TTCT - Trung ương đang bày tỏ quyết tâm và đã có chủ trương rõ ràng cải tổ bộ máy hành chính các cấp. Trong lĩnh vực học thuật hàn lâm, nơi hội tụ nhân tài tinh anh của quốc gia, thiết nghĩ càng phải có động thái ủng hộ chủ trương cải tổ nói trên. Những ý kiến trong bài viết này liên quan đến vấn đề quản lý di sản Hán Nôm Việt Nam, vốn từ lâu bị cơ chế trói buộc, ảnh hưởng rất lớn đến việc khai thác, nghiên cứu, phổ biến loại hình di sản đặc thù này.Một trang trong cuốn "Hải Thượng Y tông tâm lĩnh" của danh y Lê Hữu Trác trên trang tra cứu của Thư viện Quốc hội Mỹ. Thư viện Quốc gia Trung Quốc cũng có tác phẩm này, nhưng Viện Hán Nôm Việt Nam thì lại chỉ có tên trong thư mục. Người Việt Nam muốn vào xem không được. (Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng có tác phẩm này đã sao chụp, nhưng sử dụng rất bất tiện). Ảnh: loc.govNói rộng hơn thì đây cũng là dịp để đặt vấn đề về "quyền tiếp cận" và "trách nhiệm phục vụ" đối với các loại hình tư liệu không riêng Hán Nôm mà gồm cả quốc ngữ Latin cổ, bản đồ cổ, và những tư liệu khác đang được cất giữ trong bảo tàng và thư viện công. Trong vấn đề di sản Hán Nôm, cũng có thể bàn thêm về đường hướng đào tạo nghiên cứu để khối di sản được nhiều người nhiều giới trong xã hội lưu tâm, hiểu được, ứng dụng được, không phải là việc riêng chỉ của một vài cơ quan nghiên cứu ở trung ương.Di sản và viện nghiên cứuTư liệu thành văn trong lịch sử Việt Nam từ triều Nguyễn trở về trước, ngót nghét ngàn năm, hầu hết viết bằng chữ Hán Nôm. Trong triều thì từ sách vở do sử quan soạn, văn thư do lục bộ ghi chép; ngoài dã thì đình chùa bia đá bàng bạc khắp xóm làng, hoặc sách vở ẩn tàng trong tư thất các quan hồi hưu, cùng thầy đồ thầy thuốc, toàn chữ Hán Nôm. Muốn tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ và văn hóa dân tộc một cách bài bản sâu sắc, đều phải đứng trên nền tảng chữ Hán Nôm, hay dựa vào tư liệu Hán Nôm. Nhiều bộ sách, địa đồ, bi ký quý hiếm đáng xếp vào hàng bảo vật quốc gia. Nói như vậy để thấy được tầm quan trọng đặc biệt của loại hình di sản này.Vấn đề cần nói ở đây là di sản Hán Nôm không có nghĩa là cơ quan đang quản lý nó, tức Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VHN).Cùng nỗ lực tinh gọn bộ máy, học giới đang bàn tán về việc có nên nhập VHN vào Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Thông tin) không, hiện cả hai đều thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS). Theo ý kiến cá nhân, tôi thấy không nên làm như vậy, mà nên đem cả hai viện này nhập vào Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQG). Xét danh nghĩa, chức năng lưu trữ, tính chất hoạt động và quan hệ quốc tế thì TVQG hội đủ yếu tố cần thiết để quản lý kho di sản Hán Nôm ở VHN, và cả kho sách và tư liệu đồ sộ nhiều ngôn ngữ mà Viện Viễn đông Bác cổ (EFEO) bàn giao cho Chính phủ Việt Nam hiện ở thư viện của Viện Thông tin.Hợp lý nhất thì TVQG phải làm đầu mối trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy tất cả di sản chữ viết, bản rập văn khắc và nhiều loại hình khác thuộc kho tàng văn hiến dân tộc, không phân biệt văn tự nào.Trước mắt, thư viện của hai viện có thể giữ yên vị trí, TVQG chỉ cần cử thủ thư quản lý, coi như phân kho, ở thời đại công nghệ số hiện nay, TVQG có thể quản vài chục kho sách cỡ thư viện của VHN hay Viện Thông tin - những lý do được nại ra lâu nay để không tinh gọn bộ máy này về tính đặc thù, về số lượng ấn phẩm, đều khó thể thuyết phục.Tháp chuông ở Chùa Đậu (Hà Nội), các di tích cổ của Việt Nam đều gắn với di sản Hán Nôm. Ảnh: NICOLAS CORNETRất nhiều nơi cần nghiên cứu Hán NômThật vậy, không thể nại cớ đặc thù này nọ để phản đối sáp nhập, vì với xã hội thì ngành học nào cũng quan trọng, tư liệu nào cũng quan trọng. Nếu như VHN có ý kiến cho rằng việc nghiên cứu Hán Nôm là gắn với khối tư liệu cổ, là công việc đặc thù, cần có cơ chế riêng thì tôi nghĩ cạn rằng cần phải lập thêm một Viện Nghiên cứu quốc ngữ Latin cổ, làm thư viện riêng cho những tư liệu đặc biệt này, vì chữ quốc ngữ thời kỳ ban sơ (khoảng 1620) đến khoảng năm 1900 cũng rất nhiều, cũng cần thâu thập từ nhiều nơi và cũng khó đọc, cần nghiên cứu giải mã. Nói vậy để dễ hình dung, tư liệu Hán Nôm hay tư liệu quốc ngữ Latin cổ, và thật ra là tư liệu nào cũng vậy, đều có đặc thù riêng, nên không thể viện cớ mình tôi đặc thù được.Tương tự, cho rằng tư liệu Hán Nôm không chỉ phản ánh quá trình hình thành tiếng Việt hiện nay (thuộc ngôn ngữ học) mà trải rộng nhiều lĩnh vực, từ lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hóa... nên phải có cơ chế và viện nghiên cứu riêng, cũng không ổn. Thật ra, quan niệm như trên và việc gom Hán Nôm vào một mối vô tình đã làm suy yếu các chuyên ngành sử địa văn triết suốt mấy chục năm qua.Thí dụ cụ thể, các chuyên gia sử học thời nay thiếu món vũ khí cơ bản và rất lợi hại là Hán Nôm, chỉ làm việc trên bản dịch Việt ngữ, nhiều sai lầm sơ suất từ bản dịch cũ của các học giả mấy chục năm trước vẫn được dẫn dụng vào những công trình lịch sử hiện nay. Cho nên, nếu tư liệu Hán Nôm liên quan đến lịch sử chẳng hạn thì cứ để cho nhà nghiên cứu sử tự xử, tức là họ phải tự đào luyện môn Hán Nôm nếu muốn nghiên cứu bài bản.Một lớp học tại tư gia ở Việt Nam vào khoảng năm 1895. Ảnh: Paul Armand RousseauThí dụ khác sát sườn về mặt ứng dụng, đa số bảo tàng hay thư viện cấp tỉnh hiện đều thiếu chuyên gia Hán Nôm, đây là một khiếm khuyết rất khó chấp nhận trong công tác thực tiễn "bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc", chuyên gia ở bảo tàng chú thích hiện vật cổ không xong, đi điều tra di tích thì lờ mờ, sao gọi là hoàn thành nhiệm vụ được. Từ thực tế trên, nếu muốn đổi mới thì nay phải xoay ngược, không gom Hán Nôm vào một mối mà phải rải nó ra, tức phải giao hay buộc các ngành văn, sử, triết, văn hóa, các cơ quan bảo tàng thư viện tự xử lý tư liệu Hán Nôm liên quan đến ngành/lĩnh vực của họ. Sau 5 năm sẽ có thể tự tin về mặt bằng trình độ Hán Nôm trong nghiên cứu và ứng dụng. Thời Xuân Thu (771-476 TCN) thư viện là lền khên những bó thẻ tre (trúc giản) và những cuộn vải bố gai, nên thường gọi là Trúc Tố Viên (Vườn chứa thẻ tre và vải bố), Lý Nhĩ (quen thuộc với tên Lão Tử) được giao giữ kho sách nước Sở, có thể coi là giám đốc thư viện đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Lý Nhĩ vừa là giám đốc, vừa là quản thủ, vừa là độc giả, qua mấy chục năm hỏng rõ, một hôm lên lưng trâu bỏ đi. Qua đồn biên phòng kia, lính canh nói: "Ông đọc quá trời sách mà hỏng để lại gì, uổng". Lý Nhĩ dừng trâu mấy ngày, viết một bó được hơn 5.000 chữ, đưa anh lính, rồi đi mất. Đây là truyền thuyết về sự xuất hiện Đạo đức kinh, tác phẩm triết học nền tảng của mấy nghìn năm văn hóa Trung Quốc. Chuyện dật sự, hỏng biết trúng trật ra sao, giang hồ dựa vô đó bàn nhảm rằng sách vở nhiều ít hay để ở đâu không quan trọng, người đọc nhiều ít hay gần sách xa sách cũng không quan trọng, thâu hoạch từ sách vở nhiều ít cũng không quan trọng luôn. Tuy nhiên, trong Đạo đức kinh có câu: "Không đề cao giá trị đồ quý thì người ta không trộm cướp", hay là ý Lão Tử - từ kinh nghiệm quản thư - muốn nói rằng "sách nào cũng làng nhàng vậy thôi, ai đọc mà chẳng được", cho đỡ mất công canh giữ. Nghiên cứu viên ở VHN vẫn nghiên cứu bình thường theo quy chế phòng ban của TVQG, hoặc về những viện văn sử triết, hoặc về những viện, trung tâm nghiên cứu cùng ngành thuộc các đại học. Với lực lượng trí tuệ tinh hoa từ VHN hiện nay, chắc chắn bộ phận nghiên cứu Hán Nôm thuộc các đại học sẽ phát triển mạnh chỉ sau vài niên khóa.Nói tình thiệt, với ông viện trưởng VHN Nguyễn Tuấn Cường, đẳng cấp thuộc bình diện quốc tế, những công trình ông làm ra cho dù đề tên không gắn chức danh hay học vị thì giới nghiên cứu cũng săn đọc ầm ầm. Để một người như vậy nay phải lo giải trình vụ mất mớ sách này, mai lại phải báo cáo vụ mớ sách nọ lạc đâu đó trong kho, thiệt lòng tui thấy rất áy náy. Càng thấy phải nên tách rời việc quản lý di sản Hán Nôm khỏi công việc nghiên cứu.Gom lại rồi làm gì nữaDi sản Hán Nôm hiện lưu trữ nhiều nơi, nhiều nhất là ở thư viện VHN, với số sách cổ mang tính tổng hợp; thư viện Viện Sử học với số sách chuyên ngành sử địa; thư viện Viện Thông tin với nhiều tư liệu do EFEO sưu tập (và số lượng lớn sách Hán văn xuất bản ở Trung Quốc); Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, với số Châu bản triều Nguyễn (công văn lưu trữ của 6 bộ, Cơ mật viện, Nội các bí thư sở…), Địa bạ (ghi chép hiện trạng địa giới và ruộng đất từng thôn toàn quốc)...; ở thư viện nhiều trường đại học; thư viện các tỉnh thành trong nước; và ở vài thư viện hải ngoại.Nếu như TVQG quản lý 2 kho đã nói trên, coi như thống nhất được nguồn tư liệu Hán Nôm quan trọng. Còn kho Hán Nôm ở Cục Văn thư và Lưu trữ lại có vẻ chưa ổn về mặt phục vụ nghiên cứu, như số Châu bản triều Nguyễn vốn là tư liệu chi tiết hơn bộ Đại Nam thực lục (đã dịch từ lâu), cung cấp nhiều tư liệu trong nghiên cứu sử, bao chục năm qua cơ quan này chỉ tuyển dịch được vài tập ít ỏi, bản gốc thì cố thủ không cho lưu hành, vài trường hợp người nghiên cứu và cả các hội sử địa phương muốn sao chụp phải tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc.Nói về quyền tiếp cận, khai thác và trách nhiệm phục vụ đối với tư liệu Hán Nôm và các ngôn ngữ khác trong lịch sử, thiết nghĩ Nhà nước cần có quy chế cụ thể rõ ràng hơn, tránh tình trạng cơ quan quản lý nại lý do "nhạy cảm" (mà chẳng biết nhạy cảm chuyện gì) để thủ lợi. Nói cụ thể là, địa bạ các thôn xã trong lịch sử 200 năm trước thì có gì mà nhạy cảm, còn Châu bản là công văn thể hiện việc điều hành, quản lý hành chánh hồi chế độ quân chủ vốn chỉ có giá trị trong nghiên cứu lịch sử, Cục Văn thư và lưu trữ (thuộc Bộ Nội vụ) quản lý khối tư liệu này có thể hợp lý về mặt kế thừa văn khố nhà nước, nhưng chúng cần được số hóa và phổ biến cho giới nghiên cứu, như cho các tỉnh thành liên quan tìm hiểu để biên soạn lịch sử địa phương chẳng hạn. Trên nền tảng số liên thông, việc Cục Văn thư và lưu trữ chuyển giao qua lại với TVQG và thư viện các tỉnh thành trong nước chẳng qua chỉ là một phát bấm nút bàn phím, tiết kiệm được bao nhiêu là tiền của.Nơi nào giữ sách, giữ tư liệu chỉ là bước đầu hướng đến tính hợp lý, hợp pháp, nhằm tinh gọn trong công tác bảo tồn di sản, còn việc cấp thiết hơn là Nhà nước phải có chủ trương căn cơ bài bản nhằm phát huy được những giá trị quý giá đang lưu giữ.■ Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Tinh gọn bộ máy Tiếp theo Tags: Di sản Hán NômTinh gọn bộ máyViện Hán NômHán NômPHẠM HOÀNG QUÂN
Pháp luật tạo hành lang phát triển công nghệ Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 02/01/2025 1491 từ
Đội hình tuyển Việt Nam đấu Thái Lan: Xuân Son, Đình Triệu đá chính; Hoàng Đức đội trưởng HOÀNG TÙNG 02/01/2025 HLV Kim Sang Sik tung ra sân đội hình mạnh nhất đấu Thái Lan với át chủ bài Nguyễn Xuân Son.
Tạm giữ cựu tuyển thủ Lê Sỹ Mạnh vụ đá, đấm trọng tài VFF ĐAN THUẦN 02/01/2025 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Tân Bình đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Lê Sỹ Mạnh (cựu tuyển thủ).
Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung TP.HCM, mục tiêu đưa 5 huyện vùng ven lên thành phố TIẾN LONG 02/01/2025 Quy hoạch chung xác định TP.HCM là đô thị đặc biệt, gồm đô thị trung tâm, 6 đô thị trực thuộc là TP Thủ Đức và 5 đô thị vệ tinh nâng cấp lên thành phố.
Tỉ phú Gerard Williams kiện 3 YouTuber tội phỉ báng liên quan đến vụ kiện Đàm Vĩnh Hưng HOÀI PHƯƠNG 02/01/2025 Ba YouTuber bị ông Gerard Williams kiện gồm D.P., T.T.Đ. và N.T. về tội phỉ báng, đòi bồi thường với số tiền nằm trong phạm vi thẩm quyền của tòa án quyết định.