Chợ nổi ... bên bờ vực tan rã

NHÓM PV ĐBSCL 09/12/2017 03:12 GMT+7

TTCT - Một thời là biểu hiện cho sự sung túc của vùng sông nước ĐBSCL, và trở thành nét văn hóa độc đáo, thu hút khách du lịch. Giao thông đường bộ phát triển, nhu cầu mua bán trên sông đã giảm nhiều, chợ nổi đối diện cảnh xế chiều, thậm chí là chuyện tồn vong...

Chợ nổi, một nét văn hóa rất đặc thù của vùng sông nước ĐBSCL, cần được giữ gìn, bảo tồn. -Ảnh: Duy Khương
Chợ nổi, một nét văn hóa rất đặc thù của vùng sông nước ĐBSCL, cần được giữ gìn, bảo tồn. -Ảnh: Duy Khương

 

Những chợ nổi nổi tiếng còn lại đang hi vọng được Nhà nước “quăng phao” cứu hộ phục vụ mục đích du lịch.

Thương hồ bỏ ghe

Nhiều năm không gặp, chúng tôi bất ngờ bị ông Sáu Tiến “chỉnh” khi gọi ông là Tiến “ghe”. “Giờ tao còn chiếc ghe nào đâu mà bây gọi tao như vậy. Bây giờ gọi tao Tiến “xe” tao chịu” - ông cằn nhằn. Hỏi ra, lão thương hồ Sáu Tiến cùng con trai đã bán chiếc ghe cuối cùng của mình, chấm dứt kiếp lang bạc hải hồ, rày đây mai đó...

Vợ chồng ông có chiếc ghe bầu chuyên chở rau quả từ khắp các tỉnh về neo bán ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ).

Từ khóm vùng miệt thứ U Minh Thượng, dưa hấu, thanh long, bắp cải, củ sắn... của Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang ông đều cân về neo ở đây bán lại cho các ghe hàng bông, từ đó chở đi khắp các làng, bán lẻ hay bỏ mối cho các tiệm tạp hóa. Hai Lên, con lớn của ông, lập gia đình cũng được ông đóng cho con chiếc ghe, chỉ cho con đường làm ăn, nối nghiệp thương hồ của cha mẹ.

Vậy nhưng cách nay vài năm, chiếc ghe bầu của ông cũ mục, sau nhiều lần sửa tốn kém, ông quyết định cho nó “về hưu”. Ghe nằm bờ, sắm lại chiếc ghe khác là cả số tiền lớn. Vấn đề lớn hơn là đóng ghe mới cũng không có gì đảm bảo việc làm ăn được thuận lợi như trước.

Chuyện buôn bán trên sông ngày càng khó khăn hơn. Nghĩ tới nghĩ lui, Sáu Tiến quyết định để tiền mua chiếc xe tải cho người con thứ ba chở hàng thuê. Năm sau, nối chân cha, Hai Lên cũng bán ghe, đi học lái xe để lên bờ làm nghề chở hàng với em trai.

Sáu Tiến nói bạn ghe cùng thời với ông đã bỏ ghe lên bờ cũng bộn lắm rồi: “Mười nhà thì đã năm, bảy nhà bỏ ghe lên bờ sống. Giờ hàng người ta chở xe, vừa nhanh vừa tiện... nên ghe cũng “ón” (hiếm) hàng lắm”. Thương hồ lần lượt bỏ ghe. Chợ nổi cứ vậy thưa vắng dần. Những khu chợ đầu mối trên sông nức tiếng một thời giờ khép mình ở một khúc sông, hoặc đã mất tích theo vòng quay thời thế.

Chợ nổi ở ĐBSCL không còn sầm uất như cách đây 10 năm. -Ảnh: Lê Dân
Chợ nổi ở ĐBSCL không còn sầm uất như cách đây 10 năm. -Ảnh: Lê Dân

 

Chỉ còn trong ký ức

6h sáng, chiếc ghe chở chúng tôi chạy một mạch từ vàm Cái Bè (tiếp giáp giữa sông Cái Bè và sông Tiền) đi thẳng vào ngã ba nhà thờ nằm sâu trong sông Cái Bè mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Dọc khúc sông dài hơn hai cây số chỉ có khoảng 30 ghe của các thương hồ neo đậu - đây là khúc sông mà hơn 10 năm trước là khu chợ nổi Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) buôn bán sầm uất, ghe đậu ken đặc.

“Khoảng mươi mười lăm năm trước, chạy ghe qua khúc sông này nhiều lúc phải mất cả tiếng đồng hồ. Đặc biệt vào mùa trái cây hay dịp tết, ghe thuyền đông như mắc cửi không thể đi qua được” - ông Võ Văn Mười, người gắn liền hàng chục năm với chợ nổi Cái Bè, ngoái đầu nhìn lại khúc sông vừa chạy ghe qua, chép miệng tiếc rẻ.

Ông Mười - 60 tuổi, quê Cần Thơ - đã gắn bó với chợ nổi Cái Bè gần nửa đời người. Những năm thập niên 1980, 1990, thương hồ đi ghe, thuyền ken đặc khúc sông Cái Bè, tràn ra cả sông Tiền neo đậu bán buôn đủ mặt hàng.

Thời điểm đó, ông Mười sống khỏe nhờ nghề bán hủ tiếu. “Mới đầu, tôi bán hủ tiếu trên sông, mỗi ngày bán vài ba trăm tô là chuyện thường. Chợ nổi nườm nượp ngày đêm nên có thể bán bất cứ lúc nào, chỉ sợ không đủ sức để chạy thôi” - ông Mười kể.

Sau năm 2000, chợ nổi bắt đầu ít ghe thuyền hơn trước nhưng vẫn còn đông vào mùa trái cây và dịp lễ, tết. Ông Mười chuyển qua bán cà phê, nước giải khát. Hằng ngày, ông chạy ghe dọc khúc sông Cái Bè cũng kiếm được kha khá. “Vài năm gần đây thì hết đường làm ăn rồi. Tôi chuyển qua chạy đò chở khách” - ông Mười nói về lựa chọn nghề đưa đò hiện tại của mình.

Mô tả về sự sầm uất, quy mô của chợ nổi Cái Bè trước đây, ông Lâm Văn Xài (75 tuổi) nói: “Dưới sông ghe thuyền đông nghẹt, có thể leo từ thuyền này sang thuyền kia qua bên kia sông cũng được...”. Ba đời sống bên chợ nổi làm nghề sản xuất kẹo đậu phộng, kẹo mè, giờ ông Xài đành ngậm ngùi bỏ nghề gia truyền kia...

Cần một giải pháp cho chợ nổi ở ĐBSCL. -Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Cần một giải pháp cho chợ nổi ở ĐBSCL. -Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Dang dở dự án chợ nổi ở Cà Mau

Để khôi phục chợ nổi Cà Mau một thời sầm uất, địa phương đã lập dự án xây dựng lại. Dự án chợ nổi phường 7 (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) khi được triển khai xây dựng với kỳ vọng không chỉ là nơi buôn bán, mà còn là điểm nhấn du lịch. Khu vực chợ nổi có quy mô 4ha. Hạng mục bờ kè được triển khai thi công vào năm 2009. 

Tuy nhiên, trong quá trình thi công gặp vướng mắc lớn về mặt bằng nên việc thi công kéo dài. Dự án rơi vào đình trệ. Dù hiện nay hạng mục bờ kè đã thi công xong, nhưng các hạng mục còn lại của dự án thì “án binh bất động”.

Ông Nguyễn Văn Đô, giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau, cho biết sau khi thi công xong hạng mục bờ kè, sở không còn làm chủ đầu tư dự án này nữa. Hiện tỉnh Cà Mau có chủ trương thực hiện dự án chợ nổi phường 7 theo hướng xã hội hóa và mọi chuyện đang chờ quy chế đấu giá quyền sử dụng đất...

“Quăng phao” có cứu nổi chợ nổi?

Năm 2002, chợ nổi Ngã Bảy (thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang) được di dời đến vị trí trên kênh Ba Ngàn thuộc xã Đại Thành, cách vị trí cũ khoảng 3km do chợ quá sầm uất, nhiều phương tiện neo đậu gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm...

Ông Lê Hùng Chiến, trưởng Phòng kinh tế thị xã Ngã Bảy, cho biết số ghe xuồng mua bán trên chợ nổi Ngã Bảy từ 300-500 ghe giờ còn 40-50 chiếc, có hôm chỉ hơn chục chiếc.

Sáng 23-11, chúng tôi trở lại chợ nổi Ngã Bảy. Khi được hỏi thuê đò tham quan chợ nổi, ông Nguyễn Văn Hòa tỏ vẻ ngạc nhiên vì lâu rồi mới có người thuê đò đi chợ nổi. Ông Hòa cho biết gần 30 năm lái đò đưa khách đi chợ nổi, chưa bao giờ chợ nổi đìu hiu như bây giờ.

Giải thích chuyện này, theo ông Hòa, bây giờ đường giao thông nông thôn phát triển, nhà vườn muốn bán trái cây đã có thương lái đưa xe tới tận nơi chở, ít ai dùng ghe. Chỉ tay về công trình đang làm dang dở, ông Hòa nói: “Nhà nước đang làm lại bờ kè, bến tàu để đưa chợ nổi về đây. Hi vọng nhộn nhịp như xưa”.

Chợ nổi Ngã Bảy 4h sáng chỉ có hơn chục chiếc ghe mua bán. Ông Út Một, tiểu thương gần 20 năm gắn với chợ nổi, kể: “Sáu năm trước, chiếc ghe 8 tấn của tui đầy hàng chỉ bán hai buổi sáng, chiều là hết, nay 3-4 buổi chợ vẫn còn hơn phân nửa”.

Giải thích chuyện chợ nổi Ngã Bảy ngày càng vắng người mua bán, ông Út Một nhận định: “Từ khi có đường nam sông Hậu đi Bạc Liêu, Phụng Hiệp đi Cà Mau thì nhiều người đã bán ghe lên bờ. Giờ chỉ nơi nào không có xe đi tới mới có ghe mua hàng ở chợ nổi Ngã Bảy này”.

Chợ nổi Ngã Bảy teo tóp, khách du lịch cũng vơi dần. Chợ họp từ 3h-5h sáng nên phải có gì đó thú vị, hấp dẫn mới đủ sức kéo du khách ra khỏi giường vào giờ đó.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện lượng ghe tại chợ nổi Cái Bè đã giảm 70% so với thời “hoàng kim”. Ông Trần Văn Nhu - trưởng Phòng văn hóa và thông tin huyện Cái Bè - cho rằng việc bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Bè là vấn đề cấp thiết.

Giữa năm 2017, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang cùng các sở, ngành đã có nhiều chuyến khảo sát thực tế và giao cho UBND huyện Cái Bè lập đề án “Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè”.

Tuy nhiên, một số chính sách ưu đãi khi đưa ra để hỗ trợ thương hồ trên chợ nổi Cái Bè có vẻ chưa phù hợp thực tế. Ví dụ như chính quyền huyện Cái Bè tính phương án tặng ghe nhỏ cho thương hồ để họ buôn bán các mặt hàng lưu niệm cho khách du lịch... nhưng thương hồ không nhận vì khó thực hiện.

Với chợ nổi Cái Răng, thời gian qua cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đợt lấy ý kiến và hiến kế để cứu chợ. Theo ông Phạm Văn Luận - phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch TP Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng là chợ nổi còn lại hiếm hoi của cả VN, chứ không riêng gì ở ĐBSCL.

“Khách du lịch tới Cần Thơ hầu hết đều tham quan chợ nổi, nên chính quyền TP luôn nỗ lực giữ lại nét độc đáo của chợ nổi này. Trước mắt, TP sẽ đầu tư 8 tỉ đồng từ ngân sách để cải tạo hệ thống hạ tầng ở chợ nổi gồm: lưới điện, làm cầu tàu, nhà vệ sinh công cộng trên sông, tàu thu gom rác trên sông, phao phân luồng (chỗ neo đậu, chỗ mua bán và nơi được di chuyển)...”.

Ngoài ra, theo ông Luận, Cần Thơ sẽ kêu gọi tư nhân đầu tư thêm vào hạ tầng như chỗ nghỉ ngơi, ăn uống, bán quà lưu niệm... xung quanh chợ.

Cần Thơ đang lập đề án bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Răng với tổng vốn đầu tư 63 tỉ đồng (trong đó 13 tỉ đồng từ ngân sách, còn lại là vốn xã hội hóa) gồm việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo dục, y tế... thu hút thương hồ tham gia và đầu tư thêm hạ tầng phát triển du lịch để sản phẩm hấp dẫn hơn.

“Quan điểm của TP là không can thiệp quá sâu vào nét tự nhiên của chợ mà chỉ góp phần cải tạo, phát huy để chợ hấp dẫn thêm...” - ông Luận nói.

Để cứu chợ nổi Ngã Bảy, phát triển du lịch sông nước miệt vườn, năm 2015 tỉnh Hậu Giang chi hơn 35 tỉ đồng đầu tư hệ thống đường giao thông, bến tàu khách du lịch, hệ thống cấp điện, chiếu sáng, cấp thoát nước... Trong đó, khoản chi lớn nhất dành cho bến tàu phục vụ khoảng 10 tàu du lịch mỗi phiên chợ (200 khách). Ông Lê Văn Ngào, phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Ngã Bảy, cho biết đã thi công được khoảng 80% khối lượng công việc, trong năm 2018 hoàn thành và sẽ di dời chợ nổi Ngã Bảy về vị trí cũ.

Cuộc thi “Tận hưởng bản sắc Việt” lần 2 do báo Tuổi Trẻ cùng Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) tổ chức, với sự đồng hành của Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, khách sạn Grand, khách sạn Rex.
Chợ họp quá sớm mà độ hấp dẫn thì
Chợ họp quá sớm mà độ hấp dẫn thì "chưa tới", làm sao kéo du khách ra khỏi giường lúc 3h-5h sáng? -Ảnh: Duy Khương

 

Sản phẩm du lịch phải thay đổi theo thời thế

Nói về “cái chết” được báo trước của chợ nổi ở ĐBSCL, ông Nguyễn Quốc Kỳ - tổng giám đốc Công ty Vietravel - cho rằng: “Trước tiên, phải khẳng định chợ nổi là một sản phẩm đặc thù cho du lịch của khu vực ĐBSCL. Nhưng cái sản phẩm ban đầu nó ra đời một cách tự nhiên theo nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Điều đó tạo nên một nét độc đáo cho khu vực vùng sông nước.

Tuy nhiên, khi giao thông đường bộ phát triển, khi cách thức mua bán đã thay đổi theo thời thế thì chợ nổi khó lòng tồn tại.

Nó tương tự như chợ ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội đang ngắc ngoải bởi các siêu thị vậy. Vì vậy, muốn giữ chợ nổi để làm thành một sản phẩm phục vụ ngành du lịch thì phải có những thay đổi. Sự thay đổi này phải bắt nguồn từ Nhà nước”.

Ông Kỳ ví dụ: “Đặc thù của chợ nổi ở ĐBSCL là họp chợ lúc 2h, 3h sáng và kết thúc lúc 5h sáng. Với giờ giấc như vậy thì làm sao hút được du khách?

Muốn kéo dài nó ra thì phải tổ chức lại chợ nổi. Tổ chức cách nào tôi cũng chưa dám nói, nhưng cần phải nghiên cứu, liên kết giữa các tỉnh ĐBSCL để tìm ra cách làm phù hợp. Theo tôi biết, người Thái cũng chẳng khác gì chúng ta, nghĩa là chợ nổi ra đời cũng từ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và rồi chợ nổi ở họ cũng có lúc tưởng biến mất do thời thế thay đổi. Nhưng họ đã nghiên cứu, thay đổi và giờ đây trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo.

Tôi chỉ tiếc một điều lẽ ra đây là công việc của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phải làm từ lâu, nhưng không ai làm cả và bây giờ giải tán rồi thì không biết rồi đây ai sẽ đứng ra làm đầu mối để nghiên cứu, tìm hướng đi đúng để cứu chợ nổi?”.

Ông Trần Thế Dũng - phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ - tha thiết: “Phải cứu lấy chợ nổi. Chợ nổi mất đi là du lịch ĐBSCL mất một sản phẩm hấp dẫn.

Tuy nhiên, muốn cứu chợ nổi thì phải có nghiên cứu khoa học. Trước đây, giới du lịch chúng tôi kêu lên rằng khách than phiền đến chợ nổi nhưng chẳng thể mua được gì, vì tất cả chỉ là thương lái bán sỉ. Một vài địa phương nghe theo lời kêu đó, tổ chức sà lan bán trái cây lẻ cho khách nhưng với giá còn mắc hơn cả ở TP.HCM nữa! Trong khi tâm lý du khách thì nghĩ rằng mình đến tận trung tâm của trái cây Việt Nam ắt phải được mua rẻ - dù chỉ một chút cũng được - nên họ có cảm giác bị lừa”.

H.T. ghi

Mệnh lệnh hành chính “giết chết” chợ nổi

Là người từng nhiều năm nghiên cứu về chợ nổi khắp ĐBSCL, soạn giả Nhâm Hùng cho rằng muốn bảo tồn chợ nổi thì phải hiểu được cội nguồn của chợ nổi, bởi nếu không khéo thì chính sự tác động của cơ quan chức năng tưởng chừng để “cứu” nhưng thực tế sẽ khiến chợ nổi “chết” nhanh hơn.

Theo ông Hùng, chợ nổi ra đời tự phát, đáp ứng nhu cầu kinh tế thị trường và có một đặc điểm “sống còn” là luôn gắn với chợ trên bờ ngay khu vực đó, câu “Trên bến dưới thuyền” cũng xuất phát từ đặc điểm này.

Chính do không hiểu vấn đề quan trọng này mà chính quyền một số nơi di dời chợ nổi khỏi nơi hình thành của nó, cách xa chợ trên bờ đã khiến chợ nổi bị mai một, dần mất đi.

Chẳng hạn như chợ nổi Ngã Bảy khi hình thành là ngay nơi bảy ngã sông giao nhau, gắn liền với chợ Ngã Bảy trên bờ, nhưng sau đó bị dời đi khá xa chợ trên bờ nên chợ nổi này đã “biến mất”, bây giờ chính quyền phải bỏ hơn 35 tỉ đồng để mong lập lại chợ nhưng vẫn chưa được.

Hay như chợ nổi Phong Điền (TP Cần Thơ) ban đầu vị trí ở gần cầu Trà Niên và gắn với chợ Phong Điền ở trên bờ, sau cũng bị dời đi khá xa nên hiện tại chợ này không còn bao nhiêu ghe xuồng giao dịch mua bán.

Rồi chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long) cũng vậy, ban đầu chợ nằm ở bến phà Trà Ôn, sau lại bị dời qua cù lao Lục Sĩ Thành cũng chung số phận là biến mất. Chính mệnh lệnh hành chính là nguyên nhân “giết chết” những chợ nổi này. Vì vậy, muốn cứu những chợ nổi còn lại thì phải tránh cách làm nêu trên.

Chợ nổi vốn hình thành tự phát, từ nhu cầu giao thương của thương hồ, nhưng hiện tại nhiều chợ nổi lại bị “ép” làm một việc là phục vụ du lịch rồi bắt thương hồ phải treo bảng giá, ăn mặc theo khuôn khổ thế này thế kia... hoàn toàn khác với chợ nổi lúc hình thành. Đó là những quyết định của những người ngồi văn phòng nghĩ ra.

Ngoài ra, cũng cần hạn chế xây dựng những công trình trên bờ. Việc can thiệp quá mức sẽ làm thương hồ cảm thấy khó khăn, bỏ đi. Tôi e rằng nếu không có biện pháp hữu hiệu, trong 10 - 15 năm nữa những chợ nổi còn lại rồi cũng sẽ bị xóa sổ.

Muốn cứu chợ nổi thì phải xác định đầu tư những nhu cầu bức xúc để duy trì chợ nổi, chứ không nên tư duy theo kiểu đầu tư là để phát triển du lịch. Điều tiên quyết là chợ nổi phải tồn tại, người mua bán phải tồn tại thì mới nghĩ tới chuyện phát triển du lịch, bởi nguồn cội hình thành chợ nổi là mua bán chứ đâu phải làm du lịch.

Là người gắn bó, nghiên cứu lâu năm về chợ nổi, tôi cảm thấy rất xót xa trước cảnh nhiều chợ đã biến mất, thậm chí đứng trên cầu Ngã Bảy nhìn về nơi là chợ nổi Ngã Bảy ngày xưa nay không còn nữa, tôi đã rớt nước mắt. Ngay cả chợ nổi Cái Răng bây giờ cũng đang ở mức báo động rồi, cần những biện pháp khẩn cấp nhưng tránh can thiệp quá mức làm chợ tan rã.

CHÍ QUỐC ghi

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận