COVID-19 và an ninh lương thực: Dĩ thực vi thiên

CHIÊU VĂN 04/06/2020 03:06 GMT+7

TTCT - Dân coi cái ăn là trời, trong mùa COVID-19, an ninh lương thực lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Thế giới chưa bao giờ chứng kiến tình trạng khẩn cấp về lương thực như hiện nay. Số lượng người thiếu ăn trầm trọng trên toàn cầu có thể tăng gấp đôi, lên 265 triệu người vào cuối năm nay, báo Mỹ The New York Times dẫn lời các chuyên gia nói vào cuối tháng 4.

Ở khu ổ chuột lớn nhất Nairobi (Kenya), giẫm đạp chết người đã xảy ra tại một nơi phát chẩn bột mì và dầu ăn.

Ở Ấn Độ, hàng nghìn người xếp hàng hai lần một ngày để có bánh mì.

Khắp Colombia, các hộ gia đình nghèo phải treo quần áo và cờ đỏ bên ngoài cửa sổ và bancông để xin đồ ăn của người qua đường.

Và còn rất nhiều câu chuyện như vậy khắp nơi trên thế giới, từ Bangladesh đến Venezuela, từ Yemen đến Syria...

Dân nghèo Ấn Độ xếp hàng nhận thức ăn phát chẩn mùa dịch. Ảnh: Reuteres
Dân nghèo Ấn Độ xếp hàng nhận thức ăn phát chẩn mùa dịch. Ảnh: Reuteres

Các chuỗi cung ứng dễ tổn thương

Đại dịch COVID-19, đi kèm là lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội, đã khiến nhiều triệu người mất việc làm và thu nhập, gián đoạn sản xuất nông nghiệp và nguồn cung ứng, khiến cái ăn trở thành nỗi lo hằng ngày với rất nhiều người.

“Virus corona không hề là một yếu tố tạo ra sự bình đẳng như nhiều người vẫn nói - Asha Jaffar, một tình nguyện viên mang thức ăn cho khu ổ chuột Kibera tại Nairobi, nơi diễn ra vụ giẫm đạp chết người, nói với New York Times - Nó là yếu tố đào sâu thêm cách biệt, chia rẽ giai cấp và bất bình đẳng ở đất nước này”.

Từ trước đại dịch, 135 triệu người trên thế giới đã phải sống trong tình trạng thiếu ăn nghiêm trọng, nhưng giờ thêm 130 triệu người nữa sẽ lâm vào tình cảnh đó trong năm 2020, theo lời Arif Husain, kinh tế gia trưởng ở Chương trình Lương thực thế giới, một cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc. “Chúng ta chưa từng thấy điều gì thế này trước đây” - ông Husain nói.

Thế giới từng trải qua những cuộc khủng hoảng lương thực trước kia, nhưng thường chỉ diễn ra ở quy mô vùng, vì một lý do đơn lẻ: thời tiết bất thường, kinh tế suy giảm, hay chiến tranh. Lần này, nạn đói có thể diễn ra ở quy mô toàn cầu và là sự tổng hợp của nhiều yếu tố được dịch bệnh khuếch đại: tổn thất kinh tế đột ngột của hàng triệu người mà từ trước dịch bệnh vốn đã phải sống trong cảnh giật gấu vá vai, sự sụp đổ của giá dầu, nguồn thu nhập tiền mặt và ngoại tệ từ du lịch dừng lại đột ngột, người lao động xuất khẩu không có tiền gửi về nhà, và những vấn đề cố hữu như biến đổi khí hậu, nhân mãn, thiên tai, chiến tranh...

Những cuộc biểu tình và cướp bóc vì thiếu ăn đã nổ ra rồi, từ Honduras tới Nam Phi, từ Venezuela tới Ấn Độ. Khi các trường học đóng cửa vì dịch bệnh, thêm 368 triệu trẻ em không còn được ăn ngày hai bữa ít ra là đủ dưỡng chất ở trường.

Hằng ngày, Rosa Juárez mất 40 phút đi từ khu nhà bà ở ngoài ô La Limonada, tới khu trung tâm Guatemala City, vẫy lá cờ trắng để xin thực phẩm, khi dịch COVID-19 tước đi mọi sinh kế của gia đình. (ẢNH: NACLA)

Nạn đói quy mô lớn vẫn chưa diễn ra, nhưng các vấn đề kho vận và hậu cần với ngành sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, thu hoạch, và vận tải sẽ khiến nhiều nước nghèo bắt đầu rơi vào tình cảnh nguy hiểm từ nửa cuối năm nay, nhất là những nước phụ thuộc lương thực nhập khẩu, theo lời Johan Swinnen - tổng giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách lương thực ở Washington, Mỹ.

Trong khi hệ thống phân phối thực phẩm và bán lẻ ở các nước giàu được tổ chức tốt và gần như tự động hóa hoàn toàn thì ở các nước đang phát triển, đó vẫn là một hệ thống “thâm dụng lao động”, khiến “chuỗi cung ứng dễ tổn thương trước COVID-19 hơn nhiều”, theo lời Swinnen.

Bất ổn dễ thấy nhất là ở Ấn Độ, nơi khu vực kinh tế phi chính thức rất lớn và người lao động hầu như không có đảm bảo xã hội nào khác khi khủng hoảng nổ ra. Cái đói ở đó là mối đe dọa trực diện hơn nhiều so với con virus. Ước tính nửa triệu người Ấn đã phải rời thành phố và đi bộ về quê vì thiếu ăn, “cuộc di cư hàng loạt lớn nhất từ khi đất nước độc lập”, Amitabh Behar, giám đốc điều hành Oxfam Ấn Độ, nói với The New York Times.

Ở vùng Đông Phi, vốn đã là một trong những khu vực nghèo nhất thế giới, tình hình thêm bi đát bởi dịch châu chấu lịch sử kéo dài nhiều tháng qua. Cyril Ferrand, đứng đầu nhóm phản ứng nhanh của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) tại Đông Phi, nói các lệnh cấm đi lại cắt mất nguồn cung thuốc diệt côn trùng lẽ ra giúp kiểm soát nạn châu chấu.

Đại dịch cũng đã góp phần thúc đẩy những cách làm mới, sáng tạo hơn trong ngành thực phẩm. 

Ndéye Marie Aïda Ndieguene, một nữ doanh nhân trẻ ở Senegal, đã giành nhiều giải thưởng quốc tế vì thiết kế nhà kho để lương thực giúp giảm thất thoát, cũng như tổ chức một khu chợ trên mạng kết nối nông dân và sản phẩm của họ với thị trường. Cô còn xây dựng một cộng đồng làm nông nghiệp gồm 150 phụ nữ.

Chống chọi

Để giảm nhẹ tác động của cuộc khủng hoảng, một số chính quyền đã ban hành các biện pháp kiểm soát giá cả lương thực thực phẩm, cung cấp thực phẩm miễn phí cho người dân, hoặc đưa ra các gói giải cứu. Những cộng đồng dân cư cũng đã tự mình vận động, qua các nền tảng quyên tiền trực tuyến hay chương trình từ thiện, như sáng kiến “ATM gạo” ở Việt Nam.

Từ trước đại dịch đã có nhiều dấu hiệu cho thấy giá thực phẩm toàn cầu sẽ tăng. Dịch tả lợn (heo) châu Phi đã quét sạch 1/4 bầy lợn của thế giới trong năm 2019, khiến giá thực phẩm ở Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới, tăng 15-22% trong năm 2020 này.

Ở Kenya, giá ngô (bắp) hạt, một loại lương thực chủ chốt ở quốc gia châu Phi gần 52 triệu dân, đã tăng 60% từ năm 2019. Tình hình thêm khẩn thiết bởi thực phẩm luôn là mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong gói chi tiêu của những hộ gia đình nghèo nhất, thường xuyên chiếm 40-60%, gấp 5-6 lần các hộ gia đình trung lưu.

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), ở phía cung, nguồn dự trữ ngũ cốc toàn cầu vẫn đủ, nhưng tình hình có thể xấu đi rất nhanh bởi sự thiếu hụt thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu, cũng như chi phí tăng thêm của ngành nông nghiệp và rủi ro những vụ mùa thất bát.

WEF khuyến nghị doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp nên điều chỉnh lại chuỗi cung ứng của họ, từ những hãng mua sỉ quy mô lớn để cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn, trường học (hầu hết vẫn còn đóng cửa) sang các cửa hàng tạp hóa và giao hàng tận nhà. Nhưng điều này đòi hỏi nhiều thời gian và sự chuyển đổi.

Một số nước xuất khẩu lương thực lớn đã áp các lệnh cấm xuất khẩu hoặc hạn ngạch, như Nga và Kazakhstan với mặt hàng lúa mì, và Ấn Độ với gạo. Cũng đã xuất hiện tình trạng một số nước “mua gom” lương thực, không khác gì dân chúng đổ xô đi mua hàng tích trữ phòng dịch, như Philippines (với mặt hàng gạo) và Ai Cập (lúa mì).

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính các biện pháp bảo hộ mậu dịch kiểu đó làm tăng giá lúa mì toàn cầu khoảng 40% và giá ngô khoảng 25%.

Chỉ số Tính dễ tổn thương với mặt hàng thực phẩm của Nomura xếp hạng 110 nước dựa trên các chỉ số GDP đầu người, tỉ trọng thực phẩm trong tiêu dùng hộ gia đình, và kim ngạch nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp tháng 12-2019 cho thấy 50 nước dễ tổn thương nhất hầu hết là các nước đang phát triển, chiếm 3/5 dân số thế giới.

“Sự toàn cầu hóa liên tục của mạng lưới thực phẩm toàn cầu hiện đại đã tạo ra mức độ phức tạp chưa từng có với hệ thống sản xuất và phân phối - Hãng bảo hiểm Lloyd’s nhận xét trong báo cáo về an ninh lương thực toàn cầu năm 2015 - Đứt gãy ở bất kỳ điểm nào trong hệ thống nhiều khả năng làm tê liệt cả chuỗi cung ứng. Giá thực phẩm biến động và bất ổn chính trị có thể khuếch đại thêm những cú sốc về sản lượng và giá”.

Điều đó đặc biệt đúng với các nước trước giờ dựa vào thu nhập xuất khẩu dầu mỏ để nhập lương thực ở nam bán cầu, bao gồm Algeria, Angola, Ecuador, Nigeria, Saudi Arabia và Venezuela.

Về mặt lịch sử ở những khu vực này, sự suy giảm nguồn cung và tăng giá thực phẩm gần như luôn kéo theo bất ổn xã hội. Năm 2008, giá ngũ cốc tăng gấp đôi đã dẫn tới biểu tình trên toàn thế giới, rồi cuộc lật đổ thủ tướng Haiti Jacques-Édouard Alexis. Vài năm sau đó, Mùa xuân Ả Rập nổ ra.

Một số nhà phân tích cũng lo ngại về tình trạng di cư hàng loạt khi nạn đói trầm trọng hơn. “Nếu chuỗi cung ứng thực phẩm bị gián đoạn và cuộc sống không còn bảo đảm, những người dễ tổn thương sẽ phải ra đi tìm sinh kế”, FAO viết trong một báo cáo mới đây về tác động của COVID-19.

Đại dịch cũng làm bộc lộ những ưu tiên mới của kinh tế toàn cầu. “Phản ứng với cuộc khủng hoảng này đòi hỏi phải nhìn lại cả hệ thống thực phẩm, không chỉ ở khâu sản xuất mà cả vận chuyển, lao động, chế biến, lưu trữ, và tiếp thị - Caitlin Welsh, giám đốc chương trình lương thực toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế, Washington, nói với NPR - Tôi hi vọng chúng ta sẽ được nhìn thấy sự phản ứng rộng lớn hơn, khác biệt hơn so với những cuộc khủng hoảng trước đây”.■ 

Kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm 3% trong năm nay, trong khi lần đầu tiên trong 30 năm, tỉ lệ dân số thế giới sống dưới mức nghèo cùng cực (1,90 đôla Mỹ/ngày, tương đương 44.000 đồng/ngày) sẽ tăng. 

Văn phòng Điều phối nhân đạo của Liên Hiệp Quốc vào đầu tháng 5 đã công bố kế hoạch hỗ trợ những nước nghèo nhất trong đại dịch. 

Theo đó, để bảo vệ 10% dân số thế giới dễ tổn thương nhất sẽ cần 90 tỉ đôla, tương đương 1% số tiền các nước giàu đã bỏ ra để kích thích kinh tế vượt COVID-19. Hiện giờ, Liên Hiệp Quốc mới huy động được khoảng 1 tỉ đôla trong số tiền đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận