Những chấn thương tâm lý thời dịch bệnh

YÊN LAM 21/04/2020 17:04 GMT+7

TTCT - Không chỉ những biến cố như chiến tranh hay thiên tai thảm khốc mới gây sang chấn tâm lý. Dịch bệnh, mà cụ thể là đại dịch toàn cầu COVID-19, cũng thế. Nỗi sợ lây nhiễm và lo lắng lỡ như người thân mắc bệnh là thuốc độc cho sức khỏe tâm thần của nhiều người.

Ảnh: Stuart Briers
Ảnh: Stuart Briers

Ta có thể nhiễm bệnh không? Liệu trong số những người thân yêu của ta sẽ có người dính virus corona? Đời sống, chuyện công việc, học hành, nền kinh tế sau này sẽ ra sao? Sự bất định đã len vào từng lĩnh vực đời sống, và như thể vẫn còn chưa đủ, các biện pháp cách ly hay giãn cách xã hội lại làm gia tăng thêm cảm giác cô đơn, bất an, thậm chí trầm cảm.

Theo tạp chí The Economist, cách ly hay giãn cách xã hội, dù là biện pháp cần thiết để làm chậm đà lây lan của dịch bệnh, đi ngược với bản chất của loài người - vốn xem việc chạm vào nhau và giao tế xã hội là những thứ thiết yếu.

Khủng hoảng đã hiện hình

1/5 nhân loại đang phải chịu một trong các biện pháp cách ly, bị phong tỏa, hay giãn cách xã hội, và những chấn thương tâm lý thời dịch bệnh đã hiện hình. Chẳng hạn, tại Ý, nơi có lệnh phong tỏa toàn quốc và 19.899 người chết tính đến hết chủ nhật tuần qua (12-4), có ít nhất hai y tá đã tự tử. Cả hai đều làm việc ở khu chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân COVID-19.

Theo Liên đoàn y tá Ý, một trong hai người, Daniela Trezzi, bị ốm sau khi rời bệnh viện về nhà và đã lo lắng rằng chính mình đã lây cho bệnh nhân, dẫn đến quyết định đau lòng là tự tử, dù giới chức y tế đã khẳng định cô không dương tính với virus corona. Tại Đức, Thomas Schaefer, bộ trưởng tài chính của bang Hesse, được cho là tự tử vì lo không gánh nổi hậu quả mà COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế.

Những câu chuyện đau lòng trên là hồi chuông cảnh tỉnh để thế giới quan tâm hơn về tác hại của dịch bệnh lên sức khỏe tâm thần của con người. Chẳng hạn, Cơ quan Sức khỏe cộng đồng Anh ngày 29-3 ban hành hướng dẫn bảo vệ sức khỏe thể chất và tâm thần trước virus corona. Cũng trong tuần cuối tháng 3, thăm dò của Hãng Ipsos mori cho thấy 62% dân Anh cho rằng ngày càng khó để nghĩ tích cực về tương lai so với trước khi dịch bệnh bùng phát.

“Người ta đang vật lộn với cảm xúc của mình tương tự như với nỗi lo kinh tế” - Andrew Cuomo, thống đốc bang New York, bang ảnh hưởng bởi COVID-19 nặng nề nhất nước Mỹ, nói hôm 21-3. Bốn ngày sau, thống đốc Cuomo cho lập đường dây nóng dành riêng cho những người bị đe dọa sức khỏe tâm thần vì dịch bệnh.

Ảnh: CNN

Ai dễ tổn thương?

Nhưng những ai dễ bị chấn thương tâm lý trong đại dịch này? Rõ ràng nhất có thể kể đến các nhân viên y tế - những người trực tiếp đối diện và chiến đấu với dịch bệnh. Tinh thần đồng đội, sự gắn kết ở bệnh viện có thể giúp nhân viên y tế vững tinh thần, song chiếc phao đó không còn nữa khi họ về nhà. Theo Dhruv Khullar - một bác sĩ ở New York, nhiều bác sĩ và y tá bị yêu cầu tự cách ly với gia đình vì họ có thể nhiễm bệnh.

Tại nhiều quốc gia, việc thiếu các trang thiết bị bảo hộ cũng khiến nhân viên y tế mệt mỏi, căng thẳng hơn vì công việc. Nicholas Christakis, giáo sư Đại học Yale, từng là bác sĩ khi dịch HIV/AIDS bùng nổ hồi thập niên 1990, cho biết ở thời điểm đó “các nhân viên y tế thực sự sợ rằng nếu phải chăm sóc bệnh nhân AIDS họ sẽ bị lây”.

Nhưng chí ít thời đó nhân viên có đầy đủ thiết bị bảo hộ, và “căn bệnh thế kỷ” không dễ lây lan như COVID-19. “Tình hình hiện nay giống như bắt lính cứu hỏa cứ khỏa thân mà lao vào tòa nhà đang cháy” - Christakis nói.

Còn ngoài lĩnh vực y tế thì sao? Những người cần lo lắng nhất, theo Jan-Emmanuel De Neve, giám đốc Trung tâm nghiên cứu sức khỏe thuộc Đại học Oxford, chính là “những người không chỉ mất việc làm và thu nhập mà còn mất luôn cả bản sắc cá nhân, các thói quen và phần nhiều các mối quan hệ xã hội”.

Họ là ai? Những người độc thân chỉ có niềm vui khi gặp gỡ bè bạn, những người con sống xa cha mẹ, giờ chỉ còn ta với ta vì giãn cách xã hội. Những người cần khí trời, không gian mở để tập thể dục, giao lưu với đội nhóm, giờ phải dành cả ngày trong không gian nhỏ hẹp ở nhà. Sinh viên, học sinh không còn đi đây đó với bạn bè mà ngồi nhà lên lớp học trực tuyến.

The Economist dẫn một thăm dò cho thấy 67% người Anh từ 18-34 tuổi, độ tuổi được cho là ít chịu nguy hiểm vì virus corona, cho biết khó có thể giữ tinh thần lạc quan, trong khi tỉ lệ ở người 55-75 tuổi lại thấp hơn, 54%.

Nếu các lệnh phong tỏa kéo dài, tính bằng tháng, người già sẽ thấm đòn nặng nhất. Ngay cả trước khi bị buộc phải ở suốt trong nhà, người lớn tuổi đã luôn cảm thấy cô đơn. Người già tìm vui từ việc gặp gỡ bạn bè và con cháu, và chút niềm vui còn sót lại đó đã bị các lệnh cách ly tước mất. Cụ ông 80 tuổi Alfredo Rossi ở Casalpusterlengo, một trong những khu vực bị phong tỏa đầu tiên ở Ý, cho rằng điều làm ông buồn nhất khi có lệnh phong tỏa là không thể thăm cháu ngoại, sống cách nhà chỉ 16km.

Phumzile Mlambo-Ngcuka, giám đốc Cơ quan Phụ nữ Liên Hiệp Quốc (UN Women), cho rằng phong tỏa cũng có thể làm tăng bạo hành gia đình do áp lực từ không gian sống và các lo ngại về an ninh, sức khỏe và tiền bạc.

Ngày 14-3, tập san y khoa uy tín Lancet đăng kết quả nghiên cứu điểm lại các công trình nghiên cứu về tác động tâm lý của việc cách ly, cho thấy ảnh hưởng của việc cách ly trong nhiều trường hợp có thể nghiêm trọng đến mức gây ra rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).

Chẳng hạn, nghiên cứu năm 2009 trên nhân viên bệnh viện ở Bắc Kinh, từng kinh qua dịch SARS năm 2003 cho thấy việc phải cách ly là một yếu tố dự báo liên quan đến PTSD. 

Một nghiên cứu khác năm 2013, yêu cầu các gia đình (cha mẹ và con cái) bị cách ly vì sống trong vùng có dịch SARS hoặc cúm H1N1 năm 2009 chấm điểm mức độ căng thẳng sau khi hết cách ly, và so sánh dữ liệu đó với những người bình thường. Kết quả, trẻ em của các gia đình trên có điểm hậu chấn thương tâm lý trung bình cao gấp 4 lần những em không phải đi cách ly. 

Trong số các phụ huynh phải cách ly, 28% cho biết có các triệu chứng đủ nghiêm trọng để được chẩn đoán có PTSD. Tỉ lệ này ở những người không bị cách ly chỉ là 6%.

Thời gian cách ly càng lâu thì tác động lên sức khỏe tâm thần càng tăng. Một nghiên cứu khác, cũng thực hiện trên những người phải cách ly vì SARS, cho thấy những người phải cách ly trên 10 ngày có xu hướng có các triệu chứng PTSD nhiều hơn rất nhiều so với người chịu cách ly dưới mốc thời gian đó.

Xoa dịu thế nào?

Không ai thấm thía sự cô độc, ở một mình trong không gian kín, xa lánh mọi thứ trong thời gian dài cho bằng những nhà du hành vũ trụ. Viết trên tờ New York Times, Scott Kelly - cựu phi hành gia từng có một năm sống trên Trạm không gian quốc tế - chia sẻ bí quyết để chống cô đơn: làm việc gì đó theo thói quen và viết nhật ký.

Kelly cũng khuyến khích mọi người nên ra ngoài nếu có thể. “Sau khi giam mình trong một không gian nhỏ hẹp nhiều tháng liền, tôi thật sự thèm thiên nhiên - những sắc xanh, mùi của đất, và cảm giác nóng ấm của ánh mặt trời trên mặt mình” - ông viết.

Robin Dunbar, nhà nhân chủng học và tâm lý học tiến hóa Đại học Oxford, cho rằng dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, con người vẫn luôn tìm ra cách để đối mặt với khó khăn. Hàng xóm có thể phiền hà nhưng trong khủng hoảng họ lại là niềm an ủi.

Abigail, nhân viên xã hội ở Brussels, vốn hay phiền lòng về những người hàng xóm - các sinh viên luôn bật nhạc ầm ĩ. Nhưng khi một mình ở nhà vì phong tỏa, Abigail mới có cơ hội hiểu hàng xóm hơn và vui vẻ đón nhận tiếng nhạc từ họ.

Nhân tính cũng lên ngôi trong đại dịch. Nhiều nhóm tình nguyện viên đã được thành lập ở các địa phương để giúp đỡ những người dễ bị tổn thương. Julianne Holt-Lunstad, chuyên gia nghiên cứu sự cô đơn thuộc Đại học Brigham Young, cho biết các nghiên cứu cho thấy những người biết rằng có người luôn động viên, hỗ trợ mình ít có xu hướng gặp căng thẳng hơn so với những người chẳng có ai. “Chỉ cần biết ta có ai đó để dựa vào là đủ để giảm việc tăng huyết áp và nhịp tim” - Holt-Lunstad nói.■

Khi ai ở nhà nấy thì giữ liên lạc qua gọi điện video cũng là một cách để xoa dịu cô đơn. Dẫu thế, Dunbar cho rằng những gì ta thấy qua màn hình máy tính hay điện thoại chỉ là phiên bản thay thế không hoàn hảo cho một cuộc gặp gỡ thực thụ ngoài đời.

“Gặp” bạn bè bằng cách nhìn hình ảnh nhòe nhoẹt, giật cục trên màn hình của nhau chỉ làm chậm lại tốc độ ăn mòn của mối quan hệ đó, chứ chẳng bao giờ có thể thay thế được trải nghiệm tay bắt mặt mừng, gặp nhau bằng xương bằng thịt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận