Xâm nhập mặn - xâm nhập ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long: Hãy đáp lại tiếng gọi thuận thiên

NGUYỄN HỮU THIỆN 25/04/2020 18:04 GMT+7

TTCT - Mùa khô năm nay, chỉ trong thời gian ngắn xuất hiện hàng ngàn vụ sụt lún ở một số địa phương, hư hại đường sá, nhà cửa, điển hình là ở hai vùng ngọt hóa là huyện Trần Văn Thời, Cà Mau (50.000ha) và vùng Gò Công, Tiền Giang (54.000ha). Điều gì đang xảy ra?

Sụt lún trên tuyến đường Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc, thuộc vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau. Ảnh: Tấn Thái
Sụt lún trên tuyến đường Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc, thuộc vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau. Ảnh: Tấn Thái

Lâu nay chúng ta thường nghe nói về “xâm nhập mặn”, tức là mặn xâm lấn vào vùng nước ngọt. Trong khi đó, các vùng ngọt hóa như ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) và vùng Gò Công (Tiền Giang) về bản chất là “xâm nhập ngọt” vào vùng mặn bằng cách nhân tạo, dùng biện pháp công trình.

Xâm nhập ngọt vào vùng mặn

Các vùng ngọt hóa ở huyện Trần Văn Thời và vùng Gò Công có đặc điểm chung là gần biển, xa nguồn nước ngọt. Trước đây khi chưa có dự án ngọt hóa, các vùng này có hai mùa luân phiên, nước ngọt vào mùa mưa, nước mặn vào mùa khô.

Huyện Trần Văn Thời không thuộc vùng nhận nước từ sông Cửu Long mà chỉ có nước mưa và nước biển. Vùng Gò Công vào mùa mưa có nước ngọt từ mưa và từ sông Tiền, nhưng đến mùa khô khi dòng chảy sông Cửu Long yếu thì vùng này mặn.

Hệ thống đê bao và cống đã được xây dựng để trữ nước ngọt sang mùa khô và ngăn không cho nước biển vào để ngọt hóa, tức là biến từ chế độ mặn - ngọt luân phiên theo mùa sang chế độ ngọt quanh năm. Việc ngọt hóa đã giúp tăng diện tích lúa, từ một vụ lên 2-3 vụ, tăng sản lượng lúa và hoa màu nước ngọt, hình thành các vùng chuyên canh rau màu, cây ăn trái, giúp tăng thu nhập người dân.

Nhưng đi kèm những lợi ích này, những điểm yếu của các dự án “xâm nhập ngọt” vào vùng mặn cũng dần xuất hiện. Điển hình là hiện tượng sụt lún trên diện rộng trong thời gian ngắn mùa khô 2020 ở huyện Trần Văn Thời và vùng Gò Công.

Bình thường, các vùng này có thể trữ nước trong mùa mưa dành cho mùa khô. Nhưng vào những năm cực đoan như mùa khô năm nay, mặn đến sớm, nên ngay đầu mùa vùng này đã phải “cách ly” sớm với vùng xung quanh và cách ly suốt mấy tháng mùa khô bằng cách đóng chặt cống không cho nước bên ngoài vào.

Nước ngọt trữ bên trong các kênh nội đồng không thể kéo dài vì bốc hơi, thất thoát nhanh. Khi nước trong kênh hạ, nước trong đất cũng bị rút ra theo. Khi cả kênh cạn, nứt đáy thì đất đã hoàn toàn khô kiệt, co ngót, giảm thể tích dẫn tới sụt lún.

Các vùng này trước khi ngọt hóa, vào mùa khô nước biển vẫn đóng vai trò giữ ẩm cho đất không bị co ngót, sụt lún. Nay nước mặn không được vào, nước mưa thì biến mất nhanh, đất không còn nước ngọt cũng không còn nước mặn.

Nhược điểm phô bày

Ở vùng Gò Công, việc đóng chặt các cống để trữ ngọt, ngăn mặn đã gây ra tù đọng, ô nhiễm nước, đặc biệt là ở những nơi tập trung dân cư như thị xã Gò Công. Càng về cuối mùa khô càng ô nhiễm nặng. Đầu mùa khô, do phải tích nước hoặc bổ sung nước, những vùng địa hình thấp bị ngập. Rò rỉ mặn khiến các công trình lâu ngày bị xuống cấp.

Ở huyện Trần Văn Thời, vì nước ngọt chỉ có một nguồn duy nhất là nước mưa, nên để có đủ nước ngọt cho mùa khô, vào mùa mưa phải đóng chặt cống, có khi tích thật nhiều nước mưa gây ngập toàn vùng. Hệ thống đê biển, đê cửa sông bị sạt lở, xuống cấp, các kênh bị bồi lắng, nước trong kênh bị ô nhiễm nặng vào cuối mùa khô.

Hiện tượng sụt lún toàn đồng bằng do sử dụng nước ngầm vẫn đang diễn ra. Nhưng vấn đề chung đó của toàn đồng bằng hoàn toàn khác với chuyện sụt lún cục bộ ở các vùng ngọt hóa như ở Trần Văn Thời và Gò Công năm nay vì hai chuyện này khác nhau về bản chất và nguyên nhân.

Chuyện sụt lún chung của cả ĐBSCL với tốc độ trung bình khoảng 1,1cm/năm (có các điểm nóng tốc độ đến 2,5cm/năm) diễn ra từ năm 1991 đến nay có nguyên nhân chính từ việc khai thác nước ngầm quá mức ở các tầng sâu, do vậy sụt lún diễn ra ngầm ở tầng sâu.

Còn chuyện sụt lún cục bộ trong các vùng ngọt hóa trong mùa hạn năm nay là sự co ngót đất ở tầng nông, không liên quan đến tình hình lún tầng sâu. Các vụ sụt lún mùa khô năm nay có hai đặc điểm chung.

Một là sụt lún có thể thấy được bằng mắt thường vì là sụt lún ở tầng nông, tức là tầng đất bề mặt, gây hư hại đường sá, nhà cửa. Hai là các vụ sụt lún này xảy ra bên trong đê bao của các vùng ngọt hóa như vùng ngọt hóa Trần Văn Thời và Gò Công.

Trong các vùng ngọt hóa này, hệ thống canh tác đã chuyển sang ngọt quanh năm và vì rất nhiều kinh phí đã được chi để xây dựng các công trình đê, cống cho mục đích ngọt hóa, nên việc xả nước mặn vào trở lại xem ra khó khả thi vì không có sự đồng thuận xã hội.

Nhưng về lâu dài, với những vùng ngọt hóa gần biển xa nguồn nước ngọt như Trần Văn Thời và Gò Công, chúng ta đành phải chấp nhận một sự thật là các vùng này khó mà duy trì ngọt hóa mãi mãi được.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đồng bằng sụt lún như hiện nay, vào mùa khô các vùng ngọt hóa như hai vùng trên sẽ ngày càng phải gồng mình chống mặn, rất vất vả khi mùa khô đến.

Một con kênh trong vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau bị khô cạn. Ảnh: Tấn Thái
Một con kênh trong vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau bị khô cạn. Ảnh: Tấn Thái

Không trái quy luật tự nhiên

Các sự kiện khô hạn cực đoan như năm nay dự báo sẽ tiếp tục diễn ra. Bình thường, các đập thủy điện Mekong ít ảnh hưởng đến lượng nước về ĐBSCL (mà chỉ chặn phù sa và cát), nhưng khi gặp tình huống cực đoan thiếu nước thì các đập thủy điện Mekong tích, xả nước làm chậm đường đi của nước, làm khô hạn càng gay gắt hơn.

Trong những năm thời tiết cực đoan như năm nay, các vùng ngọt hóa này chắc chắn sẽ lại “thất thủ”, vì đều phải đóng chặt cống không cho nước mặn vào, cũng không còn nguồn nào để bổ sung trong mùa khô. Đến giữa mùa khô, khi nước ngọt không còn mà nước mặn bị chặn không vào được thì bên trong khô hạn tuyệt đối dẫn đến sụt lún bên trong vùng ngọt hóa, làm hư hại đường sá, nhà cửa.

Cụ thể, đối với vùng ngọt hóa Gò Công, năm nào cống Xuân Hòa còn lấy nước ngọt được thì có thể bổ sung nước ngọt. Nhưng năm nào cực đoan, mặn vào sâu, cống Xuân Hòa cũng bị mặn bao vây, cắt đường “viện binh” thì không thể bổ sung nước ngọt cho Gò Công nữa. Đối với vùng ngọt hóa Trần Văn Thời càng khó hơn vì ngoài nước mưa ra, không còn nguồn nước nào khác để bổ sung khi thiếu nước vào những năm hạn.

Ngoài ra, các công trình càng lớn tuổi thì càng xuống cấp, kinh phí duy tu bảo dưỡng càng tăng theo thời gian. Thỉnh thoảng các vùng này sẽ yêu cầu trung ương cấp vài trăm đến ngàn tỉ đồng để tu bổ cống, nạo vét kênh. Điệp khúc “công trình đầu tư chưa hoàn chỉnh, còn hạn chế” sẽ còn lặp lại mãi về sau và sẽ là gánh nặng triền miên cho ngân sách.

Do đó, trước mắt không có giải pháp nào cho các vùng này nếu chưa có sự nhận thức rõ nguyên nhân và nguy cơ “thất thủ” trong bối cảnh sắp tới để thay đổi tư duy và có sự đồng thuận xã hội.

Về lâu dài, khi cái giá phải trả ngày càng đắt thì tinh thần thuận thiên theo nghị quyết 120 của Chính phủ (về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, ban hành năm 2017) sẽ là những định hướng chiến lược quan trọng cho ĐBSCL.

Nghị quyết cũng đã chỉ ra: cần xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên chứ không chỉ nước ngọt và xoay trục ưu tiên từ lúa - cây trồng khác - thủy sản trước đây sang thủy sản - cây trồng khác - lúa. Đây mới là giải pháp căn cơ cho ĐBSCL. Những giải pháp chắp vá, ngược quy luật tự nhiên dần dần sẽ bộc lộ những điểm yếu.

Như vậy nên hiểu rõ hơn một ưu tiên hiện tại quan trọng của tinh thần nghị quyết này là đảm bảo thu nhập cho người dân một cách bền vững, không trái quy luật tự nhiên, giảm thiểu rủi ro, không ngăn mặn, ngọt hóa bằng mọi giá khi biết rủi ro “thất thủ” rất cao đối với những vùng gần mặn, xa ngọt.

Đối với hai vùng trên, về lâu dài nên chuyển trở lại thành mặn - ngọt luân phiên theo mùa, thuận theo tự nhiên. Các hệ thống đê cống vẫn có thể duy trì để kéo dài mùa nước ngọt nhằm đảm bảo thời vụ của mùa ngọt nhưng sang mùa mặn thì nên chuyển sang canh tác mặn và ưu tiên thủy sản nước mặn, nước lợ.

Vấn đề nước sinh hoạt cho dân phải được tách ra và giải quyết riêng, không nên nhập nhằng với nước cho nông nghiệp vì nước tù đọng, ô nhiễm hóa chất nông nghiệp không thể dùng cho sinh hoạt được.

Nước cho sinh hoạt có thể giải quyết bằng kinh nghiệm truyền thống và bằng các công nghệ hiện đại. Nếu tách ra khỏi nhu cầu nước cho nông nghiệp thì nhu cầu nước sinh hoạt sẽ nhỏ hơn rất nhiều, khi đó mới giải quyết được những bất ổn đã nêu. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận