tiếp ngược lại.

Apple sẽ phải đảm bảo người đeo Airpods có thể “gọi” Siri và ra lệnh cho trợ lý ảo này dễ dàng, đồng thời Siri cũng phải thông minh hơn, đáp ứng được yêu cầu của chủ nhân, chẳng hạn hỏi giờ, tra cứu trên Internet, thực hiện cuộc gọi, chính xác hơn.

Cũng vậy, Microsoft sẽ nỗ lực để việc đọc cho máy chép từ Surface Earbuds trơn tru cho người dùng, còn Google kết hợp Google Translate và Pixel Buds để tai nghe của mình thành một thứ “bánh mì chuyển ngữ” hay con cá phiên dịch Babel như những gì Douglas Adams mô tả trong tiểu thuyết Bí kíp quá giang vào ngân hà (The Hitchhiker's Guide to the Galaxy).

Nếu việc một ai đó đi giữa phố mà miệng cứ lẩm bẩm như đang trò chuyện với một thực thể vô hình cách đây vài năm trông khá… dị, ngày nay nó đã trở thành hình ảnh khá phổ biến.

Thị trường tai nghe không dây hiện rất đa dạng. Ảnh: rtings.com
Thị trường tai nghe không dây hiện rất đa dạng. Ảnh: rtings.com

Việc các đại gia công nghệ đang chạy đua “chiến tranh tai nghe” chắc chắn sẽ sớm “bình thường hóa” hình ảnh đó, và người dùng sẽ tiếp tục mất tiền cho sản phẩm công nghệ nhỏ gọn nằm trong tai mình.■

Tính năng chống ồn cũng là cuộc chơi đang giành được sự chú ý. Khi ra mắt Echo Buds, Amazon tự hào tuyên bố đã hợp tác với Bose để mang công nghệ chống ồn của nhà sản xuất thiết bị âm thanh trứ danh này vào tai nghe không dây, trong khi Apple vừa có câu trả lời với Airpods Pro.

Những tay chơi khác như Sony cũng tự hào với khả năng chống ồn, còn LG có “độc chiêu” có thể khiến các đối thủ khác sớm chạy theo: hộp sạc kiêm luôn tính năng vệ sinh tai nghe sau mỗi lần sử dụng.

Design “hi sinh” thẩm mỹ

“Dồn nén” nhiều công nghệ khác nhau vào một thiết bị chỉ nhỏ bằng ngón tay không phải là một thử thách dễ dàng. Các nhà sản xuất vì thế buộc phải thỏa hiệp giữa tính năng và thiết kế sản phẩm. Điều này dẫn đến việc tai nghe của hãng nào khi mới ra mắt cũng bị giễu nhại về thiết kế và trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho ảnh chế.

Ảnh chế tai nghe Airpods Pro lan truyền trên Twitter.
Ảnh chế tai nghe Airpods Pro lan truyền trên Twitter.

Apple chỉ đơn giản “cắt phăng” phần dây của tai nghe và giữ cho Airpods có thiết kế không khác gì với tai nghe thông thường, và sản phẩm của “nhà Táo” bị chọc quê là giống bàn chải đánh răng hay củ hành ta. Sang đến Airpods Pro, với phần phụ thêm là cặp nút silicon, dân mạng lại giễu sản phẩm trông như máy sấy tóc thu nhỏ. Microsoft cũng không thoát khi Surface Buds bị mô tả là giống “răng implant”.

Cũng phải thừa nhận các tai nghe không dây hiện tại đều chưa có được thiết kế giúp người đeo chúng trông không quá “khác thường”. Tác giả Parker Hall của trang Digital Trends cho rằng hiện nay “có quá nhiều tai nghe không dây do các hãng công nghệ lớn sản xuất trông như thể chúng được thiết kế dành cho ác quỷ Frankenstein thời hiện đại: chúng từ đâu “tòi” ra từ tai của ta như những cái nấm có hình thù kỳ dị”.

Châm chích có hơi nặng lời, song Hall cho rằng thật ra tai nghe không dây “không cần phải trông thời trang”, quan trọng là chúng giúp ta nghe nhạc và giao tiếp với trợ lý ảo mọi lúc mọi nơi mà không cần quan tâm dây nhợ vướng víu.

"Kịch bản chờ đón trong tương lai là tai nghe không dây sẽ thực sự trở thành máy tính mà quý vị có thể đặt vào tai mình, giống như cách điện thoại và đồng hồ đã phát triển như ngày nay. Đặt sức mạnh của một chiếc máy tính vào tai người dùng, kèm theo một trợ lý thông minh, là chiến lược đúng đắn cho các hãng công nghệ."

Patrick Moorhead, CEO Hãng nghiên cứu Moor Insights & Strategy

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận