TTCT - 1. Tôi ra đời trong hình hài con gái, đương nhiên được mọi người mặc định tôi chính là con gái, gia đình mong mỏi tôi trở thành cô gái ngoan, gọi dạ bảo vâng, “kín cổng cao tường” cho an toàn. Tuổi dậy thì tôi chúm chím như bông hoa hé nở, lại sẵn ưa nhìn nên có khá nhiều “vệ tinh”. Dĩ nhiên tôi thích thú điều đó, lòng cảm mến anh bạn cùng lớp song thâm tâm lại quý cô bạn láng giềng đến lạ. Biết cô ấy dối trá và lợi dụng nhưng tôi mặc kệ, vẫn lặng lẽ dành tặng cô những món quà nho nhỏ bằng nhịn tiền quà sáng cả tuần. Phóng to Minh họa: Bích Khoa “Giáo dục giới tính cũng đã quên mất chúng tôi - những người mang giới tính thứ ba...” Gia đình rất yên tâm khi thấy tôi chơi thân với con gái, ít quan tâm lũ con trai trêu ghẹo xung quanh. Cả nhà không biết và ngay chính bản thân tôi cũng mơ hồ trạng thái của mình: con gái chính hiệu, hay les, hay lưỡng tính? Riêng theo lời giáo huấn cổ điển của cha mẹ thì kết bạn với người đồng giới là an toàn, đi lại với bọn khác giới mới phải cảnh giác! Thế là thử nghiệm xúc cảm đầu đời của tôi với chính cô bạn gái đỏng đảnh đó mà không phải lo lắng hậu quả gì cả. Ngờ đâu về sau tôi thích thú luôn chuyện gần gũi với phụ nữ và tránh né dần các “vệ tinh” mày râu của mình. Quá xấu hổ, tôi trốn biệt các hoạt động tập thể, hết hồn nhiên đỏm dáng như bạn bè trang lứa, không thể tập trung học hành, dần thua sút, cúp cua rồi bỏ học luôn ngay giữa năm lớp 11. Một thời gian dài tôi trầm cảm, quẩn quanh suy nghĩ về giới tính của mình, hoang mang tột độ mà không biết và không dám cầu cứu ai (tôi không tin sẽ được cảm thông và giúp đỡ từ thành trì gia giáo và mô phạm của cha mẹ, thầy cô), chỉ khóc thầm, oán trách chính mình, ghê sợ bản thân, tự cô lập... 2. Khoảng thời gian sau gia đình dần nhận ra, nỗi bất an đó chuyển sang vai người thật thì tôi đã trở thành trơ lì, xem như tự chọn giới tính của mình là les công khai. Lúc này nhiều người quen bắt đầu né tránh tôi, lịch sự hơn thì làm ngơ, không còn thân mật như hồi xưa. Càng bị cô lập, tôi càng dạt về nhóm chấp nhận mình là những người đồng cảnh ngộ và một số ít người không thuộc giới tính thứ ba nhưng biết bình thường hóa với sự khác biệt. Tuy nhiên lượng người cởi mở này ít ỏi, càng hiếm hoi trong thời mười năm trước, chủ yếu là những người tranh thủ sự yếu đuối và thua thiệt của chúng tôi để trục lợi. 3. Sau những vùi dập và rẻ khinh của người đời, cùng với sự chở che của gia đình và gắng gượng của bản thân, tôi đã thoát khỏi nỗi ám ảnh về giới tính của mình, dám sống thật và cố gắng làm việc dù vất vả và thiệt thòi hơn nhiều so với đồng nghiệp. Tôi đã trơ với xúc cảm của mình, cũng quen với cảm giác bị phần lớn xã hội bỏ rơi và bất công, chỉ ái ngại cho đến hiện nay, hơn một thập niên của thế kỷ 21 rồi mà gia đình, nhà trường và truyền thông vẫn loay hoay với giáo dục giới tính, với chuyện nên quan hệ trước hôn nhân hay không, những được - mất của sống thử... phần lớn nghĩ về hậu họa của tiết hạnh và mang thai trước kết hôn, nghĩa là quên mất chúng tôi - người mang giới tính thứ ba, nhóm thiểu số đang đông dần lên - không có khái niệm trinh tiết và sinh nở. Chúng tôi cũng cần được tư vấn tình dục an toàn và văn minh. Tình dục là nhu cần rất thật - sự kết hợp tuyệt vời của tình cảm và sinh lý - mà tạo hóa ban cho mọi người khi bước vào tuổi dậy thì đến lúc mãn dục, và đâu phải/chỉ để sinh con, cũng đâu chỉ dành cho riêng đôi nam và nữ. Giáo dục giới tính còn cần giúp nhận biết sự phát triển của tâm sinh lý trong mỗi giai đoạn, thế nào là bình thường hay bất thường, đâu là dấu chỉ mình thật sự là nam, nữ, hay thuộc giới tính khác, khi nào cần thăm khám và tư vấn chuyên sâu...; cách cư xử trong quan hệ khác giới, đồng giới ra sao cho tế nhị, lịch sự và an toàn; trách nhiệm với bản thân và với hệ quả của quan hệ tình dục... Giáo dục giới tính thẳng thắn sẽ giúp tránh những sai lầm do ngô nghê hay lạc lõng của tuổi mới lớn do sự phát triển vượt trội của cơ thể so với hiểu biết của các em. Giáo dục giới tính đúng đắn hôm nay còn tạo ra những bậc phụ huynh thông hiểu trong tương lai. Đừng chần chừ nữa, hãy bắt đầu thật tự nhiên, thật nhẹ nhàng tùy từng lứa tuổi con em mình. Xin hãy phổ quát nhanh chóng phương pháp diễn giải giáo dục giới tính đến giáo viên và phụ huynh để họ có thể tiến hành ngay một cách đơn giản và dễ dàng. ____________ Trong bài viết có tựa đề “Chỉ nói về việc tiết chế - giáo dục giới tính không dẫn đến hành vi kiêng khem” đăng trên Sciene Daily (*), tác giả David Hall và Kathrin Stanger đưa ra nhận định giáo dục về sự tiết chế trong các chương trình giáo dục giới tính tại trường học công chỉ tạo nên tỉ lệ mang thai cao hơn ở thanh thiếu niên Mỹ. Nghiên cứu này cho thấy tại những bang mà giáo dục giới tính bao hàm cả việc nói về HIV, về tình dục song hành cùng các biện pháp tránh thụ thai, tỉ lệ trẻ vị thành niên mang thai thường thấp hơn những bang giáo dục giới tính nhấn mạnh việc ngăn cấm quan hệ cho đến khi kết hôn. Nghiên cứu cho thấy cách giáo dục kiểu đe dọa, tô đen một chiều thường đem lại tác dụng phụ không mong muốn, thường thấy nhất là sự ngấm ngầm phản đối hoặc tìm cách vượt khỏi vòng kiềm tỏa của cha mẹ. Kể cả khi có người lớn theo dõi... Tại Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể, nhưng sự bốc đồng của thanh thiếu niên và sự biến chuyển của môi trường sống trong làn sóng toàn cầu hóa khiến tình trạng không khác mấy. Với lịch học hiện nay của học sinh cấp II, cấp III, nhiều bậc cha mẹ cứ đinh ninh con trẻ sẽ miễn nhiễm với mọi chuyện khi luôn có người lớn bên cạnh theo dõi. Tôi có một cô bạn làm giám thị tại một trường quốc tế. Câu chuyện cô kể về học sinh của trường có lẽ sẽ thay đổi suy nghĩ của cha mẹ về việc giám sát con sát sao. Ngôi trường của cô đảm bảo với phụ huynh về nền nếp học tập. Camera được gắn khắp trường theo dõi học sinh liên tục. Thế nhưng trong một tiết học, cô đã không tin vào mắt mình khi camera ghi lại cảnh hai học sinh nam và nữ cùng rủ nhau vào phòng vệ sinh nam hơn 15 phút mới ra. Câu chuyện râm ran trong giáo viên rồi sau đó rơi vào im lặng vì nhà trường không muốn làm lớn chuyện. Còn các thầy cô giám thị sau đó được yêu cầu phải chú ý hơn đến những khu vực vắng vẻ trong trường để tránh trường hợp tương tự. Rõ ràng trong chuyện này, camera quan sát, thầy cô giám thị và sự ủy quyền của các bậc phụ huynh không kiềm chế được sự cuốn hút về giới tính của học sinh. Giới tính không chỉ là chuyện quan hệ Tranh cãi về hoạt động giáo dục giới tính tại Việt Nam chủ yếu vẫn dừng lại ở giới hạn chương trình trong nhà trường. Trong khi đó giáo dục giới tính, cụ thể là chuyện có hành vi tính dục, chỉ là một phần trong cả hệ thống giáo dục sức khỏe của thanh thiếu niên. Đó còn là những bài học giúp hiểu rõ hơn về cơ thể, đơn giản như vì sao phải thường xuyên rửa tay, vì sao cần tập thể dục? Làm thế nào để biết cơ thể đã sẵn sàng cho chuyện quan hệ? Làm sao để biết chúng ta đã sẵn sàng có con? Những cách đặt vấn đề này không làm tình dục trở thành điều cấm kỵ mà trở thành chủ đề bàn luận, đặc biệt nhấn mạnh đến hệ quả của chuyện quan hệ tình dục - điều mà thanh niên thường không chú tâm khi có ý vượt rào. Với mục đích ngăn chặn trẻ vị thành niên trở thành cha mẹ bất đắc dĩ thì phụ huynh có nhiều cách tiếp cận với con. Một chị bạn của tôi có con trai đang ở lứa tuổi “cưa bom”. Nguy cơ một ngày bác sĩ bắt cưới hiện diện rất gần vì con chị khá đẹp trai và được phong là hotboy. Một ngày, cậu con trai học lớp 12 dẫn về nhà một cô bạn. Trái với cách ứng xử lạnh nhạt mà các bậc cha mẹ hay làm khi con dẫn bạn khác giới về nhà, chị ân cần nói chuyện với cô gái trẻ, hỏi thăm chuyện học hành và bạn bè của hai đứa. Rủ rỉ rù rì, chị nhắn nhủ cô bé: “Con là con gái phải cẩn thận, bọn con trai bây giờ ghê lắm. Có chuyện gì xảy ra thì người chịu thiệt là phụ nữ đó con”. Mặt khác, chị lấy quyền của mẹ nửa đùa nửa thật răn đe cậu trai trẻ: “Nghiêm cấm không được bỏ bạn gái, mẹ mà nghe nói con bỏ bạn là biết tay mẹ”. Cuộc nói chuyện không căng thẳng lại tạo hiệu ứng tốt. Đến giờ, khi cậu nhóc lên đại học vẫn thấy hai đứa đi chung với nhau, cùng học, cùng tham gia các hoạt động của trường. Còn chị bạn tôi vẫn trên tinh thần cảnh giác, luôn đợi cơ hội là tiếp tục bài giảng về sự thiệt thòi của con gái. Với chị, không nhất thiết phải nói về quan hệ tình dục, nhưng khi đã nói về sự thiệt hơn của hậu quả do quan hệ trước hôn nhân mà bọn trẻ vẫn cứ vi phạm thì chúng phải tự chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình. Chị chỉ làm được đến thế. Chị kết luận. Cách hành xử của chị cũng là một cách để tham khảo. Thay vì tạo ra hố ngăn cách, chị chọn cách trở thành bạn đồng hành. Có thể sẽ có người bảo chị bạn tôi làm sao dám chắc đôi trẻ kia không vượt rào? Nhưng chắc chắn một điều đôi trẻ kia sẽ biết cân nhắc khi quyết định vượt qua khỏi giới hạn bạn bè bình thường. Rõ ràng càng lạnh lùng, khép kín, xã hội càng tạo ra hố ngăn cách và khiến người trẻ hành động theo bản năng nhiều hơn. Vì vậy, chọn một cách chia sẻ thẳng thắn theo góc nhìn Á Đông là điều cần cân nhắc trong việc giáo dục giới tính hiện nay. Tôi xin khép lại bài này với nhận định của Stanger - Hall trong nghiên cứu về hoạt động giáo dục giới tính tại Mỹ như sau: “Nếu trường học không dạy học sinh về cách duy trì nòi giống, bao gồm cả thực hành tình dục an toàn để chống lại việc mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục như cách người lớn chúng ta đang làm, thì chúng sẽ học ở đâu và từ ai?”. ____________ (*): http://www.sciencedaily.com/releases/2011/11/111129185925.htm Tags: Tình dụcGiáo dục giới tínhSinh conCâu chuyện cuộc sống
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Doanh thu cơ quan báo chí giảm mạnh, cần ưu đãi sâu về thuế thu nhập TIẾN LONG 22/11/2024 Cơ quan báo chí, truyền thông hiện đang khó khăn cần chính sách ưu đãi ở mức không chịu hoặc chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Việt Nam có khoảng 70.000 ca tử vong mỗi năm liên quan đến kháng thuốc kháng sinh THANH HÀ 22/11/2024 Theo Tổ chức Y tế thế giới, đã có gần 270.000 ca tử vong do đề kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.