Dịch bệnh: Thuốc thử cho sự trưởng thành của các xã hội

PHAN XUÂN LOAN 30/03/2020 21:03 GMT+7

TTCT - “Du lịch cà phê”, “Ngoại giao khẩu trang”, “Covidiotic”, “Infodemia”… chắc chắn đó chỉ là một trong số rất nhiều những từ - cụm từ mới (hay những meme, những “lời có cánh” - sao cũng được) một khi nhân loại đi qua đại dịch này…

Số người nhiễm virus corona chủng mới trên toàn thế giới tăng đến độ những con số dường như không còn khả năng đong đếm, đặt con người trước một thực tế hoàn toàn mới và những ngữ nghĩa mới.

Như cụm từ “du lịch cà phê” ám chỉ hành động để tránh lệnh đóng cửa quán xá ở nước mình, ai đó đã bước một bước qua biên giới nước khác - vẫn chưa cấm đoán quán xá - chỉ để… uống cà phê, vô hình trung đem virus sang nước khác (như giữa Bỉ và Hà Lan).

Hay để chê trách những ai bất cẩn gieo họa, những ai vơ vét giấy vệ sinh, người ta nghĩ ra “thằng ngu Covic” (Covidiotic). 

“Ngoại giao khẩu trang” là cái lắc đầu nghi hoặc, tự hỏi gương mặt thật nào ẩn sau chính sách ngoại giao của những chiếc khẩu trang sẻ chia tốt đẹp.

“Infodemia” là nạn tin đồn, tin nửa hư nửa thực đến tin giả, tràn lan và nguy hiểm không thua đại dịch...

Nhưng vẫn còn nhiều thực tế khó thể gói trong những đơn vị ngữ nghĩa. Như cảm giác bất lực của những bác sĩ chứng kiến những bệnh nhân già nua của mình cô độc ra đi không một người thân bên cạnh. Hay những hàng áo quan nằm chờ được đưa đi, tất cả như nhau bất kể cuộc đời nào - phi thường hoặc tầm thường - đang bị lãng quên trong đó...

Trong một phòng chăm sóc đặc biệt tại Brescia (Ý) ngày 17-3-2020. Ảnh: AFP
Trong một phòng chăm sóc đặc biệt tại Brescia (Ý) ngày 17-3-2020. Ảnh: AFP

Những cuộc tranh cãi

Ấy thế mà chúng ta vẫn còn tranh cãi đấy. Đại dịch này như một thứ thuốc thử. Cho nhiều giá trị.

Hai nước láng giềng, hai chính sách đối phó Covid-19 khác hẳn nhau, như chuyện giữa Đan Mạch và Thụy Điển. Đan Mạch là một trong những quốc gia đầu tiên trong khối EU thực hiện chính sách phong tỏa, đóng cửa trường học, nhà hàng, quán cà phê, cấm tụ tập quá 10 người. Thụy Điển cho rằng đóng cửa biên giới là giải pháp cực đoan, mang tính chính trị.

Trong cách “tiếp cận chậm” hơn như nhận định của tờ báo Đan Mạch The Local, Stockholm tuy cho các trường trung học cuối cấp và đại học được học online nhưng vẫn mở cửa nhà trẻ, trường cấp I. Lý do là nếu đóng cửa sẽ “mất một lực lượng lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đến mức hoàn toàn không thể chấp nhận...”, mặt khác “trẻ em không tới trường sẽ gặp những người khác, gia tăng khả năng lây nhiễm...” - theo nguyên văn lời của chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Thụy Điển Anders Tegnell mà các quyết sách của Stockholm đang dựa vào.

Đến ngày 20-3, khi số người chết ở Ý đã lên tới gần 4.000 người, các quán bar, cà phê Thụy Điển vẫn mở cửa. Lập luận của Thụy Điển là “khi sự lây nhiễm đã lan rộng khắp châu Âu, việc cấm đoán đi lại sẽ không còn hiệu quả” (vẫn theo lời ông Tegnell). 

Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke thứ hai tuần trước nói rằng những bước đi của Copenhagen “không được xác chứng bởi những luận cứ y học nào” bởi dịch bệnh quá mới, nhưng bà Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho rằng “nếu đợi đến khi có đầy đủ chứng cứ thì sẽ quá trễ”, và bà nhận hoàn toàn trách nhiệm cho quyết định phong tỏa của mình.

Thụy Điển vốn tự hào về việc các cơ quan chính phủ nước này hết sức độc lập, kể cả khi chính phủ là người ra quyết định thì vẫn “khó có khả năng chống đối những quan chức (y tế) thận trọng”.

Theo ông Tegnell, có thể sự khác biệt về nhân khẩu học đã ảnh hưởng tới việc ra quyết định giữa Copenhagen và Stockholm: mật độ dân số Thụy Điển là 25 người/km2, trong khi ở Đan Mạch là 137 người/km2 (mặc dù phần lớn dân số Thụy Điển tập trung ở các thành phố lớn). 

Nhưng mặt khác, cuộc khủng hoảng coronavirus đã bộc lộ sự khác biệt văn hóa sâu sắc giữa hai nước dù cả hai gần như nói cùng một ngôn ngữ, chia sẻ nhiều điểm chung về lịch sử và văn hóa: đó là “sự khác biệt về hệ thống xã hội và cách thức người dân phản ứng trước đại dịch”. 

Liệu Đan Mạch có phản ứng “quá nhanh”, “quá tay” không, ông Tegnell nói hãy chờ “cho tới khi mọi việc kết thúc” .

Đến tối chủ nhật, 22-3, khi Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven trong lần xuất hiện hiếm hoi trên truyền hình vẫn chỉ kêu gọi người dân góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh bằng cách “nâng cao ý thức cá nhân và hi sinh gì đó trong đời”. Vẫn chưa có những biện pháp triệt để hơn, mặc dù số bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt ở Stockholm đã tăng trong cuối tuần qua và các quan chức y tế đã bày tỏ lo âu về việc thiếu nhân lực y tế và dụng cụ bảo hộ, trên số người nhiễm ở nước này là 1.906 ca được xác nhận, và 21 ca tử vong.

Đại dịch không chỉ là thứ thuốc thử cho sự trưởng thành của các hệ thống xã hội hay kỹ năng lãnh đạo. Nó còn là thứ giấy quỳ đạo đức cho những người đang ở tuyến đầu của cuộc chiến này. Chọn lựa đạo đức nào khi phòng hồi sức đã quá tải và các bác sĩ phải quyết sẽ cứu những ai?

Đó cũng là cuộc bàn luận giữa những chuyên gia Pháp và Thụy Sĩ. Pierre Delmas-Goyon, thẩm phán và thành viên của Ủy ban Cố vấn quốc gia Pháp về đạo đức (CCNE), ngày 13-3 đã đưa ra các khuyến nghị về vấn đề này: “Hãy làm thế nào để nếu bị buộc phải lựa chọn, đó sẽ không phải là lựa chọn có tính đạo đức”. Nói nôm na là phải làm sao để đừng đi tới lựa chọn này.

Samia Hurst, bác sĩ - giáo sư về đạo đức sinh học tại Đại học Geneva, cho biết Thụy Sĩ đồng tình với Pháp trong vấn đề này. Để tránh phải đưa ra lựa chọn đau thương đó, một mặt Thụy Sĩ hạn chế những giao tiếp xã hội để giảm người nhiễm bệnh: đóng cửa trường trung học, đại học, nhà hàng và nhà hát, kể cả cho sinh con tại nhà...; mặt khác, “các bệnh viện có thêm thời gian chuẩn bị, tăng khả năng tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19”.

Nhưng nếu vẫn phải đứng trước thảm trạng này thì CCNE khuyến nghị thành lập những nhóm hỗ trợ đạo đức tại các bệnh viện Pháp, gồm các chuyên gia khoa học và những đại diện của xã hội dân sự, để có thể “hỗ trợ hoặc giảm bớt gánh nặng cho đội ngũ y tế, đưa ra những quyết định có thể chấp nhận được đối với xã hội”.

Về khoản này, Thụy Sĩ đã đi trước Pháp. Nhiều năm qua ở nước này đã có các đơn vị hỗ trợ đạo đức y tế hoạt động trong các bệnh viện, trong đó có thành viên của xã hội dân sự. Theo bà Samia Hurst, khi dịch Covid-19 nổ ra, những đơn vị này đã được tổ chức để đối phó với dịch bệnh.

Một bài báo trên tạp chí y học Anh (British Medical Journal) ngày 9-3 nêu rõ, để giảm thiểu sự tùy tiện, đảm bảo tính nhất quán, công bằng và minh bạch trong các quyết định thì không bao giờ được “ra quyết định một mình”.

Và ở Thụy Sĩ có những thông số để các chuyên gia tham khảo khi đưa ra giải pháp. Các thông số là như nhau cho tất cả mọi người. Thừa nhận “tuổi tác là một vấn đề nhạy cảm”, nhưng Thụy Sĩ cho rằng “chỉ nên sử dụng nó như một tham số chứ không phải một tiên lượng”, như tờ Le Temps tóm tắt.

Nơi an toàn nhất

Để không trở thành gánh nặng lựa chọn cho những người đang ở tuyến đầu, giải pháp được hô hào là tránh tiếp xúc và ở yên tại chỗ. Và vẫn có những người tuyệt đối an toàn những ngày đại dịch, ít ra cho đến giờ này.

Nhà báo Charles Lescurier “ganh tị” viết trên Le Figaro: “Đó là... ba phi hành gia trên trạm vũ trụ quốc tế... Nhìn từ trên cao, chúng ta, như các vi khuẩn, dường như vô hình với họ, rất xa xôi với thế giới của họ... Họ quét qua Trái đất ở độ cao 400km với tốc độ 27.000km/h. Ba người này bao gồm chỉ huy cuộc du hành ISS-62, Oleg Skrypochka, người Nga, và hai phi hành gia Mỹ Andrew Morgan và Jessica Meir. Họ đã cất cánh vào tháng 7 và tháng 9-2019, khá lâu trước khi xuất hiện coronavirus, dự kiến trở lại vào ngày 17-4-2020 trên tàu vũ trụ Soyuz MS-15”.

 

Hoặc là 110 thủy thủ trên các tàu ngầm hạt nhân ở đâu đó dưới độ sâu 300m ở đại dương. Được cho là lực lượng sẵn sàng ứng phó mọi cuộc tấn công, đảm bảo cuối cùng cho các lợi ích sống còn của đất nước mình, họ bị cắt khỏi thế giới và chỉ nhận được những tin nhắn gia đình gói trong 40 từ mỗi tuần. Tất cả tin nhắn đã qua sự kiểm duyệt của chỉ huy, bởi không một tin nhắn nào được phép làm suy yếu tinh thần của họ. Thời gian trung bình cho mỗi ca trực của họ là 70 ngày.

Hay 1.500 nhà khoa học và chuyên gia hậu cần ở Nam Cực đóng trong khoảng 50 căn cứ. Hoặc chưa tới 10.000 người thuộc hàng trăm dân tộc “không tiếp xúc” rải khắp thế giới. Họ không có những liên hệ hòa bình với đại diện của xã hội thống trị và cũng không muốn điều này.

Ở quần đảo Andaman trên Ấn Độ Dương có bộ tộc Sentinel chừng 150 người và cự tuyệt bất cứ liên hệ nào với những đồng loại khác. Hay các bộ lạc như Yali hoặc Dani sống ở vùng núi không thể tiếp cận của New Guinea. Nhưng hầu hết những dân tộc “không tiếp xúc” này sống ở vùng Amazon, tại Brazil hoặc trên lãnh thổ Peru, ví dụ bộ lạc Mashko-Piro... Họ sẽ là những người sống sót qua đại dịch.

Liệu chúng ta, quá quen với toàn cầu hóa, với Internet, có thể sống sót như họ, những người sống biệt lập, không thấy thiếu những chầu ngồi cà phê, những buổi tụ tập bạn bè? “Capacity to be alone” (năng lực ở một mình) - lại một cụm từ nữa con người phải nhớ lại trong thời đại dịch.

Dù khái niệm này được nhà phân tâm học người Anh Donald Woods Winnicott (1896-1971) đưa ra lâu lắm rồi, nhưng khi thế giới đứng trước khả năng “xóa bài làm lại”, con người cũng nên tự vấn chính mình. Bởi đây là thời khắc, như thủ tướng Thụy Điển trong bài phát biểu trước quốc dân tối 22-3, khẳng định: “Sẽ có vài khoảnh khắc quyết định trong đời mình, khi bạn phải hi sinh, không phải vì chính mình, mà vì những người khác xung quanh bạn, vì đồng bào và đất nước bạn. Khoảnh khắc đó là bây giờ. Ngày ấy đã đến”.■

Giấy quỳ của đại dịch còn chỉ ra những nghịch lý của thời đại. Tổng thống Trump đề nghị hỗ trợ Bắc Triều Tiên và Iran trong đại dịch, cho dù đồng minh bao đời nay của Mỹ là EU đang khó khăn. 

Trong khó khăn, sự hỗ trợ đến với Ý không phải là từ các nước cùng một khối, hoặc từ đồng minh lớn là Mỹ, mà là Cuba, Trung Quốc. 

Tương tự, cùng nằm chung trong một khối Liên Xô cũ, Ukraine trong khó khăn lại kêu gọi... Đức hỗ trợ các bộ kit xét nghiệm, thay vì nhờ vả Nga.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận