Nỗi tiếc nuối cho khoa học nghiên cứu hang động của Việt Nam

THƯ HIÊN 01/04/2020 17:04 GMT+7

TTCT - Không chỉ chuyên gia người Anh Howard Limbert mới còn nguyên vẹn ký ức lần đầu tiên đến Quảng Bình khảo sát hang động tròn 30 năm trước (TTCT số 10-2020). PGS Vũ Văn Phái, nguyên chủ nhiệm bộ môn địa mạo, khoa địa lý Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng nhớ rất nhiều kỷ niệm đẹp khi lần đầu gặp gỡ và sau đó đồng hành với nhóm ông Howard trong suốt 20 năm tiếp theo.

Tháng 9-1989, ông Howard Limbert gửi thư cho ĐH Tổng hợp (nay là ĐH Quốc gia Hà Nội) bày tỏ dự định vào VN khảo sát hang động, mong muốn được các nhà khoa học của trường hỗ trợ. Lãnh đạo trường chuyển thư về khoa, khoa chuyển về bộ môn địa mạo, bộ môn gửi thư đồng ý, thế là ông Howard tổ chức đoàn sang VN vào tháng 3-1990. “Ngay trong chuyến đầu tiên đó, tôi đã được bộ môn cử đi cùng nhóm ông Howard” - ông Phái nói với TTCT.

Từ đó về sau, cứ 2 năm một lần, đoàn của ông Howard lại sang VN. Ngoài ông Phái, phía VN còn có tiến sĩ Phạm Duy Ngà (trưởng phòng hành chính quản trị) và giáo sư Nguyễn Quang Mỹ (chủ nhiệm bộ môn), hai người con Quảng Bình.

Ông Howard Limbert và vợ (phải) làm việc với lãnh đạo trường ĐH KHTN -  ĐHQG Hà Nội năm 2012. Ảnh: PGS Vũ Văn Phái

Những năm 1989-1990, khi đất nước mới mở cửa, việc cho phép và dẫn một nhóm người nước ngoài, lại là từ nước tư bản sang, đi sâu vào trong rừng, theo PGS Phái không phải là quyết định táo bạo. “Việc giấy tờ, thủ tục cho đoàn vào là anh Mỹ làm. Tính cách anh Mỹ xởi lởi, dễ gần nên đến chỗ nào người ta cũng hồ hởi giúp. Hơn nữa anh Mỹ là người Quảng Bình, mà việc này anh Mỹ ý thức là làm điều tốt cho quê hương Quảng Bình, nên khi về gặp lãnh đạo Quảng Bình, anh Mỹ biết cách làm cho họ hiểu mà giúp” - ông chia sẻ.

 Ông Phái kể tiếp một kỷ niệm đẹp: “Năm 1992, sau khi trở về Anh, ông Howard viết bài cho một cuốn du lịch quốc tế, giới thiệu ở VN có một hang Phong Nha - Kẻ Bàng như thế. Nhờ vậy mà năm 1993, lần đầu tiên có khách nước ngoài đến du lịch ở Phong Nha, đó là mấy ông bà khách người Pháp. Thế là năm 1994, khi đoàn vào Đồng Hới trước khi lên Phong Nha thì đích thân ông Trần Hùng, lãnh đạo ngành du lịch Quảng Bình hồi đó, tiếp đoàn. Chúng tôi được công ty du lịch của tỉnh mở tiệc chiêu đãi, được uống bia thả cửa, mà hồi đó được uống bia thả cửa nghĩa là tiệc to lắm. Ông Trần Hùng nói “tôi vui quá bởi du lịch nước ngoài đã về đến Quảng Bình”. Trong lúc ông ấy vui thế thì chúng tôi nói anh nên tư vấn với tỉnh, lấy mỡ nó rán nó, cải tạo một con đường từ Đồng Hới lên Phong Nha”.

TỪNG BỊ TƯỞNG ĐI TÌM VÀNG VUA THÀNH THÁI

Theo ông, bộ môn địa mạo đã thấy được lợi ích gì khi quyết định hỗ trợ nhóm ông Howard khảo sát hang động VN?

- Khi đó chúng tôi thấy địa lý nước mình vùng đá vôi (karst) nhiều, lắm hang động nhưng chưa khai thác và nghiên cứu được. Muốn nghiên cứu thì phải có trang thiết bị. Chúng tôi làm gì có trang thiết bị, kể cả có tiền cũng không biết mua ở đâu. Chúng tôi đã thuyết trình lên các cấp trên như thế để họ chấp nhận cho đoàn nước ngoài vào.

Đó là về phía các nhà khoa học, còn phía các cơ quan hành chính thì các ông có phải thuyết phục họ nhiều không?

- Chính ra hai lần đầu, năm 1990 và 1992, tuy cũng khó (như mọi thủ tục liên quan tới người nước ngoài hồi ấy) nhưng không khó như cái lần năm 1994. Đoàn của ông Howard muốn trở lại Quảng Bình và bị nghi là có khả năng đi tìm vàng của vua Thành Thái, vì hồi đó trong dư luận dấy lên tin đồn vua khi chạy Tây đi qua hang Phong Nha đã giấu vàng trong đó. Vì thế khi làm thủ tục cho đoàn vào VN, chúng tôi gặp rất nhiều trắc trở. Đi đến đâu chúng tôi cũng được hỏi có phải nhóm này vào VN tìm vàng mà vua Thành Thái cất giấu không. Nhưng anh Mỹ đã thuyết phục được Bộ Nội vụ (lúc đó ngành công an nằm trong Bộ Nội vụ) chấp nhận cấp visa vào VN cho các thành viên của đoàn.

Trong những chuyến đi cùng đoàn của ông Howard, chuyến đi nào để lại cho ông ấn tượng đặc biệt?

- Phải kể ngay đến chuyến đi năm 1997. Đó là năm rất thành công. Họ đo được hang Phong Nha - Kẻ Bàng dài hơn 30km. Rồi phát hiện một hang sông dài nhất khu vực Đông Nam Á, hang Khe Ri, chiều dài tới 19km. Trong quá trình đo vẽ hang này, đoàn thám hiểm toàn phải lội. Liên quan tới việc phát hiện hang Khe Ri này mà đoàn gặp phải sự cố.

Hôm đó tôi không vào hang mà ở lại lo hậu cần vì theo kế hoạch, ngày hôm sau đoàn sẽ lên tàu ra Hà Nội. Thậm chí hôm đó chúng tôi còn định liên hoan to, có đốt pháo hoa. Khoảng hơn 4h chiều, tôi thấy công an đến tìm mình thì chột dạ, đoán là có việc gì rồi. Đúng là có việc, một rắc rối to. Theo mấy anh công an, đồn biên phòng 44 (ở xã Thượng Trạch) điện về cho biết do có mưa đột ngột ở thượng nguồn nên lũ tràn về và hai ông người Anh đang bị mắc kẹt trong hang Khe Ri.

Tôi gọi điện cho anh Chiết, phụ trách ban quản lý di tích danh thắng tỉnh, nhờ anh ấy ra báo với ga Đồng Hới hoãn lại vé chiều hôm sau ra Hà Nội cho toàn đoàn. Toàn bộ bữa liên hoan hôm đó tôi tháo khoán cho tất cả anh em và bà con vào ăn. Rồi tôi kiểm đếm số đất đèn (hồi ấy đèn chiếu sáng phải dùng đất đèn để đốt), còn khoảng 15-20kg, nhờ hai anh địa phương 4h sáng hôm sau cõng vào hang Khe Ri. Từ chỗ chúng tôi ở (UBND xã Phong Nha thời đó) vào đồn 44 hơn 20km, nếu không đi nhờ được xe của quân đội hoặc xe lấy gỗ, lấy đá thì đi bộ mất 4 tiếng. Từ đó vào cửa hang Khe Ri mất 2-3 tiếng nữa. Nếu đi bộ hết thì mất tổng cộng 6-7 tiếng mới tới nơi. Sắp đặt xong thì tôi thức chờ vì không thể ngủ được.

Khoảng 1h sáng thì nghe tiếng xe, rồi đèn pha chiếu thẳng vào văn phòng UBND xã Phong Nha. Tôi linh cảm là tin vui. Quả thế. Họ ào xuống xe, chúng tôi hoan hỉ vui mừng ôm nhau sung sướng.

PGS Vũ Văn Phái (phải) trên đường vào hang Sơn Đoòng năm 2010. Ảnh: NVCC
PGS Vũ Văn Phái (phải) trên đường vào hang Sơn Đoòng năm 2010. Ảnh: NVCC

“TIẾC CHO NỀN KHOA HỌC NGHIÊN CỨU HANG ĐỘNG VIỆT NAM”

Trong các chuyến đi đó, phía VN đều có các nhà khoa học đi cùng. Vậy các ông có tranh thủ làm gì đó cho khoa học không?

- Cá nhân tôi thì có. Tôi tranh thủ làm việc, xem cách thức họ nghiên cứu thế nào. Nghiên cứu vùng karst là một lĩnh vực mới, mà đất nước mình mênh mông hang động. Giờ tôi nghỉ hưu rồi nhưng tôi vẫn đang nợ đất nước này về vấn đề nghiên cứu vùng karst, mặc dù nhờ có nhóm ông Howard mà tôi được đi rất nhiều.

Vì sao lại thế, khi ông là người đi cùng nhóm ông Howard, mà nhờ nhóm đó hang động VN được thế giới biết đến?

- Tôi và các đồng nghiệp của mình đi cùng thôi, chứ không hẳn là làm việc cùng. Cá nhân tôi chẳng hạn, công việc chính là nghiên cứu bờ biển. Về việc này, tôi nghĩ là mình làm tốt. Còn nghiên cứu về vùng karst thì tôi làm được rất ít. Bởi đi theo nhóm ông Howard là chưa đủ, còn phải đầu tư thêm về thời gian, tâm trí, rồi phải có nhóm làm việc cùng. Mà lớp trẻ thì họ không quan tâm. Thậm chí có một số học trò của chúng tôi sau khi đi cùng đoàn ông Howard về thì còn nói với lứa sau rằng nghề này đi khổ lắm, đừng có dại mà đi nữa! Tôi nghe vậy chỉ buồn chứ không trách, vì đúng là đi vào nghề này khổ lắm, vất vả lắm.

Có vẻ như nghiên cứu về karst của các nhà khoa học trong nước cho đến giờ vẫn gần như trống trải? 

- Đó là một thực tế đáng buồn. Đúng là các nhà khoa học VN không mặn mà với lĩnh vực này. Số người chuyên sâu về nó đã ít, rồi họ lại toàn bỏ nghề. Có một anh bạn tôi, khi tốt nghiệp ĐH xong thì cũng chuyên về karst. Anh ấy làm bên Viện Khoa học VN (sau này là Viện hàn lâm Khoa học công nghệ VN), cũng nghiên cứu khá nhiều về khu vực Lạng Sơn. Năm 1992, tôi định mời anh ấy đi theo đoàn của ông Howard vì anh ấy thông thạo về karst hơn tôi. Nhưng rồi anh ấy nhận được quyết định sang Tiệp Khắc (cũ) thực tập sinh một năm, sau khi đi thực tập sinh ở Tiệp về thì anh ấy bỏ nghề. Trước đó ở ta cũng có một anh làm luận án phó tiến sĩ bên Ba Lan về karst VN, nhưng nhận xong bằng phó tiến sĩ thì anh ấy bỏ nghề nghiên cứu.

Viện Địa chất của Viện hàn lâm Khoa học công nghệ VN có hẳn một Trung tâm karst và hang động, nhưng hoạt động của họ cũng không ăn thua. Cho đến nay, những nghiên cứu về karst của mình còn cực kỳ yếu, chưa có một ai chuyên về karst. Công bố về karst trên tạp chí quốc tế uy tín là gần như không có, nếu có thì cũng chỉ là ghé tên vào. Cá nhân tôi cũng có một số bài về karst nhưng chủ yếu đăng ở tạp chí trong nước, duy nhất có một bài đăng ở kỷ yếu hội nghị khu vực Đông Nam Á về karst năm 2010.

Cảm ơn ông.

Câu chuyện tiếng Anh

“Hồi ấy, trình độ tiếng Anh của cán bộ khoa học ở ta nói chung đều kém. May là trong bộ môn có anh Nguyễn Xuân Trường, người từng được đi học một năm ở Thụy Điển, nên tiếng Anh cũng khá. Bộ môn giao cho anh ấy soạn thảo một bức thư trả lời với nội dung đồng ý chấp nhận việc hỗ trợ đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh khảo sát hang động VN” - ông Phái nhớ lại.

Nếu lúc đó chỉ mỗi ông Trường biết tiếng Anh thì về sau các nhà khoa học trong bộ môn giao tiếp với nhóm ông Howard thế nào? Ông Phái chia sẻ chân tình: “Thì phải tự học, để sau đó chúng tôi còn giúp họ phiên dịch khi giao tiếp với dân và chính quyền địa phương. Năm 1992 tôi đi nhánh Lạng Sơn. Vì thế mà trong báo cáo của họ có dòng này: trình độ tiếng Anh của ông Phái là quá kém. Họ viết thẳng như thế vào báo cáo. Tôi vẫn giữ báo cáo đó. Vì chúng tôi đều mới tập tọe, tự học cả. Năm 1997 tôi sang Anh, gặp lại cái cậu viết báo cáo ấy, cậu ấy ngạc nhiên: Ơ, tiếng Anh của ông tốt đấy. Chứ còn năm 1992 thì ú a ú ớ lắm”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận