TTCT - Nếu ai đó có việc phải rời nhà lúc này, đến một trong các thành phố du lịch vốn đông đúc của nước ta, sẽ thấy đường xá vắng vẻ, quán xá quạnh hiu, đến nỗi có kẻ vô tư thốt lên: “Ôi, như ngày tết!”. Đo thân nhiệt và yêu cầu bệnh nhân đến khám bệnh phải mang khẩu trang (ảnh chụp ở Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM sáng 10-2). Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH Trong hẻm nhỏ, trẻ con được nghỉ học vẫn đạp xe loanh quanh đi chơi nhưng miệng bịt khẩu trang (khi cần nói oang oang thì tụt hẳn khẩu trang xuống). Hỏi mười người quen vì sao lần này sợ virus corona chủng mới (nCoV) đến thế thì cả mười người bảo rằng vì nó nguy hiểm, dễ lây, dễ gây chết người. Hỏi tiếp vì sao nó lại dễ gây chết người thì cả mười người ấy đều ú ớ. Người bảo vì nó gây viêm phổi, người bảo đến bác sĩ phát hiện ra nó còn chết kìa. Tóm lại là một nỗi lo âu rất “phần ngọn”. Một bài viết trên The Conversation đã giải thích vừa dễ hiểu vừa thấu đáo về dịch viêm phổi Vũ Hán lần này, kể từ chữ “viêm phổi” (là nhiễm trùng ở phổi tạo ra mủ và dịch tiết, làm giảm khả năng hấp thu oxy của phổi). Theo bài báo, trong số 99 người đầu tiên bị viêm phổi nặng do nhiễm nCoV, có đến 3/4 là viêm cả hai lá phổi. Khoảng 14% số đó có phổi bị tổn hại do hệ miễn dịch gây ra (vì sao lại “do hệ miễn dịch gây ra” thì các bạn đọc đến cuối bài), 11% có bị suy đa cơ quan do nhiễm trùng huyết, một số khác có nguy cơ biến chứng trong thời gian điều trị tại bệnh viện, thí dụ nhiễm chồng thêm vi khuẩn khác. Tựu trung, có bốn cách tàn phá chính của nCoV, trực tiếp hoặc gián tiếp, diễn ra riêng biệt nhưng có khi đồng thời, đến lúc ấy có nghĩa là rất nặng. 1. Virus trực tiếp gây tổn thương Ngay từ đầu, các nghiên cứu đã thấy khi vào cơ thể người, nCoV gắn với một thụ thể đặc hiệu có trong mô phổi. Cơ chế này giống hệt như “chìa khóa gặp ổ khóa”, cho phép virus chui thẳng vào tế bào. Virus “cướp” luôn bộ máy hoạt động của tế bào chủ, khiến tế bào chủ phải làm thêm nhiều bản sao virus. Đến một lúc virus chiếm trọn, làm tế bào cạn kiệt đến chết. Trong lúc đó, hệ miễn dịch nhận ra cơ thể có nhiễm trùng, lập tức phát động một cuộc tấn công vào cả virus lẫn tế bào mang virus. Nếu số lượng tế bào chết của một cơ quan (thí dụ thận) là quá lớn, cơ quan ấy không thể vận hành được nữa. Người ta ngờ rằng ngoài phổi, nCoV còn có thể gây tổn hại nhiều cơ quan khác, cũng theo cơ chế “chiếm đoạt” và buộc hệ miễn dịch phải “tàn sát” như trên. 2. Viêm phổi Đợt dịch này diễn ra quá ào ạt, các nhà khoa học vẫn còn đang tìm hiểu mối quan hệ giữa nCoV và viêm phổi trước khi đưa ra một báo cáo thật chính xác đến không ai bắt bẻ được. Trong lúc đó, bài báo đề xuất ta nên học hỏi lại từ các trường hợp viêm phổi trong cúm thông thường do influenza. Influenza là một virus gây cúm mùa. Thường sau khi nhiễm influenza, người ta sẽ sốt, sổ mũi, ho và nhiều người sau đó viêm phổi, được coi là một nhiễm trùng thứ phát. Người ta cho rằng đó là do virus influenza làm yếu cơ chế bảo vệ thông thường của phổi, khiến các vi khuẩn khác có thể ăn theo mà tràn vào, nhân rộng. Điều này đặc biệt đúng với trẻ nhỏ, người già yếu hoặc những người có hệ miễn dịch vốn ọp ẹp sẵn. Cúm mùa do influenza không quá nghiêm trọng, nhưng viêm phổi thứ phát do vi khuẩn sau đó mới là đáng sợ. Trong số bệnh nhân cúm nặng nhập viện rồi viêm phổi, có đến 10% tử vong, so với tỉ lệ tử vong 2% của người cúm nặng mà không viêm phổi. nCoV có vẻ đã gây viêm phổi theo hai cách: một là virus chiếm lấy mô phổi như đã nói ở trên, và hai là thông qua nhiễm tiếp một vi khuẩn khác. Tuy nhiên, cách đầu có vẻ phổ biến hơn. 3. Nhiễm trùng huyết Đây là một tình trạng rất nghiêm trọng gặp ở nhiều loại nhiễm trùng. Khi bị nhiễm trùng, hệ miễn dịch trong cơ thể phát động một chiến dịch chống trả tác nhân gây bệnh. Nhưng đôi lúc hệ miễn dịch đánh mạnh quá khiến chính các nội tạng bị tổn hại và suy sụp. Đây là điều vẫn xảy ra trong nhiễm trùng huyết. Mặc dù các báo cáo ban đầu cho thấy khoảng 11% bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán nặng là có nhiễm trùng huyết với suy đa tạng, nhưng cho tới nay người ta vẫn chưa xác định chính xác trong viêm phổi Vũ Hán, việc nội tạng bị tổn hại là do virus trực tiếp gây ra hoặc do hệ miễn dịch phản ứng quá đà. Hiện tại chưa có thuốc men hay can thiệp đặc hiệu nào cho tình trạng này ở viêm phổi Vũ Hán. Người ta đã áp dụng nhiều biện pháp điều trị khác nhau, nhưng số người tử vong vẫn tiếp tục mỗi ngày. 4. Biến chứng khi nằm viện Cuối cùng, bệnh nhân cần được chăm sóc ở bệnh viên có thể gặp phải biến chứng. Đó là nhiễm khuẩn từ các ngả khác nhau (truyền dịch, tiêm thuốc, đặt thông tiểu), rồi viêm phổi, loét do nằm lâu… Các nghiên cứu cho thấy có 10% bệnh nhân nằm viện bị nhiễm khuẩn thứ phát, và 5% bị loét do nằm, đặc biệt là những bệnh nhân già yếu hoặc cử động kém, mặc cho các bệnh viện đã cố gắng hết sức trong khử trùng thiết bị, vệ sinh phòng ốc để ngăn biến chứng. Cuối cùng, biết những điều căn bản trên không phải để rồi quá lo lắng đến nỗi ngưng trệ hết mọi việc. Ai cũng biết tinh thần là quan trọng, lo sợ quá sẽ làm cho hệ miễn dịch yếu ớt. Phòng bệnh là quan trọng, và một trong những cách phòng bệnh tốt nhất là giữ cho tinh thần lành mạnh. Làm nền cho những con số tử vong vì viêm phổi Vũ Hán được cập nhật mỗi ngày là con số đông đảo của những người cũng mắc nCoV nhưng rồi khỏi bệnh; thậm chí có em bé mới ba tháng tuổi đã nhiễm virus và nay sức khỏe ổn định. Một môi trường hiện đại và người đông nhung nhúc rồi sẽ còn xuất hiện nhiều loại virus mới, nhiều trận dịch “quái gở” khác. Vậy nên cuối cùng, vũ khí ban đầu để tự vệ chính là kiến thức (dù chỉ ở mức căn bản) và sự vững vàng, bình tĩnh của mỗi người.■ Tags: Virus coronaNCoVVirus đáng sợ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
'Sức hấp dẫn của du lịch Đà Lạt là không thể nghi ngờ, khách quốc tế cũng trở lại lần 2, lần 3' MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.