Khi đàn sếu chẳng trở về

NGỌC TÀI 23/12/2020 20:00 GMT+7

TTCT - Năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam không thấy sếu đầu đỏ bay về, trú lại tìm thức ăn. Giới khoa học quan sát và cho biết chỉ có 7 con bay qua khu vực Phú Mỹ (Kiên Giang) mà không hề đậu lại. Lý do là vì không còn chút đất lành nào cho đàn sếu trở về.


Ảnh đàn sếu chụp ngày 22-2-2014 ở Kiên Lương mà nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu đặt tên là "Sếu họp chợ", nay Kiên Lương không còn hình ảnh đẹp đẽ này nữa.

“Buồn lắm, vẫn không thấy chúng đâu” - ông Trần Hào Hiệp, phó giám đốc Trung tâm bảo tồn và hợp tác quốc tế thuộc Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim, nói với tôi qua cuộc điện thoại ngày 14-12-2020, dẫu “tháng 12 là tháng chúng có thể về sớm”. 
Cuộc gọi thứ hai cho ông Nguyễn Văn Hướng, giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ, cũng nhận tin buồn: năm nay, đến ngày 15-12 vẫn chưa có sếu về Phú Mỹ như mọi năm. Vậy là, ở cả hai khu vực sếu thường về Việt Nam là VQG Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) và cánh đồng cỏ bàng Phú Mỹ (huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) năm nay vẫn chưa ghi nhận con sếu nào xuất hiện.

Theo thống kê của Trung tâm bảo tồn và hợp tác quốc tế thuộc VQG Tràm Chim, những năm 2014-2016 vẫn còn thấy sếu về, dù ít, từ 14-23 con mỗi năm thì năm 2017 đột ngột chỉ có 3 con. Năm 2018 họ đếm được 9 con, năm 2019 là 11 con. Trong cả năm 2020 không có con sếu nào về.

Không còn cơ hội để tồn tại 

Ông Nguyễn Phong Vân, nguyên giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ, cho biết năm 2018 và 2019 số lượng sếu về Phú Mỹ lần lượt là 97 con và 54 con. “Người dân tự bao chiếm, đắp đê làm lúa bên trong Phú Mỹ làm xáo trộn sinh cảnh sống của sếu nên năm 2020 sếu không về. Những người dành tâm huyết cho công tác bảo tồn và yêu sếu đều rất đau lòng” - ông Vân nói.

Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo - phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất ngập nước (thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM), cũng là một tình nguyện viên bảo tồn sếu tại Hội Sếu quốc tế - cho biết sự sụt giảm của đàn sếu ở Việt Nam và cả Campuchia cho thấy môi trường sinh thái tự nhiên đang bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là các vùng đất ngập nước tự nhiên và khu vực sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, sinh cảnh sống của sếu bị tàn phá quá nhanh trong 10 năm gần đây, xảy ra ở cả 2 nước. Chẳng hạn ở phía Bắc Campuchia và Tây Nguyên Việt Nam, trước đây là những khu rừng khộp rộng lớn nơi sếu sinh sản, nay đã biến thành đồn điền cao su, đồng mía, rẫy điều… Khu vực đồng cỏ ngập nước quanh Biển Hồ khi trước là vùng đất hoang hoặc trồng lúa một vụ, nay hầu hết đang trồng lúa 2-3 vụ.

Đối với ĐBSCL, việc chuyển đổi đồng cỏ ngập nước tự nhiên thành đất nuôi trồng thủy sản hay trồng lúa và lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp đã làm phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái. Sếu gần như không còn cơ hội để tồn tại. Tại các khu bảo tồn, việc “trồng rừng” không phù hợp cũng dẫn đến sự biến mất của loài sếu ở Việt Nam.

Gia đình sếu trong đó sếu bố bị thương ở cổ (vết thương đã lành) do thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo chụp tháng 4-2019. Hi vọng đây không phải là hình ảnh cuối cùng của sếu ở Việt Nam.

Khi được hỏi về những kiến nghị và giải pháp để sếu một lần nữa quay về Việt Nam, ông Bảo thẳng thắn: “Gần như không có giải pháp. Trước đây, các khuyến nghị của những nhà khoa học bảo tồn không được lắng nghe. Đến nay gần như mọi thứ không thể đảo ngược. Khi môi trường tự nhiên đã thay đổi, việc khôi phục nó là hầu như không thể hoặc rất tốn kém”.

Ông Bảo cho rằng chỉ có thể gìn giữ những vùng đất tự nhiên còn sót lại, đồng thời quy hoạch lại một số vùng trồng lúa không hiệu quả, giảm hóa chất nông nghiệp thì mới “Hi vọng trong 10 hay 15 năm tới có sự thay đổi tích cực”.

 Sếu không về Việt Nam là do môi trường sống cho sếu ở Việt Nam không còn nữa. Những con trước đây quen về Việt Nam hằng năm thì đến nay có lẽ đã chết, hoặc chúng đến mà không thấy “nhà” đâu nữa nên đi”

- ThS Nguyễn Hoài Bảo

Một Tràm Chim đang “chết ngộp”

Tràm Chim trong những năm 1980 là nơi đầu tiên phát hiện sếu về tìm thức ăn. Cao điểm có cả ngàn con sếu tạo nên vũ điệu đặc sắc trước hoàng hôn. Lúc đó, nơi này còn chưa được công nhận là vườn quốc gia, cũng chưa hề có khái niệm về bảo tồn.

Theo các chuyên gia, hệ sinh thái VQG Tràm Chim bắt đầu bị xáo trộn xuất phát từ tư duy trữ nước để phòng lửa và chữa lửa. Muốn vậy, phải nâng đê lên 4-5m so với mặt đất, phải đào kênh bên trong để trữ nước suốt mùa khô. Tràm Chim vốn vận hành theo nhịp tự nhiên từng mùa (mùa khô và mùa nước nổi) bỗng bị biến thành “hồ nước” quanh năm. Cây cỏ thuộc hệ sinh thái theo mùa không thích nghi được với việc bị ngâm trong nước nhiều năm nên chết dần.

Vũ điệu sếu từng là nét nổi bật, thu hút của VQG Tràm Chim nay không thể gìn giữ là điều rất tiếc nuối với những người làm công tác bảo tồn lẫn những người yêu thiên nhiên hoang dã. Ảnh: N.V.HÙNG

Theo quan sát của Tuổi Trẻ Cuối Tuần, kể từ khi Tràm Chim có đê bao khép kín, hệ thống kênh chằng chịt, người ta không còn phân biệt được đâu là mùa khô, đâu là mùa lũ vì chỉ còn một mùa nước bình bình bủa quanh. Chim cò giảm hẳn, chỉ còn tiếng ghe máy đưa du khách vào tham quan trong rừng tràm xành xạch ồn ào. Số lượng chim giảm, số lượng cây tràm thì tăng, nhưng những cây tràm này cũng ốm o, ngả nghiêng trong nước ngập.

Việc chăm chăm giữ nước để phòng cháy còn kéo theo nhiều hệ lụy: diện tích đồng cỏ bị thu hẹp, tràm bị ngã đổ và không tăng trưởng được, cây năn không tạo củ để làm thức ăn cho sếu. Xác bã thực vật chết, thối rữa lấy hết oxy trong nước làm cá không sống được, chim, cò không thể tìm được nguồn thức ăn.

Từng nhiều năm làm giám đốc VQG Tràm Chim nên ông Nguyễn Văn Hùng (hiện là phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Đồng Tháp) hiểu hơn ai hết những áp lực của việc trữ nước để chống cháy rừng vì luật chồng chéo. Mặc dù VQG Tràm Chim được công nhận là Ramsar (vùng đất ngập nước) thứ 2.000 của thế giới, nơi đây lại không được quản lý theo Công ước Ramsar mà quản lý theo Luật bảo vệ rừng đặc dụng, trong đó có quy định không để cháy rừng. Các nhà khoa học và vườn quốc gia đã có nhiều lần kiến nghị nên thực thi pháp luật Việt Nam, đồng thời vận dụng Công ước Ramsar để quản lý Tràm Chim tốt hơn, nhưng đến nay những kiến nghị ấy vẫn rơi vào im lặng.

 Tiến sĩ Lê Phát Quới, Đại học Quốc gia TP.HCM, cảm nhận sếu những năm gần đây dù có về Việt Nam cũng rất nhát. Trong khi ở Alung Pring (Campuchia), những lần ông ghé qua chúng rất dạn dĩ và thân thiện với con người. Ông Quới chia sẻ: “Sếu về Việt Nam phải quan sát ở khoảng cách vài trăm mét, còn sếu ở Alung Pring chỉ vài chục mét. Có lại gần, chúng cũng chỉ chạy lịch phịch tránh xa chứ không hoảng sợ bay đi như ở Việt Nam”. TS Quới cũng phân tích thêm sếu chọn quay về nếu tìm thấy “nhà” của chúng - nơi các thành viên trong đàn được ăn uống và cảm thấy an toàn, còn hiện tại ở Việt Nam chúng không còn thấy điều đó nữa.

Sếu về VQG Tràm Chim hằng năm nhưng năm 2020 chúng không quay lại là nỗi buồn cho công tác bảo tồn. Ảnh: N.V.HÙNG

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia sinh thái với hơn 20 năm kinh nghiệm về bảo tồn đất ngập nước ở ĐBSCL, cũng nói về nghịch lý trong việc quản lý khi để rừng tràm chiếm ưu thế và lấn át những loài khác. “Đồng Tháp Mười nguyên thủy là những cánh đồng cỏ rộng mênh mông, xa xa có những cụm tràm. Dĩ nhiên cũng cần tràm nhưng không cần trồng dày đặc vì đây không phải lâm trường mà là khu bảo tồn đất ngập nước. Loài sếu rất sợ bụi cây vì bản năng cảnh giác của chúng rất cao” - ông Thiện phân tích.

Ngoài ra, theo lý thuyết sinh thái, và thực tiễn cũng đã chứng minh, lửa ở một cường độ vừa phải là một yếu tố của hệ sinh thái. Nó góp phần làm vệ sinh hệ sinh thái để tái tạo khối mới, tốt tươi cho muôn loài. Và cây tràm cùng đồng cỏ Đồng Tháp Mười là những loài thích nghi cao với lửa, có thể phục hồi rất nhanh sau lửa. “Tràm trồng thì không phải là loài bị đe dọa tuyệt chủng. Ấy vậy mà để bảo vệ cây tràm khỏi lửa, toàn bộ hệ sinh thái trong đó có sếu và các loài quý hiếm khác phải chết dần chết mòn. Một cái chết ngộp. Tràm không cháy trong lúc bị ngâm nước nhưng cũng ngã đổ và ốm o” - ông Thiện nói.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh: mối đe dọa với hệ sinh thái ĐBSCL là các đập thủy điện ở Lào và Campuchia đã tạo thành những bức tường thành ngăn cá trắng đổ về hạ lưu. Cá trắng mất đi thì cá đen cũng không thể tồn tại vì mất nguồn thức ăn. Và không có cá thì muôn loài chim, không riêng sếu trong VQG Tràm Chim, khó mà tồn tại.

 

Ảnh: Tăng A Pẩu

Nỗi niềm người ngóng sếu ở Tràm Chim

Ông Trần Hào Hiệp buồn bã cho biết năm nay sếu không về Tràm Chim, không chỉ những người làm bảo tồn mà cả các nhân viên của vườn cũng buồn hiu. Họ đã quen đón sếu về, thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm. Những năm gần đây, họ thấy chúng về trễ hơn, vào khoảng tháng 5 đến tháng 6. Giờ thì đã giữa tháng 12, không ai thấy được con sếu nào.

Để “níu chân” sếu, vườn đã lên cả một kế hoạch bổ sung thức ăn cho sếu để khẩu phần ăn của chúng phong phú hơn. Các nhân viên của vườn mang lúa, bắp và cá... đến bãi sếu ăn, thầm lặng cho kịp trước thời điểm chúng đến. Chị Nguyễn Thị Nga, một cán bộ thuộc trung tâm đã dành nhiều tâm huyết cho công tác bảo tồn sếu, cho biết sau nhiều năm đón sếu, đếm sếu và tiễn chúng, chị và đồng nghiệp đều rành rẽ khi nào chúng sẽ đáp ở bãi ăn, ăn bao lâu, ăn xong chúng sẽ uống nước ở ao nào. Uống nước xong, các thành viên trong gia đình sếu sẽ bắt cá cùng nhau. Có năm bãi nước chúng hay uống cạn khô, sợ chúng sẽ bay đi nên chị Nga bàn với mọi người bơm nước từ kênh vào để bổ sung, tất cả các hoạt động phải diễn ra thật lặng để sếu không biết, không sợ.

“Bên Hội Sếu quốc tế có căn dặn không được cung cấp thức ăn cho sếu vì như vậy sẽ làm mất bản năng tìm mồi của chúng, nhưng chúng tôi thấy xót khi nhìn chúng lục lạo thức ăn trong khi nguồn thức ăn tại chỗ ngày một giảm. Không biết có phải như thế…” - chị Nga ánh mắt buồn buồn bỏ ngang câu nói. ■

Tìm giải pháp

Nói về kế hoạch sắp tới sau “cú sốc” sếu không về VQG Tràm Chim, ông Hiệp cho biết vườn đang đề xuất phương án điều chỉnh chức năng các phân khu cũng như chọn một vài đối tượng bảo tồn điển hình (tràm, thủy sản, năn, hoàng đầu ấn, nhĩ cán tím…) cho từng khu.

“Những phân khu có bãi năn của sếu sẽ ưu tiên phát triển năn, tiến hành rút nước vào mùa khô, công tác phòng cháy và chữa cháy sẽ tập trung vào thời điểm nước rút” - ông Hiệp cho biết. Ngoài ra, phương án giảm lớp thực bì đang quá dày ở vườn cũng được nêu, vừa để giảm nguy cơ cháy lớn vừa giúp sếu dễ tìm thức ăn.

Năm 2018, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cử một đoàn công tác sang Thái Lan để nghiên cứu, khảo sát thực tế dự án phục hồi sếu của nước này. Từ những năm 1990, để phục hồi loài sếu trước nguy cơ tuyệt chủng, Chính phủ Thái Lan đã kết hợp với Hội Sếu quốc tế thực hiện chương trình nuôi nhốt sếu có nguồn gốc từ Campuchia. Kết quả là tới năm 2017, họ đã thành công trong việc chuyển sếu từ nuôi nhốt sang sống và sinh sản trong tự nhiên.

Sau chuyến thực tế này, UBND tỉnh Đồng Tháp hồi năm ngoái đã kiến nghị Bộ NN&PTNT, đại diện Chính phủ Việt Nam xem xét, gửi thư đề nghị hỗ trợ thực hiện phục hồi và bảo tồn sếu đến Bộ Tài nguyên và môi trường Thái Lan.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận