Virus corona sẽ kết thúc tuần trăng mật Trung Quốc - châu Phi?

LÊ QUANG 09/08/2020 02:08 GMT+7

TTCT - Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông miền nam Trung Quốc và cũng là thành phố đông dân nhất tỉnh, nằm bên dòng Châu Giang thơ mộng. Lịch sử 2.200 năm của Quảng Châu có nhiều điểm đáng nhớ, nhưng xứ này nổi bật là một trong những điểm cuối quan trọng nhất của Con đường tơ lụa trên biển và vẫn là hải cảng quan trọng nhất của Trung Quốc hôm nay.

Ở Quảng Châu có cộng đồng người gốc Phi khá lớn. Ảnh: qz.com
Ở Quảng Châu có cộng đồng người gốc Phi khá lớn. Ảnh: qz.com

Từ năm 2013, khi Chủ tịch Tập Cận Bình phát động sáng kiến Nhất đới nhất lộ (Một vành đai, một con đường) đan dệt một mạng lưới thương mại và hạ tầng kết nối hơn 60 quốc gia Á - Âu - Phi, thì Quảng Châu lại có dịp tỏa sáng hơn bao giờ hết. 

Xưa nay người ta đổ xô đến đây làm ăn buôn bán đã đành, song con số 124 tỉ đôla mà Trung Quốc hứa đầu tư vào đại dự án khiến thêm lắm người muốn xắn ké một miếng từ cái bánh thơm phức đó, đặc biệt là ở châu Phi, nơi Trung Quốc chọn là trọng tâm mở rộng ảnh hưởng.

Nhưng chính châu Phi cũng đang chùn bước, và những rạn nứt đầu tiên cảnh báo cuộc hôn nhân hướng tới phồn vinh nhờ Trung Quốc và kiểu làm “kinh tế săn mồi” (predatory economics - theo cách nói của cựu ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson) sẽ sớm tàn vì một điểm yếu cố hữu.

Con đường tơ lụa cao tốc

Bản chất thật của dự án Vành đai - con đường đã làm thế giới tốn nhiều giấy mực, thiết tưởng không cần nhắc lại nhiều. Trung Quốc không chỉ theo đuổi mục đích trở thành cường quốc kinh tế, mà cả địa chính trị và họ bắt đầu ở nơi dễ gõ cửa nhất: thế giới thứ ba.

Lấy ví dụ Kenya. Xét GDP thì đây là quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất Đông Nam và Trung Phi. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của Kenya có thể nói không ngoa là thảm họa. 

Cứ 40 người thì có một xe cơ giới. Phương tiện đường dài chủ yếu là tàu hỏa và xe buýt, cả hai đều cũ kỹ và bất tiện. Mỗi năm chừng 13.000 người Kenya bỏ mạng trên đường vì tai nạn giao thông.

Từ tháng 5-2017, Kenya có 609 cây số đường sắt hiện đại (khổ 1,435m) nối thành phố lớn thứ hai Mombasa với thủ đô và thành phố lớn nhất Nairobi, đi kèm là các nhà ga lung linh sắc bạc, mỗi ngày 10 chuyến tàu hàng nối cảng container với các khu công nghiệp, công suất 22 triệu tấn/năm, tàu chở người đạt vận tốc 120 km/h và chạy chính xác đến từng phút.

Vốn đối ứng của Kenya gần như bằng 0, của Trung Quốc là 99%. Những người lạc quan chờ giai đoạn 2 và 3 và vân vân nối sang hàng xóm Kampala (Uganda), Juba (Nam Sudan), Kigali (Rwanda) và Bujumbura (Burundi), song họ sẽ phải chờ lâu.

Cuối năm 2019, Trung Quốc tuyên bố ngưng cấp tài chính tiếp tới khi Kenya trả phần tín dụng cũ đúng hạn. Tới năm 2019, Kenya nợ Trung Quốc số tiền tương đương 6,5 tỉ đôla, tức gần 22% tổng nợ nước ngoài của quốc gia này. 

Nhà nước liên tục vay thêm tín dụng mới để trả nợ cũ. Không cần học giỏi môn tài chính cũng đoán được cách làm kinh tế như vậy dẫn đến đâu.

Kiểu “bẫy nợ” này không mới. Sri Lanka chẳng hạn - do không trả được nợ cho Trung Quốc - đã phải gán nợ bằng 99 năm quyền sử dụng cảng Port of Colombo với công suất 7 triệu container cỡ 20 foot (năm 2018), một trong những thương cảng nhộn nhịp nhất thế giới.

Sri Lanka không có tên tuổi gì trong làng sản xuất, nhưng lại ở vị trí đắc địa giữa đường đi từ kênh Suez tới eo biển Malacca. 

Một ngày đẹp trời đầu thiên niên kỷ mới, họ mở toang cửa cho các hãng xây dựng Trung Quốc tràn vào làm đường cao tốc và một loạt nhà cao tầng nhất nhì Nam Á. Dĩ nhiên trên thương trường chẳng ai tặng ai cái gì, có trời biết sau 99 năm ấy thì số nợ của Sri Lanka sẽ dài thêm mấy lần 99 năm nữa.

Tử huyệt của cách vay nợ ấy là hai ngân hàng phát triển của Trung Quốc, China Development Bank và China Exim Bank, chưa bao giờ công khai lãi suất tín dụng! Nói cách khác là chính phủ một số quốc gia đi vay tiền mà người dân hay thậm chí quốc hội không hề được kiểm tra. 

Danh sách ấy dài lắm: Pakistan, Djibouti, Maldives, Lào, Montenegro, Mông Cổ, Tajikistan, Kyrgyzstan… thi nhau leo lên Con đường tơ lụa mới để phi vào cái bẫy nợ tốc độ cao.

Quay về Quảng Châu

Quảng Châu là một điểm cuối chính của Con đường tơ lụa trên biển hàng nghìn năm nay vẫn tiếp tục là cảng và trung tâm vận tải chính. Ngày xưa, các thương thuyền châu Á dong buồm qua châu Âu với bụng căng gia vị và vải lụa. Ngày nay, các tàu container chở iPhone cho Tây Âu và đem máy móc, ôtô xa xỉ về châu Á.

Ai đi dạo đường phố Quảng Châu trong vòng 10 năm qua sẽ thấy một màu sắc mới: ngày càng nhiều người vận đồ truyền thống quê hương, từ áo dài sặc sỡ châu Phi đến áo chùng đạo Hồi.

Dù theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc có tỉ lệ nhập cư so với dân số thấp nhất địa cầu. Năm 2015, khi 1 triệu người Trung Đông chạy qua châu Âu trốn chiến sự, Trung Quốc chỉ tăng số dân nhập cư 0,07% so với năm trước.

Mọi chuyện manh nha từ thập kỷ 1990, khi kinh tế toàn cầu khởi sắc và hàng ngàn thương nhân châu Phi, chủ yếu từ Tây Phi, tìm đến Quảng Châu và lập ra Tiểu Phi châu ở đó. Người Phi cũng rời bỏ Indonesia và Thái Lan trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 để qua Trung Quốc tìm đất mới. 

Một báo cáo hồi năm 2008 nói sự tăng trưởng của cộng đồng châu Phi ở đây mỗi năm lên tới 30-40%.

Người Phi ở Quảng Châu chủ yếu hoạt động thương mại, chiếm số lớn các đầu mối bán sỉ lấy hàng từ khu vực công nghiệp gần đó. Bức tranh đường phố Quảng Đông hôm nay đã quá quen với các tiệm làm tóc, nhà hàng, cửa hàng sim điện thoại quốc tế của người da đen. 

Nhìn chung, họ luôn xung đột ít nhiều với dân địa phương và sự dị biệt về văn hóa cũng như một lượng không nhỏ tham gia buôn bán ma túy khiến họ luôn có vấn đề với công an Trung Quốc. Sự phân biệt chủng tộc, khỏi phải nói, là phổ biến.

Vốn bình thường đã nổi tiếng khắt khe trong luật hộ khẩu và di trú, từ năm 2014 nhà chức trách sở tại càng mạnh tay hơn với cộng đồng người Phi. Thêm nữa, đồng tiền Nigeria và Angola ngày càng mất giá, khiến giao thương giữa hai lục địa kém hẳn. Virus corona là một đòn nữa bồi thêm vào đó.

Kỳ thị sắc tộc diện rộng

Đại dịch bao trùm thế giới và lục địa đen chịu ảnh hưởng nặng nề vì y tế kém phát triển. Nếu như Âu - Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc mang virus gieo rắc khắp hoàn cầu thì ở chính Trung Quốc, người da đen lại phải chịu tiếng xấu là đem virus vào Trung Quốc.

Cộng đồng Phi châu ở Quảng Đông ngày càng nhiều ta thán rằng họ bị chủ nhà cắt hợp đồng, bị đuổi khỏi khách sạn và nhà trọ, thậm chí đi siêu thị mua đồ ăn cũng bị ghẻ lạnh. Đã có một số người phải ngủ dưới gầm cầu hay ghế đá vườn hoa.

Tháng 4-2020, lãnh sự Mỹ ở Quảng Châu phải khuyến cáo người Mỹ gốc Phi tránh đi du lịch đến Quảng Châu vì thực tế đã có nhiều khách sạn không cho người da đen thuê phòng. Công an Trung Quốc cũng có quyền bắt người da đen phải xét nghiệm COVID-19 và trả một phần phí tổn cách ly 14 ngày.

Đại sứ 20 nước châu Phi ở Trung Quốc viết công hàm cho Bộ Ngoại giao nước này đề nghị xử lý các trường hợp kỳ thị sắc tộc, đặc biệt ở Quảng Châu. Chủ tịch Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat triệu đại sứ Trung Quốc ở Liên minh châu Phi Lưu Vũ Tích đến văn phòng để bày tỏ lo ngại.

Chắc chắn thái độ thiếu thiện chí với người da đen không phải là chính sách của Trung Quốc, vì chính quyền nước này đã và đang cần châu Phi cho Nhất đới nhất lộ. Song trong một xã hội tỉ dân, không dễ dàng dùng mệnh lệnh hành chính để loại trừ một số định kiến đã ăn sâu bén rễ lâu đời với “man di, nhung địch”.

Cũng không loại trừ chính quyền Mỹ nhân dịp này thọc gậy bánh xe ly gián Trung Quốc và châu Phi, song dù ở hoàn cảnh nào, nhiều chuyên gia xã hội học cho rằng châu Phi đang dần ngộ ra, đặc biệt qua đại dịch, vai trò tốt đen của mình.■

Corona ở khắp nơi

Corona còn lật ra các điểm yếu trên chính trường, trong chính sách y tế, bảo hiểm và khả năng quản lý yếu kém của nhiều nhà nước, không chỉ dừng ở thiệt hại tiềm năng với đại dự án Nhất đới nhất lộ.

Tháng 4 ở Abuja, thủ đô Nigeria, có lẽ chưa bao giờ một nhà ngoại giao Trung Quốc phải chịu đựng tình cảnh hạ nhục công khai như vậy. Ông Chu Bỉnh Kiếm được người phát ngôn Quốc hội Nigeria Femi Gbajabiamila mời đến văn phòng và xỉ vả trước ống kính truyền hình.

Đoạn video thậm chí được đăng công khai trên Internet: “Cách mà chúng ta nói chuyện không được ngoại giao cho lắm, song lý do là tôi rất bất bình về những gì đã xảy ra”, ông Gbajabiamila nói. Người Nigeria ở Quảng Đông bị hắt hủi vì bị cho là đem virus corona vào Trung Quốc.

Mấy hôm sau, Công ty luật Azinge & Azinge khởi kiện, đòi Trung Quốc bồi thường 200 tỉ đôla Mỹ vì “gây ra tổn thất sinh mạng, bóp nghẹt kinh tế, sang chấn, đau khổ, mất phương hướng xã hội, khủng hoảng tinh thần và cuộc sống bình thường của dân chúng bị phá hoại”!

Trước đó mấy tuần, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị còn say sưa với những tuyên bố đầy chất thi ca: “Khi băng tuyết tan đi, mùa xuân sẽ đến”. Ông nói với các đồng nghiệp châu Phi trong một cuộc hội đàm trực tuyến: “Sau khi chiến thắng virus corona, cộng đồng cùng chung số phận Trung Quốc và châu Phi sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.

Dự tính lạc quan ấy bị vùi dập bởi một tờ giấy A4: thông báo dán ở cửa một chi nhánh McDonald’s tại Quảng Châu: “Kể từ nay người da đen không được vào nhà hàng”. 

Không khí xấu xí ấy tạm thời lặng xuống với tuyên bố của Trung Quốc, thành viên Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế về việc cân nhắc hoãn nợ cho các nước châu Phi. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng nhấn mạnh xóa nợ tín dụng thương mại là không thể. Điều đó cũng khó như hàn gắn các rạn nứt e đã quá sâu của họ với lục địa đen.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận