Biển Đông: "Coi giò coi cẳng" những gương mặt khác

SÁNG ÁNH 22/07/2020 06:07 GMT+7

TTCT - Các quốc gia Đông Nam Á xung quanh khu vực Biển Đông đều đã chuẩn bị cho một tương lai mới, dự kiến sẽ bất trắc hơn.

Tập trận chung của hải quân Mỹ và ASEAN ở Thái Lan tháng 9-2019. Ảnh: AP

Theo Công ty tài chính PricewaterhouseCoopers thì năm 2030, 5 cường quốc đứng đầu thế giới về kinh tế sẽ xếp hạng như sau: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản là 4 nước đầu. Đây là chuyện dễ hiểu. Nước thứ 6 là Nga. Vậy nước thứ 5 là nước nào? Anh hay Đức? Pháp hay Brazil, Mexico? Hàn Quốc? Năm 2030, nếu mọi chuyện đúng dự đoán, cường quốc kinh tế hạng 5 thế giới sẽ là Indonesia.

Trong khi chờ đợi ngày vinh quang xa vời ấy, hiện tính GDP theo mãi lực tương đương (PPP) thì Indonesia mới đứng hàng thứ 7 (IMF 2019). Tính theo danh nghĩa thì Indonesia hàng 16 với GDP là 1.210 tỉ đôla, hơn 4 lần Việt Nam. 

Quỹ quốc phòng của quốc gia này chiếm 0,67% GDP, là một tỉ lệ rất thấp, về tương đối cũng như về tuyệt đối, vì dù có lăm le vào nhóm ngũ hổ thế giới trong 10 năm nữa, Indonesia hẳn có những ưu tiên khác cần kíp hơn là mua súng đeo cả hai bên hông, thêm một khẩu dắt bụng, thí dụ như nhu cầu môi trường, hạ tầng cầu đường, giáo dục, y tế…

Trung bình thế giới (theo SIPRI), 2,2% tổng sản lượng kinh tế dùng vào việc sắm dao mài kiếm. Hoa Kỳ chẳng hạn, tiêu 3,4%, Nga đến 3,9%. Trung Quốc, Úc, Pháp ở ngưỡng 2%, Anh 1,7% và Đức 1,3%. Nói riêng trong khu vực, Malaysia là 1,03% (2019), Philippines là 1,13% và Việt Nam là 2% (2018). 

So sánh về con số tuyệt đối, quỹ quốc phòng của Indonesia là 7,4 tỉ đôla (2019), Malaysia là 3,3 tỉ đôla, so với năm 2016 là giảm 21%. Cũng trong khu vực, quốc phòng Indonesia được coi là chậm mất 10 năm. Tại Malaysia, chính quyền mới sau bầu cử 2018 cũng có những quan tâm khác ngoài việc sắm dao lận lưng quần.

Indonesia

Về mặt hải quân, Indonesia với 17.500 hòn đảo hay Philippines với 7.600 đảo hẳn có nhu cầu thuyền bè lớn. Ngay Malaysia cũng có 4.700km bờ biển, so với Việt Nam là 3.200km. Phần Indonesia, chiếm vị trí chiến lược ở nam bán cầu châu Á, ngay trước mặt Singapore nửa giờ tàu, nước này không được nói đến nhiều và kín tiếng, nhưng trong thời kỳ chiến tranh lạnh từng là chiến thắng to lớn nhất và cũng là ít tốn kém của nhất của khối tư bản chủ nghĩa Tây phương.

Sau Thế chiến II và trong những năm đầu độc lập, Indonesia là thành viên sáng lập của phong trào Không liên kết, tức là khối “trung lập” (cùng Nam Tư, Ấn Độ, Ai Cập và Ghana), không theo phe nào. Thế ngoại giao “ở giữa” này khiến Indonesia được cả hai bên ve vãn. Về mặt quân sự, hải quân và không quân Indonesia được Liên Xô trang bị và giúp đỡ, trong khi bộ binh được Hoa Kỳ yểm trợ. 

Thời kỳ này, vấn đề an ninh của Indonesia là với Hà Lan không chịu nhượng bộ một phần thuộc địa cũ (Tây Papua, 1962), với Malaysia khi quốc gia này độc lập và tranh chấp với họ các bang Sabah và Sarawak trên đảo Borneo (1962 - 1966). Sau cùng và gần nhất là chiến tranh độc lập của Đông Timor, thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha (1975 - 1999) và phiến loạn Aceh (1976 - 2005). 

Vấn đề của quân đội Indonesia là giữ gìn và thống nhất một đất nước 270 triệu người, 600 thổ ngữ và 17.000 hòn đảo từng bị ba nước châu Âu khác nhau đô hộ (Hà Lan, Anh và Bồ Đào Nha). Trong giai đoạn đầu lập quốc, vấn đề là không đứng về phía nào trong xung đột Xô - Mỹ.

Chuyện giữ thăng bằng ngoại giao chấm dứt vào năm 1965. Bộ binh và lực lượng đặc biệt Indonesia đảo chánh và lên nắm quyền, kéo quần đảo về phía Tây phương. Hải quân và không quân, dưới ảnh hưởng của Liên Xô, thì không có lính để chiếm đóng các vị trí ngoài trường bay và cảng. 

Tại Triều Tiên, Hoa Kỳ phải tham chiến dưới cờ Liên Hiệp Quốc. Tại miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ trực tiếp ra mặt tham chiến. Tại Lào và Campuchia cũng là các chiến dịch ném bom và biệt kích lính Mỹ trực tiếp ra tay. Indonesia thì rơi vào quỹ đạo Tây phương mà Mỹ không mất mạng lính nào, sau khi chính quyền độc tài tàn sát từ nửa triệu tới 1 triệu người bị tình nghi là cộng sản. Suốt thời kỳ quân phiệt, quân đội, ưu tiên là bộ binh, đảm trách việc đàn áp và chia chác lợi ích kinh tế, cả hai việc đều không cần chiến hạm hiện đại.

 Đầu thập niên 1990, khi khối Đông Âu tan rã, Hải quân Indonesia có mua lại một số tàu chiến cũ của Đông Đức và sang thời kỳ dân chủ, trang bị một số tàu tuần duyên tên lửa của Trung Quốc. Hiện nay, với 75.000 quân và 150 tàu đủ loại, trong đó có 7 chiến hạm tầm trung, lực lượng Hải quân Indonesia được coi là hùng mạnh nhất Đông Nam Á. 

Tuy vậy, vị trí của quần đảo khiến vùng hoạt động và nhiệm vụ chính của hải quân nước này là phía đông nam, vùng biển Java (hạm đội 1 Jakarta), biển Banda (hạm đội 2 Surabaya) và Tây Papua (hạm đội 3 Sorong). Biển Đông chỉ mới trở thành ưu tiên thời gian gần đây.

Philippines và Malaysia

Philippines là quốc gia có tranh chấp trong khu vực Biển Đông, được họ gọi là “biển Tây Philippines”. Đây là một quốc gia ngang tầm Việt Nam, 109 triệu, tổng sản lượng 390 tỉ đôla. Nhưng quỹ quốc phòng của Philippines năm 2020 chỉ có 3,8 tỉ đôla, với hải quân gồm 114 tàu và 25.000 lính, trong đó 9.500 là lính thủy đánh bộ.

 Hiện hải quân nước này đang trải qua chương trình hiện đại hóa để đối phó với những đe dọa mới, nhưng điều đáng nói ở đây là quan hệ “thương hận” giữa Philippines và Hoa Kỳ, tức là vừa thương lại vừa ghét. 

Giở lại lịch sử, năm 1898, Philippines tuyên bố độc lập với Tây Ban Nha, nhưng bị đế quốc và cường quốc hết thời này bán đứng cho Hoa Kỳ. Đây là bán theo nghĩa đen, có hóa đơn, và giá cuối mùa là 20 triệu đôla vào năm 1899. Chủ mới của quần đảo phải bắt đầu một cuộc chiến tranh bình định để lại nhiều kỷ niệm rất xấu. Philippines là thuộc địa của Hoa Kỳ cho đến năm 1946 và có hiệp ước quân sự. Đến 1998, Hoa Kỳ vẫn duy trì căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic Bay tại Philippines.

Vợ người như tiên nga, vợ mình như thuốc đắng, từ ngoài nhìn vào thì khó hiểu được quan hệ rắc rối giữa Philippines và Hoa Kỳ. Bao nhiêu năm tình nồng, được như Philippines còn muốn gì? Muốn Mỹ cút ra khỏi nhà! Anh đi ngay! Lối xóm thì không hiểu tại sao, vì được chiều chuộng như thế, có nồi cơm điện, có xe máy tay ga, có dàn karaoke mới. 

Ba năm từ 2017 tới 2019, số quân viện của Hoa Kỳ cho Philippines tổng cộng là 300 triệu đôla nhưng chính quyền Philippines của ông Rodrigo Duterte nhìn thấy Mỹ là chỉ tay ra cửa. 

Ở trong chăn mới biết nó có rận và theo chính quyền này thì hiệp ước cái quái gì, đến khi cần lại không nhờ cậy được. Đó là họ nghĩ vậy, nhưng bấy nhiêu năm chung sống và đầu gối tay ấp, hẳn họ biết rõ nhau hơn là người lối xóm ở nhà bên kia đường.

Hải quân thứ ba trong khu vực, và có quyền lợi trực tiếp tại Biển Đông, là Malaysia. Đây là một quốc gia ít dân, 32 triệu, nhưng tổng sản lượng cao bằng Philippines (400 tỉ đôla), năm 2020 coi như là đạt hàng một nước phát triển, lợi tức và thu nhập đầu người cao gấp 4 lần Việt Nam và 3 lần Philippines. 

Với 15.000 quân nhân, hải quân nước này thừa hưởng truyền thống và trang bị của mẫu quốc cũ là Anh khi độc lập. Đây là hải quân hiện đại đầu tiên trong khu vực khi sắm tàu tên lửa Pháp và Thụy Điển trong thập niên 1970 và 1980. 

Ở khu vực Trường Sa, hải quân Malaysia kiểm soát trên thực tế 6 thực thể và đặt căn cứ hải kích PASCAL. Riêng tại đá Hoa Lau, chiếm từ 1983, họ còn có một phi đạo 1.400m tên gọi phi trường Layang-Layang được Công ty hàng không Layang-Layang phục vụ khách du lịch! Đây là hải quân bé nhưng có nhiều phương tiện nhất, trang bị và huấn luyện chuyên môn, những năm đầu độc lập được chỉ huy bởi sĩ quan Anh quốc. Quân đội Malaysia cũng tương đối nhà nghề, tức không làm chính trị cũng như không làm kinh tế.

Nói qua, tranh chấp Trường Sa đối với Malaysia là tranh chấp với người ngoài, thế chứ có khi lại không quan trọng bằng tranh chấp với huynh đệ trong nhà là Singapore, từng một thời nằm chung trong liên bang. 

Tại eo biển Singapore, Malaysia tranh chấp ba mỏm đá với Singapore và thua kiện trước Tòa án quốc tế The Hague năm 2008, mất Pedra Blanca nhưng được hai mỏm Middle Rock. Hải quân Malaysia phái ngay một tàu tên lửa đến gác, xây bãi đáp trực thăng và bến tàu. 

Hiện giờ, hải phận và không phận giữa cảng Johor Bahru và cảng Singapore vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.■

Cuộc tập trận chung hải quân Mỹ - ASEAN đầu tiên đã diễn ra thành công vào tháng 9-2019. Cuộc tập trận diễn ra từ căn cứ hải quân Sattahip của Thái Lan với sự tham gia của 8 tàu chiến, 4 máy bay, và 1.000 binh sĩ của Mỹ và cả 10 nước Đông Nam Á. Có tên gọi chính thức là Diễn tập hàng hải ASEAN - Mỹ (AUMX), cuộc tập trận diễn ra ở “vùng biển quốc tế”, bao gồm ở vịnh Thái Lan và Biển Đông, rồi kết lại ở Singapore, theo thông báo từ Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok, với mục đích “duy trì an ninh hàng hải, tập trung vào ngăn chặn và phủ đầu các hành động sai trái trên biển”.

ASEAN cũng đã tiến hành các cuộc tập trận tương tự với Trung Quốc vào năm 2018. Cuộc tập trận có sự tham gia của 8 tàu chiến, 3 máy bay trực thăng, và hơn 1.200 binh sĩ của Trung Quốc và tất cả các nước ASEAN, diễn ra ở vùng biển phía đông thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận