Truyện ngắn: Xe buýt Jerusalem

DINA RUBINA 12/03/2020 16:03 GMT+7

TTCT - "Tài xế bèn thắng xe lại và quay về phía nhà Chính thống giáo đang run rẩy tận tâm can, nói rõ to bằng tiếng Nga: - Biến đi, ác thần! Tao đã từng lái xe 15 tấn trong rừng taiga!".

Minh họa
 

Bạn của tôi hồi hương về Israel vào một đêm tháng mười một lầy lội.

Về cơn ác mộng trước khi khởi hành, những cuộc điểm danh đêm trong dòng người xếp hàng ở OVIR, những gương mặt thê lương của đồng bào trong toa tàu điện ngầm Moskva, về sự nhạo báng của các nhân viên hải quan ở sân bay Sheremetyevo... đã được viết đi viết lại, nên không cần nhắc nữa.

Máy bay hạ cánh ở sân bay Ben Gurion vào ban đêm, và sau tất cả các thủ tục đau khổ, người quen tôi đã tới được với bạn bè mình ở Jerusalem vào lúc bình minh.

Vào buổi sáng anh ta phải khai thông được tuyến đường đầu tiên và chủ yếu cho người hồi hương - đi đến Bộ Nhập cư bằng xe buýt.

- Rồi, các bạn tôi giải thích cho tôi đi đến đó như thế nào - anh ta kể - họ viết ra giấy số xe buýt, và vẽ, như cho thằng đần, một sơ đồ: đây đường này, đây ga này... Bây giờ tôi đã hiểu thế nào là trông như người chết rồi.

Anh ta lần mò dưới ánh mặt trời ra tới trạm, leo lên xe buýt, tất cả như trong mơ.

Rồi, tôi đi...

Radio của người tài xế đang bật, truyền đi một bài hát nhịp nhàng nào đó. Có vẻ như một bài hit thời thượng của năm.

Rồi người tài xế tăng âm. Và đột nhiên cả xe bắt đầu hát. Tất cả hành khách, không chừa ai. Thì, giống như chúng ta thuở nhỏ, khi được đưa đi trại hè thiếu nhi. Người tài xế xoay tròn vôlăng và hát hết công suất. Xung quanh tôi - những bà cô nào đó với các túi xách, một ông về hưu đội mũ thủng lỗ chỗ, những thiếu niên nào đó... tất cả đều hát. Còn tôi, thế đấy, mới hôm qua còn từ Sheremetyevo... Tôi nghĩ chắc mình chập mạch, nghĩ có thể đây là buổi quay một tiết mục âm nhạc nào đó. Một tình tiết âm nhạc lồng ghép. Cô biết đấy, đó là một cú sốc thật sự. Tôi sợ mình sẽ bật khóc. Và đây tôi nói cô nghe chuyện này - từ đó đến nay đã hơn một năm trôi qua, tôi đã trải hết mọi thứ ở đây, nhưng chiếc xe buýt hát vào ngày đầu tiên của tôi, nó đã giữ cho tôi vững vàng trong một thời gian dài, và giữ đến tận hôm nay...

Tất cả xe buýt thành phố và liên tỉnh ở Israel đều thuộc sở hữu của hai công ty Egged và Dan. Ở Jerusalem chỉ có những chiếc xe buýt đỏ - trắng của Egged chạy. Đế chế toàn năng này chỉ nhượng bộ mỗi quyền lực của nữ hoàng - Shabbat, nhưng vào cuối ngày, khi những ngôi sao hiện ra trên bầu trời, những chiếc xe buýt của Egged lại lăn bánh.

Tài xế xe buýt không phải là ai đó vô diện, ngăn cách với hành khách bằng tấm kính của cabin với tấm biển “yêu cầu không trò chuyện làm phân tâm tài xế”. Anh ta là chủ nhân, mà lại có quyền hạn tối thượng, là người bán vé, vì hành khách chỉ lên xe qua cửa trước. Nói tóm lại, việc giao tiếp của mỗi hành khách (dù ngắn) với tài xế xe buýt là không tránh khỏi.

Và nếu mỗi buổi sáng tại trạm của mình, bạn ngồi vào đúng một chiếc xe buýt (chúng chạy theo thời biểu), thì dần dần lời “Chào buổi sáng” khô khan sẽ chuyển thành “Công việc thế nào?” và “Sao hôm qua không thấy cô”, rồi sau một thời gian là “Con gái sao rồi? Vẫn còn học balê chứ?”...

Măc dù, lẽ đương nhiên, điều đó phụ thuộc vào mức độ nhiều lời và thân thiện của người tài xế. Thí dụ, khi sống ở ngôi làng nhỏ Psagot - rất xa Jerusalem không chỉ ở khoảng cách mà còn vì sự đối đầu (ngôi làng này nằm gần như trong trung tâm của thành phố Ả Rập Ramallah) - tôi phải đến chỗ làm ở Tel Aviv bằng xe buýt, chạy chỉ một lần trong ngày - vào sáu giờ sáng, chạy tới Tel Aviv gần hai giờ đồng hồ dọc đường núi cao, đón khách từ những làng lân cận. Tuyến đường khá nguy hiểm, phần lớn là hoang vắng, nhưng chạy qua cả những ngôi làng Ả Rập lớn, nơi xe buýt không dừng lại. Đi xe chủ yếu là các công nhân Ả Rập đến trung tâm thành phố mưu sinh.

Tôi lên xe buýt hầu như ngay từ đầu tuyến, gần như luôn là hành khách đầu tiên và ngồi vào băng ghế trước, cạnh cửa. Tài xế, một chàng trai sầu não trẻ tuổi, đáp lại lời “chào buổi sáng” của tôi chỉ bằng cái yên lặng gật đầu, và trên suốt đường hầu như không nói một lời nào.

Nhưng lần nào cũng xảy ra đúng một chuyện, mà theo thời gian nó suýt trở thành nghi thức: trước một cung đường đặc biệt hiểm trở, khi chiếc xe buýt phải nhanh chóng vượt qua những con hẻm hẹp của một ngôi làng Ả Rập, người tài xế, tay trái giữ vôlăng, tay phải lấy từ túi ra một gói nhỏ đựng kẹo bạc hà, lấy một cái cho mình, còn cái thứ hai im lặng, không quay lại, chìa cho tôi. Và cứ thế, lăn quả bóng bạc hà êm dịu dưới lưỡi, chúng tôi gầm rú lao giữa những hàng rào của ngôi làng Ả Rập thù địch...

Nói về phẩm chất nghề nghiệp thì các tài xế chi nhánh Jerusalem của Egged là bậc thầy cao cấp. Đôi khi sự thao diễn của hai chiếc xe buýt, chạy sát cạnh nhau trên một con đường hẹp nào đó của quận cổ Mea Shearim, trông như một tiết mục xiếc. Thật tò mò khi chứng kiến cảnh gặp đèn đỏ, tài xế xe buýt đạp phanh khiến nó như đứng trên hai bánh sau trên ngọn đồi dốc, và trải tờ báo lên tay lái, ông ta đọc lướt các tin tức mới.

Nếu nói về quyền hành và nghĩa vụ thì các bác tài của Egged không chỉ là chủ nhân, mà còn là người giải đáp. Hơn thế nữa, là người giải đáp tất cả: vì sao máy lạnh chạy yếu, vì sao hết vé, cho việc thay đổi thời biểu vận chuyển của xe buýt, cho câu hỏi tại sao hôm nay nóng thế. Ai không làm biếng đều có thể đưa ra yêu sách của mình. Thật tình thì họ rất chậm chạp trả lời cho từng người về việc họ nghĩ gì về anh ta và yêu sách của anh ta.

Tôi chưa bao giờ thấy người Israel chuẩn bị trước ở lối xuống trạm cần thiết. Ở đây không thể có những câu như: “Ông có xuống ga tiếp theo không?”, “Người trước ông có xuống không?”, “Còn cô gái phía trước cũng xuống chứ?”... - ở đây hành khách chỉ đứng dậy khỏi ghế của mình khi xe buýt đã dừng đúng trạm cần cho khách.

Và đây, một bà thím Israel bình quân tuổi trạc năm mươi sẽ đi như thế này trên phương tiện giao thông công cộng Jerusalem.

Bà ta lên xe ở trạm chợ Mahane Yehuda với mười lăm cái túi xách, rất từ tốn, chẳng mấy vội vã - hôm nay trời nóng. Công chúng phía sau không xô đẩy mà kiên nhẫn chờ cho bà ta đưa hết lên xe đống lủ khủ của mình. Tài xế cũng đợi. Thật ra, ông ta có thể buông ra những phản ứng, kiểu như: “Tôi còn đứng bao lâu nữa đây?”, hay “Bà mua hết cái chợ à?”, hoặc “Ai đó giúp bà ta cái, không tôi lên cơn mất”. Nhưng câu trả lời sẽ đến ngay lập tức, và không phải là dễ chịu nhất, vậy nên trong đa số trường hợp tài xế tức điên nhưng vẫn im lặng.

Còn bà ta, cuối cùng, cũng đã lên được xe, kéo theo tất cả những cái túi của mình và đổ phịch xuống băng ghế. Giờ đây, bà ta phải hạ ngay màn cửa sổ - hôm nay trời nắng. Bà ta thở hồng hộc, cố sức, rồi la lên: “Bác tài, tốt hơn ông hãy làm việc của mình, màn cửa của ông không hạ xuống!”. Ông ta nhìn gương, trả lời: “Ai đó kéo màn cho bà ta trước khi tôi làm lật xe buýt!”. Tất cả hành khách lao tới kéo rèm và cuối cùng, nhờ những nỗ lực chung, nó cũng buông xuống. Nói chung, có cảm tưởng như bà thím chuẩn bị đi, nếu không tới tận Haifa, thì ít nhất cũng đến trạm cuối.

Nhưng chỉ sau hai trạm, bà ta đã đứng dậy và chắn lối đi giữa các hàng ghế bằng cặp mông phì nhiêu của mình. Bà ta bắt đầu, không vội vã, buộc lại các túi.

Tài xế, nhìn thao tác của bà ta qua gương, đã thắng giật chiếc xe buýt, như người xà ích giật cương ngựa. Khi đó, bà thím sẽ hét lên đầy đe dọa: Rega! (từ có nghĩa nói chung là “ngay lập tức”, nhưng lại có thêm một tá nghĩa nữa tùy vào tình huống, thí dụ như “hãy đợi đấy”, “để tôi nói đã”, “để tôi làm”, “đừng cắt ngang”, “một phút thôi!”. Có một chuyện tiếu lâm Israel, một trong vô số chuyện về quân đội Israel: người Do Thái phóng tên lửa: “5, 4, 3, 2, 1... Rega... Rega... bắn!!!).

Và như thế, bà thím rớt được xuống vệ đường, nhưng túi xách của bà ta còn trên xe buýt. Và bà ta nhẩn nha nhận chúng từ tay của một thanh niên nào đó - đã ngán bà thím tới tận cổ và cần xe chạy đi.

Nhưng đúng vào những phút đó ở cửa trước hiện ra một bà thím hệt vậy với chục cái túi xách, gieo mình xuống băng ghế và việc đầu tiên là kéo lên cái rèm mới vừa được hạ xuống - bà ta thấy tối, và các tài xế ở những chiếc xe buýt này vĩnh viễn không chịu làm việc. Người tài xế, nhìn bà ta qua gương, hét lên “ai đó nhấc cái màn chết tiệt đó lên cho bà ta, không thì tôi nổi điên mất”. Trọn xe buýt vội vã lao tới kéo màn lên...

Đến Israel, tôi gần như nhận ra ngay rằng cuộc trò chuyện sôi nổi giữa hai người hoàn toàn không có nghĩa những người này là bạn bè hay thậm chí là người quen. Đơn giản là người Israel rất dễ bắt chuyện với bất cứ ai về bất kỳ đề tài nào. Hơn thế nữa, phản ứng với bất kỳ bước ngoặt bất ngờ nhất trong chủ đề cuộc trò chuyện đôi khi chấn động.

Và mặc dù tôi, xin nhắc lại là đã hiểu ngay điều đó nhưng cũng vài lần mắc câu bởi những ngữ điệu tuyệt đối gia đình, cho dù đó là cuộc trò chuyện thân thiện hay cãi vã.

Có lần tôi đang đi trên chiếc xe buýt 61. Một trạm dừng kế tiếp. Trên vỉa hè là một bé gái khoảng chín tuổi, sau lưng là cặp sách. Cô bé không vội lên xe.

- Sao?! - tài xế hỏi - Tôi còn đợi lâu không?

- Sau ông, chiếc tiếp theo mấy giờ đến? - đứa bé uể oải hỏi.

- Lên đi, đợi chiếc tiếp theo làm gì? - tài xế thốt lên.

- Không muốn... - đứa bé đáp.

- Lên xe đi, tao nói rồi! - tài xế đe dọa nói.

- Ông quấy rối đứa bé sao! - đâu đó từ những hàng dưới vang lên - Nó không muốn, cứ để nó không đi.

- “Để nó không đi” nghĩa là gì? Nó chẳng việc gì mà lang thang! - tài xế nổi khùng - Đi về nhà ngay, làm bài tập.

Đứa bé trên vỉa hè khi đó đã trả lời gì đó, đại loại như tự ông đi làm bài của mình đi, nếu lúc nào đó ông làm chưa xong...

- Cứ để nó đi chơi, còn ông hãy chạy theo lộ trình! - hành khách la ó, và chiếc xe buýt cuối cùng cũng rời khỏi trạm.

Còn tôi cần thêm mười phút nữa để nhận ra rằng bác tài xe buýt này chẳng phải là cha, là bác, thậm chí cũng chẳng là hàng xóm của cô bé đó...

Tôi không muốn vẽ lại đây những bức tranh dân gian về chủ đề siêu tình cảm của người Israel. Không có nó, cái siêu tình cảm đó, người Israel, theo các quan sát của tôi, là kiểu người thô bạo. Tôi nói chỉ ở góc độ tâm thế dân tộc, về tài năng và kỹ xảo nhanh chóng hòa nhập vào tình huống. Nó liên quan tới những trường hợp, nói một cách tương đối, giao tiếp tích cực lẫn các trường hợp giao tiếp tiêu cực. Công bằng mà nói tôi chỉ muốn bổ sung trong các trường hợp giao tiếp tiêu cực mà tôi chứng kiến ở đây, hai phía không bao giờ đi tới lằn ranh chỉ trích của sự nộ khí xung thiên mà tiếp đó sẽ là chuyện thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Những cuộc cãi vã của người Israel rất thường trông giống các cảnh trong hài kịch Ý.

Chúng tôi đợi xe buýt - tôi, một cậu bé và một bà thím mộ đạo nào đó đội tóc giả, với năm đứa bé. Xe buýt tới trễ (chuyện rất hiếm khi xảy ra), bọn trẻ hờn dỗi, quấy nhiễu mẹ, còn bà ta căng thẳng lớn tiếng chửi mắng chính phủ, công ty Egged và tài xế chiếc xe buýt trễ.

Cuối cùng ở khúc cua đã hiện ra chiếc xe trắng - đỏ. Bà thím, không ngưng mắng lúc nào, đưa mấy đứa trẻ lên xe buýt. Chúng liền lăn lộn trên xe như những hạt đậu, chiếm chỗ nào chúng thích, còn bà ta với đứa bé ẵm trên tay ngồi xuống băng ghế trước, tiếp tục lớn tiếng rủa xả.

- Bà la gì vậy? - tài xế đáp lời khá thân thiện - Tôi có tội gì chứ. Tôi đến theo lịch trình, nhưng ai đó trước tôi đã không về đúng...

Bà thím tiếp tục những lời buộc tội lớn tiếng đơn điệu. Bộ tóc giả của bà ta lệch sang một bên, đứa bé sơ sinh trên tay bà ta ré lên, nhưng đơn giản là bà ta đã rơi vào vùng xoáy và không cách nào thoát ra khỏi nó.

Bác tài còn cố gắng giải thích gì đó với bà ta trong vài phút, nhưng bà ta đã nổi điên. Cuối cùng, ông ta nói:

- Xong, con mụ kia, cuộc họp Knesset (Quốc hội Israel - ND) kết thúc. Ngay sau lời ông ta là cú bùng nổ những lời thóa mạ, nhưng dẫu sao vẫn là làm rõ mối quan hệ quy ước.

- Nghe này, - ông ta giận dữ nói - đi giặt đồ đi, nhà mụ đầy quần áo đang ngâm.

Đáp lại, bà thím nâng lên thêm quãng tám và tăng tốc độ, thế nên tôi đã không thể hiểu bà muốn gì ở ông ta...

- Đi giặt đồ đi - ông ta hét lên - Đi làm việc của mình đi, đồ tối dạ!

Khi đó, những hành khách còn lại liền tham gia vào cuộc song tấu, những người: a) phát ốm vì cuộc cãi vã này; b) muốn về tới nhà không gặp tai nạn.

Nói chung, các hành khách còn lại đã tìm cách cùng lúc mắng cả con mụ kia lẫn người tài xế, thế nên với tôi, ít nhất tôi cũng không hiểu họ đứng về phe nào.

Và thế, chúng tôi vừa gây sự, vừa chạy tới nơi. Kết cục, khi bà thím bước xuống, ai đó trong hành khách đã đỡ bọn trẻ từng đứa xuống cho bà ta, còn chính tài xế vừa giúp đưa cái xe đẩy gấp lại xuống vỉa hè vừa tiếp tục chửi rủa điên cuồng.

Sau “Aliya vĩ đại” của thập niên 90, trong số các tài xế của Egged xuất hiện các cựu công dân Xô viết. Bạn nhận ra họ không chỉ qua biểu cảm của gương mặt, mà còn cả phong cách kiềm chế gò bó. Tuy nhiên, tôi cũng bắt gặp những cú “cướp cò” vui nhộn.

Jerusalem mùa đông năm 91 không khác mùa đông nước Nga. Đại đa số người Israel lần đầu tiên trong đời nhìn thấy nhiều tuyết như thế trên đường phố Jerusalem.

Đối với nền vận tải thành phố, có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử tồn tại của Egged có một mùa đông khủng khiếp như thế. Có những ngày xe buýt tê liệt vì những đống tuyết vướng, vì băng phủ đường. Những cựu dân Moskva và Leningrad chỉ nhún vai, người gốc Norilsk và Permyak thì mỉm cười chế giễu. Nhưng một sự hoang mang tuyệt đối đã bám rễ vào dân Israel.

Vào một trong những ngày như thế, tôi đi xe buýt ở Jerusalem. Tài xế là một người Israel điển hình - một dân làng tóc hung chắc nịch đội mũ chỏm dệt - chậm chạp lái chiếc xe buýt trên con đường trắng xóa. Đứng ngay sau lưng ông ta là một người nhỏ thó gầy gò siêu Chính thống giáo trang bị tận răng - mũ đen, thắt lưng đen, đôi ủng tiện nghi màu đen, và giật giật những lọn tóc. Ông ta không ngừng lầm bầm bên tai tài xế:

- Coi chừng, coi chừng! Chậm lại, bình tĩnh! Người tài xế thỉnh thoảng lại cáu kỉnh bảo ông ta ngồi xuống, đừng làm tài xế căng thẳng. Nhưng con người nhỏ bé đó, bị choáng ngợp bởi mùa đông chưa từng thấy, run rẩy bấu các ngón tay vào tay vịn, tiếp tục yêu cầu lái xe chậm lại bằng giọng khẩn cầu.

Có một phút chiếc xe trượt trên băng, nhưng tài xế ngay lập tức giữ nó thăng bằng. Nhà Chính thống giáo tội nghiệp xanh mặt và rít khẽ như châu chấu. Trong cái ấp úng gần bất tỉnh chỉ nghe được: “bình tĩnh - chậm lại - bình tĩnh - chậm lại”.

Tài xế bèn thắng xe lại và quay về phía nhà Chính thống giáo đang run rẩy tận tâm can, nói rõ to bằng tiếng Nga:

- Biến đi, ác thần! Tao đã từng lái xe 15 tấn trong rừng taiga!

Tất cả hành khách lặng người trong khoảnh khắc, và cả nửa xe buýt - “những người Israel mới” - phá lên cười ha hả đúng nghĩa đen.

Còn nhà Chính thống giáo đáng thương bất lực nhìn quanh các hành khách, đôi môi không quen với băng giá vẫn đang lầm bầm gì đó...■

Phan Xuân Loan (dịch)

Dina Rubina (sinh 1953), nhà văn Nga, tác giả kịch bản. Chuyển sang Israel sinh sống từ 1990. Giải thưởng Sách lớn năm 2007 cho tiểu thuyết Bên phố nắng. Giải thưởng Portal (2009) cho tiểu thuyết giả tưởng hay nhất Chữ viết tay của Leonardo...

Truyện ngắn Xe buýt Jerusalem nằm trong tuyển tập truyện ngắn về Israel. Trong một trả lời phỏng vấn, bà nói mình may mắn khi sống ở Israel, vì sự nghiệp của bà nằm ở thể loại bi hài, và đất nước Israel “sống trong thể loại này”.

Nhà văn Dina Rubina. Ảnh: Kp Irkurtsk
Nhà văn Dina Rubina. Ảnh: Kp Irkurtsk

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận