Chuyện phải làm trước khi tăng thuế: giảm chi

LÊ THANH 26/08/2017 16:08 GMT+7

TTCT- Khi Bộ Tài chính vừa công bố đề xuất tăng thuế, lập tức có nhiều ý kiến phản biện, cho rằng không nên tăng thuế lúc này, nhất là với thuế giá trị gia tăng (VAT).

Minh họa: Đức Trí
Minh họa: Đức Trí

 

 Việc cần làm trước khi tính đến chuyện tăng thuế là Chính phủ phải giảm chi, nhiều chuyên gia đề nghị.

Giảm chi hơn là tăng thu 

Việc Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế VAT cho thấy họ đã chọn cách dễ làm nhất, hiệu quả nhất để tăng thu, vì từ người nghèo đến người giàu đều phải tiêu dùng và gánh sắc thuế này.

Hiện nay theo tính toán, VAT chiếm gần 30% tổng thu ngân sách, tức là mức đóng góp cao nhất so với các sắc thuế khác.

Phản đối việc tăng thuế, nhất là thuế VAT, trao đổi với TTCT, TS Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - thẳng thắn: “Đừng có tăng sắc thuế gì trong bối cảnh hiện nay mà Nhà nước phải lo việc chi hơn là thu của mình”.

Tình trạng chi tiêu đến mức khiến bội chi tăng cao, đặt vấn đề thu để mà chi là không ổn. Chính phủ nên lo giảm chi trước hết.

“Khi họp với hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia vừa diễn ra, tôi đã đề nghị trong năm nay và năm tới, Chính phủ cần phải tập trung kiểm soát chi, bàn việc chi của Chính phủ và các địa phương sao cho hiệu quả” - ông Thiên nhấn mạnh.

Cùng quan điểm siết chặt chi tiêu của Chính phủ, TS Đinh Tuấn Minh - giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường Markintello - cũng cho rằng giải pháp tốt nhất là Chính phủ phải giảm chi thường xuyên. Trong lúc nợ công tăng cao, đề nghị tăng thuế cần xem xét lại.

Về việc kiểm soát chi, theo TS Đinh Tuấn Minh, để giảm chi thường xuyên, cách duy nhất là phải quyết liệt giảm biên chế, cải cách chế độ lương.

Hiện 70% tổng chi thường xuyên là chi cho lương của bộ máy. Ông Thiên cũng cho rằng có cải cách thế nào đi chăng nữa mà không thay đổi tư duy về lương thì rất khó.

“Hiện nay lương mà Nhà nước chi trả không dựa vào năng suất và hiệu quả lao động mà lại cào bằng, cứ chia đều tiền lương theo đầu người.

Do đó, người phình ra và lương cứ phải tăng để chia cho tất cả số người đang hưởng”. Ông Thiên đề nghị phải tổ chức bộ máy theo việc chứ không theo con người và lương phải theo việc.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng chi thường xuyên năm 2015 đã được Quốc hội quyết toán là 788.500 tỉ đồng; năm 2016 là 823.995 tỉ đồng và năm 2017 theo dự toán là 896.280 tỉ đồng. Nhìn vào các con số này là thấy chi thường xuyên tăng quá nhanh: số chi năm 2017 cao hơn năm 2015 tới 107.780 tỉ đồng.

Theo báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố, một loạt địa phương giao chỉ tiêu biên chế cao hơn chỉ tiêu mà Bộ Nội vụ giao. Đà Nẵng vượt nhiều nhất tới 841 biên chế, Bình Phước vượt 291, Đồng Nai là 50 và Cần Thơ vượt 37 biên chế...

TS Trần Đình Thiên đặt vấn đề hiện nay nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, cung cấp nước sạch... đã được xã hội hóa, tại sao chi ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực đó vẫn ngày một tăng? Ông cho rằng do đang chi quá khả năng nên vướng bẫy nợ nần là đương nhiên.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tính trong bảy tháng đầu năm nay, chi trả tiền lãi vay là 62.290 tỉ đồng, mỗi tháng, ngân sách trả gần 9.000 tỉ đồng lãi tiền vay. Dự toán cả năm, tiền chi trả nợ lãi được Quốc hội phê duyệt lên tới 98.900 tỉ đồng.

Rà soát chính sách thu

Không tăng thuế trong lúc này, ngoài việc buộc phải giảm chi, các chuyên gia đề nghị Bộ Tài chính rà soát lại chính sách thu.

Theo TS Trần Đình Thiên, Nhà nước phải nuôi dưỡng nguồn thu bằng cách đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, công bằng, chính sách rõ ràng, minh bạch... để người dân và doanh nghiệp kinh doanh bền vững và có tích lũy.

Ngoài ra, ngành tài chính cần rà soát danh mục đối tượng không chịu thuế, tạo cơ sở thuế cho việc thu thuế.

Hiện nay có tới 25 đối tượng không chịu thuế VAT, theo ông Thiên, có thể xem xét thu những đối tượng này.

Đó là: nhà ở thuộc sở hữu nhà nước do Nhà nước bán cho người đang thuê; dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán; dạy học, dạy nghề; phát sóng truyền thanh, truyền hình bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; chuyển quyền sử dụng đất.

Lấy ví dụ loại hình dạy nghề, ông Thiên cho rằng hiện nay lĩnh vực này đã được xã hội hóa, nhiều doanh nghiệp tham gia vì lợi nhuận nên cần đưa vào diện chịu thuế VAT để công bằng với các lĩnh vực ngành nghề khác...■

Cẩn trọng với quyết định tăng thuế VAT

Trên trang cá nhân của mình, TS Vũ Thành Tự Anh, Trường ĐH Fulbright, cho rằng có ít nhất ba lý do phải thận trọng khi quyết định tăng thuế VAT. Được sự đồng ý của tác giả, TTCT xin trích đăng:

Thứ nhất, thuế VAT nhìn chung có tính “lũy thoái”, do vậy sẽ đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn. Người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế.

Song do người thu nhập thấp phải dành một tỉ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỉ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn - do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng.

Thứ hai, tỉ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện đã khá cao, cao hơn hẳn so với các nước EU - là những nước có thuế suất VAT thuộc nhóm cao nhất thế giới. Với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, VAT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam.

Trong khi đó, với mức thuế suất phổ thông trung bình cao hơn hẳn (21,3%), VAT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU. Điều này cũng ngụ ý rằng, việc tăng thuế suất VAT không hiển nhiên cải thiện vai trò của sắc thuế này trong tổng ngân sách.

Thứ ba, và quan trọng nhất, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp, trong khi tỉ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28-29% GDP.

Việc tăng thuế VAT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách “vung tay quá trán” hay các dự án nghìn tỉ đắp chiếu và kém hiệu quả.

Thất thoát thu thuế: lỗ hổng cần bịt

Cuối năm 2016, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Cục Thuế TP.HCM chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xác minh, xử lý đối với 18 doanh nghiệp (DN) - bên mua - sử dụng 349 tờ hóa đơn của DN bỏ trốn, với tổng số tiền trên 201,6 tỉ đồng, tiền thuế VAT trên 19,7 tỉ đồng.

Thanh tra Chính phủ nhận định 18 DN trên có dấu hiệu của việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Hay mới đây Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố và bắt giam ba bị can để điều tra về tội “in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” với số tiền lên tới gần 1.000 tỉ đồng.

Tổng cục Thuế cũng nhận định các vụ buôn bán hóa đơn lậu quy mô lớn, thủ đoạn tinh vi với số lượng lên đến hàng trăm tỉ đồng ngày một nhiều.

Nguyên nhân xuất hiện tình trạng này là nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách của Nhà nước về điều kiện thành lập DN dễ dàng, có khai sinh nhưng không khai tử; cơ chế tự khai tự nộp thuế, cơ chế DN tự in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn...

Nhiều DN được thành lập trong một thời gian ngắn để bán hóa đơn cho các DN khác làm chứng từ đầu vào để khấu trừ thuế, hoặc hoàn thuế VAT phát sinh phải nộp...

Một ví dụ khác, thông tư 151 năm 2014 của Bộ Tài chính đã bỏ quy định DN phải lập bảng kê đầu vào, đầu ra. Ngành thuế không thể kiểm soát được DN sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hay không.

Trường hợp phát hiện DN sử dụng hóa đơn bất hợp pháp phải dựa hoàn toàn vào điều tra, xác minh của cơ quan công an.

Việc thất thoát thuế VAT được chứng minh qua tỉ lệ DN phát sinh số thuế VAT phải nộp quá thấp, trong nhiều năm chỉ có gần 30% số DN có phát sinh loại thuế này. Hiện nay cả nước có khoảng 560.000 DN thì chỉ có khoảng 160.000 DN có phát sinh số thuế VAT phải nộp.

Như kết quả sản xuất kinh doanh trong sáu tháng đầu năm nay của các DN phản ánh qua tờ khai VAT, tổng doanh thu tăng 18,34% so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, số lượng DN phát sinh thuế phải nộp chỉ 151.982, chiếm tỉ trọng 26% trong tổng số DN đã nộp tờ khai. Tổng số thuế VAT phát sinh phải nộp tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2016. Câu hỏi đặt ra là tại sao 70% DN kinh doanh trên thị trường lại không phát sinh thuế VAT?

Hiện nay hầu hết các nước hầu như không cần hóa đơn. Bởi hóa đơn chỉ là cơ sở chứng minh thủ tục về giao dịch còn phát sinh giao dịch thật thì được kiểm tra qua ngân hàng. Bởi hầu hết các giao dịch ở các nước đều thanh toán qua ngân hàng.

Trong khi ở Việt Nam, thanh toán bằng tiền mặt là chủ yếu, nên một khi kiểm soát, giám sát hóa đơn còn chưa chặt chẽ thì thất thoát trong thu thuế là dễ điều hiểu.

Theo báo cáo kết luận kiểm toán ngân sách năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế VAT, thuế thu nhập DN... vẫn diễn ra khá phổ biến.

Năm 2016, Kiểm toán Nhà nước xác định số thuế phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 11.364 tỉ đồng, như Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN (VNPT) 2.054 tỉ đồng; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV 1.755 tỉ đồng; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV 1.264 tỉ đồng...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận