Những chuyện vui văn học Sài Gòn: Thơ bị đau

LÊ VĂN NGHĨA 11/05/2020 16:05 GMT+7

TTCT - Ông “nhịn” làm thơ 26 năm có lẽ vì thơ vẫn bị đau, mãi đến năm 1990 mới thấy Thanh Tâm Tuyền trở lại thơ.

 

Thanh Tâm Tuyền nổi tiếng về những bài thơ tự do đầu tiên của văn học Sài Gòn đăng trên tạp chí Sáng Tạo, cũng là người được cho  là khởi xướng dòng thơ tự do, chống lại thơ cũ-thơ tiền chiến. 

Tuy nhiên, sau hai tập thơ “Tôi Không Còn Cô Độc”(1956) và “Liên, Đêm Mặt Trời Tìm Thấy” (1964), ông không còn sáng tác thơ nữa và chú tâm viết truyện ngắn, truyện dài.

Đã có gì xáo trộn trong tâm hồn ông?

Trong một bài viết của Trần Đức Uyển “Nhìn Lại Thơ Hôm Nay” mới hiểu được sự ngưng làm thơ của chủ soái thơ tự do. Khi nói chuyện với Trần Dạ Từ và Uyển, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền lột trần ý nghĩ của mình “Thơ bây giờ, tôi gọi là thơ bị đau”. Khi nói câu nầy, ông không bị đau vì đang ngồi uống la de, may ô, quần đùi ngồi trên ghế salon tại nhà trong một buổi tối tháng 12 -1965.

Trả lời câu hỏi của thi sĩ Trần Dạ Từ về chuyện có làm được bài thơ nào mới không?, ông Tuyền đáp: “Không , làm không được nữa. Tự nhiên thấy khó, không dám làm. Vả lại chưa tìm được cái gì mới. Tôi thấy thơ bây giờ càng ngày càng thu hẹp lại, rút gọn vào trong cái “tôi” để cuối cùng chỉ có mình hiểu được thơ mình”

Cuối bài viết, Trần Đức Uyển nhận định “tôi cho rằng ông Tuyền khôn ngoan và sáng suốt lắm, Chả gì trên đất nước nầy ông cũng là người đầu tiên khởi xướng phong trào thơ tự do, thế mà bây giờ ông cũng đành phải công nhận thơ tự do đang đau. Đau gì tôi không hiểu và ông Tuyền cũng không nói ra. Lúc về nhà suy nghĩ, tôi nhận thấy có 1ẽ thơ của chúng ta hôm nay đang mắc bệnh thiếu máu…” (Nghệ thuật số 12 tháng 12-1965)

 Ông “nhịn” làm thơ 26 năm có lẽ vì thơ vẫn bị đau, mãi đến năm 1990 mới thấy Thanh Tâm Tuyền trở lại thơ trong thi phẩm “Thơ ở đâu xa".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận