Cùng một tổ phụ Abraham…

DANH ĐỨC 21/08/2020 23:08 GMT+7

TTCT - Thỏa thuận giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) ngày 13-8 vừa qua quả là “lịch sử” với tên gọi Hiệp ước Abraham, trong ý nghĩa muốn hàn gắn các con cháu của tổ phụ Abraham, nhưng tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là chính trị thực dụng.

Bộ ba hoàn cảnh Israel, Mỹ, UAE. Ảnh: The Wall Street Journal
Bộ ba hoàn cảnh Israel, Mỹ, UAE. Ảnh: The Wall Street Journal

Có một thực tế oái oăm là cả ba tôn giáo “đâm chém” nhau suốt bao thế kỷ qua các cuộc thánh chiến, rồi sau này là bắn giết trong thời hiện đại ở Trung Đông: Do Thái, Kitô, và Hồi giáo, đều có chung một ông tổ là Abraham, được cho là sinh trưởng tại thành phố Ur thuộc đế quốc Babylon (nay ở nam Iraq, gần giáp Kuwait) vào thế kỷ 20 trước Công nguyên.

Sau này phân nhánh, do những khác biệt tầm nhìn về Đấng Tối cao, họ dần xa nhau, thậm chí phủ định nhau. Với thời gian và sau vô vàn những thương đau, chỉ ở thời hiện đại, hi vọng về sự xích lại gần nhau lâu dài mới được nhen nhóm. Sự hòa giải giữa Israel và UAE cũng phải đặt trong xu hướng đó.

Hòa giải tôn giáo...

Đại dịch COVID-19 là dịp để các tôn giáo cùng nhau cầu nguyện. Hôm 25-3, để bày tỏ lòng tin ở Đấng Toàn năng, lãnh đạo ba tôn giáo có cùng tổ phụ Abraham đã cùng nhau cầu nguyện tại Jerusalem, theo hãng tin của Tòa thánh, Vatican News 27-3. Buổi cầu nguyện là sáng kiến của thị trưởng Jerusalem, diễn ra tại Tòa thị chính Đất thánh, có sự tham dự của cả đại diện các tôn giáo khác như Druze và Bahai - mỗi tôn giáo cầu nguyện theo truyền thống của mình.

Trước đó, hôm 21-3, một thông cáo chung giữa Công giáo La Mã, Chính thống giáo Hi Lạp và Armenia cũng bày tỏ hi vọng “trong tình hình nguy hiểm này, tất cả con cái của Abraham có thể cùng nhau cầu nguyện Đấng Toàn năng để cầu xin sự bảo vệ và lòng thương xót”.

Có thể thấy khi đứng trước những khủng hoảng sống còn, tỉ như đức tin trong đại dịch hay những va chạm với tín lý về sự sống, các tôn giáo càng có nhu cầu gặp nhau. Thiệt ra, đây không phải lần đầu các tôn giáo trên gặp gỡ. Năm 2004, một buổi “hòa nhạc vì hòa giải” đã được ba tôn giáo cùng chung tổ phụ này lần đầu tiên tổ chức ở Vatican.

Lúc bấy giờ, tháng 1-2004, thế giới vừa mới kinh qua cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan, mà chủ yếu là tấn công lực lượng Hồi giáo cực đoan Taliban, vốn bị Mỹ coi là chủ mưu vụ khủng bố 11-9-2001 ở New York. Tiết mục “đinh” của buổi hòa nhạc vì hòa giải, do đó, là khúc hợp xướng mang tên Abraham của nhà soạn nhạc John H. Harbison, dựa trên một đoạn Cựu ước, kinh sách chung của ba tôn giáo.

Từ những mở màn hòa giải tôn giáo dẫn đến những hòa giải chính trị là một diễn biến hợp lẽ. Song, hành trình xem ra còn lắm gian nan khi các lãnh đạo tôn giáo chưa toàn tâm toàn ý hòa giải, những gặp gỡ cấp cao của giới chức tôn giáo vẫn rất hiếm, chứ đừng nói cấp cao nhất.

Những “trùng dụng” tôn giáo - chính trị vẫn còn như ngày nào: mới đây Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan nhất định biến viện bảo tàng nguyên là nhà thờ Kitô giáo, nhà thờ Chính thống giáo, rồi hội đường Hồi giáo Hagia Sophia ở Istanbul trở lại là hội đường Hồi giáo. Tất nhiên, lúc nào cũng có những tính toán đằng sau trong chọn lựa hòa giải hay không, trong tôn giáo có chính trị, và trong chính trị lại có tôn giáo. Dẫu sao, xu hướng hòa giải cũng coi như đã bắt đầu.

Trong bối cảnh vẫn còn ngổn ngang khoanh vùng tôn giáo như vậy, việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thái tử của tiểu vương quốc Abu Dhabi là Sheikh Mohammed bin Zayed hôm 13-8 vừa qua nhất trí thông qua một tuyên bố chung tay ba với Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể coi là một bước tiến. Dù như mọi bước tiến khác, những lợi ích chính trị đi kèm cũng được cân đong kỹ lưỡng.

Ông Trump hôm ấy khi loan báo tin này đã đồng thời giải thích lợi ích của thỏa thuận: “Thỏa thuận này sẽ cho phép người Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới lui tới nhiều hơn các di tích lịch sử ở Israel - điều mà người Hồi giáo rất muốn nhìn thấy và vẫn muốn nhìn thấy trong nhiều, nhiều thập kỷ qua - để cầu nguyện hòa bình tại hội đường Hồi giáo Al-Aqsa, vốn là một nơi rất đặc biệt với họ”.

Quả thật, hội đường Al-Aqsa rất ý nghĩa với người Hồi giáo. Việc từ nay người Hồi giáo có thể đến đây là trọng đại với họ, do lẽ thành cổ Jerusalem trong vùng kiểm soát của Israel là địa điểm linh thiêng thứ ba trong đạo Hồi, sau Mecca và Medina. Người Hồi giáo tin rằng Nhà tiên tri Muhammad đã chuyển từ đại hội đường Mecca đến Al-Aqsa và đã lĩnh xướng cầu nguyện hướng tới địa điểm này cho đến tháng thứ 17 sau khi ông di tản từ Mecca đến Medina.

“Thợ may” đã “đo cắt may” ra thỏa thuận này là cố vấn cao cấp của Nhà Trắng Jared Kushner, con rể ông Trump. Ông Kushner giải thích thêm trong cùng cuộc họp báo: “Điều này sẽ giúp nhiều người có thể bay thẳng từ Dubai và Abu Dhabi đến Tel Aviv. Người Hồi giáo sẽ được chào đón ở Israel, và điều này sẽ tạo ra sự trao đổi giữa các tôn giáo tốt hơn”.

Đến đây, ông cố vấn Kushner ra khỏi phạm vi tôn giáo để bước vào địa hạt chính trị: “Tôi muốn nói với người dân trong khu vực - dù là người Hồi giáo, Do Thái giáo, hay Kitô giáo - rằng điều này mang lại hi vọng rằng những vấn đề quá khứ sẽ không đưa các bạn đến một tương lai xung đột”.

Như mọi khi, ông Kushner không quên tán dương bố vợ: “Ngài Tổng thống, giống như với mọi chuyện khác, đã thúc giục chúng tôi có cách tiếp cận phi truyền thống. Không thể giải quyết những vấn đề chưa được giải quyết bằng những cách thức cũ đã thất bại”.

...Hay lợi ích chính trị?

Cũng trong cuộc họp báo tối hôm đó, Thủ tướng Netanyahu giải thích ý nghĩa của điều phía Israel gọi là “nền hòa bình chính thức thứ ba với một nước Ả Rập”. Ông kể lể lịch sử: “Năm 1979, Thủ tướng Menachem Begin làm hòa với Ai Cập. Năm 1994, Thủ tướng Yitzhak Rabin ký hiệp ước hòa bình với Jordan.

Và hôm nay, tôi rất vinh dự được công bố một thỏa thuận hòa bình chính thức với Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất”. Lợi ích của nền hòa bình mới là: “Israel và UAE là hai quốc gia vào loại tiên tiến nhất thế giới. Cùng nhau, chúng ta sẽ thay đổi khu vực và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân của chúng ta”.

Nếu nhìn lên bản đồ Trung Đông và vịnh Ba Tư, sẽ thấy tình hình như sau: phía đông là lãnh thổ Iran bao trùm; UAE nằm ở phía tây cùng các nước Ả Rập dầu hỏa khác như Kuwait, Saudi Arabia, Oman, Bahrain, Qatar...; và ở xa thật xa về phía tây là Israel. Cả vùng vịnh Ba Tư mênh mông, song lại thắt cổ chai ở eo biển Hormuz sát Iran, tuyến xuất khẩu dầu mỏ chính và mấy năm qua là nơi Iran dền dứ mỗi khi căng thẳng leo thang.

Mỹ có vẻ đang tính toán muốn rút khỏi Trung Đông để tập trung cho các mặt trận khác “ăn điểm” với cử tri trong nước hơn, như ông Trump lặp đi lặp lại trong cuộc họp báo nói trên: “Chúng ta không cần phải ở đó nữa. Chúng ta không cần dầu hỏa... Chúng ta không cần phải tuần tra các eo biển”.

Thế cho nên phải có một dàn xếp mới. Chi bằng thu vén cho Israel và UAE trước “làm ví dụ”, sau đó sẽ với các nước còn lại, như hi vọng của ông Netayahu: “Đây là tương lai hòa bình, tương lai an ninh và tương lai thịnh vượng. Tôi tin rằng có khả năng cao là chúng ta sẽ sớm thấy nhiều quốc gia Ả Rập tham gia câu lạc bộ hòa bình đang mở rộng này”.

Cái “câu lạc bộ hòa bình” đó, tất nhiên, không bao gồm Iran, và thế kình chống sẽ tiếp tục với một bên là “liên minh địa phương”, cũng là “liên minh hoàn cảnh” Do Thái - Hồi Sunni, và bên kia là Iran Hồi Shia, hi vọng đủ sức tự đứng vững một khi Mỹ đã rút lui. Câu hỏi chính yếu lúc này là thế lực quân sự nào sẽ thế chỗ Mỹ?

Từ tháng 8-2019, Bộ trưởng Ngoại giao Israel trả lời phần nào với tuyên bố ông “đã gặp gỡ ít nhất một quan chức cấp cao ở Abu Dhabi và đồng ý cung cấp thông tin tình báo và các hỗ trợ khác cho liên minh mới do Mỹ dẫn đầu được thiết kế để đảm bảo an ninh chống lại Iran ở vịnh Ba Tư” (Breaking Defense 16-8-2019).

Nguồn tin quân sự này cũng cho biết bước đầu gia tăng phòng thủ Israel gồm nhiều lớp các tên lửa truy cản thế hệ mới (NGI), hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis BMD, và hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) có thể lần lượt đi vào hoạt động từ giữa đến cuối những năm 2020, các tàu ngầm của hải quân Israel - được trang bị “vũ khí đặc biệt” (ngầm hiểu là vũ khí hạt nhân) cũng sẽ thường xuyên đóng ở vịnh Ba Tư, theo thỏa thuận với các nước Ả Rập Hồi Sunni.

Liên minh mới thành lập tháng 9-2019, với tên gọi Tổ chức An ninh hàng hải quốc tế (IMSC), hiện có 8 nước: Anh, Úc, Mỹ, Albania, Saudi Arabia, Bahrain, Lithuania, và UAE. Mục tiêu của IMSC không nói ra thì ai cũng biết là để đối phó Iran, và như vậy thì liên minh với Israel trở thành “lựa chọn tự nhiên”, dưới bóng tổ phụ chung Abraham, chỉ trừ những ai cũng cùng tổ phụ, nhưng khác quan điểm chính trị! ■

Hai nền hòa bình với thế giới Ả Rập trước kia đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho Israel. Tới năm 1973, Israel, khi lâm chiến với cả khối Ả Rập, đã ở thế đương đầu với Ai Cập, vốn cùng Syria thống lĩnh liên minh chống nhà nước Do Thái - phục hận việc bị Israel chiếm mất bán đảo Sinai (thuộc Ai Cập cho tới 1967) và cao nguyên Golan (thuộc Syria cũng tới 1967).

Vậy mà sau thỏa thuận hòa bình 1979, Ai Cập, theo lời cựu bộ trưởng quốc phòng Israel Binyamin Ben-Eliezer, đã trở thành “không chỉ là bằng hữu thân cận nhất của chúng ta trong khu vực, mà còn là một mối quan hệ hơn cả chiến lược” (Sydney Morning Herald 27-11-2011). Israel yên ổn ở phía Ai Cập kể từ đó. Cũng thế, sau hiệp định hòa bình với Jordan năm 1994, Israel được đảm bảo Jordan sẽ không cho phép lãnh thổ của mình trở thành nơi tổ chức các cuộc tấn công quân sự của một bên thứ ba.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận