Xung đột Trung - Ấn: Vì sao không ai muốn lên giọng?

SÁNG ÁNH 27/06/2020 16:06 GMT+7

TTCT - Dư luận Trung Quốc hiện đang được hướng sang tranh chấp quần đảo không người ở Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Khán giả xem phim võ hiệp và quyền thuật Trung Hoa đều rõ tâm tình này. Từ Lý Tiểu Long đến thầy ông là Diệp Vấn chỉ dành những chiêu độc nhất cho người Nhật, chứ chẳng thấy tỉ thí với võ sư người Ấn bao giờ

Ngày 17-6-2020, đại tá B. Santosh Babu - chỉ huy trung đoàn 16 Bihar của Ấn Độ - cùng một số thuộc cấp đến khu vực trái độn ở Đường biên kiểm soát thực tế (Line of Actual Control, LAC) tại Aksai Chin.

Đây là vùng giáp ranh Trung Quốc, tỉnh Tân Cương một bên và bang Jammu & Kashmir một bên. Đường biên nằm trong thung lũng thuộc rặng Hi Mã Lạp Sơn - nóc nhà của thế giới - không có dân cư mà là núi trập trùng quanh hai con sông giá lạnh.

Lời qua tiếng lại, ngôn ngữ chắc bất đồng nên phải dùng đến tay chân để diễn tả. Phía Trung Quốc hô “Tả! Tả!” cầm gậy gắn đinh, phía Ấn hô “Ladai! Ladai!” cầm đá cầm gạch chọi lại. Đại tá Babu đến để phản đối việc phía Trung Quốc dựng lều trại trong phần trái độn, theo quy ước giữa hai bên là phải để trống, và đòi Trung Quốc phải dỡ trại.

Sau khi hỗn chiến ngưng thì về phía Ấn, viên đại tá và hai quân nhân thiệt mạng, 17 người khác trọng thương và sau đó vì hoàn cảnh và thời tiết khắc nghiệt cũng qua đời. Phía Trung Quốc thiệt hại không được rõ, Ấn bảo là 46 thương vong và Trung Quốc không cải chính. 10 quân nhân Ấn bị Trung Quốc bắt giữ.

Trung Quốc và Ấn cáo buộc lẫn nhau về chuyện quân đôi bên nào vượt qua biên giới ở Ladakh trước. (Ảnh: AP)

Di sản thuộc địa

Khu vực tranh chấp này giữa hai nước bắt đầu từ khi Ấn Độ độc lập (1947) và Trung Quốc thôn tính Tây Tạng (1951). 37.000km2 núi non hiểm trở và vắng người ở cao độ 4.000 - 5.000m, thật sự ra thì Ấn Độ cũng không quan tâm cho đến khi phát hiện là Trung Quốc đang xẻ núi, xây đường.

Chiến tranh giữa hai nước xảy ra năm 1962, Ấn Độ mất các chốt tiên phong, 3.000 quân thiệt mạng và mất tích, 4.000 bị bắt làm tù binh. Trung Quốc chiếm trọn được phần họ đòi, mất 722 lính, nhưng rút về LAC ngày nay khi ngưng bắn. Biên giới rạch ròi ở đâu thì vẫn chưa giải quyết, cho đến ngày nay chỉ có LAC ngưng bắn. Năm lẻ năm chẵn biên phòng hai bên vẫn xô qua đẩy lại và năm 2020 là lần đầu có thiệt mạng từ năm 1975.

Tại sao lại phải dụng tới quyền Ấn quyền Hoa?

Từ năm 1996, có quy ước giữa hai bên là lính ở cách LAC 2km không mang vũ khí để tránh chuyện đáng tiếc. Nhưng không có súng có dao thì dùng gạch dùng gậy cũng chết người vậy. Chuyện này lập tức bùng lên thành dư luận quốc tế.

Trung Quốc và Ấn Độ là hai siêu cường kẻ tám lạng người gần nửa cân và đều có vũ khí hạt nhân, nếu đụng độ lớn thì máu lửa lắm. Dự kiến là 10 hay 20 năm nữa, Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ về kinh tế và 20 hay 30 năm nữa, đến lượt Ấn sẽ vượt Hoa Kỳ để đứng hạng nhì. Thế kỷ 21 sẽ là của hai bạn.

Đây không có gì mới lạ cả. Năm 1, Ấn là số 1, sản xuất 32% GDP của cả thế giới và Trung Quốc lúc đó 26%. Đến năm 1500 thì Trung Quốc bắt kịp và qua mặt Ấn Độ, nhưng hai quốc gia này tao nhất thì mày nhì, cho đến thế kỷ thứ 18 thì Ấn, và thế kỷ 19 thì Trung Quốc tuột dốc không phanh để nhường lại huy hoàng cho Tây phương. 562 vương quốc của bán lục địa Ấn rơi vào tay Anh quốc và tranh chấp tại Aksai Chin cũng bắt nguồn từ hai chế độ thuộc địa.

Chế độ thuộc địa Anh tại Ấn ra đi năm 1947 và Trung Quốc bành trướng sang Tây Tạng cho nên mới đụng độ, súng ống, rồi gậy và đá, trong khi chờ đợi đụng độ bằng bom nguyên tử?

Năm 1865, khi vương quốc Jammu & Kashmir còn thuộc Anh quốc, nhà địa dư William Johnson người Anh đã vẽ đường ranh với Tây Tạng, khi đó là lãnh thổ tự trị thuộc Mãn Thanh - và sẽ tách ra thành Vương quốc Tây Tạng từ năm 1912 - 1951.

Đây là đường ranh Ấn Độ đòi chủ quyền: theo họ tính thì từ đỉnh rặng Hi Mã Lạp Sơn đổ xuống, tức đường Johnson, là phần họ. Năm 1899, phái đoàn địa dư của Anh do George Macartney và Claude MacDonald dẫn đầu lại vẽ một đường khác, tên gọi đường Macartney-MacDonald, lùi về phía Ấn Độ, nhường cho Tây Tạng thêm một khúc.

Bản đồ khu vực tranh chấp Trung - Ấn. Ảnh: Wiki Commons
Bản đồ khu vực tranh chấp Trung - Ấn. Ảnh: Wiki Commons

Lúc đó với đại đế quốc Anh phủ bóng khắp hoàn cầu, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ ở một nơi khỉ ho cò gáy, nên nhớ đây là núi cao và không có dân cư, chẳng có gì mà phải cãi nhau.

Khi người Anh đi, những vấn đề lớn nhất với quốc gia Ấn Độ vừa độc lập cũng không phải 3.000km2 ở cái xó Hi Mã Lạp Sơn kia. Khẩn cấp nhất lúc bấy giờ là vùng Ấn Độ thuộc Anh nay bị phân chia thành hai, đúng hơn là ba phần như ta đã biết: Ấn Độ, Pakistan gồm Tây Hồi và Đông Hồi (nay là Bangladesh).

Vấn đề số 1 của Ấn Độ bấy giờ là biên giới với Đông và Tây Hồi. Việc này gấp rút, do một luật gia người Anh cả đời trước đó chỉ có sang đến... Pháp và không biết gì về tiểu lục địa được chỉ định sang đó thực hiện. Đường ranh Radcliffe (đặt theo tên Cyril Radcliffe) này khiến 7 triệu người bên này và 7 triệu bên kia bỏ nhà ra đi, tổng cộng là 14 triệu người tị nạn. Một vấn đề mà nó không giải quyết và còn đến ngày nay là bang Jammu & Kashmir.

Quả bom nổ chậm

Như đã thấy, tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc ngày nay là thuộc bang Jammu & Kashmir tại khu vực Aksai Chin của bang này. Nhưng năm 1947, khi người Anh ra đi thì bang Jammu & Kashmir chưa hẳn là sẽ thuộc về Ấn Độ và ngày nay vẫn thế.

Vấn đề biên giới của Ấn với Trung thật ra là một vấn đề biên giới giữa Jammu & Kashmir và Trung Quốc chồng chéo lên nhau. Từ ngày độc lập, huynh đệ tương tàn, Ấn Độ và Pakistan đã trải qua bốn lần chiến tranh: năm 1947, 1965, 1971 và 1999, nhưng Jammu & Kashmir vẫn cứ là thùng thuốc súng âm ỉ chỉ chờ một ngòi châm là có thể nổ tanh bành.

Bang này xa xưa thuộc Đế quốc Duranni (Afghanistan), cho đến đầu thế kỷ 19. Năm 1819 - 1846, nó thuộc Đế quốc Sikh trước khi bị Anh quốc đô hộ 101 năm.

Người Anh lên tàu về xứ thì Jammu & Kashmir có ba lựa chọn. Một là theo Ấn và trở thành một bang của Ấn vì thành phần cai trị ở đây là người Ấn giáo (20%) và hoàng gia đạo Sikh (3%). Dân số Jammu & Kashmir 77% là đạo Hồi vì quá khứ của triều đại Durrani trước đó. Vậy khả năng hai theo đa số là thuộc về Pakistan. Khả năng ba là Jammu & Kashmir trở thành một quốc gia độc lập và trái độn giữa Ấn và Pakistan.

Phiên vương lúc đó, sau 101 năm bị Anh đô hộ, rất phân vân khi công sứ đã về mẫu quốc. Ông toan tính độc lập thì Pakistan xui các bộ tộc Pashto (cùng tộc với vương triều cũ) sang dấy loạn. Ấn Độ bèn sang cứu và thế là Jammu & Kashmir gia nhập liên bang Ấn với chế độ bán tự trị.

Chiến tranh Ấn - Pakistan năm 1947 - 1949 là do vấn đề này. Ngay sau khi độc lập, quân đội bán lục địa chia làm hai phe, các đồng đội cũ ngậm ngùi chia tay nhau qua hai chiến tuyến để choảng nhau chí tử.

Năm 1989, phong trào giải phóng Jammu & Kashmir nổi lên, đến giờ đã khiến 100.000 người chết và chưa dẹp xong. Hiện nay, dưới chính quyền của Thủ tướng quốc gia chủ nghĩa Nerandra Modi ở Ấn, bang này đang được đặt vào tình trạng thiết quân luật và quy chế bán tự trị ghi trong hiến pháp bị bãi bỏ.

Về phần Pakistan, năm 1963 đã thuận theo đòi hỏi của Trung Quốc và cắt một phần đất thuộc Janmu & Kashmir do họ kiểm soát giao cho Trung Quốc.

Cục diện hiện tại: Diện tích cũ của Jammu & Kashmir giờ 15% do Trung Quốc quản lý, 30% thuộc Pakistan và 55% thuộc Ấn Độ. Ấn Độ có tranh chấp với cả Trung Quốc và Pakistan, về cả phần Pakistan đã giao cho Trung Quốc, nói chung rất là rắc rối.

Với chủ nghĩa quốc gia và tôn giáo Ấn hiện tại, kẻ thù chính là Pakistan chứ chẳng phải là nối dõi của thiên tử Trung Hoa. Với Trung Quốc cũng vậy, vấn đề là kiểm soát Tân Cương và Tây Tạng, và dò xét xem ông Đạt Lai Lạt Ma đang định làm gì, chứ không phải mấy miếng núi băng giá.

Xô xát (hay xô “sát”?) vừa qua là tai nạn do cấp dưới hung hăng và sang tuần này, cả hai phía đều đã hạ tông từ bổng xuống trầm. Trung Quốc không cho biết số thiệt hại để dư luận khỏi bất bình thêm trong cuộc ẩu đả có đến 900 binh sĩ hai bên tham gia.

Dư luận Trung Quốc hiện đang được hướng sang tranh chấp quần đảo không người ở Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Khán giả xem phim võ hiệp và quyền thuật Trung Hoa đều rõ tâm tình này. Từ Lý Tiểu Long đến thầy ông là Diệp Vấn chỉ dành những chiêu độc nhất cho người Nhật, chứ chẳng thấy tỉ thí với võ sư người Ấn bao giờ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận