Đồ ăn và ái tình thời hậu thuộc địa

TTCT - Tâm nguyện của Lương Bỉnh Quân là văn học Hong Kong “sẽ nhận được sự quan tâm xứng đáng và các nhà văn Hong Kong được độc giả quê nhà và thế giới đón nhận nhiều hơn”. Tuổi Trẻ Cuối Tuần trích giới thiệu truyện vừa "Đồ ăn và ái tình thời hậu thuộc địa" của ông.

Nhà văn Hong Kong Lương Bình Quân

P. K. Leung, hay Ya Si, tên thật là Lương Bỉnh Quân (1949-2013), là nhà văn, học giả và nhà phê bình văn hóa gạo cội người Hong Kong. Năm 1984, ông nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành văn học so sánh tại Đại học California, San Diego và trở về giảng dạy tại các đại học lớn ở quê nhà. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông nổi tiếng là nhà văn sâu nặng tình nghĩa với Hong Kong và là nhà phê bình có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến văn hóa đại chúng và văn học Hong Kong hiện đại. Ngoài ra, ông còn là dịch giả nhiều bộ tiểu thuyết lớn thuộc trường phái tân tiểu thuyết Pháp, dòng văn học “underground” Mỹ và có công đem các tên tuổi lớn của văn học hiện thực kỳ ảo Nam Mỹ như Gabriel García Márquez, Pablo Neruda và Jorge Luis Borges đến với độc giả Hong Kong từ cuối thập niên 1960. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Ả Rập, Bồ Đào Nha, Đức… 

*******************************

A Lý tạt vào quán rượu của tôi khi trời mới sẩm tối, tay cầm túi trái cây lão mới mua dưới chợ trời phố Ty Lợi. Bao lâu rồi tôi mới gặp lại lão. Lão ngồi ngay xuống quầy rượu và bắt đầu bóc một quả ra, thứ quả ấy có vỏ màu nâu vừa dài lại vừa hẹp. Lão đưa tôi cắn một miếng. Lão cứ liên tục lải nhải lâu lắm rồi cả bọn chưa tụ tập. Khéo lại sắp phải gặp nhau chơi, hay chọn luôn ngày sinh nhật sắp tới của tôi ấy. Tôi ăn thử và thấy có vị là lạ, như quả long nhãn phơi khô. Ở giữa còn có hạt to to cứng cứng, da thì nhăn nheo - đúng là giống quả long nhãn thật. Nhưng hình thù nó lại cong như vỏ đậu. Ta hãy cứ tưởng tượng nó như một đứa con lai giữa quả đậu và quả nhãn.

Suốt bao năm tôi chưa từng có thói quen ăn mừng sinh nhật. Ấy là vì các cụ thân sinh ra tôi từ đại lục vượt biên lậu vào Hương Cảng rồi đẻ chui tôi tại nhà, nên đến giấy khai sinh cho tử tế tôi còn chẳng có. Lúc đủ lớn để đi làm thẻ căn cước, tôi không biết tiếng Anh nên điền đại vào ô “ngày sinh”. Thế là tôi có một ngày sinh theo gia đình, tính theo âm lịch cũ; có ngày sinh tự bịa ra trên thẻ ID để dùng vào những dịp chính thức; và sau này bà cô tôi lấy sinh nhật ngày âm của tôi quy đổi ra ngày dương bằng lịch vạn niên. (Tôi chưa bao giờ xem bà ấy tính toán có đúng không, nên ngày đấy tôi cứ để đó phòng khi). Thế là tổng cộng tôi có đến tận ba ngày sinh, mỗi cái dùng vào một mục đích khác nhau. Tính tôi thì xuềnh xoàng thoải mái, nên ăn mừng sao cũng được.

Năm ngoái, không lâu sau khi tôi mở quán rượu, cả hội bạn bè tụ tập ở đấy một đêm chén thù chén tạc, bỗng có người nhắc rằng Lão Hà, ông bạn giảng viên của chúng tôi, có cùng sinh nhật với tôi (hay nói chính xác hơn là trùng với một trong ba sinh nhật của tôi). Thế là đến ngày đến giờ đó, cả bọn lại tụ tập đánh chén chỗ quán tôi. Mỗi người mang đến một tí: hummus (i), tapas (ii), mì pasta Ý, cơm vịt Bồ Đào Nha, sushi Nhật Bản. Marianne mang đến một món tráng miệng kiểu Pháp - còn kéo thêm cả một hai người bạn Pháp nàng gặp khi chu du ở Tây Ban Nha, phục vụ văn nghệ nhạc rap rất hay. Lão Hà không có bạn gái, bèn đưa đồng nghiệp người Mỹ tên Roger đến dự. (Anh này đã ly dị vợ, người vợ đang sinh sống ở nước khác). Tôi còn mời cả Thiết Công, nhà phê bình ẩm thực gạo cội. Về lý, cái quán buổi sáng cắt tóc, buổi tối bán rượu của tôi không có giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng dưới sự chỉ đạo của Thiết Công, chúng tôi thái lòng bò xào cay nuốt lưỡi, còn hăng quá lấy chảo dầu nóng ra chiên lòng heo nhồi cơm nếp thái thành từng khoanh. (Món này nổi danh là Người đẹp soi gương).

Chúng tôi vừa nấu vừa ứng biến, trưng dụng bồn gội đầu trắng tinh để rửa rau, lấy máy sấy tóc ra nướng khô món cá muối. Đấy là trước lúc Chuyển giao, và thực đơn hoành tráng của chúng tôi như thể reo hoan cùng tinh thần thời đại điên cuồng đang càn quét lấy Hương Cảng. Một bên là những chương trình truyền hình mỗi tối đều chiếu những bài ca ái quốc, tưng bừng biểu trưng niềm tự hào và nhiệt huyết dân tộc; một bên là những bữa tiệc thâu đêm ăn mừng fin de siècle (iii) của người nước ngoài dưới những con hẻm lát đá cuội của khu Lan Quế Phường. Là ngày mai hay không là gì cả, hay có khi ta còn chẳng có ngày mai. Dù có nhìn theo cách nào đi nữa, ngày mai dường như đã trở thành một ngày tô chữ đỏ đậm trên tờ lịch, ngày kỷ niệm sự ra đời hay cái chết của cái gì hay của ai đó vĩ đại lắm. Đối với tôi, tất cả những thứ này đều chỉ là một kiểu tôn thờ “ngày tháng”. Ngày to tháng lớn chẳng có ý nghĩa gì với tôi ráo. Nhưng dù sao thì trong những ngày tháng Chuyển giao ấy, chúng tôi không thể kìm lòng mà cũng ăn cho thành heo, hát lạc cả giọng, điên cuồng yêu nhau rồi chia phôi. Bất lực nổi trôi, treo mình trong trạng thái bồng bềnh nhẹ bẫng.

Sáng hôm sau tỉnh dậy, đầu tôi đau như búa bổ. Tôi treo biển “Hôm nay nghỉ” lên cửa tiệm cắt tóc. Cả ngày tôi khát khô, một cơn khát không tài nào khuây khỏa được. Tôi đi tìm nước uống khắp nơi khắp chốn. Tôi còn định chỉnh đốn lại kinh đô của mình sau trận ăn nhậu đêm qua. Tôi rất nghiêm túc làm lại từ đầu. Nhưng lực bất tòng tâm. Tôi phát hiện ra mấy chai rượu ngon nhất trong tủ đã không cánh mà bay. Mà đấy là còn chưa kể hết. Chai rượu đặc biệt Miko tặng mà tôi chưa có dịp mở ra cũng biến mất không một dấu vết. Một mình tôi giữa tiệm cắt tóc kiêm quán rượu tan hoang, cảm thấy vô cùng tủi thân, cố gắng tìm một cách lấp đầy khoảng rỗng bên trong mà bất thành. Buổi sáng hôm đó chính là một cơn “trầm cảm sau sinh” của riêng tôi. Đó cũng là khi tôi bắt đầu thấy chán mở tiệc và đi uống rượu (dù là quán rượu của riêng tôi).

Ngõ hẻm Hong Kong, tranh của John Salminen. Ảnh: Pinterest
Ngõ hẻm Hong Kong, tranh của John Salminen. Ảnh: Pinterest

Và giờ A Lý lại ngồi đấy, một năm sau, lại ngồi trong quán rượu của tôi - quán rượu nhỏ bé không mấy thành công của tôi - lại bàn tán về một tiệc sinh nhật nữa. Tôi không thể không để ý thấy bây giờ chẳng còn mấy người trong nhóm, còn quá ít để tụ tập ăn chơi một bữa điên cuồng - chẳng còn gì ngoài mấy cái bóng tả tơi. Nhưng bằng cách nào đấy chúng tôi vẫn đang chạy đua trong cuộc đời. Lão nói đúng. Quả là đã lâu lắm rồi nhóm bạn chúng tôi mới gặp mặt. Gặp lại mọi người chắc vui lắm. Tôi dịu lại. A Lý bảo hay là mình đi xuống đường Khuất Địa ăn ở Chiêu Ký, một quán vừa bé vừa bẩn. Tôi biết chỗ đấy. Gần đây tôi cũng có ăn qua. Đồ ăn ở đây đậm vị đáy chảo - vừa bốc khói nghi ngút vừa xèo xèo dầu sôi. Xin phép nói thật, đầu bếp chỗ ấy hơi bị quá tay (nêm mì chính). Lần trước ăn xong tôi khát nước cả đêm. Vả lại, như tôi nói, chỗ ấy rất bẩn, chỉ có vài cái ghế đẩu, chẳng có được cái ghế nào có lưng tựa đàng hoàng. Isabel thì đã đi sang Việt Nam. Tôi chắc chắn không thể tưởng tượng được tiểu thư Alice, hay Marianne thời thượng vui vẻ ăn uống trong cảnh đấy. Vì cậu, A Lý bảo, tớ biết mấy cô ấy sẽ đi mà. Ra vậy… Ra là lão đã nói sẵn chuyện này với các nàng ấy. Sau tất cả, tận sâu trong đáy lòng, chúng tôi đều muốn tìm lại những phút khuây khỏa như những ngày xưa yêu dấu. A Lý càng nói, tôi càng nhận ra ý tưởng này chắc hẳn phải do Marianne đầu têu. Và cũng đã rất lâu từ lần cuối tôi và nàng gặp nhau.

Tôi nhớ lần đầu Marianne đến gội đầu ở tiệm. Nàng nằm xuống, ngửa đầu đặt trong bồn rửa, trông đĩnh đạc như một người phụ nữ chín chắn. (Đa phần thời gian còn lại - tôi phát hiện ra - trông nàng như một đứa trẻ con.) Một tổng hòa kỳ lạ! Tôi không tài nào đoán nổi tuổi nàng. Nàng bảo với tôi nàng làm ở khách sạn Bán Đảo, nhưng tôi không thể mường tượng cảnh một cô gái như thế làm việc ở khách sạn sang trọng và thanh lịch nhất Hương Cảng. Hóa ra nàng cũng chẳng biết mấy về chỗ này. Kể như, nàng đâu biết khi quân đội Nhật xâm chiếm bán đảo Cửu Long, quân đội Anh đã phải rút vào Bán Đảo và dàn hàng súng bắn máy bay trên tầng cao nhất chĩa xuống đường Nhị Đôn. Nghe tôi kể chuyện, đôi mắt nằm ngửa của nàng mở to tròn xoe, cứ như thể đang nghe kể chuyện cổ tích Nghìn Lẻ Một Đêm. “Anh nói cứ như bố em ấy!” - nàng nói. Tôi chịu không đoán được nàng đang khen hay đang ghẹo tôi.

Tất nhiên, tôi nào biết toàn thể sự tình thuở đấy. Tôi học lỏm được dăm chuyện từ Lão Hà, cụ giảng viên lịch sử. Lão Hà có mái tóc rất đặc biệt. Độ vài năm trở lại đây lão bắt đầu rụng tóc. Lão đã không thể trốn thoát phần tất yếu này của lịch sử. Tôi quen biết Lão Hà đã nhiều năm và cũng đã thấy lão xuống dốc đi nhiều. Trong công việc thường ngày, tôi gặp phải đủ thể loại tóc tai: tóc thiếu sức sống, tóc bóng mượt, tóc dầu, tóc tầng, tóc dày, tóc cứng như rơm, tóc mềm như lụa, tóc lông nhím, tóc lông cáo, tóc chổi đánh giày, tóc sợi mì… Tôi hiểu ra rằng tóc không nhất thiết phản ánh tính cách chủ nhân. Một tiểu thư từ gia đình quyền quý không nhất thiết phải có tóc sang chảnh, tóc giảng viên đại học cũng không nhất thiết mang tính học thuật, tóc kiến trúc sư cũng không mang tính kiến trúc. Không hề. Thật ra, tôi còn làm chủ mục trên báo kể chuyện làm tóc, thời trang và ẩm thực, và tôi thu hút được số độc giả kha khá. Nhưng Lão Hà còn là cây viết nghiêm túc hơn rất nhiều. Lão kè kè những chủ đề nghiêm túc, và bởi thế lão cứ bị hết tòa soạn báo này đến báo khác từ chối. Tôi là người đầu tiên trong nhóm có mục báo riêng kể chuyện đời mình. Tôi chỉ mới thử viết một lần trước đấy, lúc còn đi học. Nhưng giờ khi quay lại viết, sau nhiều năm, tôi thấy càng viết càng dễ. Nhưng với Lão Hà, có vẻ chuyện khó khăn nhất chính là phân loại xem phải bắt đầu từ chuyện gì với ai cho ra đầu ra đuôi. Giống tóc. Giống một túm tóc rối. Lão hồ như chẳng biết phải bắt đầu từ đâu.

Marianne và tôi bắt đầu từ tóc. Hay có thể nói chúng tôi bắt đầu (và kết thúc?) từ đồ ăn. Vào ngày đầu tiên nàng đến gội đầu ở tiệm, chúng tôi phát hiện ra cả hai đứa đều có tâm hồn ăn uống điên cuồng như nhau. Chúng tôi không chỉ thích ăn uống; chúng tôi sẵn sàng làm tất cả mọi thứ công phu nhất và điên cuồng nhất để đi ăn ở nhiều nơi khác nhau, tìm tòi khẩu vị mới, khám phá món ăn mới. Chúng tôi như hai nhà sưu tập tem hay con nghiện sách cũ không mê gì hơn ngoài rỉ tai nhau những mẩu tin sốt dẻo nhất. Chẳng hạn, có lần nàng than rằng chẳng còn biết tìm chỗ nào để ăn hòa hoa tước. Tôi phản đối bảo không phải, tôi mới ăn gần đây. “Không, không - nàng lẩm bẩm - Bố em bảo hòa hoa tước năm nay không được xuất sang Hong Kong. Chắc chẳng còn cơ hội nào được ăn nữa”. Tôi hứa sẽ đưa nàng đi ăn ở chỗ chuyên món hòa hoa tước. Thế là chúng tôi có buổi hẹn đầu. Chúng tôi hẹn hò bằng cách đưa nhau đi ăn chim sẻ Java.

Bức tranh Jumbo Restaurant Hong Kong của nghệ sĩ Dennis Syrett

Buổi hẹn đầu tiên của chúng tôi không có hoa cũng chẳng có nến. Chúng tôi giống hai kẻ phàm ăn gặp nhau để bàn chuyện ăn uống hơn là nam nữ yêu đương. Thế mà giữa chốn cổ điển như nhà hàng hải sản Đại Hỷ Khánh, Marianne vẫn nổi bật và khác biệt - đĩnh đạc và tự tin trong bộ Jil Sander. Xung quanh chúng tôi nào là thương nhân đứng tuổi, nào là gia đình tứ đại đồng đường. Đó là một nơi ồn ào huyên náo. Chúng tôi mở chai rượu tôi đem theo. Khẩu vị của Marianne hóa ra như một lão già Trung Hoa cổ: hòa hoa tước, kim ngân gan, nấm đông cô, vi cá… Không biết nàng học ở đâu ra tư tưởng ăn uống kỳ lạ đấy. Rồi nàng kể cho tôi nghe về bố nàng. Ông cụ rất nghiêm khắc trong việc ăn uống. Mỗi lần nàng về nhà ăn cơm tối, ông nhất định trổ tài nấu nướng một bữa ra trò bày biện linh đình. Nếu ra ngoài ăn, ông tỏ ra cực kỳ kỹ tính. Không gì thoát được con mắt soi mói của ông. Không khoan nhượng, ông cụ hoàn toàn có thể gửi trả lại cả món cho nhà bếp, phì mũi hỏi: “Thế này mà ăn được à?”. Đêm đó, khi Marianne chê rằng có món hơi bị mặn quá, tôi có cảm tưởng như hồn ma ông cụ đang lơ lửng dò xét trên đầu chúng tôi.

Khi nàng đi học quản lý nhà hàng khách sạn ở Pháp, ông bố vẫn tiếp tực gửi từng gói đồ ăn cho cô con gái, nàng kể. Một số mối tình không thành thuở đầu của nàng cũng liên quan đến đồ ăn. Ví dụ, một trong những bạn trai đầu tiên đã âm điểm ngay trong mắt nàng sau khi gã đòi đi ăn McDonald’s. Nàng cứ đứng giữa đường nhìn gã trân trân: “Cái gì cơ? Anh bảo cái gì cơ?”. Thế rồi nàng quay lưng bỏ đi thẳng. Gần đây nhất là trong một dịp ăn món Nhật Bản. Người bạn trai gần đây nhất rất có vấn đề trong việc chọn nhà hàng. Nàng ngồi đó nghe mọi người xúm xít khen món sushi dở tệ đến lúc không chịu nổi. Nàng đứng dậy xách túi cầm dép mở cửa đi mất. Đến tận bây giờ, thật tội cho chàng trai ấy vì vẫn không hiểu nổi tại sao hai người họ chia tay.

Quả nhiên, chính tôi cũng chưa bao giờ có thể hiểu nổi cách Marianne quyết định mọi chuyện. Buổi tối đầu tiên nàng có vẻ rất ấn tượng với món chim, hay có lẽ là nàng thích chai rượu Bordeaux tôi mang theo. Nhưng cả tối tôi cứ nơm nớp lo sợ rằng những lời xét nét của ông cụ có thể bật ra từ đôi môi xinh đẹp của nàng bất cứ lúc nào. May thay, có vẻ nàng rất vui, nhất là khi tôi khoe rằng tiệm tóc đến tối biến hình thành quán rượu. Nàng phấn khích ra mặt và nằng nặc đòi ăn xong quay lại đấy để xem bộ mặt khác của tiệm tóc. Đúng vậy, ban đêm tiệm làm tóc có một dáng vẻ khác biệt, những tấm gương làm đầu to đùng bị đẩy sát về bốn bức tường. Nàng ngắm hình ảnh tôi phản chiếu trong gương, như thể nàng mới nhận ra tôi là hoàng tử ếch của nàng. Rồi tôi nghĩ hình như nàng đã quay lại thơm má tôi. Trong lúc đó có khách lén phá nội quy mở cái tivi ở góc nhà. Tôi không biết là ai nhưng cũng cảm thấy không cần phải nhắc nhở. Trên truyền hình đang trực tiếp cảnh bắn pháo hoa ăn mừng dịp gì đấy. May thay tivi tắt tiếng. Thỉnh thoảng tôi đọc được dòng phụ đề; một bài ca ngợi khen tình yêu, một giọt máu đào hơn ao nước lã, tình yêu bất tận, tấm lòng hiền mẫu… Cơn điên cuồng thầm lặng ấy chẳng lung lay được tôi. Marianne và tôi còn mải mê trong cuộc trò chuyện nghiêm túc về ẩm thực, thử hết chai này đến chai khác trong bộ sưu tập của tôi. Tôi mơ hồ nhận thấy những người khách khác đang lần lượt rời đi. Nhưng tôi không thể nhớ nổi chuyện xảy ra sau đó. Chỉ biết sáng hôm sau tỉnh dậy thấy cả hai khỏa thân trên giường, như hai người không hề nối kết với nhau. Tôi nghe hơi thở nàng phả lên ngực mình, tay nàng vòng sang ôm lấy tôi. Nhưng tôi cũng chẳng nhớ hai chúng tôi đã làm gì. Nàng dần tỉnh. Tôi ngượng ngùng đối diện thực tại sau cơn điên đêm qua…■

ÁI MỸ dịch

(i): Hummus: Món bột làm từ đậu gà để chấm và ăn kèm rất phổ biến ở vùng Trung Đông - Bắc Phi.

(ii): Tapas: Món ăn vặt hoặc khai vị rất phổ biến của ẩm thực Tây Ban Nha và vùng Trung - Nam Mỹ.

(iii) Tiếng Pháp trong nguyên tác: “Kết thúc một thế kỷ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận