Một nghịch lý quái quỷ của nền kinh tế hiện đại 

NGUYỄN VŨ 15/07/2020 18:07 GMT+7

TTCT - Một nghịch lý quái quỷ đang diễn ra trên đất Mỹ: số lượng các công ty phải tuyên bố phá sản, kể cả các tên tuổi rất lớn, ngày càng nhiều trong khi số lượng tỉ phú cũng tăng, tỉ phú cũ đã giàu càng giàu thêm. Vì sao có nghịch lý này? Nó có lan ra nước khác, tạo ra sự bất bình đẳng khắp thế giới chăng?

Ảnh: denofgeek.com
Ảnh: denofgeek.com

Đại dịch COVID-19 đẩy hàng loạt công ty vào chỗ phá sản, từ hãng dịch vụ cho thuê xe như Hertz đến chuỗi cửa hàng nhượng quyền Pizza Hut và Wendy’s - NPC International, từ các nơi bán lẻ như J.C. Penney đến đại gia ngành dầu khí như Chesapeake… Tổng cộng nửa đầu năm 2020 tại Mỹ có 3.604 doanh nghiệp nộp đơn xin bảo hộ phá sản, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, bất kể đại dịch, tính từ giữa tháng 3-2020 đến giữa tháng 6-2020 nước Mỹ có thêm 29 tỉ phú. Theo Newsweek, cũng trong khoảng thời gian đó, tài sản các tỉ phú tăng thêm 20%; còn theo Forbes, mức tăng tuyệt đối là từ 2.948 tỉ lên 3.531 tỉ. Tức dịch thì cứ dịch, tỉ phú đã giàu càng thêm giàu, họ “chỉ” giàu thêm 583 tỉ đôla Mỹ, gấp hai lần GDP Việt Nam!

Năm tỉ phú giàu nhất nước Mỹ là Jeff Bezos, Bill Gates, Mark Zuckerberg, Warren Buffett và Larry Ellison thấy tài sản của mình tăng thêm 101,7 tỉ; trong đó riêng Jeff Bezos lập một kỷ lục mới khi tài sản tăng vọt lên 171,6 tỉ đôla dù trước đó đã nhượng một phần tư cổ phần ở Amazon cho vợ cũ khi ly hôn.

Cứ thử hình dung từ đầu năm tới nay Bezos giàu thêm 56,7 tỉ đôla trong khi cách đây chừng 10 năm, báo chí đưa tin Bill Gates liên tục giữ vị trí người giàu nhất thế giới vào lúc đó - tài sản của ông này trong nhiều năm liền cũng chỉ chừng đó, cỡ 50-60 tỉ đôla...

Đánh bạc với những kỳ vọng tương lai 

Chúng ta thử nhìn kỹ một vài trường hợp trở thành tỉ phú để xem họ giàu nhờ đâu. Elon Musk, tổng giám đốc điều hành Hãng xe hơi điện Tesla, giàu thêm 25,8 tỉ đôla tính từ đầu năm đến nay, đưa tổng tài sản của doanh nhân nổi tiếng này lên mức 46,3 tỉ đôla. Tuần trước, Tesla đã vượt qua Toyota, trở thành hãng xe hơi có giá trị thị trường cao nhất thế giới. Giá trị vốn hóa của Tesla nay đã là 210 tỉ đôla, trong khi của Toyota chỉ được 175 tỉ đôla.

Vấn đề nằm ở chỗ năm ngoái Tesla làm ra và bán được 367.500 chiếc xe, trong khi Toyota bán tổng cộng 10,7 triệu xe trên toàn cầu. Năm 2019, Tesla lãi được 35,8 triệu đôla sau nhiều năm liên tục lỗ nặng; mức lãi của Toyota là 22,6 tỉ đôla, gấp 631 lần mức lãi của Tesla.

Giá trị vốn hóa là cái do thị trường chứng khoán ấn định chứ không phải là giá trị thật, sờ mó được. Trên sổ sách, tài sản của Tesla chỉ là 34 tỉ đôla so với tài sản của Toyota là 490 tỉ đôla. Tất nhiên, Tesla thật sự là doanh nghiệp sáng tạo, năng động, sản phẩm được ưa chuộng, nhưng sự chênh lệch như thế là không thể hiểu nổi.

Nếu chừng đó chưa đủ để thấy sự phi lý của mô hình kinh tế hiện đại, thử nhìn vào giá trị thị trường của Hãng Nikola, một hãng làm xe tải điện chưa có tên tuổi, chưa có bất kỳ chiếc xe nào để bán trên thị trường. Vậy mà thị trường ấn định cho nó cái giá 25 tỉ đôla, còn cao hơn cả Hãng Ford có lịch sử hơn 100 năm (và năm ngoái sản xuất tổng cộng 5,5 triệu chiếc xe đủ loại). Đương nhiên người sáng lập Nikola Trevor Milton trở thành tỉ phú, có trong tay đến 7,4 tỉ đôla dù mới chỉ thành lập hãng xe này từ năm 2014.

Người ta có thể lập luận cái tưởng chừng là nghịch lý này chỉ nói lên xu hướng, chẳng hạn trong ngành sản xuất xe, rằng xe chạy pin sẽ thắng thế, xe chạy xăng sẽ dần lụi tàn nên cái giá thị trường ấn định cho Tesla hay Nikola là cái giá tương lai, không có gì ngạc nhiên cả. Tesla đã chuyển lỗ thành lãi, lượng xe bán được ngày càng tăng, giá xe ngày càng rẻ nên tương lai Tesla được đánh giá cao hơn Toyota là bình thường.

Nhưng những lập luận kiểu này bỏ qua những tác hại của một nền kinh tế cứ kỳ vọng vào tương lai theo kiểu đánh bạc như thế.

Trước tiên là nhân công. Dù giá trị thị trường gần như bằng nhau, Nikola chỉ tuyển dụng được 262 nhân viên, còn Ford có 190.000 nhân viên trên toàn cầu. Tesla vượt Toyota về giá trị vốn hóa nhưng đang tuyển dụng 48.000 nhân viên, trong khi Toyota có đến 359.000 nhân viên.

Chỉ cần nhìn vào những con số này cũng có thể hình dung tác động của các doanh nhân tỉ phú lên nền kinh tế: đã không tạo và duy trì được nhiều việc làm mà cũng chẳng làm GDP tăng thêm như các doanh nghiệp truyền thống.

Giám đốc các doanh nghiệp truyền thống nhận lương vài triệu đôla thì xã hội đã lên án dữ dội, nay các doanh nhân kiểu như Nikola mặc dù có thể không cần lãnh lương vẫn giàu lên, nhanh như tên lửa nhờ giá cổ phiếu tăng vọt.

“Phá hủy” mà không phải để sáng tạo

Tesla hay Nikola chỉ là ví dụ được chọn ngẫu nhiên. Đã có cả một thế hệ những doanh nghiệp kiểu mới ra đời hoạt động theo mô hình dựa vào một giải pháp công nghệ có ít nhiều liên quan đến Internet, lật đổ cách làm cũ, tạo ra cách làm mới, tìm mọi cách tăng trưởng quy mô, bất kể lời lỗ và hầu như tất cả đều đang lỗ.

Trong quá trình này, được báo chí và các nhà phân tích ca ngợi tận mây xanh, hàng loạt tỉ phú được sản sinh trong thời gian ngắn. Và một khi họ đã giàu tiền tỉ, tiền sẽ đẻ ra tiền, họ ngày càng giàu lên trong khi nền kinh tế không tăng thêm bao nhiêu cả. Thế là tiền rõ ràng phải đi từ những người có thu nhập thấp nay càng thấp hơn để người giàu mới giàu thêm như thế.

Sẽ có người nói tài sản của các tỉ phú là tài sản ảo, chỉ có trên giấy chứ đâu tiêu được. Một khi đã sở hữu cổ phiếu tăng giá, người ta có đủ cách để chuyển hóa thành tài sản thật. Chẳng hạn, Công ty Moderna là nơi đầu tiên tuyên bố làm ra một loại vaccine chống COVID-19 đang được thử nghiệm trên người.

Kết quả đâu chưa thấy, cổ phiếu của Moderna đã tăng vọt. Ngay lập tức CEO của nơi này, ông Stéphane Bancel, bán ra 21 triệu đôla cổ phiếu từ đầu năm đến nay, trong đó có 6 triệu mới bán hồi tháng 5.

Chuyên gia y tế trưởng của công ty, Tal Zaks, không những bán hết cổ phiếu mà còn dùng quyền chọn để bán tổng cộng 35 triệu cổ phiếu. Giả thử sau này vaccine Moderna thất bại, lãnh đạo công ty cũng đã kịp làm giàu. Đây chỉ là những trường hợp “cò con” - những “con cá mập” có hàng ngàn cách khác, tinh vi hơn nhiều.

Làm giàu bằng mọi giá

Các câu chuyện khởi nghiệp rồi sau một đêm trở thành tỉ phú đã trở thành kích thích tố mãnh liệt với giới trẻ toàn cầu. Hầu như những người có chút tham vọng không còn bằng lòng đi theo con đường học lấy một nghề rồi từ từ tiến thân, họ tìm mọi cách khởi nghiệp làm giàu như thế hệ đàn anh như kiểu Mark Zuckerberg hay Elon Musk.

Xin nói ngay, đây là một động lực rất tốt để khơi dậy tinh thần doanh nghiệp ở giới trẻ - cũng có người thành công, tạo ra những giải pháp mới mẻ cho xã hội. Nhưng tâm lý làm giàu bằng mọi giá cũng đem đến những hệ lụy khó lường, bởi bên cạnh những thành công như Elon Musk là hàng triệu ca thất bại trắng tay mà không ai biết ai hay.

Brandless, doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành bán lẻ chuyên bán sản phẩm không có thương hiệu, tất cả giá chỉ 3 đôla mỗi món đã sập tiệm vào tháng 2-2020. Zume, nơi bán pizza do robot làm, cũng đóng cửa vào tháng 1. Cả hai nơi này, cũng như WeWork, đều nhận tiền đầu tư từ quỹ Vision Fund của Softbank. Một startup được Softbank đầu tư khác là OneWeb từng được định giá đến 3,3 tỉ đôla đã tuyên bố phá sản.

Một môi trường ca tụng chuyện startup đi kèm với các miêu tả hoành tráng về nền công nghiệp 4.0 sẽ là mảnh đất màu mỡ; trước hết cho việc chán học, muốn bỏ ngang để khởi nghiệp như Bill Gates, Steve Jobs... sau nữa là lừa đảo với kiểu “khởi nghiệp bằng tiền ảo” hay “khởi nghiệp bằng bán hàng đa cấp”.

Với những nước giá vốn đang rẻ như Mỹ hay châu Âu, tìm vốn khởi nghiệp còn tương đối dễ nhưng ở các nền kinh tế đang phát triển, khởi nghiệp trong lãnh vực công nghệ đồng nghĩa với xin tiền bố mẹ đầu tư. Có những trường hợp rót hết tiền dành dụm hay cầm cố nhà cửa cho con làm “startup” rồi mất hết rất thương tâm.

Để nhanh chóng làm giàu, nhiều mô hình startup có những kỳ vọng đầy ảo tưởng, nhiều lúc không dính gì đến công nghệ. Chỉ một dịch vụ nhỏ xíu là dắt chó đi dạo cho chủ nhà, Wag cũng thu hút được 300 triệu đôla tiền đầu tư từ Tập đoàn Softbank, đẩy giá trị của công ty này lên đến 650 triệu đôla. Lime, doanh nghiệp làm dịch vụ cho thuê xe đẩy bằng chân, được định giá đến 2,4 tỉ đôla. DoorDash, nơi tổ chức giao hàng như kiểu Grab Food, có thị giá đến 13 tỉ đôla.

Điều may mắn là dường như thị trường đang theo xu hướng điều chỉnh, không còn chấp nhận mô hình thua lỗ triền miên nữa. Trước đây giới đầu tư trên thị trường chứng khoán có tâm lý “sợ đánh mất cơ hội” như trước đây nhiều nhà đầu tư liều lĩnh đã giàu sụ nhờ Facebook, Amazon… nên sẵn sàng rót tiền cho các startup.

Nay họ chuyển sang tâm lý “sợ bị chê dốt” khi đầu tư mù quáng như Masayoshi Son của Softbank. Vì thế biết đâu sau này tin nhiều tỉ phú hóa thành trắng tay lại là tin tốt lành cho nền kinh tế.

Trong lúc đó, chỉ mong mọi người khi nói đến startup hay cách mạng 4.0 nên tỉnh táo hơn, thế cũng đã có ích rồi. ■

Không chỉ đóng góp rất ít ỏi vào nền kinh tế thật, các doanh nghiệp theo đuổi mô hình mới còn tạo ra những “hủy diệt” ghê gớm hơn: công nhân trở thành nhà thầu phụ để doanh nghiệp tránh hết trách nhiệm lo cho nhân viên. Vì giá cổ phiếu, các doanh nghiệp có thể sa thải hàng loạt, ép giảm lương, thậm chí đi vào con đường lừa dối như Theranos, WeWork, Luckin…

Với sự hậu thuẫn của các quỹ đầu tư, của dòng vốn giá rẻ tìm nơi đầu tư, các doanh nghiệp công nghệ vung tiền bất kể lỗ nặng đến đâu. Một môi trường như thế làm sao một doanh nghiệp bình thường khác chen chân hòng cạnh tranh? Thị trường méo mó, mọi nguyên tắc quản trị bị vứt bỏ, mọi giá trị cốt lõi của việc kinh doanh bị bỏ qua.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận