Làn sóng phản đối bủa vây Huawei

TRƯỜNG SƠN 25/02/2019 21:02 GMT+7

TTCT - Nước Mỹ dưới triều Tổng thống Donald Trump đã “tuyên chiến” với Huawei và liên tục kêu gọi các nước khác, nhất là đồng minh của Washington, cũng cấm cửa hãng công nghệ viễn thông hàng đầu Trung Quốc. Vì đâu nên nỗi?

Cả thế giới lo ngại “gián điệp số” đánh cắp công nghệ từ Trung Quốc
Cả thế giới lo ngại “gián điệp số” đánh cắp công nghệ từ Trung Quốc

 

Huawei là một công ty sản xuất chip giá rẻ cho các nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới trước khi phát triển không ngừng và vươn vai thành gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Theo tạp chí Economist, doanh thu của Huawei đã tăng từ 93,8 tỉ nhân dân tệ (12,8 tỉ USD) năm 2007 lên đến 603 tỉ nhân dân tệ ngày nay. Công ty Trung Quốc hiện đã “ngồi chung mâm” với các đại gia như IBM và Microsoft của Mỹ. Huawei cũng đã soán ngôi Apple để trở thành nhà sản xuất smartphone thứ hai thế giới, chỉ sau Samsung.

Huawei đặt mục tiêu thống trị thị trường cung cấp linh kiện thiết bị cho các hãng viễn thông để cung cấp mạng 5G, thế hệ mạng di động mới nhất.

Huawei là phần chính trong kế hoạch Made in China 2025 của Bắc Kinh, nhằm đưa các công ty Trung Quốc dẫn đầu trong các công nghệ tân tiến nhất. “Chính vì cả thành công lẫn tham vọng của mình mà Huawei giờ đây đang nằm ở trung tâm một làn sóng các quan ngại của phương Tây về an ninh quốc gia và sức ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc” - tờ Economist viết.

Trung tâm của làn sóng tẩy chay Huawei là các nghi ngờ của Chính phủ Hoa Kỳ rằng Bắc Kinh có thể đã dùng các thiết bị của Huawei cho mục đích gián điệp. Mỹ đặc biệt lo ngại đến các hạ tầng phục vụ công nghệ 5G do Huawei cung cấp, do lẽ thế hệ mạng di động này sẽ được dùng để trao đổi lượng dữ liệu khổng lồ, phục vụ cho robot, xe tự hành và dĩ nhiên là cả các thiết bị nhạy cảm với an ninh quốc gia. Tuy vậy, Washington chưa bao giờ đưa ra bằng chứng cho các quan ngại của mình.

Lá bài “gián điệp”

Thiết bị của Huawei được dùng khắp thế giới, lưu trữ và chuyển tải không biết bao nhiêu là thông tin nhạy cảm, và điều này khiến các chính phủ ngày càng lo ngại. Tờ Economist đã tóm tắt khá đầy đủ làn sóng nghi ngại trước sản phẩm của Huawei, trước và sau mốc thời gian bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của Huawei, bị bắt ở Canada hồi tháng 12-2018 theo yêu cầu của Mỹ.

Ngay sau vụ bắt giữ bà Mạnh, Andrus Ansip, một quan chức của Ủy ban châu Âu, cho rằng mọi người đã đúng khi lo ngại về Huawei. Ansip cũng cảnh báo nguy cơ các mã độc đã được cài vào sản phẩm của Huawei nhằm bí mật chuyển thông tin về Bắc Kinh, hoặc “mở đường” cho tin tặc Trung Quốc xâm nhập.

Theo Economist, Đài Loan đã cấm Huawei bán thiết bị cho các công ty trên lãnh thổ này, trong khi Nhật cũng ban hành chính sách mới, được cho là nhằm ngăn Huawei và một hãng viễn thông Trung Quốc khác là ZTE hoạt động trên đất Nhật. Trong khi đó, Úc và New Zealand ngay từ năm ngoái đã hạn chế việc Huawei cung cấp thiết bị 5G cho các công ty nội địa, còn Canada cũng đang cân nhắc áp dụng các biện pháp tương tự.

Và dĩ nhiên các hành động quyết liệt nhất là từ nước Mỹ. Không chỉ tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc, chính quyền ông Trump còn muốn cấm hẳn việc thiết bị của Huawei được dùng trong các hạ tầng viễn thông quan trọng trong nước.

Washington đang tích cực gây áp lực lên các đồng minh, đặc biệt là châu Âu, thị trường lớn thứ hai của Huawei, yêu cầu các nước này hạn chế hoặc cấm hẳn việc Huawei bán thiết bị cho các công ty viễn thông ở đây.

Trung tuần tháng 2, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo các nước châu Âu rằng việc sử dụng công nghệ của Huawei có thể làm ảnh hưởng quan hệ của họ với Hoa Kỳ. “Mỹ sẽ khó có thể đồng hành với các nước nếu họ dùng thiết bị Huawei” - ông Pompeo nói trong bài phát biểu tại Hungary, điểm dừng đầu tiên trong chuyến công du đến 5 nước châu Âu.

Ngoại trưởng Mỹ cho biết Hoa Kỳ “có nghĩa vụ phải cảnh báo” các chính phủ về nguy cơ của việc xây dựng mạng viễn thông với thiết bị của gã khổng lồ Trung Quốc, và nhấn mạnh nguy cơ từ Huawei sẽ ảnh hưởng không chỉ đến công dân các nước, mà còn làm suy yếu việc bảo vệ quyền riêng tư công dân của các nhà nước.

The Guardian cho rằng những động thái từ Mỹ cho thấy Washington muốn đẩy Huawei ra khỏi cả châu Âu lẫn Mỹ, để Hoa Kỳ nắm quyền đặt ra các tiêu chuẩn chung cho mạng 5G để thế giới áp dụng theo.

Đằng sau thương hiệu này là gì?
Đằng sau thương hiệu này là gì?

 

Anh sốt sắng, Đức để ngỏ

Trước khi Ngoại trưởng Pompeo cảnh báo chuyện “chọn Huawei hay là Mỹ” với châu Âu, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson hồi tháng 12-2018 cũng đã bày tỏ quan ngại về công ty Trung Quốc này. Hồi giữa tháng 1, nghị sĩ Chris Bryant thuộc Đảng Lao động Anh cũng nhấn mạnh “mỗi ngày trôi qua ta lại có thêm bằng chứng rằng các công ty Trung Quốc như Huawei đang phá vỡ mọi quy tắc và đe dọa an ninh của nước Anh”.

Trước làn sóng lo ngại đó, nhà mạng Anh BT tuyên bố sẽ loại thiết bị Huawei ra khỏi một phần của một mạng viễn thông mà hãng này vừa thâu tóm từ công ty đối thủ. Vodafone hồi tháng 1 cũng xác nhận sẽ hạn chế “dính dáng” tới Huawei ở Anh.

Ngay cả University và Prince’s Trust, hai tổ chức uy tín vốn có nhận tài trợ từ Huawei, cũng đã “cắt” quan hệ với công ty này, theo Guardian. Khoảng 19 đại học Anh quốc có phát học bổng do Huawei tài trợ, song với những gì diễn ra, có thể sẽ xem lại việc có tiếp tục gắn bó với Huawei nữa hay không.

Báo Anh The Observer cho biết một báo cáo sẽ sớm được trình với Ủy ban tình báo và an ninh Quốc hội Anh trong vài tháng tới để trình bày các lo ngại khác về việc dùng phần mềm của Huawei trong mạng viễn thông Anh, trong đó có việc thông tin nhạy cảm có thể bị thu thập và gửi về Bắc Kinh.

So với Anh, câu chuyện ở Đức lại thú vị hơn. Dù cũng nhận được đề nghị cẩn trọng với Huawei, song Berlin tính đến ngày 18-2 vẫn chưa chính thức quyết định có loại nhà đầu tư Trung Quốc ra khỏi kế hoạch xây dựng hạ tầng 5G ở Đức hay không.

Reuters ngày 12-2 dẫn một nguồn tin cho hay Đức dự kiến sẽ bắt đầu việc xây dựng hạ tầng 5G vào cuối tháng 3, với việc đấu giá quyền sử dụng băng tần cho công nghệ mạng di động mới. Đầu tháng 2, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố “sẽ có nhiều cuộc thảo luận lớn về Huawei” trong kế hoạch phát triển mạng 5G. Bà Merkel cho biết Berlin cần Huawei cam kết sẽ không chuyển dữ liệu cho Chính phủ Trung Quốc trước khi có thể tham gia xây dựng mạng 5G ở quốc gia châu Âu này. Thủ tướng Đức cũng nói cần có các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ dữ liệu của Đức.

Ba nhà mạng ở Đức - Deutsche Telekom, Vodafone và Telefonica Deutschland có dùng thiết bị của Huawei và từng cảnh báo nếu buộc họ phải ngưng chọn nhà cung cấp thiết bị này sẽ rất tốn kém. Deutsche Telekom đã đề xuất nhiều biện pháp kỹ thuật để đảm bảo có thể an toàn sử dụng thiết bị của Huawei. Một trong các đề xuất là xây dựng một phòng thí nghiệm để kiểm tra chặt chẽ toàn bộ các thiết bị viễn thông quan trọng trước khi chính thức đưa vào sử dụng.■

Trong diễn biến mới nhất, trả lời Đài BBC trong một lần hiếm hoi lên tiếng trên truyền thông nước ngoài hôm 19-2, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi tuyên bố Mỹ không đời nào “đè bẹp” được Huawei. “Tôi phản đối những gì Mỹ đã làm. Hành động mang động cơ chính trị như vậy không thể chấp nhận được” - ông Nhậm đề cập việc con gái ông, bà Mạnh Vãn Chu, bị Canada bắt.

Ông Nhậm nhấn mạnh Huawei không sợ Mỹ vì “chúng tôi tiên tiến hơn” và khẳng định thế giới cần Huawei: “Kể cả khi Mỹ thuyết phục các nước khác tạm thời ngừng sử dụng các thiết bị của Huawei, chúng tôi chỉ cần thu nhỏ quy mô lại một chút”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận