Sản phẩm trí tuệ nhân tạo Việt Nam: Chớ hào hứng thái quá

TRỌNG NHÂN 01/08/2020 06:07 GMT+7

TTCT - Những điều ghi nhận được từ một sự kiện quảng bá trí tuệ nhân tạo Việt Nam mới đây cũng cho thấy với AI, có thể choáng ngợp và kỳ vọng nhưng không nên hào hứng quá mức.

Tác giả Nguyễn Phi Vân trao đổi với khán giả tại buổi ra mắt cuốn sách đầu tiên cộng tác với trí tuệ nhân tạo. Ảnh: TRỌNG NHÂN
Tác giả Nguyễn Phi Vân trao đổi với khán giả tại buổi ra mắt cuốn sách đầu tiên cộng tác với trí tuệ nhân tạo. Ảnh: TRỌNG NHÂN

AI biết viết lách hay trò chuyện với con người không phải là chuyện của thế giới. Đã có những sản phẩm AI làm những điều trên hoàn toàn bằng tiếng Việt, và đội ngũ làm ra cũng như “huấn luyện” chúng đều là người Việt.

AI viết sách

Bà Nguyễn Phi Vân, tác giả của nhiều đầu sách về khởi nghiệp và truyền lửa cho giới trẻ, đã tạo ra một không gian đậm màu công nghệ khi ra mắt tác phẩm mới, một quyển sách do bà viết cùng AI tại TP.HCM chiều 15-7.

Trong sách, bà Vân vào vai Nym, một sản phẩm AI năm 2050, để trò chuyện với một AI khác, là sản phẩm có thật - Sumi, ứng dụng chatbot của Công ty công nghệ Hekate, do một nhóm bạn trẻ người Việt sáng lập.

Theo bà Vân, trong ba năm qua, Sumi đã trò chuyện trực tuyến về mọi lĩnh vực cùng hơn 11 triệu bạn trẻ (chủ yếu là các bạn sinh năm 1998 trở về sau) qua các kênh như Facebook hay Zalo. Do lẽ các bạn trẻ nói chuyện với AI nhiều nhất về tình dục (sex), và câu được hỏi nhiều nhất là “sex là thế nào?”, bà Vân giao hẳn cho AI viết một chương về chủ đề này trong quyển sách của mình.

Bà Vân giải thích AI có 2 cách học - từ những gì người tạo ra chúng “huấn luyện” và từ dữ liệu thu nhập được, cùng các cuộc trò chuyện với con người. Mỗi câu trả lời sẽ dựa trên thông tin và kinh nghiệm từ hàng triệu câu trả lời mà AI tìm được. Do vậy, AI gần như là tấm gương phản ánh của các bạn trẻ AI từng nói chuyện.

“Nym gởi cho Sumi đọc 20 cuốn sách best seller cho tuổi teen ở Việt Nam, bảo Sumi học theo đó mà viết” - bà Vân viết trong sách. Từ dữ liệu đầu vào đó, Sumi hoàn tất chương sách về sex, trong đó tác giả “để nguyên văn không hiệu chỉnh”. “Bộ não AI vẫn còn một số hạn chế, nhiều câu hỏi không trả lời được, tôi vẫn để dấu *** đúng như trên màn hình máy tính” - bà Vân nói tại sự kiện.

Còn người nghi ngại

Dù Nym trong sách là tác giả nhập vai, tại sự kiện ngày 15-7, Nym lại xuất hiện dưới dạng “một robot học làm người”. Khán giả được cơ hội giao tiếp với Nym bằng cách đọc câu hỏi trực tiếp. Có khoảng 10 câu hỏi lần lượt được gửi lên, AI tự phân tích và trả lời.

Các câu hỏi hoàn toàn ngẫu nhiên, về nhiều nội dung như: “Nym nghĩ trí tuệ nhân tạo sẽ có tác động gì đến giáo dục?”, “Nym sau này có thống trị thế giới hay không?”, “Nym nghĩ ai trong sự kiện này là người đẹp nhất?”… Hầu hết các câu trả lời đều ngắn gọn, duyên dáng với giọng đọc khá “con nít” làm khán giả thích thú. Có người còn tán dương đây là bước ngoặt cho AI tại Việt Nam.

Tất nhiên, vẫn có sự nghi ngại. Nguyễn Thanh Huy (20 tuổi) - một bạn trẻ đam mê công nghệ ở TP.HCM - theo dõi rất kỹ sự kiện ra mắt sách và giới thiệu Nym. Huy cho rằng thời gian trả lời mỗi câu hỏi quá lâu, câu dễ cũng đến 1 phút, câu khó thì hơn 2 phút, vì thế khán giả có quyền nghi ngờ. “Trong thời gian đó, bộ phận kỹ thuật bên trong hoàn toàn có thể tự soạn câu trả lời. Thật khó để kiểm chứng trí tuệ nhân tạo trong dự án này ở mức nào” - Huy nói.

Huy cho biết cũng có tìm hiểu về Sumi, nhân vật AI trong sách. Là một chatbot, Sumi có thể trò chuyện với người dùng qua các ứng dụng như Messenger, Zalo. Ra mắt năm 2016, đến nay dù đã “sống và học tập” được nhiều năm, song Sumi vẫn có nhiều câu trả lời ngô nghê. Ví dụ, thử hỏi “Sumi ăn cơm chưa?”, Sumi lại trả lời bằng đoạn giới thiệu… gel rửa tay. “Trong khi đó, theo chương 3 của sách, Sumi khi nói chuyện với Nym lại tự bàn luận rất trơn tru” - Huy hoài nghi.

Nhiều người hoang tưởng

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần bên lề buổi ra mắt sách, anh Nguyễn Văn Minh Đức - CEO Công ty Hekate, đơn vị phụ trách công nghệ cho dự án Nym - cho biết hiện nay nhiều người vẫn còn hoang tưởng về AI.

Theo anh, suy nghĩ của nhiều người về AI thường bị “phim hóa”, ảnh hưởng nhiều từ các bộ phim viễn tưởng. “Người ta thường nghĩ AI hiện tại có thể làm các việc của hơn mấy trăm năm sau hoặc sẽ thống trị Trái đất. Ngay cả các doanh nghiệp khách hàng của chúng tôi cũng đặt ra các đề bài quá cao, cho rằng AI có thể thay thế mọi thứ mà không biết rằng AI cũng như một nhân viên mới, cần phải học từ những cái cơ bản nhất” - anh Đức nói.

Hekate do Đức và các cộng sự cũng thuộc thế hệ 9X thành lập năm 2016, được đánh giá là công ty tiên phong trong AI và chatbot ở Việt Nam. Hiện đã có hơn 10.000 chatbot, giúp các doanh nghiệp chăm sóc, hỗ trợ khách hàng qua chat, được tạo từ công nghệ nền tảng của công ty có trụ sở ở Đà Nẵng này.

Theo anh Đức, hiện tại xu hướng phát triển AI ở Việt Nam chia làm 3 nhánh: xử lý ảnh, xử lý giọng nói và dự đoán - lên kế hoạch. Với các chatbot, độ hiệu quả được đánh giá bằng các tiêu chí: xác suất trả lời đúng một câu hỏi, khả năng ghi nhớ các thông tin trong một cuộc hội thoại. Về Sumi, anh cho rằng những người thường xuyên trò chuyện với Sumi sẽ cho kết quả chính xác hơn, trái lại những người mới “chat” lần đầu sẽ dễ có những câu không khớp. “Tuy nhiên tôi vẫn đánh giá các chatbot ở Việt Nam, trong đó có Sumi đã đạt điểm 7-8 theo các tiêu chuẩn của thế giới” - anh nói.

Theo bà Vân, quyển sách về Nym nằm trong một dự án dài hơi để đưa những kiến thức về AI đến gần hơn với người Việt Nam. Theo bà, hiện chỉ 1% dân số trên thế giới có kiến thức hoặc làm việc liên quan đến công nghệ, 99% còn lại không có cơ hội tiếp cận. Vì thế, bà Vân mong muốn có thể góp phần tăng hiểu biết của nhiều bạn trẻ về công nghệ nói chung và AI nói riêng.

Hiểu đúng về AI

Bà Vân cũng nhìn nhận những hạn chế hiện tại của AI khi tham gia sáng tạo. Thuật toán, phần mềm vẫn còn giới hạn nhất định, chưa thể như con người, nhưng chỉ cần có năng lực thì có thể học tiếp và cải thiện. Nói cách khác, các ứng dụng hiện tại đã làm được việc là chứng minh AI có khả năng làm điều nọ điều kia, song để làm tốt phải cần thêm thời gian.

Chính với tinh thần đó mà sau quyển sách về Nym, bà Vân cho biết sẽ cho ra album nhạc cộng tác với AI đầu tiên tại Việt Nam do Universal phát hành toàn cầu, dự kiến vào cuối năm 2020. 

Nhóm của bà Vân sẽ biến Nym thành một chatbot có thể trả lời mọi câu hỏi, thắc mắc về trí tuệ nhân tạo cho các bạn trẻ. Cuối cùng, Nym sẽ từng bước bước ra đời thật, bằng các hoạt động ca hát, thậm chí đóng phim. “Mục đích lớn nhất của tôi là giúp cho mọi người nâng cao nhận thức về trí tuệ nhân tạo” - bà Vân nói.

Tương tự, anh Đức cũng cho rằng AI hoạt động tốt hay không phụ thuộc nhiều vào sự chỉ dạy của chính người sử dụng. Không phải cứ thuê đội kỹ thuật tạo ra một ứng dụng mới, ví dụ như chatbot, là ngay lập tức có thể vận hành trơn tru. Càng làm lâu và càng được “tập huấn”, trí tuệ nhân tạo mới có thể phát huy tối đa khả năng. “Cũng giống như xây một ngôi nhà 100 tầng thì không thể có ngay được mà phải bắt đầu với phần nền” - Đức nói.■

Theo ông Minh Đức, chatbot ở Việt Nam hiện còn gặp nhiều trở ngại. Xử lý tiếng Việt rất phức tạp so với nhiều ngôn ngữ khác, trong khi các nền tảng công nghệ có liên quan không chủ động phát triển ngôn ngữ này. Ông cho rằng phần lớn các công ty làm về AI hiện nay ở Việt Nam phải “xử” luôn các bộ tiếng nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận